“Ớt chín cây người ta còn hái
Bậu lỡ thời như nhái lột da”
Người ta đi bắt nhái để dành móc mồi giăng câu hay cắm câu để bắt cá lóc. Bên cạnh đó là sự cải thiện thức ăn cho gia đình. Theo lời ba vợ tôi kể, hồi nẳm ông còn thanh niên, ở quê, người ta chuyên canh tác, trồng lúa mùa, bụi nở, lá lên cao theo con nước. Không như bây giờ có các giống lúa ngắn ngày. Sau khi sạ lúa mùa vào tháng 4-5 âm lịch, những bụi lúa cao to thường là mọc trên những gò đất cao hơn mặt ruộng.
Nhái hay đến những gò đất này tìm bắt côn trùng. Người ta dùng một thanh tre dài khoảng 1m đến 1,50m, một cái giỏ tre có nắp đậy, máng trên vai thì có thể bắt nhái được rồi. Dùng cây tre quơ qua quơ lại trên ngọn lúa, nhái sợ nhảy sang bụi lúa khác. Khi nhái đáp xuống, tất nhiên các lá lúa di động, theo đó mà ngồi xuống vạch tìm bắt cho vào giỏ. Hay dùng bàn chân đùa bụi lúa sang trái, sang phải, phát hiện những chú nhái nằm dưới gốc bụi lúa.
Có mấy loại nhái như: nhái bầu, nhái cơm, nhái bén (nhái bén thân hình quá nhỏ, người ta dùng làm mồi móc câu). Nhái sau khi bắt về, cắt cổ, lột da, kéo từ trên phần cổ kéo xuống. Thân nhái màu trắng trong, có vị tanh. Nhái được chế biến nhiều món ăn ngon như: nhái om (um) với lá lốt, lá nhàu. Nhái nấu canh với đọt lá cây chùm ruột với tiêu sọ, ớt hiểm. Hay món nhái chiên nước mắm, ăn kèm với củ sả, chuối chát, rau răm, củ gừng xắt chỉ.
Ngoài ra, nhái còn được xào với măng tre, vì trong tháng mùa mưa, ở quê tre bắt đầu mọc măng rất nhiều. Món mà tôi thích nhất lại là nhái xào sả ớt. Sau này có giống lúa thần nông ngắn ngày,lúa mùa không còn được chuộng vì thời gian trồng dài và năng suất không cao. Đây cũng ảnh hưởng đến công việc bắt nhái, vì không thể nào dùng cây quơ trên lá lúa hay lùa bàn chân lùa. Làm vậy sẽ ảnh hưởng đến cây lúa bị chết, cho nên khi vào tháng 4-5 âm lịch, người dân dẫn nước vào ruộng để nuôi cây lúa.
Lũ nhái di cư vào vườn trồng cây ăn trái. Khi trời chạng vạng,sụp tối hay sau đám mưa là thời điểm tốt nhất để đi soi nhái. Vì vậy, người ta có câu hát mượn khung cảnh trời mưa và đặc tính của nhái bắt cặp nhau kêu mà ví với thân phận những ai sớm góa bụa: “Trời mưa ếch nhái uênh oang Thương ai gãy gánh giữa đàng quạnh hiu”. Nhà nào hơi khá, có được chiếc đèn manchon thì tuyệt vời cho việc phát hiện lũ nhái từ ánh sáng cực kỳ sáng của nó so với ánh sáng đèn dầu.
Thời đó, chưa có đèn pin, bình ắc quy. Ai nhà nghèo dùng một chiếc đèn bão, loại đèn bằng thiết, ống khói bằng thủy tinh có đường kính lớn, phía trên là phần nắp, khoan những lỗ nhỏ bên hông theo vành tròn để hơi thoát ra. Phần trên là miếng thiết tròn liền che mưa gió được gắn cái quay bằng dây kẽm loại lớn để cầm. Chỉ lắng tai nghe tiếng lũ nhái kêu èo… ẹo… đưa ánh đèn về hướng đó sẽ bắt gặp chúng đang bắt cặp nhau làm tình. Lúc này, chỉ cần dùng bàn tay chộp bắt cả hai cho vào giỏ.
Ông bà ta có ca dao, ám chỉ mệnh số của chúng vào mùa mưa như: “Trời mưa cóc nhái chết sầu/ Chàng hiu đi hỏi lắc đầu hỏng ưng”. Chàng hiu là một loại cùng họ với nhái, nhưng chân chúng dài hơn và mình có màu xanh và sọc giữa lưng màu nâu đen, loại này người ta không ăn. Sau khi về lựa ra, vì nhái đực nhỏ con hơn nhái cái.
Người ta còn một mùa bắt nhái trong năm là vào dịp tháng 8 âm lịch, nước lên cao trên ruộng, nhái dạt vào vườn tìm kế mưu sinh. Khi nghe tiếng bước chân người, chúng liền nhảy xuống ao, núp dưới các bụi cỏ cặp bờ hay giề bọt nước. Lúc này, chỉ cần dùng chiếc vợt lưới xúc ngay những vị trí đó thì dính không sẩy một con nào cả.
Sau những năm 80, nhái ít dần, một phần do môi trường sinh sống bị nhiễm thuốc hóa học, một phần do không gian sống đã bị hạn chế, nhất là do tình trạng dân số phát triển tăng vọt, nhu cầu thực phẩm đòi hỏi. Bên cạnh đó, thịt nhái không còn là món ăn dân dã của người nghèo ở nông thôn nữa mà đã trở thành thú thưởng thức ẩm thực ngon cho người thành phố. Khỏi phải nói, tất nhiên giá cả cũng cao.
Tôi có được hạnh phúc hơn những người khác trong việc thưởng thức ẩm thực là vì mình làm rể người Khmer Đồng bằng Nam bộ, nên được thưởng thức thêm một món ăn ngon từ thịt nhái, đó là món khô nhái. Có thể nói đây là món đặc sản độc đáo của người Khmer Nam bộ. Nói tiếng là món ăn của người Khmer, chứ thật ra người Việt cũng rất chuộng món này.
Rất đơn giản khi chế biến, chỉ cần nướng những con khô nhái đã được ướp gia vị vừa miệng lên ngọn lửa than, mùi thơm theo khói bay ập vào mũi, kích thích vị giác nghe thèm ăn và cảm thấy bụng cồn cào đói. Hay cho lên chảo mỡ chiên giòn thì có được bữa cơm gia đình ngon miệng.
Tuyệt trần nhất là với dân nhậu, khi tiết trời ui ui mưa, se lành lạnh, ngồi nhai từng miếng thịt khô nhái chiên giòn. Nhai cả xương nghe rào rạo trong răng mới là thú, nhấp thêm một hớp rượu đế nấu bằng gạo nữa, vị mặn, ngọt, thơm, giòn của thịt hòa huyện vị thơm cay của rượu chạy qua cuống họng, trôi dần… trôi dần… ghé đến đâu nóng đến đó rồi lọt thỏm xuống bao tử… Người thưởng thức thở ra cái khè, vỗ bàn tay xuống đùi cái bẹp.
Ôi thật sảng khoái tuyệt trần! Ngày mưa được ngồi ăn khô nhái với rượu đế, đây mới xứng với các nhà kinh doanh ví khách hàng là Thượng đế. Nhưng nói cho mà nghe, giá khô bây giờ không có rẻ lắm đâu. Tại các chợ, 1kg nhái khô có giá từ 500.000 đồng trở lên, nhưng tôi nghĩ món ngon như vậy, ăn cũng đáng.
Con nhái đã gắn bó lâu đời với ông bà ta qua những câu ca dao, hò, đối đáp trong những ngày đầu đi khai hoang mở đất. Chẳng hạn như khi cô gái để ý chàng trai,muốn ướm lời dò hỏi hoàn cảnh hôn nhân: “Chú kia còn vợ chú đâu/ Chú đi bắt nhái cắm câu một mình”. Hay cô gái ở bên sông này để ý thương chàng bên kia sông, nhớ thương mong ngóng mà không có điều kiện gặp nhau: “Gọi đò chẳng thấy đò sang/ Buộc lưng con nhái đến chàng đưa tin”. Nhưng tệ nhất là đối với những ai nhút nhát, gặp phải gái thì… “Mặt xanh như đít nhái”.
Huỳnh Duy Lộc / Theo: doanhnhanplus
No comments:
Post a Comment