Sunday, July 7, 2019

CHINA TOUR 2019 - DAY 6: THỦY LIÊM ĐỘNG (水簾洞) - CỬU KHÚC KHÊ (九曲溪)


Chiều hôm qua chúng tôi đã ngồi xe lửa tốc hành xuống đến Vũ Di Sơn (武夷山), một nơi mà người dân Phúc Kiến rất tự hào được mệnh danh là "Phúc Kiến đệ nhất sơn"
Khu thắng cảnh Vũ Di Sơn nằm ở thành phố Vũ Di Sơn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Thắng cảnh này là một phần quan trọng của Dãy núi Vũ Di được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Đây cũng là một trong số ít đô thị tại Trung Quốc thúc đẩy phát triển kinh tế kèm với du lịch bền vững.                       
Vũ Di Sơn không phải là một ngọn núi độc lập mà là dãy các đồi thấp kiểu Địa mạo Đan Hà điển hình. Đỉnh chính của dãy núi là Hoàng Cương Sơn cao 2158 mét, là đỉnh cao nhất Đông Trung Quốc. Tại đây có một con sông chảy về phía đông tạo thành những khúc cua uốn lượn.                                                           
Nơi đây được định cư từ thời đại đồ đồng có thể thấy qua dấu tích tại Vũ Di Sơn Nhai Mộ Quần. Vào thời nhà Tây Hán, Hán Vũ Đế đã gửi sứ thần đến đây để lập bàn thờ để thờ thần núi Vũ Di Quân. Tên của dãy núi được đặt theo tên đó.
Núi Vũ Di hoàn toàn không có dấu tích xây dựng của con người, tất cả đều do thiên nhiên ban tặng. Khu thắng cảnh núi Vũ Di dài 60 km, nổi tiếng bởi địa thế của vùng đất Đan Hạ, xung quanh bao bọc bởi núi và nước, có nhiều đỉnh núi có hình thù kỳ quái, được gọi là "Tam tam, lục lục". "Tam tam" nghĩa là 3x3=9, chín khe suối nước trong xanh. 6x6=36, 36 đỉnh núi cao chọc trời. Trong đó, nổi tiếng nhất là đỉnh Đại Vương, đỉnh Ngọc Nữ và đỉnh Thiên Du... Thế núi đa dạng và phong phú.  (Theo Wikipedia)
Có một chuyện thú vị mà ít có hoặc chưa có một tài liệu nào nói về địa phương này: Vũ Di Sơn có rất nhiều rắn và bình quân thì mỗi thước vuông đất ở đây cò tới 2 con rắn, đó là chưa kể rít, nhện, các loại côn trùng và nhất là muỗi. Chiều hôm qua anh chàng đẫn đoàn nói cho chúng tôi biết đây là đặc sản nhiều nhất và nổi tiếng nhất cho tới nó trở thành một biểu tượng của tỉnh Phúc Kiến. Anh ta hỏi chúng tôi có biết vì sao không? Chúng tôi thì chưa biết qua, anh ta nói tiếp ngày xưa tỉnh Phúc Kiến có tên cổ là Mân (閩). Chữ Mân trong tiếng Hoa là chiết tự của chữ môn (門) và chữ trùng (虫) cho thấy từ ngàn xưa người ta đã biết nơi này có rất nhiều côn trùng rắn rít (蛇虫鼠蚁 xà trùng thử nghị) ngay cả trong nhà cũng có.
Chữ Mân (閩) cổ tượng hình, có hình con rắn con rít bên trong

Sáng hôm nay chúng tôi được xe đưa vào khu quần thể công viên Vũ Di Sơn, nơi này rất rộng và gần như tập trung những cảnh điểm đẹp nhất. Nó có nhiều cửa vào và buổi sáng này chúng tôi sẽ vào tham quan "Thủy Liêm Động" (水簾洞) ở cửa phía Bắc.



Cái tên Thủy Liêm động nghe có vẻ quen tai phải không? Nó là tên chổ ở của Tôn Ngộ Không nhưng chổ đó không phải là nơi này mà chỉ trùng tên. Khu công viên này rộng lắm, một con đường tráng xi măng rộng rãi dẫn du khách đi lòng vòng trên núi. Hôm nay ít người chỉ có đám chúng tôi có lẽ vì còn sớm. Đường khá dài , chúng tôi gặp một con thác nhỏ, anh dẫn đoàn nói chưa đến đâu, thác lớn ở trên núi. Đến chân núi thì không ai muốn lên nữa, đa số đều đi trở xuống dưới chụp hình, chỉ có vợ chồng tôi và khoảng 4 người đi chung tiếp bước.


Đường lên núi rất dốc nhưng đều được xây bậc thang và có nhiều băng đá. Gần như họ trồng trà ở trên núi, ở bất cứ chỗ nào có thề trồng và cắt tỉa nên trông rất đẹp như một đồi trà vì đây là nơi sản xuất trà nổi tiếng. Lên gần trên đỉnh có một khu đất phẳng rất rộng tạo thành một công viên nhỏ và khu nhà vệ sinh, có một quán giải khác mà người bán nuôi (?) rất nhiều chim bồ câu và họ bán cả mồi cho chim ăn để du khách dụ chim đáp xuống để chụp ảnh. Chúng tôi đã trông thấy con thác rất cao nên tiếp tục đi lên. Nước chảy xuống không nhiều như chúng tôi tưởng nhưng nó rất cao, ở lưng chừng thác người ta xây một ngôi chùa. Thấy đẹp nhưng vợ chồng tôi chỉ chụp vài tấm ảnh rồi quay trở xuống vì không leo nổi nữa rồi.



Lúc chúng tôi trở xuống thì thấy có rất nhiều người đang leo lên. Xuống tới dưới anh dẫn đoàn vẫn còn ở đây đợi chúng tôi, anh nói mọi người đã ra ngoài khu đậu xe đợi chúng tôi. Vậy là xong buổi sáng, chúng tôi đi ăn trưa.. Trong lúc ăn trưa, anh dẫn đoàn nói buổi chiều sẽ đến thăm "Cửu khúc khê".


Trước khi đi tôi có tìm tài liệu về Cửu Khúc khê nhưng không có nhiều chỉ có tấm ảnh, tôi chỉ nghĩ là một dòng suối với một địa danh là Cửu Khúc. Xe dừng lại trước một khu vực rất rộng có nhiều cây cảnh và một cổng vào thật cao với 3 chữ Vũ Di Sơn thật to. Chúng tôi xuống xe đi vào và chờ anh đẫn viên đi lấy vé. Ở Trung Quốc tất cả các cảnh điểm đều có thu phí vào cửa ngoại trừ công viên. Bên ngoài đã đông vào bên trong mới biết còn đông hơn nữa, chúng tôi phải sắp hàng và chờ cũng lâu mới tới lượt mình xuống bến. Trước khi đến lượt thì anh dẫn viên đã xếp chia chúng tôi thành từng nhóm 6 người.


Khi xuống bến đò thì thấy có rất nhiều bè đậu dài theo bến. Chiếc bè bằng mấy cây tre già ghép lại rồi 2 chiếc bè mới nối kết vào nhau và có 6 chổ ngồi. Tôi đã có ngồi qua loại bè này rồi lúc đi Quế Lâm mấy năm trước nhưng nhìn thấy con suối (khê) thì nó quá rộng và nước chảy rất nhanh chứ không lững lờ trôi như sông Ly ở Quế Lâm làm lòng cũng lo lo vì tôi không biết bơi. Khi bước lên bè, hai anh thanh niên lái bè phát mỗi người một cái áo phao an toàn cho chúng tôi mặc vào.


Hai anh chàng này mỗi người cầm một thanh tre rất dài để chống, để đẩy và điều khiển chiếc bè. Ngồi trên bè vừa hồi hộp nhưng rất thú vị. hai bên là vách núi và con suối thì rất lòng vòng cho nên phải chèo quanh co theo mấy khúc suối, qua mỗi khúc là có một ghềnh có cái to, có cái nhỏ và khi chiếc bè nhấp qua ghềnh, nước văng tung tóe, có khi như lao đầu vào vách núi. Có khi nước chảy siết quá nhanh mấy chiếc bè lại đụng vào nhau làm mọi người vừa lo vừa thích thú.


Khung cảnh 2 bên thật tuyệt với những ngọn núi như Đai Vương, Ngọc Nữ,..và nhất là làm các bạn phải cười với lời thuyết minh khôi hài của anh chèo bè làm mọi người cười nghiêng ngã, tôi cũng cười ké vì không hiểu tiếng Quan Thoại, phải hỏi bà xã nó nói cái gì vậy. Hôm nay trời thật tốt, nắng gay rắt nhưng ngồi trên sông nước nên vẫn thấy mát. Dòng suối chảy rất xiết nhưng có rất nhiều cá. Lúc vào cổng khi nãy có rất nhiều người ngồi bán thức ăn cho cá, tôi không biết để làm gì nhưng thấy rẻ và còn mấy đồng tiền cắc nên mua một bao đem theo. Nước không trong nhưng mỗi khi liệng thức ăn xuống suối thì đàn cá nhảy lên đớp mồi làm nước văng lên tung tóe, mấy con cá không lớn nhưng rất nhiều.


Đúng là có 9 khúc vì qua mỗi khúc là có mấy chữ Hoa thật to vẽ trên vách núi cho biết đang qua khúc thứ mấy, quanh co như vậy chớ cũng gần 2 tiếng, rồi bè quẹo vào một khúc quanh và cặp vào bến. Bà xã hỏi thì anh chèo bè cho biết sau khi đưa chúng tôi lên bến, bè sẽ được lái vào phía bên trong, được kéo lên bờ và có xe chở tất cả các bè về nơi khởi điểm và như vậy lại thẹo dòng nước mà đưa khách trở xuống. Hôm nay bản thân tôi có một trải nghiệm thật thú vị vì dám ngồi trên một chiếc bè mong manh trên một đoạn đường dài mà bản thân không biết lội.



Phía trên bến là một khu công viên rất rộng có rất nhiều hàng quán bán thức ăn và đồ mỹ nghệ nhưng chúng tôi không có thời gian nhiều vì còn phải qua một cảnh điểm nổi tiếng khác là "Đại Hồng Bào". Trời bổng dưng đổ mưa làm cho con đường lên núi thêm khó khăn vì con đường ở đây nhỏ và dốc rất cao. Thật ra nơi này là một vườn trà vì họ làm thành từng khu vực với mỗi khu như vậy có một giống trà và một nơi mà ai cũng muốn đến xem là mấy cây trà cổ thụ Đại Hồng Bào mọc cheo leo trên vách núi mà một năm chỉ có thể sản xuất ra khoảng vài trăm gram trà "Đại Hồng Bào" cho nên giá của nó mắc hơn vàng 30 lần.

Trên đường về chúng tôi ghé lại một công ty bán trà, được giới thiệu cách ủ và rang trà, được mời uống nhiều loại trà và cũng được mời mua trà. Một số bạn đồng hành mua, tôi chẳng mua gì hết vì lần đi năm ngoái ở Hàng Châu chúng tôi mua rất nhiều trà xanh Long Tỉnh và "Mã Lấu Miết".


Ăn cơm tối xong chúng tôi về khách sạn. Khách sạn chúng tôi ở cũng gần chợ nó không có lầu cao mà chỉ 2 tầng theo kiểu resort. Ra trước là có một tầm ngắm thật đẹp của ngọn núi Thiên Du và Ngọc Nữ. Chúng tôi về phòng để đồ xuống và hẹn nhau 15 phút sau tập họp lại ở lobby nếu ai muốn đi chợ. Chợ đêm ở Vũ Di Sơn cũng náo nhiệt lắm, đa số là các gian hàng ẩm thực và gần như đâu đâu cũng có bày trà mang hiệu "Đại Hồng Bào" nhưng chúng tôi chỉ nhìn chứ không hỏi vì biết không phải là hàng thật nên chỉ mua trái cây rồi về lại khách sạn

(còn tiếp)
LKH