Bên cạnh Krishnamurti, ông Osho – một bậc thầy tâm linh người Ấn Độ (1931-1990) – thậm chí còn nhấn mạnh rằng toàn bộ lịch sử của nhân loại là chống lại mọi cá nhân con người.
Nói theo nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry, Osho đã kết án mạnh mẽ “Cái Máy Dập” đã đóng khuôn mọi cá nhân trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, khiến cho mọi đứa trẻ đều khó có cơ hội để trưởng thành đúng với bản thân mình.
Mời các bạn cùng đọc vài đoạn trích liên quan, ở các chương IX và X trong tác phẩm “Âm thanh của im lặng: Kim cương trong hoa sen” (Om Mani Padme Hum, The sound of silence: The diamond in the lotus) của ông:
“… Cũng tốt là hoa không nghe các thầy giáo của bạn và những lãnh tụ của bạn, và các chính khách của bạn. Bằng không, họ sẽ nói với hoa hồng: “Các anh đang làm gì vậy? Hãy trở thành hoa sen đi!”. Hoa hồng không ngu thế. Nhưng nếu chỉ với mục đích biện luận, hoa hồng bắt đầu cố gắng trở thành hoa sen, thì điều gì sẽ xảy ra?
Hai điều sau là chắc chắn. Thứ nhất, sẽ không có hoa hồng, bởi vì toàn bộ năng lượng của nó được đem dùng vào việc trở thành hoa sen. Và thứ hai, bụi hoa hồng không thể nào tạo ra được hoa sen. Điều đó không có trong chương trình dựng sẵn của hạt mầm của nó.
Bạn đã bao giờ bắt gặp cái cây mà bạn có thể nói nó là ngốc được không? Hay nói nó rất thông minh, cây khổng lồ vĩ đại, xứng đáng giải thưởng Nobel? Con người đã bị phân tán. Mọi người, từ bố mẹ bạn tới thầy cô giáo của bạn, trường phổ thông, cao đẳng, đại học, tôn giáo của bạn, các nhà thuyết giảng của bạn, hàng xóm của bạn – mọi người đều đang cố gắng làm cho bạn thành ai đó khác mà bạn không thể trở thành được. Bạn chỉ có thể trở thành bản thân mình, hay bạn có thể bỏ lỡ việc trở thành ấy – chỉ là kẻ ngốc. Tôi gọi toàn bộ lịch sử nầy của nhân loại là một tội lỗi dài, không biện minh được, chống lại mọi cá nhân con người…
… Ngay từ thời thơ ấu, mọi người đều bị kết án. Bất kỳ điều gì người đó nói, bất kỳ người đó làm đều không bao giờ đúng cả. Một cách tự nhiên, người đó trở nên sợ việc nói bất cứ cái gì, hay làm bất kỳ cái gì theo cách riêng của mình. Người đó được khen ngợi nếu người đó tuân theo những quy tắc và quy định do người khác làm ra. Mọi người đều ca ngợi người đó. Đây là chiến lược kết án con người, nếu người đó cố gắng đứng trên đôi chân riêng của mình, và ca ngợi con người, nếu người đó chỉ là kẻ bắt chước. Một cách tự nhiên, hạt mầm bên trong của con người đó, tiềm năng của con người đó, sẽ không bao giờ có cơ hội phát triển…
… Trẻ con là hồn nhiên. Chúng tới thế giới nầy mà không có ý tưởng về điều gì sẽ xảy ra. Một cách tự nhiên, thấy mọi người bao quanh bản thân mình, chúng bắt đầu bắt chước họ. Đó là cách học của chúng. Nhưng trong chính tiến trình bắt chước và học hỏi ấy đã xảy ra sai lầm lớn mà nhà khoa học Julian Huxley cho là di truyền. Nó không phải là di truyền, nó là văn hoá. Nó là vì sự trưởng thành. Đứa trẻ không có cách khác: nó phải học từ những người ốm yếu. Và những người ốm yếu nầy sẽ không dung thứ cho bất kỳ ai không ốm yếu.
Bất kỳ ai mạnh khoẻ, bất kỳ ai lành mạnh đều sẽ bị ghét, đều sẽ bị đầu độc, đều sẽ bị ném đá đến chết, bởi vì đám đông phải chọn giữa hai điều: hoặc là riêng cá nhân là đúng – thế thì toàn thể đám đông và toàn thể lịch sử của nó là sai. Hoặc nếu toàn thể đám đông và quá khứ lâu dài của nó, mà nó gọi là “quá khứ vàng son”, là đúng, thế thì người nầy phải bị xoá đi, bằng không đó sẽ là dấu hỏi thường xuyên…”
(Sưu tầm trên mạng)
No comments:
Post a Comment