Thursday, July 18, 2019

170 NĂM GIẤC MƠ CALIFORNIA

Ngày 24 tháng 1 năm 1848, cục vàng đầu tiên tình cờ được tìm thấy tại con sông American River ở California. Sự kiện này đồng thời cũng là nguyên nhân của “Giấc mơ California”.


Năm 1836, Johann August Sutter, một thương nhân xuất thân từ một ngôi làng nhỏ của Ðức, đến định cư tại California nhằm thành lập một trang trại phức hợp rộng lớn trên những ngọn đồi màu mỡ trong thung lũng Sacramento. Mười năm sau, trong lúc trang trại đang phát triển, Sutter xây dựng một xưởng cưa. Ông tuyển dụng James Marshall, một công nhân lưu động, để giám sát công việc. Buổi sáng ngày 24 tháng 1 năm 1848, trong lúc đào một đường rãnh để dẫn nước vào xưởng cưa, Marshall nhìn thấy vài cục kim loại màu… vàng.

Thế là Marshall chạy vào báo với Sutter. Sau khi mang đi thử nghiệm, Sutter và Marshall nhận được kết quả xác nhận đó là những cục vàng 23 cara, tức tương đương với 96% vàng. Khám phá tình cờ này là nguồn gốc của cuộc đổ xô đi tìm vàng trong lịch sử, đánh dấu sự ra đời của “Giấc mơ California”.

Tin đồn lan truyền, lan truyền…

Thau đãi vàng

Lúc đầu, e ngại dự án làm trang trại của mình sẽ bị ảnh hưởng bởi làn sóng người đổ xô đến tìm vàng, Sutter muốn giữ tin tìm được vàng càng kín càng tốt. Nhưng bất chấp những nỗ lực bưng bít của anh, tin đồn vẫn lan truyền với tốc độ cuồng nhiệt. Chỉ vài tuần sau khi phát hiện ra vàng, Samuel Brannan, nhà báo kiêm nhà kinh doanh, đi bộ trên đường phố California, miệng hét to: “Vàng! Vàng! Vàng! Có vàng trong dòng sông American River!”. Trong khi cầm cục vàng huơ huơ, anh đã gây được sự chú ý của New York Herald là tờ báo đầu tiên đưa tin về cuộc đổ xô tìm vàng ở California trong số ra ngày 19.08.1848.

Một người đang dùng thau đãi vàng.

Hai tháng trước đó, thủ hiến quân đội California, Ðại tá Mason, trong chuyến viếng thăm trang trại Sutter’s Fort, đã cảnh báo vị Tham mưu trưởng về những gì đang ngấm ngầm xảy ra ở California. Trong một báo cáo chi tiết, Ðại tá Mason giải thích: “Việc khám phá ra các mỏ vàng quan trọng này đã làm thay đổi hoàn toàn đặc tính của vùng thượng California. Người dân ở đây đã đổ xô đến các mỏ vàng hoặc đang làm điều đó. Giới công nhân thuộc các ngành nghề đã rời khỏi vị trí của họ, và các thương gia đóng cửa cửa tiệm; những thủy thủ rời bỏ tàu thuyền một khi tàu bỏ neo”. Kèm theo báo cáo gởi về Washington này của Ðại tá Mason, là vài mẫu vàng thô. Ngày 5 tháng 12 năm 1848, Tổng thống Hoa Kỳ James Polk xác nhận việc khám phá ra mỏ vàng ở California trong bài phát biểu tại Quốc hội Hoa Kỳ. Từ đó, cuộc đổ xô đi tìm vàng diễn ra với quy mô hoàn toàn mới.

Sự ra đời của một huyền thoại

Từ đầu năm 1849, một làn sóng người nhập cư mới, mà lúc bấy giờ được gọi là nhóm 49, bị mê hoặc bởi giấc mơ khám phá ra các mỏ vàng, đã đổ xô đến vùng bờ biển California. Năm 1848, Mễ Tây Cơ vừa mới buông bỏ vùng đất California sau cuộc chiến kéo dài 2 năm (1846-1848) với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, cho đến năm 1851, việc khai thác vàng tại California vẫn chưa được tổ chức theo quy chế chính thức nào. Luật ai tới trước chiếm chỗ trước là chuyện nghiễm nhiên. Các trang trại bị bỏ trống, vật nuôi tự do đi rong. Hàng loạt thủy thủ đến cảng San Francisco đã rời bỏ tàu trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.


Các nhà thám hiểm, giới thương nhân, thủy thủ, những người tò mò, thợ thuyền, doanh nhân tìm đủ mọi cách để tới hai bờ sông American River. Trong khoảng thời gian 8 năm, từ 1848 đến 1856, có 300,000 người đến đây thử thời vận với hy vọng trở thành giàu có và ít nhiều họ đã thành công. Theo ước tính của nhà sử học J.S. Holliday, những người thành công nhất, dù không nhiều lắm, thu tóm được số vàng tương đương với 1,000,000 đô la theo giá trị ngày nay. Trong những tháng đầu, ngay cả những ‘khu mỏ’ nghèo nhất cũng giúp 1 người khai thác trong 6 tháng, có mức thu nhập tương đương với 6 năm tiền lương 1 công nhân. “Giấc mơ California” đồng nghĩa với tham vọng làm giàu như nhà sử học Henry William Brands phân tích vào năm 2003: “Giấc mơ Mỹ cũ xưa… có nghĩa là đàn ông và phụ nữ hài lòng với tài sản khiêm tốn mà họ tích góp được từng chút một theo thời gian, năm này qua năm khác. Còn giấc mơ Mỹ mới là sự giàu có tức thì kiếm được trong nháy mắt với sự táo bạo và may mắn. Từ đó, giấc mơ vàng… đã trở thành một phần quan trọng của huyền thoại Mỹ”.

California, từ khu vực tự trị thành một tiểu bang chính thức

Một nhóm thợ đang tìm vàng thuở xưa.

Cuộc đổ xô tìm vàng đã làm đảo lộn một cách sâu sắc California, lãnh thổ do quân đội liên bang chiếm đóng kể từ sau khi cuộc chiến với Mễ Tây Cơ kết thúc mà không có một quy chế hành chính nào. Bằng tàu thuyền, xe ngựa hay đi bộ, lượng người nhập cư mới đến đây đã làm tăng cao dân số của San Francisco: từ con số 1,000 người năm 1848, dân số thành phố tăng lên xấp xỉ 25,000 người vào cuối năm 1849 và 150,000 năm 1870. Sự tăng trưởng dân số mạnh mẽ tất yếu dẫn đến việc xây dựng các nhà thờ, tòa nhà, đường phố, trường học. Cuộc đổ xô đi tìm vàng cũng giúp phát triển các phương tiện giao thông như tàu hơi nước và đường sắt. Ngoài ra còn mọc lên nhiều thành phố vệ tinh gần các mỏ vàng.


Sự thiếu vắng quy chế hành chính làm nảy sinh nhiều luật lệ mà các cư dân thuộc nhóm 49 phải tuân thủ, bao gồm những luật lệ cũ của Mễ Tây Cơ, các nguyên tắc cá nhân và các mệnh lệnh của quân đội liên bang Hoa Kỳ. Do đó, trong thời gian dài, khu mỏ kim loại quý này, một vùng đất khai thác và chiếm đóng, bị chi phối bởi nguyên tắc sở hữu mỏ vàng. Người khai thác không bị bắt buộc phải có giấy phép hay đóng thuế gì cả. Mãi đến năm 1866, Quốc hội Hoa Kỳ mới hợp pháp hóa mỏ vàng thông qua bộ luật Chaffee. Hình thức tự quản này đã làm nảy sinh nhiều sáng kiến chính trị: các thành phố ký ban hành các điều lệ, một hội đồng được thành lập nhằm soạn thảo Hiến pháp cho California và những người đại diện được bầu lên để thương thảo cho California trở thành một tiểu bang của Hoa Kỳ. Ngày 9 tháng 9 năm 1866, California được công nhận là tiểu bang thứ 31 của Hoa Kỳ.

Vết đen huyền thoại của “Giấc mơ California”

Toàn cảnh 2 bên bờ sông American River với nhà ở của thợ tìm vàng

Cuộc đổ xô đi tìm vàng cũng có mặt trái của nó. Người Mỹ bản địa, hay thổ dân, bị đẩy ra khỏi vùng đất sinh sống từ bấy lâu nay của họ. Cuộc sống bị đảo lộn khiến nhiều thổ dân bị chết đói và nhiều người khác bị tàn sát bởi những người mới đến. Từ con số 150,000 thổ dân vào năm 1845, giảm xuống còn 30,000 người vào năm 1870. Tỷ lệ tử vong và tội phạm trong nhóm những người di cư 49 cũng rất cao: 1/12 người chết trong cuộc đổ xô tìm vàng. Những người tìm vàng đầu tiên gốc Trung Hoa và châu Mỹ La tinh bị đuổi ra khỏi mỏ vàng vì lợi ích của người khai thác Mỹ và châu Âu. Trong tác phẩm “Life Amongst The Modocs” (1873), nhà văn, nhà thơ Joaquin Miller đã kể lại cuộc sống hàng ngày tại các mỏ vàng California cũng như trong các trại tị nạn của người Mỹ bản địa.

Và trong cuộc đổ xô đi tìm kim loại quý này, một số người tìm vàng chỉ gặp toàn là thất bại, thậm chí phá sản. Ðiều mỉa mai của câu chuyện là John Sutter, người sở hữu mỏ vàng đầu tiên, nơi những cục vàng đầu tiên được phát hiện, đã kết thúc cuộc đời trong sự cùng quẫn, thảm khốc cực độ. Sutter đầu tư dò tìm tại một mỏ vàng nhưng sản lượng quá ít nên bị vỡ nợ và bị đuổi ra khỏi trang trại. Năm 1864, Sutter lại thất bại trong việc nhận tiền bồi thường bị đuổi khỏi trang trại. Vào những ngày cuối đời, ông tâm sự: “Nếu vàng không được tình cờ tìm thấy ở California, có lẽ tôi đã trở thành người chủ trang trại giàu có nhất ở vùng Viễn Tây này”.

Đào Duy Hòa
Link tham khảo: