Trong xã hội ngày nay, người “hoa ngôn xảo ngữ”, bộ dạng giả tạo rất nhiều. Thậm chí, đó còn được xem là một loại kỹ năng sinh tồn, một kỹ năng để tranh danh đoạt lợi. Nhưng những người như vậy thật khó để có được sự tín nhiệm lâu dài của người khác. Thuận theo thời gian trôi qua, “cảnh còn người mất”, những người rồi sẽ có kết cục thế nào?
Những trường hợp như vậy trong lịch sử có rất nhiều, ví như nịnh thần Hòa Thân triều nhà Thanh. Hòa Thân được đánh giá là kiểu người có thủ đoạn “hoa ngôn xảo ngữ”, bộ dạng giả tạo. Những thủ đoạn này thực sự được Hòa Thân khai triển đến mức triệt để. Dựa vào sự tín nhiệm của Hoàng đế, Hòa Thân ra sức vơ vét của cải. Nhưng đến khi chỗ dựa vững chắc của ông ta – Hoàng đế Càn Long qua đời thì ông ta liền bị Hoàng đế Gia Khánh tuyên bố phạm hai mươi tội trạng, ban cho tự vẫn.
Khổng Tử nói: “Xảo ngôn loạn đức” (巧言乱德), ý tứ chính là những lời hoa ngôn xảo ngữ, không chân thật sẽ làm bại hoại đạo đức của con người. Người mà Khổng Tử không tán đồng nhất là người thường hay nói những lời xảo ngôn, ngụy biện. Ông cho rằng đó là hạng người có phẩm chất đạo đức không tốt, không thiện.
Nguyên tắc nói chuyện mà Khổng Tử đưa ra là “tuân tuân, tiện tiện, khản khản”, tức là lời một khi đã nói ra phải là lời thành thật, đĩnh đạc, cung kính, hòa nhã và cương trực.
Trong “Luận ngữ” có ghi chép lại rằng, lúc Khổng Tử ở quê nhà thì thái độ vô cùng khiêm tốn, thận trọng, nói chuyện cung kính và có lễ. Lúc ở tông miếu hay trong triều đình, ông lại nói một cách lưu loát, dễ hiểu. Khi nói chuyện với quan lại cấp thấp, Khổng Tử giữ thái độ bình tĩnh, ôn hòa và vui vẻ. Lúc nói chuyện với quan lại cấp cao, ông thường bẩm báo ngay thẳng và giữ vẻ mặt hài hòa, không lo không sợ.
Một lần, học trò Tử Trương hỏi thầy Khổng Tử về hành vi chuẩn tắc. Khổng Tử trả lời ngắn gọn rằng: “Ngôn trung tín, hành đốc kính”, tức là nói chuyện nhất định phải thành thật, không giả dối, không nói lời qua loa lấy lệ để tránh cho việc bất công, thiên lệch bị khuyếch đại. Hành vi phải trung hậu nghiêm túc, để ngăn ngừa việc phóng túng tà ác, tùy tiện làm bậy. Tử Trương nghe lời dạy bảo của Khổng Tử, trong tâm phi thường tin phục. Sau đó, Tử Trương đã viết sáu chữ này lên đai lưng để thường xuyên nhìn thấy và nhắc nhở bản thân mình làm theo.
Khổng Tử còn giảng: “Người quân tử coi việc nói nhiều làm ít là điều đáng hổ thẹn”.
Học trò Tử Cống từng hỏi thầy Khổng Tử làm như thế nào mới là người quân tử. Khổng Tử đáp: “Trước khi nói thì thực hành trước, sau đó dựa theo thực hành mà nói”.
Ông còn giảng thêm rằng: “Người thời cổ đại không dễ dàng nói ra lời, bởi vì họ cho rằng nói rồi mà không làm được là điều sỉ nhục, đáng hổ thẹn”.
Người có đức hạnh khi cùng người khác nói chuyện sẽ luôn giữ được sự đúng mực, thỏa đáng, lấy thành thật làm chuẩn tắc. Họ chỉ dùng lời nói làm sao để biểu đạt được ra ý nghĩ của bản thân là được rồi, không tận lực thể hiện mình. Khổng Tử xếp kiểu người nói ít giống như trì độn chậm chạp nhưng trong lời nói lại rất cẩn thận là người có khí chất quân tử nhất.
Tục ngữ nói: “Họa từ miệng mà ra”. Một viên ngọc bị sứt mẻ còn có thể thông qua mài giũa mà trở nên trơn nhẵn, bằng phẳng. Ngôn ngữ của một người không thỏa đáng mà không qua tu dưỡng sửa chữa hàng ngày thì không có cách gì bổ cứu được nữa.
An Hòa
No comments:
Post a Comment