Sunday, July 7, 2019

CÚNG SAO GIẢI HẠN ĐẦU NĂM, HÃY ĐỌC TRƯỚC BÀI NÀY

Vào dịp đầu năm mới ,nhiều người quan niệm làm lễ cúng sao giải hạn mong tránh được vận hạn và đem lại may mắn cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên hãy nhìn nhận việc này theo luật nhân quả vốn rất công minh và hiện hữu.


Tục dâng sao giải hạn có từ rất lâu cho tới giờ không ai biết xuất xứ từ lúc nào. Vào triều Minh có một ngôi chùa được cho là rất thiêng ở Hàng Châu, cứ đến ngày rằm và mùng Một hoặc dịp lễ người người kéo nhau tới rất đông để cầu may. Đầu năm đó ngôi chùa lại nhộn nhịp khách thập phương tới cầu tài cầu lộc, và đặc biệt là dâng sao giải hạn.

Vì quá nhiều khách kéo đến nên ngôi chùa trở nên đông đúc tới nỗi nhiều người không thể nào chen chân vào được. Có cha con nhà họ Mạc từ xa tới, đi mất 3 ngày trời mới đến nơi mà không đủ sức chen lấn nên đành ngồi chờ ở quán nước gần đó, mong ngóng khi nào chùa vãn người để còn vào cầu may, dâng sao giải hạn.

Hai cha con đang ngóng chờ chùa vãn thì gặp mấy người đi ra, ai nấy nhìn đều mệt mỏi, y phục xộc xệch, mặt mày mướt mát mồ hồi dù trời rét. Có người còn bị xô đẩy đến suýt ngất, nhìn rất khổ sở. Tuy nhiên khi ngồi xuống uống nước họ đều nói mệt nhưng bõ công, đã cầu xin xong xuôi hết rồi.

Chủ quán mời nước rồi hỏi hai cha con đang đứng ngồi không yên: “Hai vị chờ vào chùa để cầu gì, xin gì, đông như thế này vẫn còn muốn vào hay sao?”.

Người cha đáp lời: “Hai cha con tôi năm vừa rồi gặp nhiều vận hạn, nên phải cố tới chùa cần xin Thần Phật phù hộ để năm tới tốt hơn. Đông mấy chúng tôi cũng phải chờ để vào xin”.


Chủ quán mỉm cười hỏi: “Vậy tức là năm ngoái không tới đây cầu xin hay sao?”.

Người cha nghĩ giây lát rồi đáp: “Năm nào hai cha con cũng tới khấn và thành tâm lễ Phật”.

Chủ quán hỏi: “Vậy sao vẫn gặp vận hạn? Nếu nói tới dâng sao giải hạn và thành tâm cầu khấn thì sẽ phải được như ý chứ? Sao vẫn gặp hạn vậy?”.

Hai cha con nghe xong không biết trả lời sao, đang ngồi nghĩ thì chủ quán tiếp lời:

“Hai vị hãy nhìn những người vừa đi ra xem, nhìn họ khổ sở biết bao. Năm nào họ cũng tới đây than vãn về những điều không may mắn trong cuộc sống, và tới để cầu xin nhiều thứ. Nhưng nếu cầu được thì sao họ vẫn cứ phải gặp những điều trắc trở?

Người thế gian cứ nườm nượp kéo dồn tới ngôi chùa này để xin khấn đủ thứ, năm nào cũng thế, liệu có phải tất cả bọn họ đều cầu được ước thấy, sống sung túc, bình an, không ai bị làm sao hay không?”.


Người chủ quán nói tiếp:

“Mỗi con người đều có số mệnh hết rồi. Sướng hay khổ do đức và nghiệp mà họ tạo thành từ đời đời kiếp kiếp về trước. Nếu họ không tích đủ đức tức là họ không thể hưởng phúc mà sung sướng. Cho dù có cầu xin đến đâu, liệu vài lời cầu khấn với chút lễ mọn có thể thay đổi vận mệnh của họ hay không? Chưa kể nhiều người đi cầu đi xin về vẫn đổ bệnh qua đời sớm, vẫn gặp vận hạn.

Hãy nhìn những người kia, họ phải chen chúc, giẫm đạp lên nhau để vào cầu xin, có người không ngại ngần xô đẩy thậm chí bắt nạt người khác để được gần tượng Phật mà bái mà lạy. Thử hỏi Phật có chấp nhận chuyện này?

Mọi điều tốt đẹp không thể nào cầu xin mà có, phải từ đức của bản thân mà ra. Hãy sống thật tốt, sống chân thật, thiện lương và nhẫn nại, vận may sẽ tới với các vị. Không ai ban phúc cho các vị bằng chính bản thân mình”.

Nghe xong lời khuyên của chủ quán, hai cha con bừng tỉnh. Họ cúi đầu cảm tạ và cùng nhau ra về. Về nhà kể lại cho bà con chòm xóm, cùng bảo ban nhau sống tốt, đối xử thiện với tất cả mọi người xung quanh. Quả thật từ đó mọi việc đều tốt đẹp, suôn sẻ.

Con người sướng khổ đều do mình gánh phúc báo hay quả báo bởi đức nghiệp tạo thành theo đúng luật nhân quả. Mọi sự can thiệp bề ngoài như dâng sao giải hạn, cầu xin khấn bái chỉ là sự an ủi, Thần Phật không thể nào chứng cho họ nếu sống thiếu một chữ Đức.

Theo minhbao.net