Saturday, July 13, 2019

CUỘC TÌNH GIỮA VĂN PHỤNG - CHÂU HÀ

Mấy ngày nay bật Youtube thấy chương trình "Người kể chuyện tình - Mùa 3" đã có mấy tập mới, tối nay về sớm nên chọn một tập để xem. Đây là tập thứ 3 kể vinh danh nhạc sĩ Văn Phụng. Nói thật tôi chỉ biết ông qua 2 bài hát là "Ô Mê Ly" và "Tôi đi giữa hoàng hôn" nhưng tối nay xuyên suốt chương trình nghe các bản nhạc của ông thấy hay nhưng ray rức nhất vẫn là chuyện tình của ông. Lên mạng tìm được bài viết của Du Tử Lê nên mới biết thêm câu chuyện tình ngang trái nhưng có cái kết thật hạnh phúc.


CUỘC TÌNH GIỮA VĂN PHỤNG - CHÂU HÀ

Tới bây giờ, tôi vẫn nghĩ, một trong những bí nhiệm đời sống một con người là tình yêu. Tình yêu có thể dẫn tới hôn nhân hay không, theo tôi, lại là một bí nhiệm khác của Thượng đế. Nó nằm ngoài ta, như những cõi giới mà chúng ta không hiểu được.

Cuộc tình giữa Văn Phụng / Châu Hà, với tôi, là điển hình. Như một thí dụ cụ thể.


Căn cứ theo bài viết của các tác giả như Lê Quốc Thanh, Lê Minh - Vũ Tuấn Bảo cùng một vài bài viết khác thì, trước năm 1954, ở Hà Nội, tình yêu đã sớm đến với họ, khi nhạc sĩ Văn Phụng và ca sĩ Châu Hà còn rất trẻ. Những người biết chuyện cho rằng, đó kết hợp không thể đẹp hơn, của một đôi trai tài và gái sắc.

Với Châu Hà, ngoài nhan sắc, còn là tiếng hát uy lực nhất để rao giảng những ca khúc viết về tuổi trẻ, tình yêu, quê hương và đất nước của một Văn Phụng, nhạc sĩ.

Nhưng nếu lộ trình nhân gian bằng phẳng y cứ trên những thuận lý, có dễ chúng ta khó hy vọng có được những tác phẩm bất hủ như “Suối tóc, “Tôi đi giữa hoàng hôn,” “Yêu,” hay “Chán nản” hoặc “Em mới biết yêu đã biết sầu” vân vân…Quan niệm “xứng ca vô loài” của thân phụ nhạc sĩ Văn Phụng thời đó, đã như một nhát chém tàn khốc của định mệnh ố tài! Hiểu rõ, cuộc tình đầu đời mình, đã gặp phải bức tường thành kiến khắc nghiệt, Châu Hà lặng lẽ rời bỏ Hà Nội. Lập gia đình sau đấy. (Một hình thức nín lặng. Vùi chôn đời mình.)

Ở lại Hà Nội, Văn Phụng báo hiếu cha mẹ bằng cách đáp ứng những trông đợi của song thân. Như theo học ngành y khoa (dù chỉ được một năm.) Người nhạc sĩ tài hoa của chúng ta, cũng thuận theo chọn lựa của gia đình, kết hôn với một thiếu nữ con nhà gia thế, nổi tiếng xinh đẹp, nết na…


Trên mặt nổi đời thường, cuộc sống người nhạc sĩ trẻ thành danh sớm, êm ả trôi theo dòng chảy của thời thế. Một thời thế cuồng xiết, nhiều biến động. Hung hiểm: Hiệp định Geneva được ký kết giữa các phe phái ngày 20 tháng 7 năm 1954.

Là một Ky Tô Hữu, gia đình của tác giả “Ô Mê Ly’ không thể không rời bỏ Hà Nội, di cư vào miền Nam. Nhưng, cũng nhờ biến cố đổi đời lớn lao này mà, Văn Phụng được giải thoát khỏi những giam cầm, trói buộc của quan niệm cổ hủ. Ở Saigon, vùng đất mới, ông được tự do chọn và, sống với âm nhạc, như một hơi thở khác, sau khi cuộc tình đầu tiên với Châu Hà, bị bức tử.

Trong giai đoạn mà tôi muốn gọi là giai đoạn “bản lề”. Trước khi Văn Phụng gặp lại mối tình đầu, Châu Hà của ông ở Saigon, tôi muốn gọi thời gian đó là giai đoạn “bản lề.” Những sáng tác lấp lánh ánh sáng, thơm ngát niềm vui; đồng thời nhập nhòa, nghẹn ngào bóng tối của nỗi buồn mang tên Văn Phụng, ra đời. Chúng hiện hữu như một mặt khác: Mặt thăng hoa của bi kịch tình yêu. Trong số này, có “Suối Tóc,” “Tôi đi giữa hoàng hôn,” “Tiếng dương cầm,” v.v…

“Suối tóc” đến hôm nay vẫn còn (và sẽ mãi còn) là một dòng suối êm đềm trong liên tưởng từ mái tóc của Châu Hà, người yêu của tác giả, tới dòng chảy của tìm kiếm và, niềm tin sẽ gặp. (Như lời dạy của Chúa, trong Kinh Thánh “..hãy gõ, cửa sẽ mở.”)

“Tìm cho thấy liễu xanh-xanh lả lơi / Hay đi tìm dòng suối tóc trên vai / Ghi trong khóe mắt u hoài hình bóng ai / Tôi với em một đêm thu êm ái / Người em gái đứng im trong hồi lâu / Tôi ngập ngừng lòng muốn nói đôi câu / Xin cho suối nước non ngàn tìm đến nhau / Như chúng ta đôi đầu hàn gắn thương yêu…” 

Ở phần điệp khúc, Văn Phụng cho thấy thoáng qua độ gập ghềnh hay tính đành hanh của định mệnh, khi ông nhấn mạnh:

“Tôi muốn đưa em qua miền rừng núi xanh / Chúng ta cùng thăm con suối dịu êm / Nhưng thiên nhiên không êm như tóc huyền / Nhưng thu qua không trong như đôi mắt em.”
Tuy nhiên, không vì thế mà ông cho thấy dấu hiệu buông xuôi, đầu hàng số phận. Như diễn biến thông thường của một tình khúc, mà người ta thường thấy nơi nhiều ca khúc khác. Trước khi bước tới phần coda của ca khúc, tác giả vẫn tiếp tục cho dòng nhạc của mình chảy tới trong ngời ngợi tin tưởng, vàng mười lạc quan qua ca từ:

“Lòng tôi muốn viết lên đôi vần thơ / Hay cung đàn cùng nét bút tranh hoa / Xin em biết nhé cho tình hai chúng ta / Trong ý thơ cung đàn và suối tóc mơ.” 


Tôi không biết có phải vì tính lạc quan hay ca khúc là một hợp lưu của ba dòng chảy: Suối tóc, âm nhạc và thi ca (hoặc cả hai,) đã làm nên gía trị đặc biệt của sáng tác? Trường hợp nào theo tôi, “Suối tóc” cũng đã vượt khỏi ngưỡng cửa lãng quên của thời gian, để trở thành bất tử.

Cũng trở thành bất tử, một các khúc khác, được Văn Phụng viết trong giai đoạn “bản lề,” là ca khúc “Yêu.”

Ở ca khúc này, với những định nghĩa đi ra từ cuộc tình thương đau, kinh nghiệm bản thân, chứ không phải là những cảm xúc vay mượn hay tưởng tượng, hòa hợp với âm điệu như được chắt ra tâm cảnh riêng, như một nhật ký, ghi lại những xung động tình cảm: Từ bước khởi đầu rụt rè, tới khi tình yêu dâng cao hiểu theo nghĩa hồi chuông định mệnh đã gióng giả, cách của nó:

“Yêu là lòng bâng khuâng / nhớ hay thương một chiều thu vương / gió êm đưa xào xạc tre thưa / lá rơi rơi, rơi tả tơi / Yêu là tình dâng cao / gió lao xao ngả hàng phi lau / phút ái ân đắm say tâm hồn / nhớ mãi đêm nào bên nhau…”

Để rồi khi định mệnh hiện nguyên hình một cơn bão lốc, ông an ủi người yêu và mình rằng:

“Thôi yêu dấu mà chi / ngày vui xế bóng đôi lòng chia xa / hồn tàn hơi buốt giá / khi mùa xuân qua úa phai ngàn hoa / Nhớ thương bao nhiêu một người thân yêu / đã đi xa về miền hoang liêu / những trang thư là hành trang theo /cố nhân ơi giận hờn chi nhau…”

Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi viết xuống dòng chữ “những trang thư là hành trang theo” cho ca từ của mình, theo tôi là một so sánh lãng mạn, rất mới mẻ. Chỉ có nơi những tài hoa ngoại khổ.

Tương tự, ca khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” một ca khúc khác của Văn Phụng, cũng từng làm nên tên tuổi cho nhiều ca sĩ thuộc các thế hệ từ Việt Nam, tới hải ngoại.

Với những người quan tâm hoặc, có đôi chút chú ý về nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ, sẽ nhận ra tính xác quyết của tác giả, khi ông lập lại ba chữ “Nhớ. Nhớ. Nhớ”…Điệp ngữ này cho người nghe ý niệm dồn dập, xô nhau, đẩy nỗi nhớ tới cực điểm của một trạng thái tình cảm trong phần điệp khúc:

“Dù cho mưa gió, bên mái tranh nghèo / Dù cho nắng, dù cho sương khói mịt mù / Niềm thương yêu hằng xin mãi mãi không hề phai / Nhớ, nhớ, nhớ đêm nào, trên bến tìm sao / Hai đứa nhìn nhau, không nói một câu / Như thầm mơ ước, ước mơ dạt dào / Như thầm hẹn nhau mùa sau…”

Và, ở câu nhạc kế tiếp, tác giả cũng cho thấy nghệ thuật đảo chữ, một cách hoa mỹ, khi ông hoán đổi vị trí hai chữ “mơ ước / ước mơ” để nâng khao khát “dạt dào” của ông, lên một cấp độ cao hơn…

(Tưởng cũng nên nói thêm rằng, trò chơi chữ nghĩa vừa kể, chỉ có thể làm được với loại ngôn ngữ đơn âm (monosyllable,) cộng thêm năm dấu đặc biệt của tiếng Việt.)

Cũng trong giai đoạn “bản lề” của cuộc tình đứt đoạn, chưa tìm lại được nhau, di sản âm nhạc của Văn Phụng, còn để lại cho đời ca khúc “Tiếng dương cầm.”

Một nhạc sĩ, bạn thân của tác giả, thời Saigon kể, người nghe đừng quên rằng, khi còn rất trẻ, Văn Phụng đã là một dương cầm thủ hữu hạng.


Chính “tiếng dương cầm” là môi giới, trung gian hình thành cuộc tình Châu Hà / Văn Phụng. Chúng ta cũng có thể ví, “tiếng dương cầm” của Văn Phụng là chiếc nôi để Châu Hà gửi tiếng hát, tình yêu trăm năm của mình vào đấy. Vì thế, khi sáng tác “Tiếng dương cầm,” ở một mặt nào khác, với Văn Phụng còn là một sống lại. Cho cả hai:

“Trầm trầm êm êm thánh thót /Nhịp nhàng khoan thai thắm thiết / Nhạc lòng đưa câu luyến tiếc / Người ơi còn nhớ Chopin ngày xưa vì ai dệt nên câu nhạc lâm ly / Cho đời say trong tiếng tơ / Cho tình dâng muôn ý thơ / Dù cõi lòng ai mong chờ /Tiếng dương cầm còn vang thiết tha / Riêng mình ta đây với ta / Chìm đắm trong một giấc mơ…”

Tôi không biết câu hỏi “người ơi còn nhớ …” được ném vào không gian tâm tưởng và hồi ức của tài hoa âm nhạc Văn Phụng, bao lâu sau mới có hồi âm? Chỉ biết, theo hai tác giả Lê Quốc Thanh và Lê Minh thì, tại Saigon, khi cả Châu Hà và Văn Phụng có lại tự do, thì, cuộc trùng phùng, đã như một phép lạ. Họ đoàn tụ. Để tái sinh nhau!

Từ đó, thêm nhiều, rất nhiều ca khúc rộn rã tiếng cười hạnh phúc, thánh thót tiếng chuông, khánh tin yêu, mang tên Văn Phụng, liên tiếp ra đời…

Tới đây, tôi muốn kết thúc bài viết ngắn của mình, bằng một phát biểu của nhạc sĩ Nguyễn Túc ở Hoa Thịnh Đốn. Khi Nguyễn Túc khẳng định: Văn Phụng là một trong những thiên tài âm nhạc của Việt Nam. 


Chúng ta biết ơn Văn Phụng. Đã đành. Nhưng, có lẽ, chúng ta cũng không nên quên ghi ơn nữ ca sĩ Châu Hà, nguồn cảm hứng lớn và, cũng là người bạn đời, cuối kiếp của tài hoa âm nhạc ngoại khổ này.

Du Tử Lê
(July 6-2011)