Thursday, June 10, 2021

Ý NGHĨA THẬT SỰ CỦA CÂU THÀNH NGỮ "ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG"

Chúng ta chẳng còn xa lạ với câu tục ngữ “ăn miếng trả miếng”, ngày nay con người đều cắt nghĩa thành: người khác cắn tôi một cái, tôi cũng phải cắn lại một cái; người khác trừng tôi một cái, tôi cũng phải trừng lại một cái.

Bộ luật của Hammurabi (Nguồn: Wikipedia)

Trên thực tế, câu thành ngữ này xuất phát từ bộ “luật Hammurabi” của người Babylon cổ. Bộ luật quy định: nếu một người đánh rơi răng người khác thì răng của anh ta cũng bị đánh gãy; nếu một người khoét mắt của người khác thì mắt của anh ta cũng bị khoét xuống.

Một tấm bia hình trụ màu đen khổng lồ được trưng bày tại bảo tàng Louvre ở Paris, trên đó có khắc bộ luật Hammurabi nổi tiếng. Vào thế kỷ 18 trước Công nguyên, vua Hammurabi của Babylon, người tin tưởng vào các vị Thần, đã ban hành bộ luật hoàn thiện và lâu đời nhất cho đến nay. Vua Hammurabi là một người tài năng phi phàm, văn thao võ lược. Ông cơ bản đã thống nhất hai lưu vực sông, khai thông sông ngòi, cải tạo thủy lợi, xây cây cầu gỗ bắc qua sông Euphrates, xây dựng những ngôi đền thờ Thần linh hùng vĩ, thành lập đội thương thuyền trên biển khiến Babylon trở nên hùng mạnh chưa từng có.

Phần mở đầu của bộ luật nhấn mạnh rằng, kiến thức và sức mạnh của Hammurabi chính là được Thần linh ban tặng. Chính văn tổng cộng có 282 điều, bao gồm hình sự, dân sự, mậu dịch, hôn nhân, tố tụng… Bộ luật dựa trên nguyên tắc “báo thù đồng hình” vô cùng hà khắc, nghĩa là “nếu ngươi hủy đi mắt của ta thì mắt của ngươi cũng bị hủy”, “nếu ngươi làm gãy xương ta thì xương của ngươi cũng phải gãy”…

Tấm bia Hammurabi . Bảo tàng Louvre , Paris (Nguồn: Wikipedia)

Bởi vì bộ luật nghiêm khắc, khiến con người thời đó luôn giữ tiêu chuẩn đạo đức cao, không làm ra những điều tổn thương người khác và lợi ích bản thân, chỉ dồn hết sức làm tốt việc của mình. Trên thực tế, “bộ luật Hammurabi” vừa khéo thể hiện thuyết “nhân quả báo ứng” mà Phật gia thường nói đến. “Nhân” có thể sinh ra “quả”, có “quả” thì tất phải có “nhân”. Nợ cái gì, sẽ phải trả cái đó.

Trong “Triều dã thiêm tải” có ghi lại một câu chuyện thế này: nhà sư nổi tiếng thời nhà Lương là Khạp Đầu Sư, một lần được triệu kiến Lương Vũ Đế. Khi đó Vũ Đế đang chơi cờ với người khác, đang lúc muốn đánh lên phía trên, bèn thuận miệng nói: “Giết”, sử thần nghe thấy liền lập tức lôi nhà sư đi giết chết. Vũ Đế đánh cờ xong nói: “Gọi Khạp Đầu Sư vào”. Sử thần đáp: “Vừa nãy bệ hạ gọi người giết hắn, thần đã giết hắn rồi”.

Vũ Đế cảm thán: “Đại sư lúc sắp chết có nói gì không?”. Sử thần đáp: “Ông ta nói, bần đạo không có tội, trước đây khi mới làm hòa thượng, trong lúc dùng xẻng đào đất vô tình giết chết một con giun đất, Vũ Đế bấy giờ chính là con giun đất đó, giờ đây đã nhận được báo ứng thế này”.

Nhân quả báo ứng coi trọng hành vi của con người, mỗi người khi làm ra việc thế nào sẽ phải đón nhận hậu quả tương ứng như vậy. Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo mà chưa tới thời điểm nhận quả báo mà thôi. Nghiệp nợ của mỗi người, có người đến đời sau mới phải trả, cũng có người trả ngay trong kiếp này của mình. Còn điều mà bộ luật Hammurabi thể hiện chính là nợ gì trả nấy, đời này làm việc xấu thì đời này phải hoàn trả.

Theo Vision Times
Quỳnh Chi biên dịch