Miền biển Quảng Nam, mùa hạ cháy da khô vàng ngọn cỏ, riêng cây xương rồng vẫn sống kiên cường, ung dung. Chẳng biết từ bao giờ, và ai là người đầu tiên khám phá ra cây xương rồng tua tủa gai đầy hoang dại lại rất hợp nấu canh chua. Nhưng ngay thời đói cơm, thiếu áo, tôi còn… ở truồng chạy lông nhông, đã thấy hễ có được loại cá hợp khẩu vị chế biến canh chua thì người dân quê lại vác dao đi cắt đọt cây xương rồng về nấu cùng.
Món canh chua xương rồng, ba tôi thường nói vui là canh chua khế Đài Loan cho thêm phần hấp dẫn và cũng là cách nói để lấp đi cuộc sống nhọc nhằn, nghèo khó một thời. Bây giờ nghĩ lại thời đó, liên tưởng đến cây xương rồng, thật lòng đôi khi ứa nước mắt. Bởi ngày ấy, nhiều người dân quê tôi phải ăn xương rồng để qua cơn đói.
Xương rồng mọc nhanh, sống khỏe trên vùng đất cát cằn khô, nắng cháy da người. Thế nhưng, có ngọn non nào mọc lên là bị cắt trụi tức thì. Không còn ngọn non, người ta ăn cả phần thân dưới già và cứng hơn. Mặc dù món “tuyệt chiêu” là xương rồng nấu canh chua, nhưng để chống đói, nhiều người còn dùng nó để xào hoặc luộc nhằm “đưa đường” bữa cơm khoai.
Xương rồng nấu canh chua thì “hợp cạ” với các loại cá biển như cá mối, cá ngần, cá đục, cá đuối và các loài cá nước ngọt như cá lóc, cá móm, cá căng. Đặc biệt là se duyên với cá ngạnh (miền Nam gọi là cá chốt) thì ngon nhất trần đời.
Quang Viên / Theo: Thanh Niên
No comments:
Post a Comment