Trong cuốn “Vi lô dạ thoại” của tác giả Vương Vĩnh Bân đời nhà Thanh có viết: “Vô tài phi bần, vô học nãi vi bần; vô vị phi tiện, vô sỉ nãi vi tiện; vô niên phi yểu, vô thuật nãi vi yểu; vô tử phi cô, vô đức nãi vi cô”, không có tiền bạc không phải là nghèo mà không có học mới là nghèo; không có địa vị không phải là thấp hèn mà không có liêm sỉ mới là thấp hèn; không được sống lâu không phải là yểu mệnh mà không để lại cho đời những việc đáng kể mới là yểu mệnh; không có con không phải là cô độc mà không có đức mới là cô độc.
Không có học mới là nghèo
Một người không có tiền tài của cải thì không tính là người nghèo. Người không có học vấn mới thực sự là người nghèo. Bởi đây chính là cái mà người ta gọi là nghèo về tinh thần.
Kỳ thực một người sống vui vẻ, hạnh phúc và thoả mãn hay không về cơ bản là do tâm của người ấy quyết định. Nếu tâm không thoả mãn thì dù có giàu đến mức không ai bằng cũng sẽ luôn cảm thấy mình thiếu thứ này thứ kia, đó chính là nội tâm của kẻ nghèo khó. Do đó có thể thấy ở phương diện này thì tiền tài của cải không đại biểu cho sự giàu nghèo của một người.
Người không có học vấn, bởi thiếu đi thế giới tâm linh, nội tâm trống rỗng, nên cho dù có cả một thế giới vật chất sung túc cũng luôn không cảm thấy đủ. Huống hồ miệng ăn núi lở, những nhà giàu có mà không chú ý bồi dưỡng tâm hồn cho con cái, thì chỉ qua đến thế hệ thứ hai hoặc thứ ba là của cải cũng chẳng còn.
Không có liêm sỉ mới là thấp hèn
Địa vị xã hội của một người không hề đại biểu cho địa vị của người đó ở trong lòng người khác. Địa vị xã hội cao hay thấp cũng không phải tiêu chuẩn để đánh giá nhân phẩm của một người là cao hay thấp. Thậm chí, nếu địa vị được tạo ra không phải bằng lương tâm, không phải bằng cố gắng, thì cuối cùng cũng rơi vào cảnh bị vạn dân thóa mạ, bị xã hội vứt bỏ.
“Liêm” và “sỉ” là những đức hạnh cao thượng nhất của con người, là một loại nhân cách, là sự tôn quý. Người mà không liêm (ngay thẳng) thì cái gì cũng lấy, người mà không sỉ (xấu hổ) thì việc gì cũng làm. Cổ nhân cho rằng hạng người không có liêm sỉ không những tâm địa hèn kém mà ngay cả làm người cũng không xứng.
Trên thế gian có rất nhiều người tuy rằng ở địa vị xã hội cao nhưng so với người dân thường thì họ chẳng hề có giá trị gì, bởi vì họ không có liêm sỉ. Trái lại, có những người chẳng mang địa vị xã hội gì nhưng hành vi của họ lại vô cùng cao thượng, được lưu danh muôn đời.
Không để lại điều gì đáng kể thì phí hoài cuộc sống
Giá trị của đời người không phải nằm ở chỗ sinh mệnh dài hay ngắn, cũng không phải ở chỗ đạt được nhiều hay ít, mà là ở chỗ đã làm được điều gì có ích cho người khác, cho thiên hạ hay chưa.
Thầy Nhan Uyên tuy mất sớm, nhưng đến nay mọi người vẫn tôn là “Phục Thánh” của Nho gia. Vì thế những người như Nhan Uyên, có thể được coi là sống đến mấy ngàn năm.
Xưa nay, người sống lâu có rất nhiều, nhưng sống không có ích cho đời, khi chết đi người đời sau không ai nhắc đến cũng nhiều, thậm chí có người còn bị hậu nhân nguyền rủa thì tuy sống dài mà cũng giống như là đã chết.
Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo, Cơ đốc giáo trải mấy ngàn năm vẫn có ảnh hưởng tới xã hội, học giả xưa nay đều lưu tâm, đó mới được gọi là “trường thọ”.
Không có đức mới là người cô độc
Người có đức mà không có con thì tuy rằng người xa lạ không phải là con cũng yêu kính mà tìm đến. Người không có đức cuối cùng cũng bị người đời xa lánh, xã hội vứt bỏ, như vậy chẳng phải là người cô độc sao?
Tư Mã Quang là danh nhân thời Tống, sống trong thời đại rất coi trọng hưởng thụ, nhiều quan lại, văn nhân hào hứng với việc nạp thiếp, vậy mà dù vợ không có con, ông vẫn không hề tỏ ra hứng thú với việc nạp thiếp. Ông thậm chí còn từ chối khi được vợ và bạn sắp đặt.
Trong suốt lịch sử Trung Hoa thì thời Tống là thời chế độ tông tộc hưng khởi nhất, có thể tưởng tượng việc nối dõi quan trọng như thế nào. Ấy vậy mà phu nhân của Tư Mã Quang cả đời không sinh nở, Tư Mã Quang vẫn không nạp thiếp, chỉ thu nhận một đứa trẻ trong gia tộc làm con thờ tự, tên là Tư Mã Khang.
Nhưng điều Tư Mã Quang để lại thật đáng khâm phục. Ông được người đời nhớ tới là nhà văn, nhà sử học nổi tiếng thời Bắc Tống, biên soạn ra cuốn “Tư trị thông giám”, bộ biên niên thông sử đầu tiên của Trung Hoa.
Theo: trithucvn