Wednesday, March 25, 2020

LỄ HỘI OK OM POK THÚ VỊ CỦA NGƯỜI DÂN CAMPUCHIA

Ok Om Bok còn gọi là lễ hội cúng trăng hay lễ hội nước. Đây là một trong ba lễ hội lớn của người Campuchia. Lễ hội này được tổ chức vào tháng Cớt - đất (tháng 11) Âm lịch Campuchia hàng năm. Không chỉ bao gồm phần lễ mà còn có cả phần hội diễn ra trong dịp Ok Om Bok.


Lễ hội này ra đời từ truyền thuyết về thỏ bồ tát. Truyền thuyết kể lại rằng, từ xa xưa trong dân gian có một con thỏ sống rất hảo tâm, luôn luôn thích làm điều thiện và bố thí của cải vật chất để giúp đỡ cho những người nghèo khó. Tuy nhiên, của cải nhiều đến mấy thì cũng có ngày phải cạn, một hôm trong tay thỏ không còn bất cứ thứ gì để có thể giúp được người khác nữa, chú thỏ mới nảy ra một ý nghĩ làm các vị chư thần trên trời vô cùng hoang mang. Suy nghĩ ấy là: hôm nay, nếu có người nghèo nào cần bố thí, thì thỏ sẽ dâng thân xác của mình để giúp họ duy trì sự sống.


Để thử lòng thành của thỏ, một vị thần đã hạ phàm và biến thành một ông lão trông bộ dạng rất xác xơ và đang đi xin ăn. Ông lão đã đến tìm thỏ để xin được bố thí, thỏ không ngần ngại mà nói rằng hôm nay thỏ không còn chút gì để bố thí nữa nên mời ông lão hãy nhóm lửa lên để thỏ nhảy vào và khi đó ông sẽ có thức ăn. Không ngờ ông lão đã nhóm lửa lên thật, chú thỏ lúc này cũng không chút do dự mà nhảy vào đám lửa. Ngạc nhiên thay khi thỏ vừa nhảy vào thì lửa lập tức bị dập tắt và từ trong đấy nở ra một đóa hoa sen nâng thỏ lên cao. Sau đó, ông lão biến mất, và trên mặt trăng từ đó xuất hiện hình của một chú thỏ.

Tương truyền rằng chú thỏ này sau khi chết đã hóa thân thành Phật Thích ca Muni. Để tưởng nhớ đến sự kiện đó và cảm tạ thần mặt trăng đã độ trì chăm lo đời sống người dân suốt năm qua, người Campuchia tổ chức lễ hội Ok Om Bok.


Hàng năm, vào ngày rằm của mùa lễ hội Ok Om Bok, gia đình nào cũng chuẩn bị một mâm lễ vật đặt trước sân nhà vào buổi tối lúc trăng lên để cúng, tưởng nhớ thỏ bồ tát, gắn liền với mặt trăng đem ánh sáng cho mọi người, và cầu an cho gia đình. Đồng thời, thể hiện mừng vui về thành quả đạt được trong năm qua và báo tin mùa thu hoạch đến rồi.

Mâm lễ vật thường có có khoai, mía, chuối, cốm dẹp, dừa và vài thứ bánh trái khác. Đây toàn là những nông sản địa phương, được người dân chọn ra những trái ngon nhất, to nhất để dâng lên bậc thánh thần. Trong đó phải kể đến món cốm dẹp, món ăn đặc trưng của lễ hội trông trăng này.

Được làm từ những hạt lúa non, qua đôi bàn tay khéo léo của người thợ, tạo nên hạt cốm dẻo thơm, mang hương vị của đất trời, mang cả cái sự chấc phác mộc mạc của những người nông dân cần cù. Bốc một nắm cốm dẹp dừa cho vào miệng, nghe lẫn trong vị thanh ngọt của đường, nếp, là hương vị nồng nàn của cả đất, trời. Hương vị dân dã, món ăn thân quen không cầu kì, không đòi hỏi nguyên liệu đắt tiền hay cách chế biến tinh tế. Đơn giản nhưng lại chứa đựng cái hồn quê của dân tộc Campuchia.


Sau phần nghi thức cúng trăng sẽ đến phần hội thả đèn gió. Công đoạn này thường được chuẩn bị từ trước mùa lễ hội, ai cũng muốn làm nên chiếc đèn gió thật công phu, tinh xảo và đẹp mắt, để rồi thả chiếc đèn gió bay lên cao tượng trưng cho những ước vọng, niềm tin của người thả gửi tới thần mặt trăng, để cầu mong viên mãn. Khi đến Campuchia trong dịp này, du khách sẽ được chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục khi hàng ngàn chiếc đèn gió được thả trên nền trời vào ban đêm, ánh nến lung linh huyền ảo càng làm khung cảnh thêm đặc biệt.


Thú vị hơn nữa là buổi tối, hàng nghìn hoa đăng được người dân thả trên sông Tonle Sap trước Hoàng cung, mang theo ước nguyện “mưa thuận gió hòa” để mỗi gia đình ngày càng sung túc, đất nước ngày càng thịnh vượng.

Lễ hội Ok Om Bok đánh dấu thời điểm nước sông Tonle Sap đổi dòng chảy, bắt đầu chu kỳ cạn của nó, ghi dấu thời gian chuyển từ mùa khô sang mùa mưa ở đất nước Chùa Tháp, nơi có hai mùa trong năm. Lễ hội này được coi là dịp để người dân Campuchia tạ ơn các dòng sông đã đem lại sự phì phiêu cho đất đai và cung cấp thực phẩm cho họ, vì thế còn được gọi là lễ hội nước.


Tâm điểm của lễ hội nước là lễ hội đua ghe ngo được hoàng gia tổ chức, đây cũng là nghi thức tôn giáo bày tỏ sự tưởng nhớ với linh vật tổ Naga và những trận Hải chiến của tổ tiên. Một chiếc ghe Ngo thường dài trêm 30m có thể chứa đến mấy chục tay bơi cường tráng. Mỗi một chiếc ghe Ngo đều được thiết kế cản thận tỉ mỉ nếu không sẽ rất dễ bị chìm trong quá trình đua và ghe Ngo cũng là hình ảnh đại diện cho mỗi phum srock nên mỗi cuộc đua ghe đều rất kịch tính và đầy hấp dẫn.

Có rất nhiều nghi thức tục lễ diễn ra trong những ngày lễ hội Ok Om Bok ở đất nước Chùa Tháp. Riêng tại Phnom Penh, đông đảo người dân ở Thủ đô và từ nhiều vùng miền trên cả nước, cùng với du khách nước ngoài còn được đến xem, tham gia các tục lễ đạp bó lúa chín, giã cốm v.v… tổ chức tại khu di tích lịch sử Wat Phnom.

Ok Om Bok vừa là ngày lễ cúng trăng nhưng cũng là dịp người thân trong gia đình tụ họp cùng cúng kiến quay quần bên nhau. Đây cũng là dịp toàn người dân Campuchia được vui chơi trong lễ hội và làm nên nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

(Sưu tầm trên mạng)

No comments: