Rô băm, nghệ thuật sân khấu điển hình của người Khmer
Rô băm còn gọi “Rom Rô băm” là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa. Trong các loại hình sân khấu của người Khmer, Rô băm được cho là đã đạt đến trình độ nghệ thuật rực rỡ. Với những giá trị riêng có, người Khmer đang nỗ lực bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này.
Múa Rô-băm trên sân khấu (Ảnh: quehuongonline.vn)
Sân khấu Rô băm dùng ngôn ngữ múa để diễn tả “chuyện xưa tích cũ”, xoay quanh các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, lịch sử. Các tích cũ khai thác từ đề tài đạo Phật, đạo giáo Bà-la-môn, quen thuộc nhất là sử thi Ramayana của Ấn Độ. Những triết lý giáo dục và đạo lý của đồng bào Khmer xưa đều gói gọn trong nội dung và hình thức của loại hình sân khấu đặc sắc này. Giáo sư tiến sỹ Lê Ngọc Canh, Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ múa Việt nam, cho biết: "Khi nói về văn hóa của người Khmer thì nhất thiết phải nói đến sân khấu Rô băm. Sân khấu Rô băm là sản phẩm trí tuệ, là điểm nhấn của văn hóa người Khmer. Sân khấu Rô băm là nghệ thuật tổng hợp gồm có múa, có hát, có trang phục...".
Hướng dẫn múa Rô-băm cho lớp trẻ (Ảnh: quehuongonline.vn)
Do xuất xứ từ cung đình nên phục trang, hành động, lời thoại… của nhân vật trong sân khấu Rô băm thuộc về tầng lớp vua chúa, quan lại quý tộc. Sân khấu Rô băm được bố trí quy cách, bài bản, chặt chẽ và mang tính ước lệ. Trong vở diễn Rô băm thường có hai tuyến nhân vật.Tuyến nhân vật đại diện cho cái thiện là vua, hoàng tử, công chúa… thường không mang mặt nạ. Tuyến nhân vật đại diện cho cái ác thường đeo mặt nạ và gồm nhiều loại, nổi bật nhất là vai chằn –còn gọi là Yeak. Người ta yêu thích Rô băm bởi nét đặc sắc ẩn trong các điệu múa và những chiếc mặt nạ.Các nhân vật trên sân khấu Rô băm múa các động tác chân, tay theo một quy ước chung cho từng loại nhân vật.Theo thống kê, trong Rô băm có 33 điệu múa, thể múa; trong đó, thể tay cơ bản có 8 điệu. Riêng múa chằn được quy định trong 12 điệu, mỗi điệu có những ý nghĩa và tạo hình khác nhau. Mặt nạ Rô băm có sự tiếp thu văn hóa Ấn Độ nên rất hài hòa giữa mỹ thuật và tạo hình. Có nhiều loại mặt nạ được sử dụng trong các vở Rô băm như: mặt nạ mô phỏng chằn (thể hiện hành vi, tâm địa độc ác); mặt nạ vua khỉ Ha-nu-man, ngựa Ma-no-ni, chim thần Kơ-rích, phượng hoàng, rùa, rắn… Mặt nạ trên sân khấu Rô băm sinh động, giàu biểu cảm và đều được nhân cách hóa gây hứng thú cho người xem.
Những mặt nạ và mũ được sử dụng trong nghệ thuật Rô băm (Ảnh: quehuongonline.vn)
Ngoài các điệu múa và mặt nạ, trang phục trên sân khấu Rô băm cũng có quy ước riêng. Bộ trang phục thông thường gồm yếm cổ, khăn nịt ngực, yếm trước bụng, yếm sau lưng, bao buộc chân, bao tay rất độc đáo.Cùng với hai tuyến nhân vật đại diện cho cái thiện và cái ác, trong vở diễn Rô băm còn xuất hiện vai hề để gây cười, làm vui nhộn sân khấu. Nhạc cụ của Rô băm chủ yếu là trống vỗ, trống dùi, chiêng và hèn Slayrom. Trống có tác dụng thúc giục mạnh mẽ những màn chiến đấu. Kèn thì được cất lên khi ai oán khóc than.
Biểu diễn múa Rô-băm đường phố (Ảnh: Báo Bạc Liêu)
Rô băm phát triển mạnh và rộng khắp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, nhất là Trà Vinh, Sóc Trăng, dưới sự bảo trợ của các chùa Khmer . Nhưng mức độ thịnh hành của loại hình nghệ thuật này đang bị thu hẹp dần. Anh Sơn Đel, thành viên của Đoàn nghệ thuật múa Rô-băm Basắc Bưng Chông, duy nhất ở Sóc Trăng, cho biết: "Rô băm có từ thời ông cha, vì vậy mình cứ cố gắng giữ gìn, để bà con mình cần diễn phục vụ thì mình đi diễn chứ tiền bạc thì không được bao nhiêu cả. Quan trọng là mình bảo tồn được loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer, nếu không đi đâu diễn thì mình diễn vào các dịp lễ Dâng Y cũng được".Nghệ thuật sân khấu Rô băm là nét văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và Việt Nam nói chung. Sân khấu Rô băm lâu nay đã quay lại trên những cánh đồng sau thu hoạch, hay trong các lễ hội truyền thống của người Khmer. Giờ đây Rô băm đang được bảo tồn và gìn giữ, góp phần phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống độc đáo của người Khmer.
Hồng Hạnh Chi