Monday, March 2, 2020

"CAMPUCHIA" NGHĨA LÀ GÌ?

Campuchia là đất nước láng giềng với Việt Nam, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi “Campuchia nghĩa là gì?”. Bây giờ, mời bạn bước vào cuộc dạo chơi để tìm hiểu ý nghĩa xưa và nay của từ này nhé.


Ngày xưa, người Việt gọi Campuchia là Chân Lạp và Cao Miên (sử dụng âm Hán Việt của từ 真臘 và 高棉 theo cách gọi của người Trung Quốc). Chân Lạp (tiếng Anh: Chenla) là từ dùng để chỉ tên nước và người Campuchia trong thời kỳ hậu Angkor (1431-1863), tức từ năm quân Ayutthaya (Thái Lan) chiếm được kinh đô Angkor của Đế quốc Khmer cho tới giai đoạn Campuchia trở thành thuộc địa của Pháp vào năm 1863. Song trên thực tế, cái từ Chân Lạp chỉ được dùng từ thế kỷ thứ VI cho đến thế kỷ thứ IX (năm 802). Sau đó, triều đại của Đế quốc Khmer tồn tại cho tới thế kỷ thứ XV. Theo lịch sử thế giới, trong giai đoạn này, phương Tây thường gọi Campuchia là Khmer, trong khi đó người Việt gọi là Cao Miên. Và đây cũng là từ phổ biến dùng để gọi tên nước và người Campuchia cho tới thời kỳ Liên bang Đông Dương (tiếng Pháp: Union Indochinoise; tiếng Khmer: សហភាពឥណឌូចិន) (*).


Trong tiếng Khmer, “Campuchia” (កម្ពុជា) là từ có nguồn gốc từ tiếng Phạn Kambujadeśa (कम्बोजदेश) – gồm hai phần: deśa (देश) là “vùng đất”, còn Kambuja (कम्बोज) là một bộ lạc ở tiểu lục địa Ấn Độ trong thời kỳ đồ sắt (vùng Đông Á). Như vậy, Kambujadeśa có nghĩa là “vùng đất của người Kambuja”. Đây không phải là cái tên duy nhất dành cho Vương quốc Campuchia hiện nay. Trong biên niên sử của Thái Lan và Myanmar, người ta còn thấy những cái tên giống như thế (Kamboj/Kamboja), được dùng để chỉ những vùng đất thuộc hai nước này. Còn trong biên niên sử Ấn Độ, người Kambuja là một bộ tộc hoang dã sống trong vùng đất Afghanistan hiện nay.

Theo quyển Inscriptions du Cambodge của George Cœdès, vào năm 947, trong Baksei Chamkrong (ប្រាសាទបក្សីចាំក្រុង), một ngôi đền nhỏ Ấn Độ giáo tọa lạc tại khu phức hợp Angkor có một bản ghi chép thần thoại, trong đó cho biết cái tên Kambuja xuất phát từ chữ Kambu Swayambhuva – tên của một nhà hiền triết Ấn Độ, người đã đến bán đảo Đông Dương cưới một công chúa của bộ tộc Naga tên là Mera. Và đây là chi tiết tạo nên nguồn gốc của từ Kambuja: Kambu + ja, có nghĩa là “hậu duệ của Kambu”.


Trong tiếng Khmer, Vương quốc Campuchia được viết là ព្រះរាជាណាចក្រកម្ពុជា (Preah Reachanachâk Kampuchea). Xét về từ nguyên, cụm từ này gồm có bốn phần: Preah- (thiêng liêng, thần thánh); -reach- (vua, hoàng gia, vương quốc) từ tiếng Sanskrit; -ana- (từ tiếng Pali ānā, “quyền lực, chỉ huy, năng lực); -châk (từ tiếng Sanskrit chakra, có nghĩa là “bánh xe”, một biểu tượng của quyền lực và sự thống trị”).

Riêng trong trường hợp có tính nghi thức (diễn văn chính trị, tin thời sự), người ta thường sử dụng từ Prâteh Kampuchea (ប្រទេសកម្ពុជា), hiểu chính xác theo nghĩa đen là “Quốc gia Cambodia”. Còn tên thông thường mà người dân Campuchia gọi là Srok Khmae (ស្រុក​ខ្មែរ), có nghĩa là “xứ Khmer”. Srok là một từ thuộc hệ ngôn ngữ Mon – Khmer (hệ Nam Á), đại khái tương đương với từ prâteh trong tiếng Sanskrit nhưng ít trang trọng hơn.


Kể từ khi độc lập đến nay, quốc gia Campuchia có những tên sau:

- Vương quốc Campuchia (ព្រះរាជាណាចក្រកម្ពុជា; tiếng Pháp: Royaume du Cambodge), giai đoạn chế độ quân chủ (1953-1970).

- Cộng hòa Khmer (សាធារណរដ្ឋខ្មែរ; Pháp: République Khmère), giai đoạn chính quyền Lon Nol (លន់នល់), 1970-1975.

- Campuchia Dân chủ (កម្ពុជាប្រជាធិបតេយ្យ; Pháp: Kampuchea démocratique), giai đoạn Khmer Đỏ (ខ្មែរក្រហម), 1975-1979.

- Cộng hòa Nhân dân Campuchia (សាធារណរដ្ឋប្រជាមានិតកម្ពុជា; Pháp: République populaire du Kâmpŭchéa), giai đoạn chính quyền Việt Nam bảo trợ (1979-1989).

- Nhà nước Campuchia (រដ្ឋកម្ពុជា; Pháp: État du Cambodge), giai đoạn Chính quyền chuyển tiếp Liên hiệp quốc (1989-1993).


- Vương quốc Campuchia ( ព្រះរាជាណាចក្រកម្ពុជា; Pháp: Royaume du Cambodge), giai đoạn chế độ quân chủ phục hồi (từ 1993 đến nay).

Hiện nay, ở phương Đông người ta thường gọi đất nước này là Campuchia (Campuchea), còn ở phương Tây gọi là Cambodia (Việt Nam phiên âm là Cam Bốt). Riêng người Trung Quốc gọi là Giản Phổ Trại (柬埔寨).

Vương Trung Hiếu

(*) Liên bang bao gồm có: Nam kỳ (Cochinchine), Trung kỳ (Annam), Bắc kỳ (Tonkin), Lào (Laos), Campuchia (Cambodge) và Quảng Châu Loan (廣州灣) – một vùng đất ở miền Nam Trung Hoa, thuộc tỉnh Quảng Đông, người Pháp gọi là Kouang-Tchéou-Wan.


No comments: