Saturday, November 27, 2021

TẠI SAO NGƯỜI PHÁP CHỈ HÔN MÀ HIẾM KHI NÓI LỜI YÊU?

Người chồng Pháp của tôi yêu tôi. Tôi biết anh ấy yêu tôi vì chàng hầu như cuối tuần nào cũng tặng tôi bó hoa.


Và khi tôi nói với anh ấy rằng tôi đang ở một bữa tiệc toàn là người đẹp, anh nói câu khiến tôi xiêu lòng là 'người đẹp ở cùng với người đẹp'.

Tôi nhớ rằng anh ấy yêu tôi khi chúng tôi có mặt tại một bữa tiệc cocktail với các đồng nghiệp và anh ấy quàng tay qua để vuốt ve cánh tay của tôi. Anh ấy gọi tôi là ma biche (con nai nhỏ của anh) và thể hiện tình yêu dành cho tôi mỗi ngày, ngay cả sau hơn một thập kỷ bên nhau.

Động từ 'aimer' (yêu)

Tuy nhiên, tôi không thể nhớ lần cuối cùng anh ấy nói 'je t'aime' (anh yêu em) là khi nào.

Điều này có thể dẫn đến cảm giác bất an nếu nó không phải là chuyện quá bình thường ở Pháp, một đất nước mà cho dù một cặp vợ chồng có thể quấn quýt nhau đến đâu, họ hiếm khi thốt ra những lời đó.

Đây không phải là thiếu tình cảm hay sợ cam kết. Như Lily Heise, một nhà văn tự do và chuyên gia tình cảm Canada sống ở Paris, quan sát, đối với người Pháp, cam kết dường như hết sức dễ dàng.

"Chỉ sau ba cuộc hẹn, vậy thôi; họ không gặp gỡ ai nữa và họ sẽ ở bên nhau cả ngày, mọi ngày, ngoại trừ khi công việc chen ngang," cô cho biết.

Cây cầu Pont Alexandre III lộng lẫy là một trong những địa điểm lãng mạn nhất Paris. Ảnh: Getty Images

Heise có cảm hứng để viết cuốn sách đầu tiên của mình, 'Je T'aime, Me Neither' khi người bạn trai Pháp bỏ cô và nói, 'Je ne t'aime plus' (Tôi không yêu cô nữa). Câu nói này nghe càng giật mình hơn, cô phân tích, bởi vì làm sao anh ta có thể nói, 'Tôi không yêu cô nữa' khi mà anh ấy chưa bao giờ nói 'Anh yêu em'?

Người Pháp không nói 'anh yêu em' hay là 'em yêu anh' bởi vì họ không có động từ để bày tỏ tình cảm chân thành đối với những người họ quan tâm. Chỉ có duy nhất động từ 'aimer', vừa có nghĩa 'thích' vừa có nghĩa 'yêu'.

Do đó, người Pháp không phóng đại khi họ chia động từ 'aimer' để giải thích tình cảm của họ dành cho bóng bầu dục, bánh mì baguette hoặc mùi hoa tử đinh hương.

Đương nhiên, khi đó, sử dụng cùng một từ để mô tả tình cảm mãnh liệt dành cho đứa con mới chào đời, người bạn thời thơ ấu hay người bạn đời sẽ nghe có vẻ sáo rỗng và tầm thường.

Giở từ điển Larousse Pháp-Anh trực tuyến sẽ giúp chúng ta hiểu cách người Pháp thật sự nói về tình yêu.

Ở đây, nội động từ 'love' được định nghĩa là 'aimer', nhưng các ví dụ được đưa ra để diễn đạt tình yêu đó cho thấy nó hiếm khi được dùng.

Theo Larousse, khi nói về tình yêu dành cho một môn thể thao hoặc một món ăn, từ tiếng Pháp chính xác sẽ là 'passion'.

Tình yêu từ cái nhìn đầu tiên là 'coup de foudre' (tình yêu sét đánh); cuối thư được ký là 'affectueusement' (yêu dấu); và tình yêu của đời bạn chỉ đơn giản là 'homme ou femme de ma vie' (người đàn ông hay người phụ nữ của đời tôi).

Thể hiện tình yêu

Khi không thể nói 'yêu', người Pháp học cách thể hiện tình yêu. 'Flattery' (tâng bốc), 'chivalry' (hào hiệp) và 'romantic' (lãng mạn) là tất cả những từ đã du nhập vào tiếng Anh qua tiếng Pháp cổ.


Đưa ra lời khen là nghệ thuật ở đây, phát ra từ miệng người yêu mới dễ như ăn gỏi.


Đàn ông không do dự xách va li cho phụ nữ xuống cầu thang tàu điện ngầm, và cũng như sự lãng mạn, nó ăn sâu vào một nền văn hóa vốn đã hoàn thiện sô cô la, phát minh ra rượu sâm banh và xây cầu Alexandre III lộng lẫy theo trường phái Art Nouveau.


Nó cũng không chỉ nói về tình yêu.

Marie Houzelle, tác giả người Pháp của tiểu thuyết Tita, vốn chỉ viết độc tiếng Anh, nói rằng các bậc cha mẹ Pháp có thể nói 'je t'aime' với con cái nhưng họ nhiều khả năng hơn sẽ gọi con của họ là ma puce (con chấy của ba/mẹ), mon chou (bắp cải của ba/mẹ) hoặc ma mignonne (bé yêu của ba/mẹ) - toàn là tên thú cưng phổ biến ở Pháp.

Theo nhà phân tâm học Robert Neuburger trong ấn bản tiếng Pháp của tạp chí Slate, "giống như lời chào hoặc nụ hôn, tên thú cưng là một phần trong sự gần gũi vợ chồng, một nghi thức để phân biệt người bạn đang gọi với những người khác, và đó là điều làm cho nó quý giá."

Ở Pháp, tên thú cưng dành riêng cho ai đó hay vai trò của họ trong đời bạn. Một người đàn ông có thể gọi các đồng nghiệp nữ của mình là 'mes chats' (bọn mèo của tôi).

Một người bạn thân chào hỏi một người phụ nữ có thể gọi cô ta là 'ma belle', tức 'người đẹp của tôi'.

Tìm kiếm trên mạng các tạp chí phụ nữ sẽ cho ra danh sách hàng trăm tên thú cưng cho mẹ, cha, con cái, bạn bè hoặc người yêu: ma chéri; mon coeur (người yêu dấu); mon trésor (kho báu của tôi); ma perle (cục vàng của tôi).


Người Pháp cũng không cần phải nói lời yêu. Họ vui được truyền đạt tình cảm của mình bằng những cái ôm, ôm ấp và nụ hôn bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào họ cảm thấy cần thể hiện tình cảm.


Không có ai tranh cãi về thể hiện tình cảm công khai ở Pháp, nơi việc này được ca ngợi là kết cục may mắn của tình yêu.


Mùa hè ở Paris có rất nhiều cặp ngồi san sát nhau dọc sông Seine, hôn nhau say đắm đến mức họ không để ý thấy sự cổ vũ của du khách trên những chiếc tàu Bateaux Mouches chạy ngang qua.

Nụ hôn thay lời chào

Parigramme Press đã xuất bản cẩm nang hướng dẫn về những nơi phù hợp nhất để hôn ở Paris, 'Où s'embrasser à Paris'.

Tạp chí ELLE gợi ý Đài phun nước Medici trong Vườn Luxembourg hoặc băng ghế dài ở Quảng trường Jehan-Rictus nhỏ xíu tại Montmartre, đối mặt một bức tường mà trên đó 'Anh yêu em' được viết dưới mọi thứ tiếng.

'My Little Paris', trang web thân thuộc đối với dân địa phương, khuyên nên âu yếm tại Nghĩa trang Montparnasse, gần tác phẩm điêu khắc Nụ hôn của Brancusi.


Nụ hôn cũng thay thế lời yêu khi nói lời tạm biệt với bạn bè và gia đình. Người Pháp nói 'je t'embrasse' (Hôn nhé) khi kết thúc cuộc nói chuyện điện thoại với người thân.

Các con tôi kết thúc tin nhắn gửi cho tôi với bises (nụ hôn), trong khi những người bạn tốt của tôi kết thúc trang trọng hơn một chút với bisous, cả hai từ này đều có nghĩa là nụ hôn xuất phát từ từ Latin baesium, một lời chào thấp hơn nghi thức thiêng liêng và cao hơn cử chỉ lãng mạn.

Nụ hôn cũng không chỉ để tạm biệt. Nó nằm trong nghi thức chào hỏi của người Pháp.

Ở Paris, nụ hôn là cú chạm đơn giản trên hai má. Ở một số nơi miền nam, mọi người chào nhau bằng ba lần chạm má, trong khi ở tây bắc, chuẩn mực là bốn lần. Nụ hôn dành cho gia đình, bạn bè, bạn bè của bạn bè và đôi khi cả đồng nghiệp.

Thay đổi trong mùa dịch

Nghi thức này, giống như cái ôm của người Mỹ hoặc cái bắt tay cả hai tay của Rwanda, đã bị nghi vấn trong đại dịch, vốn đã khiến người Pháp thử nghiệm các cách làm khác để giãn cách xã hội.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thích chọn cách hai người chạm nắm tay vào nhau, nhưng nó khiến mọi người đến hơi gần nên không còn thoải mái.

Cái lắc chạm chân mà cố Tổng thống Tanzania John Magufuli làm cho nổi tiếng là mối đe dọa đối với giày cao gót và giày bóng loáng mà người Pháp coi trọng.

Cú chạm khuỷu tay trở thành dễ hòa nhập nhất, nhưng lời chào bonjours vẫn có cảm giác vụng về và lời tạm biệt au revoirs trở nên thiếu khi không có nụ hôn đi kèm.

Vào tháng 5/2021, nước Pháp cuối cùng cũng nới lỏng các hạn chế phòng dịch: lệnh giới nghiêm được lùi lại đến 21:00h và các nhà hàng đã có thể phục vụ ngoài trời.

Người Pháp ăn mừng và được nhìn thấy chào hỏi nhau - đôi khi đeo có đeo khẩu trang, đôi khi không - với nụ hôn trước các quán cà phê Paris, tại các căn nhà gỗ trên dãy Alps và trong những căn lều trên bờ biển French Riviera.

Người lớn đã chích ngừa một lần nữa hôn nhau ở các đám cưới và lễ rửa tội, và mọi người đều ngờ rằng việc nụ hôn trở lại hoàn toàn chỉ còn vài tháng. Bởi vì ở một đất nước mà không dễ nói lời yêu, mọi người đều nóng lòng thể hiện tình cảm trở lại.

Sylvia Sabes
BBC Travel
Link tiếng Anh:


No comments: