Nhờ thực hành chánh niệm, chúng ta ít phản ứng cảm xúc hơn - giúp chúng ta giải quyết các vấn đề của mình một cách bình tĩnh hơn.
Tuy nhiên, có một 'lợi ích' mà bạn có thể không mong đợi, đó là bản ngã được đẩy cao.
Ấy vậy mà một nghiên cứu gần đây cho thấy trong một số bối cảnh, thực hành chánh niệm thực sự có thể thổi bùng xu hướng ích kỷ ở một số người. Với sự tập trung hướng nội càng nhiều, họ dường như quên đi những người khác và ít sẵn lòng giúp đỡ những người khốn khó.
Tuy nhiên, không nên chỉ dựa vào mỗi kết luận này để lấy đó làm nguyên nhân khiến bạn ngừng thiền định, nếu bạn thấy thiền có ích ở những điểm khác.
Nhưng nó thêm vào khối lượng những nghiên cứu ngày càng tăng cho thấy tập chánh niệm có thể có tác dụng phụ không mong muốn cũng như những lợi ích tiềm tàng - và nhiều nhà tâm lý giờ đây tin rằng hậu quả tiêu cực có thể có của một số cách thiền định nên được nêu ra bên cạnh những lời ca ngợi.
Cái 'tôi' trong thiền định
Nghiên cứu của Michael Poulin, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Bang New York ở Buffalo, muốn tìm hiểu xem liệu tác động của chánh niệm có phụ thuộc vào bối cảnh văn hóa và các giá trị hiện hành của người thực hành chánh niệm hay không.
Ông đặc biệt quan tâm đến cách mọi người nghĩ về bản thân - sự 'tự chiêm nghiệm'.
Một số người có quan điểm độc lập hơn, tập trung vào các đặc điểm cá nhân. Nếu họ được yêu cầu mô tả bản thân, có thể họ sẽ nhấn mạnh đến trí thông minh hoặc khiếu hài hước của mình.
Nhưng những người có quan điểm phụ thuộc lẫn nhau có xu hướng nghĩ về bản thân trong mối quan hệ với người khác. Nếu họ được yêu cầu mô tả bản thân, họ có thể nói họ là 'người con gái' hoặc 'người cha' hoặc 'sinh viên năm nhất' - những điều nhấn mạnh vai trò xã hội hoặc vị trí là thành viên của họ trong một xã hội nào đó.
Trong nhóm dân số của bất kỳ nước nào cũng có sự pha trộn hai quan điểm trên, nhưng nhìn chung sự phụ thuộc lẫn nhau ở các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ - nơi Phật giáo bắt nguồn - sẽ cao hơn, trong khi người dân Mỹ, Anh và châu Âu có xu hướng tư duy độc lập hơn.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Một nửa trong số này sau đó được yêu cầu thực hành thiền định tập trung vào cảm giác thở. Nhóm đối chứng được cho thiền định 'giả tạo' bao gồm ngồi và để tâm trí miên man trong 15 phút. Bài tập này có thể mang tính thư giãn, nhưng nó không nhằm để giúp họ tăng chánh niệm.
Tiếp đó là kiểm tra về hành vi ủng hộ xã hội: các sinh viên được cho biết về một dự án mới để tài trợ một tổ chức từ thiện giúp đỡ người vô gia cư. Sau đó, họ có cơ hội bỏ tài liệu tiếp thị chương trình vào phong bì gửi đến các cựu sinh viên của trường - nhưng họ được nói rằng họ không phải làm như vậy nếu họ muốn về sớm.
Quả nhiên, Poulin thấy tác động của thiền định tùy thuộc vào thái độ lúc đó của mọi người.
Với những người theo hướng suy nghĩ lệ thuộc vào nhau, những ai thực hiện bài tập chánh niệm sẵn sàng dành nhiều thời gian hơn để làm công việc từ thiện. Nhìn chung, họ bỏ nhiều phong bì hơn khoảng 17% so với nhóm đối chứng.
Tuy nhiên, nếu họ có đầu óc độc lập thì ngược lại - chánh niệm khiến họ cho mình là trung tâm nhiều hơn, vì vậy họ không sẵn lòng giúp đỡ người vô gia cư bằng nhóm kia. Nhìn chung, họ bỏ tài liệu vào phong bì ít hơn khoảng 15% so với nhóm đối chứng.
Lòng vị tha
Để đảm bảo rằng phát hiện này thuyết phục, nhóm của Poulin đã tiến hành thí nghiệm thứ hai, trong đó những người tham gia trước hết được đưa cho một câu văn ngắn được viết bằng ngôi thứ nhất số ít (tôi),hoặc ngôi thứ nhất số nhiều (chúng tôi).
Khi đọc câu văn, họ phải nhấp vào tất cả các đại từ - nhiệm vụ đơn giản được biết là dẫn dụ tư duy độc lập hay lệ thuộc. Sau đó, họ hoàn thành bài tập ngồi thiền và để kiểm tra tính ủng hộ xã hội, họ được hỏi liệu có muốn dành thời gian để trò chuyện trực tuyến với các nhà tài trợ tiềm năng cho tổ chức giúp đỡ người vô gia cư hay không.
Một lần nữa, bài tập chánh niệm đẩy mạnh tác động của tự nhận thức, làm gia tăng lòng vị tha ở những người suy nghĩ lệ thuộc và giảm lòng vị tha ở những người có tư tưởng độc lập.
Do nhiều người Mỹ có kết quả tốt về tự chiêm nghiệm độc lập, có rất nhiều người thực hành chánh niệm có thể bị ảnh hưởng.
Phát hiện này đem đến chất liệu mới cho những ai chỉ trích phong trào chánh niệm.
Ronald Purser, giáo sư về quản lý tại Đại học Bang San Francisco, là người đi đầu trong số đó. Trong cuốn 'McMindfulness: How Mindfulness Became the New Capitalist Spirituality', xuất bản năm 2019, ông mô tả làm sao mà các cách thực hành cổ xưa tách rời với giáo lý nhà Phật nguyên thủy.
"Thực hành chánh niệm là nhằm để mang đến sự thấu hiểu rõ ràng rằng mặc dù tách bạch với nhau, tất cả các hiện tượng - bao gồm cả ý thức về bản ngã - theo đúng bản chất là tương đối và phụ thuộc lẫn nhau," ông nói với tôi.
Tuy nhiên, trong nhiều dạng thức mới của nó ở phương Tây, chánh niệm được quảng bá như công cụ giúp tăng năng suất và kết quả làm việc. "Chánh niệm đã trở thành một phương tự lực, tự thân," Purser nói - một công cụ nữa để vượt lên trên người khác. Ông không ngạc nhiên trước những phát hiện của Poulin - ông đã nghe về những hiệu ứng tương tự.
Thomas Joiner, giáo sư tâm lý học tại Đại học bang Florida và là tác giả cuốn 'Mindlessness: The Corruption of Mindfulness in a Culture of Narcissism', cũng nhấn mạnh như vậy.
Ông nói thực hành Phật giáo đã bị 'bóp méo' thành một 'cơ chế tập trung vào bản thân và tôn vinh bản thân'.
Giống như Purser, ông tin rằng nghiên cứu của Poulin giúp chỉ ra hậu quả của việc này. "Tôi nghĩ nó chứng minh cho quan điểm của tôi rằng khi đưa chánh niệm thực sự vào bối cảnh nhất định, kết quả là sai lầm lớn."
Con đường trung đạo
Công bằng khi nói rằng quan điểm của Purser và Joiner về chánh niệm rơi vào điểm cực đoan; nhìn chung, các nhà tâm lý học nghiên cứu chánh niệm vẫn lạc quan về tiềm năng của nó để cải thiện sự an lạc trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
Tuy nhiên, dường như ngày càng có nhiều lo ngại rằng một số lợi ích đã bị thổi phồng quá mức và những nhược điểm tiềm tàng chưa được tìm hiểu đúng mức. Một số nghiên cứu cho thấy chánh niệm có thể làm tăng lo âu và gây ra sự hoảng loạn ở một số người chẳng hạn - nguy cơ không thường được đề cập trong nhiều cuốn sách, ứng dụng và khóa học về chánh niệm.
Chúng ta cần minh bạch hơn nhiều về những tác dụng phụ không mong muốn này - bao gồm cả khả năng làm tăng hành vi ích kỷ. "Tôi hoàn toàn nghĩ rằng những người thúc đẩy hay thực hành chánh niệm nên nhận thức được vấn đề tiềm tàng này," Poulin nói.
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES
Chúng ta cũng cần nghiên cứu nhiều hơn về phương pháp chánh niệm. Hơi thở chánh niệm, mà Poulin sử dụng trong thí nghiệm của ông, là bài tập chánh niệm phổ biến nhất, và nếu bạn chỉ quan tâm qua loa, đó có thể là phương pháp duy nhất bạn biết.
Nhưng có nhiều phương pháp khác mà mỗi cách có thể giúp phát triển một kỹ năng cụ thể.
Tania Singer, giám đốc Viện Khoa học Nhận thức và Não Bộ Max Planck ở Leipzig, Đức, đã đưa ra những bằng chứng mạnh mẽ nhất về tác động đa dạng của các phương pháp khác nhau với thử nghiệm chi tiết kéo dài 9 tháng.
Qua nhiều buổi, người tham gia hoàn thành các bài tập nhằm cải thiện 'sự hiện diện', chẳng hạn như hơi thở chánh niệm, cũng như các kỹ thuật như 'thiền định lòng thương', tức là cố ý suy nghĩ về cảm giác kết nối với người khác - bao gồm bạn thân thiết và người xa lạ.
Họ cũng làm bài tập theo cặp nhằm 'lắng nghe chánh niệm', theo đó mỗi cặp phải đặc biệt chú ý đến mô tả của cặp kia về các tình huống cảm xúc.
Trong lúc đó, Singer theo dõi các hiệu ứng với bảng câu hỏi chi tiết, bao gồm chỉ số về tình thương - vốn tăng đáng kể sau thiền định lòng thương và làm việc theo cặp.
Thú vị là những bài tập này dường như làm giảm nhiều nhất phản ứng căng thẳng. "Bạn học cách không chỉ lắng nghe một cách thấu cảm. Bạn học cách mở ra chỗ tổn thương của chính mình". Điều này cho phép người tham gia nhận ra 'nhân tính chung' của những cảm xúc tích cực và tiêu cực, bà nói - cách nghĩ giúp họ đối phó tốt hơn với các tình huống căng thẳng trong phần còn lại của cuộc đời.
Poulin đồng ý những phương pháp chánh niệm khác này có thể đi ngược lại những tác động mà ông thấy đối với những người theo chương trình toàn diện.
Ông quan ngại nhiều hơn đến các khóa thiền quá đơn giản vốn quảng bá chánh niệm như cách đơn giản để tăng cường trí não. "Với sự gia tăng của các ứng dụng và áp dụng chánh niệm trong các tập đoàn để tăng năng suất, đôi khi khía cạnh đạo đức của chánh niệm bị thiếu khuyết," ông nói.
Bất cứ khi nào chúng ta cố thay đổi chức năng tâm hồn mình, nó có khả năng tạo ra hậu quả sâu rộng cho hành vi chúng ta - và chúng ta nên thận trọng với bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ nào cho là giúp 'khắc phục nhanh chóng'.
Nói cách khác, đã đến lúc phải chú ý hơn một chút về cách chúng ta áp dụng chánh niệm.
David Robson
BBC Worklife
Link tiếng Anh:
No comments:
Post a Comment