Người dân các nước châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… rất kỵ viết tên người bằng mực đỏ. (Ảnh: Pinterest)
Khi còn bé, chúng ta không hiểu chuyện, vô tình cầm bút đỏ viết chữ thì luôn bị người lớn ngăn cản, đặc biệt nếu dùng bút đỏ ghi tên người thì sẽ bị mắng ngay lập tức. Vì thế trẻ em dần dần đã hình thành thói quen không dùng bút đỏ, nhưng nguyên nhân tại sao thì rất ít người hiểu rõ…
Nguyên nhân là vào thời cổ đại, đối với việc phán tội chết cho một người, người ta sẽ dùng máu gà để ghi tên của họ, sau này mới chuyển sang dùng bút. Vì thế chỉ có nha môn khi ghi chép tên của phạm nhân mới có thể dùng bút đỏ.
Dân gian Trung Quốc còn lưu truyền rằng, Diêm Vương thường dùng bút chu sa (đỏ thắm) để gạch tên trong sổ sinh tử, khi bút chu sa gạnh vào tên ai thì người ấy sẽ phải chết. Vì thế, tên người nào được viết bằng bút đỏ thì sẽ bị liên tưởng rằng đã chết hoặc là phạm nhân sắp bị hành hình.
Cho nên bút đỏ trên thực tế rất ít được sử dụng, ngoại trừ những công việc liên quan đến sửa chữa, kế toán. Đặc biệt khi viết tên người, dùng bút đỏ chính là việc tối kỵ.
Ngoại trừ những nguyên nhân trên, còn có cách nói khác, chính là trong quá khứ Hoàng đế phê duyệt những tấu chương gấp, chỉ dùng bút chu sa, quân thần nhìn là sẽ hiểu ngay. Vì vậy ngoại trừ Hoàng đế ra, những người khác bị nghiêm cấm dùng bút đỏ phê chỉ thị.
Viết tên người khác bằng bút mực đỏ cũng là điều cấm kỵ, cũng bởi cho rằng màu mực đỏ là nhắc nhở đã đến lúc một người sắp hết thời gian sống. (Ảnh: Quora)
Trong văn hoá Nhật Bản, viết tên người khác bằng bút mực đỏ là điều cấm kị, họ cho rằng màu mực đỏ là nhắc nhở đã đến lúc một người sắp hết thời gian sống. Và không chỉ với người, quan niệm này áp dụng cho cả các nhóm, tổ chức, chẳng hạn các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản nếu trong tình trạng sắp sửa phá sản thì tên chủ doanh nghiệp hay tên công ty cũng có thể bị viết bằng mực đỏ.
Còn ở Hàn Quốc, khi ai đó qua đời, tên của họ thường được gia đình biên bằng mực đỏ với niềm tin làm như vậy sẽ xua đuổi được tà ma; với người đang sống, việc ghi tên bằng mực đỏ sẽ đảo ngược tác dụng này. Do vậy, người ta luôn tránh dùng mực đỏ ghi tên người, chỉ trừ trường hợp dùng mộc hay con dấu để tránh bị coi là nguyền rủa người khác.
Đây là điều cấm kỵ trong dân gian, có người tin có người không tin. Tuy nhiên, người xưa có câu “có thờ có thiêng có kiêng có lành”, do đó, tốt nhất chúng ta không nên tùy ý dùng bút đỏ để viết tên người khác.
Lê Hiếu / Theo: Tinh Hoa
No comments:
Post a Comment