Chân dung huyền thoại võ thuật Lã Tử Kiếm. (Ảnh: Gxnet)
Trong lịch sử 5000 năm của Trung Hoa, trải qua các triều đại đều xuất hiện không ít những hiệp khách vân du tìm thầy học võ, trau dồi cho mình những tuyệt kỹ vô song, đồng thời không ngừng truyền thừa và phát triển tinh thần võ học. Những hiệp khách này đại đa số đều hành hiệp trượng nghĩa, gặp chuyện bất bình liền ra tay tương trợ.
Lý Bạch trong “Hiệp Khách Hành” từng viết một câu: “Sự liễu phất y khứ, thâm tàng thân dữ danh”, ý rằng, làm xong việc rũ áo ra đi, ẩn kín thân thế cùng danh tiếng. Chỗ miêu tả này chính là nói đến những hiệp khách, sau khi hành hiệp trượng nghĩa liền phẩy áo ra đi, không muốn lưu lại tên tuổi của mình.
Ở thời cận đại cũng xuất hiện một vị đại hiệp nổi danh tên Lã Tử Kiếm, ông cùng với Tân Môn đại hiệp Hoắc Nguyên Giáp và Quan Đông đại hiệp Đỗ Tâm Vũ trở thành “Tam đại hiệp khách” lừng lẫy một thời.
Lã Tử Kiếm sinh vào năm Quang Tự thứ 19 (1893) tại Nghi Xương, Hồ Bắc trong một gia đình nhiều đời theo nghiệp võ, cha mẹ ông đều là những võ sư nổi tiếng thời đó. Năm lên 7 tuổi, ông bắt đầu theo mẹ đi những đường quyền đầu tiên của phái Võ Đang.
Năm 1905, Lã Tử Kiếm 12 tuổi được gia đình gửi theo học võ sư Lý Quốc Thao của phái Võ Đang. Năm 18 tuổi, ông đến Bắc Kinh bái Lý Trường Diệp làm thầy, học “Du thân Bát quái liên hoàn chưởng” trong vòng 8 năm. Ông cũng lên núi Võ Đang bái sư, làm môn hạ của Tử Tiêu Đạo trưởng Từ Bản Thiện tập nội gia quyền, trước sau 20 năm, quả nhiên đã đạt được công phu hơn người.
Ngoài ra, Lã Tử Kiếm cũng từng học y thuật tại trường y quốc gia Hồ Bắc, ông tin rằng học võ nghệ có thể giúp thân thể khỏe mạnh, còn học y thuật có thể cứu người, hành thiện tích đức.
Lã Tử Kiếm là vị hiệp khách khiến giới võ học đều cảm thấy nể sợ. (Ảnh: iFuun)
Năm 27 tuổi (1920), tại Nam Kinh tổ chức đại hội lôi đài toàn quốc. Lã Tử Kiếm lúc ấy lần đầu tiên tham dự đã lập tức giành chức vô địch. Tên tuổi của ông nổi như cồn trong giới võ lâm Trung Quốc.
Năm 1924, khi đó quyền vận tải trên sông Trường Giang (Dương Tử) – huyết mạch về giao thương ở miền Nam Trung Quốc, đều nằm trong tay các nước đế quốc lớn. Giám đốc công ty vận tải Dân Sinh là Lư Tác Phu muốn thu hồi quyền vận tải, nhưng điều kiện người Nhật Bản đưa ta là chỉ cần Trung Quốc có người nào đánh bại võ sĩ Hideo Mitsui của họ thì sẽ được giao quyền vận chuyển.
Lư Tác Phu đã nhờ Lã Tử Kiếm đứng ra can thiệp và ông lập tức nhận lời. Trận quyết đấu được diễn ra ở sân trường quân sự Nghi Xương. Hideo Mitsui vốn không phải là đối thủ của Lã Tử Kiếm, nên chỉ trong vòng 2 đòn võ sĩ Nhật Bản đã bị Lã đánh chết ngay trên võ đài. Khi đó còn có 2 võ sĩ danh tiếng của Nhật lên đài khiêu chiến nhưng đều bị Lã Tử Kiếm kết liễu ngay tại chỗ.
Người Nhật theo lời hứa giao lại quyền vận chuyển trên sông Trường Giang cho người Trung Quốc. Cũng vì sự kiện này mà Lã Tử Kiếm trở nên nổi tiếng, được phong là “Trường Giang đại hiệp”.
Tiếng tăm hành hiệp trượng nghĩa của Lã Tử Kiếm ngày càng nổi, khiến cho Tổng thống Trung Hoa Dân quốc khi đó là Tưởng Giới Thạch phải chú ý. Tưởng Giới Thạch đích thân mời ông đến huấn luyện võ thuật. Các vệ sĩ thuộc nhóm “Thập tam thái bảo” của Tưởng Giới Thạch đều từng học qua võ thuật với Lã Tử Kiếm.
Lã Tử Kiếm được coi là người sở hữu võ công thượng thừa ở Trung Quốc. (Ảnh: Kuaibao)
Sau khi chiến tranh chống Nhật kết thúc, quan hệ giữa chính phủ Dân quốc với chính phủ Mỹ khá thân mật. Năm 1945, tướng Mỹ Marshall đến Trung Quốc để phối hợp quan hệ hai đảng Quốc – Cộng. Đội trưởng đội cận vệ của Marshall là Tom Newham cũng là một tay lợi hại, là quyền vương nước Mỹ, thêm nữa là đã xưng bá trong giới quyền thuật nước Mỹ nhiều năm. Sau khi tới Trung Quốc, ông này căn bản không xem võ thuật Trung Quốc ra gì.
Khi đó, Newham đặt một lôi đài ở Trùng Khánh, tuyên bố khiêu chiến nhân sĩ võ lâm toàn Trung Quốc. Hành động ngạo mạn này đương nhiên khiến khá nhiều người bất mãn. Một số người biết võ tức giận lên đài khiêu chiến nhưng quyền vương cũng không phải hư danh. Rất nhiều người sau khi lên đài, nhẹ thì bị đánh trọng thương, nặng thì bị chết ngay trên đài.
Thế rồi, Lã Tử Kiếm tìm gặp Tưởng Giới Thạch để bày tỏ nguyện vọng xin được giao đấu với Tom Newham. Ban đầu, Tưởng Giới Thạch từ chối bởi ông không muốn cuộc chiến này gây ảnh hưởng tới mối quan hệ Trung – Mỹ. Nhưng, trước thái độ ngạo mạn của nhiều binh sĩ Mỹ trong đó có Tom Newham, Tưởng Giới Thạch cuối cùng đã chấp nhận để Lã Tử Kiếm lên đài.
Ở trận đấu này, Lã Tử Kiếm đã lợi dụng được sở hở, sự chủ quan của Tom Newham để tung ra một cú đòn chí mạng, khiến võ sĩ người Mỹ gục ngã. Sau đó ba ngày, Tom Newham đã bị tử vong do bị trọng thương. Sau trận chiến này, người Mỹ mới không dám coi thường võ thuật Trung Hoa nữa.
Năm 2012, Lã Tử Kiếm đã ra đi tại nhà riêng ở thành phố Trùng Khánh. (Ảnh: Chinanews)
Lã Tử Kiếm tính tình hào phóng, bốn phương hành hiệp trượng nghĩa, do giỏi chuyên khoa trị xương cốt nên ông đã trị cho vô số người ở Thiên Tân, Trùng Khánh cùng các nơi khác. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, Lã Tử Kiếm mở Tử Kiếm võ quán, môn đồ rất đông. Dưới võ quán có 8 đại chưởng môn, đệ nhất đại chưởng môn là đại sư võ thuật nổi danh Vương Thanh Hoa, các chưởng môn khác đều là những nhà võ thuật nổi danh ở trong và ngoài nước.
Năm 2012, Lã Tử Kiếm qua đời tại nhà riêng ở thành phố Trùng Khánh, hưởng thọ 118 tuổi. Trước đó, ông đã xác lập kỷ lục Guinness là người đàn ông sống thọ nhất thế giới. Cho đến nay, Lã Tử Kiếm vẫn được coi là một tượng đài lừng lẫy, là niềm tự hào không chỉ với môn phái Võ Đang mà còn với cả nền võ thuật cổ truyền Trung Hoa.
Tuệ Tâm (Theo SOH)
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment