Monday, November 22, 2021

NỖI BUỒN XA XĂM CỦA BÀ HUYỆN THANH QUAN

Cùng với Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan được coi là nữ nhà thơ tiêu biểu trong thời phong kiến Việt Nam. Thơ bà tinh tế, câu chữ chọn lọc, điêu luyện, và hầu hết đều mang nỗi buồn xa xăm.

Tranh vẽ Bà Huyện Thanh Quan (Ảnh Internet).

Bà Huyện Thanh Quan (1805 - 1848), tên thật là Nguyễn Thị Hinh, ở phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ), Hà Nội.

Bà từng theo học danh sĩ Phạm Quý Thích. Bà Huyện Thanh Quan là cách gọi theo chức danh của chồng bà, ông Lưu Nghị. Ông Lưu từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là một phần huyện Đông Hưng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Nổi danh về tài văn thơ, dưới thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập, dạy học cho các công chúa và cung phi.

Cuộc đời bà cũng trải qua đủ đau khổ về gia đình, công danh. Bà cũng được biết đến là từng thay chồng xử án và giúp dân làng Nghi Tàm bỏ được lệ cống tiến chim quý.

Về câu chuyện thay chồng xử án của bà. Theo sách Mười phụ nữ huyền thoại Việt Nam, một lần, cô Nguyễn Thị Đào đến công đường kiện cáo vì chồng có vợ bé, nên bỏ bê nhà cửa, phụ bạc vợ. Cô làm đơn xin bỏ chồng để đi lấy người khác.

Chồng đi vắng, Bà Huyện Thanh Quan đã phóng khoáng phê vào đơn: Phó cho con Nguyễn Thị Đào/Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai/Chữ rằng “Xuân bất tái lai”/Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.

Sau đó, người chồng của cô này kiện lên quan trên, nghe nói vì việc này mà ông Huyện Thanh Quan bị giáng chức.

Qua câu chuyện trên, ta thấy bà mang trong mình khí phách nam nhi, quân tử. Cũng là phận đàn bà, hơn ai hết, bà thấu hiểu và đồng cảm với cô Đào.

Cuộc đời 43 năm ngắn ngủi của Bà Huyện Thanh Quan đã để lại cho hậu thế những bài thơ hay về tả cảnh, tả tình. Bà đã diễn tả tâm trạng mình theo một cách riêng. Người ta đánh giá thơ bà tinh lọc, câu chữ chọn lựa kỹ càng, nhưng không bị gò bó.


Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

(Qua đèo Ngang)

Bài thơ Qua đèo Ngang đã được đưa vào sách giáo khoa, là thể thơ ngôn bát cú Đường luật. Được biết, bài thơ được viết khi bà vào Phú Xuân (Huế) nhậm chức, qua đèo Ngang, trước bơ vơ mây núi, vắng người, bà đã viết nên tâm trạng này. Đèo Ngang là đèo trên Quốc lộ 1A vượt núi Hoành Sơn tại ranh giới của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Ở bài trên, có cụm từ “rợ mấy nhà”, có nơi viết là “chợ mấy nhà”, nhưng theo lý giải, “rợ mấy nhà” mới hợp cảnh, rợ ở đây là nhà tạm hợp và đúng với cảnh đèo Ngang hơn.

Từ nỗi lòng nhớ nhà, nhớ quê, bà đã chuyển sang nhớ nước. Trước khi Bà Huyện Thanh Quan được sinh ra, kinh đô ở Thăng Long Hà Nội, nhưng sau đó, nhà Nguyễn lập kinh đô ở Huế, bài thơ trên có thể phần nào ẩn chứ tâm trạng nhớ cố đô một thời. Đó là nỗi buồn xa xăm. Nỗi buồn này còn được thể hiện rõ qua bài thơ Thăng Long thành hoài cổ (nhớ thành Thăng Long xưa).

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.

Có người nói rằng, mặc dù chịu làm quan dưới triều Nguyễn, nhưng tâm trạng bà luôn ở thế hoài Lê, tức nhớ nhà Lê đã mất.

Ở bài này, nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thuý, phân tích: “Bà Huyện Thanh Quan sống trong một thời đại (lớn) đầy biến động. Nhà Lê/Mạc, chúa Trịnh/Nguyễn, Tây Sơn/Nguyễn Ánh liên tiếp xuất hiện và liên tiếp sụp đổ...Bởi vậy thi nhân trách con tạo (gây chi) biến cuộc đời thành sàn diễn của những đổi thay. Thoạt tiên vẫn những đối lập xưa/nay ấy: Xưa là lối xe ngựa đi về nhộn nhịp thì nay chỉ có cỏ thu phủ dày; xưa là lâu đài đường bệ mà nay chỉ còn trơ lại nền cũ dưới ánh chiều tà. Rồi xuất hiện thêm một đối lập khác nữa tự nhiên/nhân tạo.


Ngày tháng (tuế nguyệt) trôi đi kéo theo những đổi thay (tang thương), nhưng đó là những đổi thay của thế giới nhân tạo, thế giới người, còn tự nhiên (đá, nước) thì vẫn bất biến (trơ gan, cau mặt). Soi vào tấm gương vĩnh hằng của tự nhiên, đời sống nhân tạo từ xưa đến nay (kim cổ) càng trở nên giả tạm và thoáng chốc. Con người đối diện với cảnh tượng này (cảnh đấy, người đây) được thức nhận, tỉnh táo hơn so với con người ảo giác ở chùa Trấn Bắc (xem bài "Qua chùa Trấn Bắc"). Nhưng, vì thế, cũng đau khổ hơn. Và cô đơn hơn”.

Bà Huyện Thanh Quan đã ra đi cách ta gần 200 năm, nhưng những tác phẩm thơ của bà để lại cho đời như những viên ngọc quý, chúng ta vừa cảm nhận về cảnh vật một thời, vừa biết được tâm trạng người xưa thế nào.

Đánh giá về tài thơ của bà, Giáo sư Dương Quảng Hàm viết: “Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện”.

Vũ Đoàn / Theo: Phapluat Online

No comments: