Wednesday, November 27, 2019

BÁT CANH LÁ RỪNG

Thượng nguồn sông Mã bát canh lá rừng

Thứ lá ấy tiếng Mường gọi là luống cuông, còn tiếng Kinh gọi là lá đắng. Cây lá đắng lớn như cây trứng gà, lá hình chân chim từa tựa lá cây cao su nhưng dài và mềm hơn.


Cây lá đắng chỉ mọc từ mạn Cẩm Thủy đổ lên Bá Thước, Cành Nàng, Điền Lư, La Hán,… Từ đồng bằng Thanh Hóa theo đường 17 ngược lên biên giới Việt – Lào, khi nào thấy núi dựng trập trùng, dòng sông Mã nhỏ thắt lại từng quãng ghềnh thác trắng xóa và réo ào ào bên đường, thì từ đó những bữa cơm đồng rừng có thêm bát canh lá đắng.


Thịt heo băm nhỏ, hoặc thịt gà xé tơi, cùng nấm hương và nấm mèo thái sợi đem “phi” hành mỡ, rồi thả lá đắng thái như thái thuốc lá vào. Khi các thứ chín kỹ mới đổ nước sôi vào nấu canh.

Canh lúp xúp sôi, đập thêm vài quả trứng vào, khoắng nhuyễn…

Canh lá đắng phải ăn lúc nóng bốc hơi nghi ngút mới ngon. Mỗi người húp lưng bát, thay cho bát súp “mở màn” bữa tiệc.

Bát canh quả thật là đắng, nhưng vị đắng rất đằm. Vị đắng vừa chạm đầu lưỡi mà nhuận khí như đã thấm tới cổ, tới ngực.

Có điều lạ kỳ là sau một ngày trèo đèo lội suối ruột gan khô bỏng, húp xong bát canh lá đắng tự nhiên thấy trong người thư thái hẳn lại. Và bữa ăn xong từ lâu mà cái dư vị “ngọt” đậm đà vẫn còn trong cổ.


Canh lá đắng ăn lần đầu đã thấy ngon, ăn dăm ba lần là bắt “nghiện”; bữa cơm thiếu nó thì dù thức ăn thịt cá ngon tới đâu cũng thành nhạt miệng khó ăn. Bởi thế, khách Hà Nội đi công tác thượng du Thanh Hóa thường mua từng bó lá đắng đem về nấu canh ăn dần.

Lá đắng có ưu điểm để khô nấu canh vẫn ngon (nhớ là trước khi nấu ngâm nước cho mềm), và mỗi nồi canh gia đình chỉ cần ba, bốn lá là đủ. Bà con ở địa phương cho biết lá đắng chính là một vị thuốc quý về tăng lực, bổ thận, nhuận gan,…


Cây quý nên hễ đem nó ra khỏi vùng núi đá thượng nguồn sông Mã, trồng ở nơi khác, là vị đắng của nó nhạt đi. Vật quý phải đứng ở đất quý. Trà Tân Cương (Bắc Thái), hồng Việt Trì (Vĩnh Phú), bưởi Đoan Hùng (Tuyên Quang), vịt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa), v.v… đều là những sản vật quý hiếm không thể nhân rộng ra các nơi khác.


Nhớ một lần lên thượng nguồn sông Mã, về đến Cẩm Thủy, anh Quách Lê Thanh còn cố giữ tôi lại để chiêu đãi một bữa canh lá đắng rồi mới cho về xuôi. Thế có nghĩa canh lá đắng còn là một niềm tự hào của người xứ này.

Và nấu canh lá đắng “thật đúng sách” là việc khó, không phải ai cũng làm được.

Lê Hoàng Sâm
Nguồn: Người Đô Thị Online