Dưới đây là những hiệu ứng tâm lý mà truyền thông sử dụng để thuyết phục bạn điều gì đó hoặc ảnh hưởng, tác động đến các quyết định của bạn.
Hiểu được những điều này sẽ giúp bạn tỉnh táo và tránh được những "cái bẫy tư duy".
1. Hiệu ứng ngủ quên (Sleeper effect)
Hiệu ứng ngủ quên là một hiện tượng tâm lý học liên quan đến sự thuyết phục. Khi một người tiếp nhận thông điệp (tích cực hoặc tiêu cực) về một đối tượng/sản phẩm có tính thuyết phục, thì dù sau đó họ có nghe những tin tức trái chiều (bớt tích cực hoặc bớt tiêu cực) thì ấn tượng của thông điệp ban đầu vẫn sẽ có tác động mạnh mẽ, về lâu dài trở thành thông điệp mà họ cho là chính xác.
Ví dụ, bạn nghe được thông tin về một sản phẩm của thương hiệu bánh kẹo nổi tiếng sử dụng hóa chất độc hại với cơ thể. Tuy nhiên không lâu sau, bạn lại nghe được thông tin khác khiến bạn nghi ngờ thông tin trước đó. Ví dụ ai đó nói với bạn là nguồn thông tin trước đó không đáng tin cậy, hoặc thông tin là do đối thủ cạnh tranh tung ra. Là người lý trí, bạn sẽ nghĩ thông tin trước đó là tin giả, và cố gắng quên nó đi. Tuy nhiên một thời gian sau (gọi là khoảng thời gian ngủ quên) bạn sẽ vẫn lại nghĩ rằng thông tin ban đầu là đúng, và không bao giờ mua sản phẩm đó nữa.
Hiệu ứng ngủ quên chỉ xuất hiện nếu thỏa mãn các điều kiện sau:
- Thông tin ban đầu nghe có tính thuyết phục
- Có thông tin sau đó khiến bạn nghi ngờ thông tin ban đầu
- Có đủ khoảng cách thời gian giữa thời điểm bạn tiếp nhận thông tin ban đầu và thời điểm bạn ra quyết định.
2. Hiệu ứng khung (Framing effect)
Hiệu ứng: Bằng cách thay đổi cách diễn đạt từ ngữ, bạn có thể thay đổi nhận thức của con người về nó.
Cách sử dụng từ ngữ để diễn đạt cùng một ý sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp nhận, nhận thức điều đó. Bằng cách nhấn mạnh một phần thông tin, bạn có thể biến một người thành anh hùng hoặc thành kẻ phản diện.
So sánh giữa hai câu "3 trong số 10 con tin vẫn chưa được giải cứu vì sự chậm trễ của cảnh sát với "nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng kế hoạch, cảnh sát đã giải cứu được 7 trong số 10 con tin".
Lý do là con người không đánh giá một sự kiện, sự vật độc lập mà dựa trên hoàn cảnh (phông nền). Thông thường hoàn cảnh (hay ở đây chính là khung) sẽ quyết định lựa chọn cuối cùng của bạn.
Con người thường có xu hướng tránh mất mát thay vì cố giành được điều gì đó. Theo tuổi tác, hiệu ứng này sẽ càng mạnh mẽ: Người già để ý nhiều hơn đến ảnh hưởng tiêu cực của mọi chuyện và thường tránh mất mát hơn là cố gắng để thấy được lợi ích của một đề nghị.
Một số ví dụ về hiệu ứng này:
- Con người phản ứng với từ "tăng giá" hơn là "giảm giá". Khi biết tin người đến check in muộn sẽ phải trả thêm tiền, 93% người sẽ đến check in chuyến bay sớm hơn. Nhưng nếu thông tin đưa ra là người đến check in sớm sẽ được giảm giá tiền, thì chỉ có 67% người đến sớn hơn. Mặc dù số tiền là như nhau.
- Bạn có xu hướng mua thịt bò 80% nạc hơn là miếng thịt bò tương tự nhưng được miêu tả là 20% mỡ.
- Trong đời sống hàng ngày, lựa chọn từ ngữ cũng ảnh hưởng đến thực tại của bạn. Ví dụ nếu bạn sử dụng một tủ đồ từ thời ông bà, bạn có thể vui vì được hưởng một vật mà ông bà để lại, cũng có thể không vui vì phải dùng món đồ cũ kỹ.
Một sai lầm trong công việc có thể coi là một trải nghiệm hữu ích, hoặc bị coi là rắc rối.
3. Hiệu ứng Semmelweis (Semmelweis reflex)
Hiệu ứng: Bạn chỉ nhìn thấy những gì bạn muốn thấy.
Trong số rất nhiều sự thật, bộ não bạn sẽ chỉ lựa chọn những sự thật phù hợp với kỳ vọng và lý tưởng của bạn. Đồng thời, nó từ chối tiếp nhận những khiến thức mới, sự thật mới mà trái ngược với định kiến của bạn (hiệu ứng Semmelweis).
Đó là lý do vì sao chúng ta thường thích xem cùng kênh TV và kênh YouTube, vào cùng một website. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta dễ dàng tin vào các chương trình mới - vì nó đúng theo quan điểm sẵn có của bạn và dễ tiếp thu.
Nếu bạn tin chắc rằng thực phẩm biến đổi gene là nguy hiểm thì bạn sẽ dễ dàng tin tưởng các bài viết về chủ đề này cho dù nó có nguồn gốc không chính thống, lá cải đến đâu, và phớt lờ những quan điểm trái chiều từ các tờ báo uy tín.
Điều tương tự cũng xảy ra về thái độ của chúng ta với người nổi tiếng của công chúng: Antifan sẽ chỉ chú ý những sai lầm của họ, còn fan sẽ phớt lờ mọi sai lầm dù là hiển nhiên nhất của họ.
4. Hiệu ứng đồng nhất với nạn nhân (Identifiable victim effect)
Hiệu ứng: Cái chết của một người là bi kịch, còn 1 triệu người chết chỉ là số liệu.
Trên khắp thế giới có hàng ngàn người mất tích, chết đói, nhưng chúng ta hiếm khi nghe thấy những thông tin đó trên truyền thông. Tuy nhiên những thông tin về một cô gái bị sàm sỡ có thể trở thành chủ đề gây tranh cãi hàng tháng trời của mạng xã hội và báo chí.
Đó là bởi thông điệp về một cá nhân cụ thể có tính thuyết phục hơn những dữ liệu con số, nó tạo cho bạn cảm giác là bạn biết người đó, khiến bạn có cảm xúc với điều đó. Hiệu ứng này không chỉ ảnh hưởng đến khán giả, độc giả mà còn ảnh hưởng đến cả chính phủ. Một cá nhân có thể nhận được giúp đỡ, hỗ trợ nhiều hơn một nhóm người.
Tổng thống Bush ôm bé Jessica McClure
Ví dụ như câu chuyện của cô bé Jessica ở Mỹ, từng bị rơi xuống giếng vào năm 1987. Sau 58 giờ nỗ lực, đội cứu hộ đã thành công giải cứu cô bé. Kết quả là một số tiền lên tới 800.000 USD (hơn 18 tỷ đồng) đã được quyên góp ủng hộ.
Trong khi đó, cùng năm, có 830.000 trẻ tử vong do các tai nạn và nhiều trường hợp có thể phòng tránh được, nhưng người ta lại không có đủ tiền cho các biện pháp phòng tránh.
5. Hiệu ứng mỏ neo (Anchoring effect)
Hiệu ứng: Chúng ta chụp một bức ảnh cả sự kiện, cắt một mảnh ra, rồi coi mảnh đó như toàn cảnh sự kiện ấy.
Đây là hiệu ứng khi chỉ một phần của sự vật hay sự kiện được mang ra thảo luận và các mặt khác thì vô tình hoặc cố ý mà bị bỏ qua. Điều này khiến bạn không thể hiệu đúng điều gì đang diễn ra hay đưa ra quyết định chính xác.
Ví dụ, truyền thông tranh cãi về lợi ích của một loại phân bón hóa học mới cho phép tăng thu hoạch gấp vài lần. Tuy nhiên truyền thông lại không đề cập đến những thành phần trong đó và việc rau củ quả dùng phân bón này sẽ tác động thế nào đến cơ thể con người.
Có thể bạn chưa biết?
Ngày 1/4/2008, BBC đã tung ra một video nói rằng họ vừa phát hiện loài chim cánh cụt mới không chỉ biết bay mà còn di cư đến đảo có khí hậu nóng. Hơn 6 triệu người xem và hơn 21 nghìn lượt thích cho thấy thông tin giả này đã lan tỏa chóng mặt như thế nào. Rất may đây là trò đùa họ cố tình tung ra ngày Cá tháng Tư và nhiều người đã kịp nhận ra điều đó.
Theo: Gia Đình Mới
No comments:
Post a Comment