Lang thang trung tâm Sài Gòn, nhất là quanh khu phố Tây nổi tiếng Phạm Ngũ Lão-Bùi Viện, khách chơi đêm chẳng mấy ai không ghiền món mực chiên nước mắm. Những đêm cuối tuần, Tây ta chen vai thích cánh ngồi lề đường uống bia ngắm thiên hạ, món này lên ngôi rực rỡ.
Trong se lạnh về khuya, con mực nướng cán mỏng, xé sợi, chiên giòn với nước mắm dậy mùi thơm lừng, chấm tương ớt cay cay, đủ bắt chai bia không ngừng rót. Khoái khẩu quá nên góc đường nào cũng cả đống xe đẩy bán mực chiên nước mắm. Ta thì khỏi hỏi, nhưng Tây, phải những anh liều hoặc thực sự muốn trải nghiệm một lần văn hóa ẩm thực địa phương mới dám thử. Bởi cả mực lẫn chảo đều phơi trần giữa đường cả ngày, hiên ngang hứng bụi. Mà bụi Sài Gòn phong phú lắm: rác trong nhà hất ra đường, nước cống trào lên tắc lại, trẻ em ị trên lề, thức ăn dư quán sá đổ, chuột chết bị xe cán qua cán lại như bánh tráng rồi phơi khô giữa nắng tan dần thành bụi cuốn theo chiều gió, khói thải xe đậm đặc, nước tiểu các anh thích tưới gốc cây, lông chó quý tộc được dắt đi dạo và phân chó bình dân mặc nhiên coi lề đường là WC… Các anh bán mực cũng ý tứ lắm: xe nào cũng một kiểu giăng dây giắt các con mực lên với nhau thành hàng như chiếc mành mành, kiên quyết hứng tất cả các thứ bụi kể trên không cho chúng nó thoát!
Món đường phố phổ biến thứ hai là bắp xào: bắp nếp non xào sem sém với tôm hoặc tép khô, rắc chút muối, đường, ớt và hành, vừa ngọt, vừa thơm, thoáng chút cay chút mặn, quả thực rất đưa bia. Bánh tráng trộn: nhúm bánh tráng khô xắt nhỏ trộn với chút nước me, xoài xanh, ớt bột, vài cái trứng cút luộc, nhúm khô bò, rau răm đủ vị chua cay mặn ngọt. Cá viên chiên, bò chiên, xúc xích vàng ươm thơm lừng. Cánh gà, chân gà nướng. Trái cây xắt nhỏ trộn nước đá. Đó là những món được dân chơi đêm nhiệt tình hưởng ứng, nhưng nguyên liệu cho các món ăn lừng lẫy ấy đều được phơi trần trên xe đẩy, đựng bằng bịch nilon mở miệng thật rộng hay trong những bình nhựa không đậy nắp, người bán bốc bằng tay trần, cút ca cút kít lượn đi lượn lại giữa một không gian đầy rác.
Tuy nhiên, bụi bao nhiêu đi nữa thì vẫn là … vi sinh, cái bụng Việt Nam quen với những thử thách khắc nghiệt thường chẳng coi thứ ấy ra gì. Khi mực, xúc xích, bắp, cánh gà… được chiên lên qua chảo dầu sôi, các con vi sinh sẽ chết bỏng đành đạch. Vì món ăn đường phố nên phải gọn nhẹ, nên cứ quẳng vào hộp xốp, thứ hộp nhựa tái chế đại rẻ tiền dùng một lần và, hân hoan thay chúng thường xuyên được dùng đựng thức ăn vừa vớt từ chảo dầu ra, nóng sôi sùng sục. Bỏ thức ăn vào đến đâu hộp xốp chảy ra nhăn nhúm đến đó, thậm chí đáy hộp lõm xuống in nguyên hình các hạt bắp nóng bỏng. Rất tốt: như thế món ăn đường phố đã có thêm gia vị của nhiễm độc công nghiệp. Cho nó thật sự “thành thị”!
Kêu ca thức ăn đường phố bẩn thỉu, với dân Việt Nam, như vậy quả là quá… rảnh hơi. Vì ai chẳng biết nó bẩn như thế, nó độc hại như thế, nhưng nó thơm lừng, nó kích thích cái lưỡi, mà đi chơi đêm uống mấy chai bia lề đường biết kêu món gì cho tiện?
Hơn nữa, đâu phải những món ăn ấy tự bẩn. Nó bẩn còn là vì đường phố cực kỳ bẩn, đường phố bẩn là vì người sống và đi trên đường phố ấy vô cùng bẩn, và người ta – không hề nghĩ là mình bẩn – thoải mái xả rác và đại, tiểu tiện ngay trên lề đường. Vì chẳng có cảnh sát nào phạt vạ họ.
Cho nên, khi đi chơi đêm Sài Gòn, muốn cuộc chơi trọn vẹn, bạn cần có “bí kíp”: Hoặc bạn phải tập môn thể dục đặc biệt: liên tục lắc đầu (khi người bán hàng hoặc người đi cùng mời bạn thưởng thức đặc sản đường phố Sài Gòn), hoặc bạn phải luyện được bao tử Kim cương bất hoại, hoặc bạn nhanh mắt ăn cắp công thức món ăn rồi về tự làm trong nhà bếp của bạn, hoặc, bạn phải tha thiết cầu nguyện cho mình được trời phật thương một cách hết sức thiên vị.
Thế đấy!
Chúc bạn an lành!
Hoàng Xuân
No comments:
Post a Comment