Vào những năm 1920-1930, ở Trung Quốc từng xướng truyền bài hát mang tên “Tô Vũ mục dương từ.” Ca khúc này được sáng tác khoảng ba, bốn năm sau Cách mạng Tân Hợi (1911). Tương truyền, tác giả là một giáo viên trung học ở Bắc Kinh.
Trong bài này, lời câu hát “Lịch tận nan trung nan, tâm như thiết thạch kiên” (Vượt qua muôn trùng khó khăn, trái tim vững như đá) đặc biệt khích lệ lòng người. Nội dung của bài hát này lấy từ câu chuyện lịch sử “Tô Vũ chăn dê.”
Vào thời Hán Vũ Đế, Trung lang tướng Tô Vũ phụng mệnh đi sứ đến Hung Nô, nhưng bị Thiền Vu Hung Nô bức hàng. Ông thà uống tuyết, nuốt sợi bông, kiên quyết không phục tùng. Sau đó, ông lại bị đưa đến gần bờ Bắc Hải để chăn dê đực, nói rằng ông sẽ không được thả trở về triều cho đến khi những con dê đực cho ra sữa. Tô Vũ không bị mê hoặc bởi lợi ích và sự uy hiếp, không sợ gian khổ và tra tấn, kiên trì trong 19 năm, cuối cùng vẫn không chịu khuất phục. Hôm nay chúng ta hãy cùng nghe lại câu chuyện “Tô Vũ lưu lại trên đất Hồ không chịu nhục, dù trời đầy tuyết, đất đầy băng, suốt mười chín năm sầu muộn, khát uống tuyết, đói ăn bông, chăn dê bên bờ Bắc Hải.”
Sau khi Lưu Bang tiêu diệt nhà Tần, kiến lập nên nhà Hán, biên giới phía Bắc của đất nước không yên, thường xuyên bị người Hung Nô – dân tộc du mục phía Bắc quấy nhiễu, dân chúng sống ở vùng biên liên tục rơi vào cảnh đồ thán. Hung Nô thậm chí đã từng chiếm khu vực Hà Tào, hành lang Hà Tây và dãy Liên Sơn rộng lớn, đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn của Trường An và vùng nội địa Trung Nguyên, trở thành nỗi lo lắng day dứt trong lòng vương triều nhà Tây Hán. Dưới sự trị vì của Văn Đế và Cảnh Đế, cho đến thời Vũ Đế Lưu Triệt, quốc gia ngày càng hùng mạnh. Bằng tài thao lược quân sự, Hán triều nhiều lần đánh bại Hung Nô, sát thương đội quân hung hãn, chiếm lại hành lang Hà Tây, đánh đuổi Hung Nô lùi về phía Bắc của đại mạc. Lúc này mới khiến khói lửa vùng biên giới phía Bắc tạm dừng, mối tranh chấp giảm mạnh.
Mùa đông năm thứ 4 niên hiệu Thái Sơ (năm 101 TCN), Thiền Vu Hung Nô là Hưởng Lê Hồ (tức vua Hung Nô, trong ngôn ngữ của Hung Nô, Thiền Vu mang ý là người đứng đầu bộ tộc) mất, em trai ông là Thả Đê Hầu trở thành Thiền Vu. Để mối bang giao với nhà Hán được tốt đẹp, Thả Đê Hầu cho thả các sứ giả nhà Hán đang bị giam giữ. Trước tình hình đó, Hán Vũ Đế quyết định thi hành chính sách giảng hòa và liên minh với Hung Nô. Để báo đáp thiện ý của Thiền Vu, vào tháng Ba năm Thiên Hán thứ nhất (năm 100 TCN), Hán Vũ Đế phái Trung lang tướng Tô Vũ, Phó Trung lang tướng Trương Thắng và tùy viên Thường Huệ đi sứ Hung Nô, đưa các sứ giả Hung Nô bị bắt trước đây trở về, còn tặng nhiều tài vật cho Thiền Vu. Tô Vũ cầm trong tay cờ tiết điểm xuyết những sợi tơ ngũ sắc đại biểu cho quyền lực của Thiên tử, suất lĩnh sứ đoàn hơn một trăm người bắt đầu hành trình. Lúc đó, Tô Vũ 42 tuổi, ông không thể ngờ được rằng chuyến đi này sẽ kéo dài 19 năm.
Tô Vũ và sứ đoàn của ông đã hoàn thành sứ mệnh. Tuy nhiên, vào đêm trước khi trở về nước, một chuyện kỳ lạ không thể giải thích được đã xảy ra với Phó sứ của ông là Trương Thắng. Trương Thắng cùng một số người Hán từng đầu hàng Hung Nô trước đây đã bí mật lập mưu. Thừa lúc Thiền Vu Thả Đê Hầu ra ngoài săn bắn, họ sát hại Trí Nang Vệ Luật của Hung Nô, sau đó bắt cóc mẫu thân của Thiền Vu, rồi chạy trốn về nhà Hán. Kế hoạch bắt cóc đê hèn này lại đến từ viên quan ngoại giao cấp cao, khiến mọi người rất kinh ngạc. Sau khi sự việc bại lộ, Thiền Vu vô cùng tức giận, hạ lệnh bắt giữ tất cả các sứ thần nhà Hán. Hung Nô và Hán triều lại bước vào cuộc chiến mới.
Sau màn sát nhân đẫm máu, Tô Vũ và toàn bộ đoàn người của ông đều bị bắt. Trương Thắng lộ nguyên hình là kẻ cơ hội, đầu hàng Hung Nô. Khi Tô Vũ được đưa đến trước mặt vua Hung Nô hỏi tội, Thiền Vu nói với ông rằng: Bản thân có ấn tượng sâu sắc với Tô Vũ. Nếu Tô Vũ đầu hàng, ông nguyện ý tha mạng. Tô Vũ thảy đều không chấp nhận ý tốt của Thiền Vu, ngược lại còn giải thích: Mặc dù bản thân không liên quan đến âm mưu bắt cóc, nhưng ông cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về hành động của Phó sứ. Ông sẵn sàng lấy cái chết để gánh vác trách nhiệm, nhưng tuyệt đối không bao giờ đầu hàng Hung Nô.
Từ đó, ấn tượng của Thiền Vu đối với ông càng tốt hơn, thừa nhận Tô Vũ là bậc anh dũng phi thường, còn sai đại thần thân cận Vệ Luật đi khuyên nhủ Tô Vũ đầu hàng.
Ban đầu, Vệ Luật lấy cái chết để uy hiếp, nhưng Tô Vũ thờ ơ lãnh đạm. Sau đó, Vệ Luật lại lấy vinh hoa phú quý dụ dỗ, nhưng những điều này cũng bị Tô Vũ cự tuyệt.
Thiền Vu dùng cực hình để ép bức Tô Vũ phải đầu hàng, nhưng ông vẫn không chịu khuất phục. Ông bị nhốt vào hầm, không cho thức ăn và nước uống. Tô Vũ đói và khát, chỉ còn cách phải ăn băng tuyết trên mặt đất để thỏa mãn cơn đói khát của mình, nhưng ông vẫn kiên trung một lòng không phản bội đất nước.
Thiền Vu biết tâm chí Tô Vũ kiên định, không còn ảo mộng nữa, vì vậy đã đày ông đến vùng đất không người ở Bắc Hải (nay là hồ Baikal) để chăn một đàn dê đực, và nói: “Đến lúc nào dê đực cho ra sữa, thì sẽ thả ông trở về!” Thiền Vu muốn khiến cho vị anh hùng này cả đời chăn dê, chết cô đơn nơi xứ người. Tô Vũ cầm cờ tiết trên tay, đi đến Bắc Hải, ban ngày chăn dê bên bờ biển, ban đêm cô quạnh một mình trong chiếc lều hoang. Vào cuối mùa đông khắc nghiệt, Hung Nô cố ý cắt đứt lương thực, Tô Vũ bắt chuột hoang và đào rễ cỏ làm thức ăn.
Ban ngày Tô Vũ chăn dê bên bờ biển, ban đêm cô quạnh một mình trong chiếc lều hoang. (Ảnh: Epoch Times)
Tùy viên Thường Huệ đi cùng cũng cự tuyệt đầu hàng. Thường Huệ bị Hung Nô giam giữ trong lao ngục của quan phủ Tù Si, dùng muôn vàn khổ dịch để hành hạ ông, mưu tính xằng bậy dùng uy lực bạo liệt khiến ông khuất phục và phản bội nhà Hán. Tuy nhiên, Thường Huệ trước sau không bao giờ quên bản thân là sứ tiết của Đại Hán, khổ ải càng nhiều thì ý chí càng kiên định, kiên trì suốt 19 năm không hề bỏ cuộc.
Năm 99 TCN (năm thứ hai Tô Vũ bị bắt), đại quân Hán triều chia làm hai đường tiến đánh Hung Nô. Một đường do Đại tướng Lý Quảng Lợi dẫn đầu, xuất binh ở Tửu Tuyền (nay là Tửu Tuyền, Cam Túc), thâm nhập vào Tây Vực, đến Đạt Thiên Sơn thì bị Hung Nô đánh bại. Tình trạng gặp phải của cánh quân đi đường khác do Đại tướng Lý Lăng, bạn tốt của Tô Vũ còn xấu tệ hơn. Lý Lăng suất lĩnh 5,000 bộ binh, xuất binh ở Cư Diên Hải (nay là Ngạch Tề Nạp Kỳ, Nội Mông Cổ), đi về phía Bắc thâm nhập sa mạc, hành quân hơn 30 ngày, tiến đến núi Tuấn Kê (nay là A Nhĩ Thái Sơn, Qua Bích, Mông Cổ), và đối đầu với 30,000 quân của Thiền Vu Thả Đê Hầu. Lý Lăng nghênh chiến, giết mấy ngàn người. Thả Đê Hầu chiêu tập viện quân, khoảng hơn 80,000 kỵ binh, khiến Lý Lăng chỉ còn cách rút lui. Thế nhưng, bộ binh mạnh nhất rút lui cũng không thể thoát khỏi sự truy đuổi của kỵ binh. Quân Hung Nô chia thành hai cánh, khai triển ở trái và phải, kẹp chặt binh đoàn của Lý Lăng vào giữa. Lý Lăng vừa đánh vừa lùi, tổng cộng đã giết hơn một vạn kỵ binh Hung Nô. Thả Đê Hầu Thiền Vu lấy tôn nghiêm của người đứng đầu bộ tộc, đích thân chỉ huy đội quân tinh binh gấp mười sáu lần quân địch, truy đuổi hơn mười ngày vẫn không thể chiến thắng. Ông ta tức giận nổi cơn cuồng phong, lệnh tấn công dữ dội hơn. Tuy nhiên, 5.000 bộ binh địch không nổi hơn 80,000 kỵ binh. Quân của Lý Lăng chiến đấu đến lúc đạn hết, lương thực không còn, toàn quân bị tiêu diệt. Lý Lăng đầu hàng sau khi bị bắt.
Hán Vũ Đế nghe tin đồn sau khi Lý Lăng đầu hàng còn giúp Hung Nô luyện binh, bèn giết mẹ và vợ con ông ấy, đồng thời tịch thu toàn bộ gia sản. Sử quan Tư Mã Thiên cảm thấy, Lý Lăng bình thường là người chính trực, không phải phường tham sống sợ chết, nên đã nói vài lời can gián trước mặt Vũ Đế. Không ngờ, làm bạn với vua như làm bạn với hổ, vì chuyện này mà chuốc lấy tai họa, gánh chịu hình phạt. Tư Mã Thiên ở trong hoàn cảnh vô cùng đau đớn cả về tinh thần lẫn thể xác, nhưng vì sự nghiệp còn dang dở, ông đã vượt qua khó khăn và để lại cho hậu thế một tác phẩm trác tuyệt cả về cảm xúc và văn chương, rọi chiếu ngàn thu – “Sử ký.”
Thiền Vu phái người bạn tốt của Tô Vũ đã đầu hàng Hung Nô là Lý Lăng đi khuyên nhủ Tô Vũ. Lúc đó, Tô Vũ đã sống một mình tịch mịch bên bờ hồ Baikal hơn mười năm. Lý Lăng nói với Tô Vũ: “Lúc đầu, tôi giả vờ đầu hàng Hung Nô để mưu tính lật cờ, quay trở về Đại Hán. Không ngờ Vũ Đế nghe tin đồn mà giết mẫu thân tôi, lục soát, tịch thu cả nhà tôi, đoạn hết đường về, lúc đó tôi mới thực sự đầu hàng. Tôi vốn không dám đến gặp ông. Lệnh của Thiền Vu khiến tôi không thể không đến. Ông cuối cùng cũng không thể trở về Hán triều, cần gì phải tìm khổ sở ở nơi không người này? Ở một mình trong vùng đất hoang vu rộng lớn hàng trăm dặm là tư vị gì? Ai biết lòng trung thành của ông? Anh trai ông là một phụng xa (quan chức nhỏ đánh xe cho Hoàng đế). Một lần, khi đang đánh xe trong cung, ông ấy đã tông vào một cây cột và bị Vũ Đế trị đại tội bất kính, phục kiếm tự sát, được ban cho 200 vạn tiền an táng. Khi em trai ông phụng mệnh Hoàng đế truy bắt tội phạm, vì không thể hoàn thành nhiệm vụ trong kỳ hạn, cậu ấy hoảng sợ đến mức uống thuốc độc mà chết. Lúc tôi xuất chinh đánh Hung Nô, Thái phu nhân (chỉ mẫu thân của Tô Vũ) không may qua đời, tôi tống táng đến Dương Lăng. Nghe nói thê tử của ông đã cải giá, con cái ông hơn mười năm không có tin tức gì, sống chết không rõ. Cuộc đời như sương mai, sao phải khổ nhiều thế? Hơn nữa, Vũ Đế đã lớn tuổi, pháp lệnh vô thường, hàng chục đại thần vô tội bị lục soát nhà cửa, nếu có trở về đất nước, tốt xấu còn không rõ. Ông đang đau khổ nhiều như thế vì ai? Hãy nghe lời tôi đi, không cần kiên trì nữa! Quay trở về cũng không còn ý nghĩa gì nữa!”
Tô Vũ đáp: “Vì giang sơn Đại Hán, tôi tình nguyện lao vào nơi tăm tối. Dù có chặt đứt tay chân nấu canh nóng, tôi cũng sẵn lòng. Bề tôi phụng sự vua, như con phụng sự cha. Con chết vì cha, không có gì thù hận, xin ông đừng nói nữa. Nếu nhất định muốn tôi đầu hàng, tôi thà chết ngay tức khắc.”
Nhìn thấy lòng trung thành vô điều kiện của Tô Vũ đối với dân tộc, quốc gia, Lý Lăng thở dài: “Ông thực sự là một nghĩa sĩ! Kẻ đã đầu hàng là tôi đây so với ông chân thành hết mực như vậy, thực sự là một tội nhân tội nghiệt thông thiên!” Sau đó, Lý Lăng xấu hổ rút lui.
Không lâu sau Vũ Đế qua đời, Hán Chiêu Đế lên ngôi.
Tin tức truyền đến, Tô Vũ mừng vui quá đỗi mà rơi lệ, nước mắt thấm đẫm cả áo. Lý Lăng bày tiệc tiễn đưa, nhân lúc uống rượu ngà say, Lý Lăng múa hát: “Trải vạn dặm, vượt qua sa mạc; vì vua làm tướng, đoạt lấy Hung Nô; cung đã tận, tên thôi rút; binh sĩ đã chết, danh đã nhục, mẫu thân đã mất, tuy muốn báo ân nhưng bình an trở về ư?” Ông hát xong thì kêu gào mấy tiếng, sau đó che mặt rời đi.
Vào năm thứ sáu niên hiệu Thủy Nguyên (năm 81 TCN), không nhục sứ mệnh, đoàn người của Tô Vũ và Thường Huệ 19 năm như một ngày, cuối cùng đã trở về Hán triều. Sứ đoàn hơn một trăm người lúc đó, người mất, người đầu hàng, chỉ còn lại chín người theo ông trở về cố hương. Khi Tô Vũ trở về nước, tóc ông đã bạc phơ. Nhìn thấy thân ảnh tiều tụy, râu tóc bạc trắng và cờ tiết không rời trên người, Hoàng đế và văn võ bá quan đều rơi nước mắt vì xúc động. Kể từ đó, mọi người thường dùng điển cố “Tô Vũ chăn dê” để bày tỏ sự ca ngợi đối với chí tiết cao thượng kiên trinh.
Tô Vũ bị lưu đày ở Hung Nô 19 năm, ông học tập, nhận biết về các dân tộc sống ở vùng biên cương. Sau khi về nước, ông được phong làm Điển thuộc quốc, phụ trách các việc liên quan đến dân tộc thiểu số. Sau khi về Hán triều, Thường Huệ được ủy nhậm chức Quang Lộc đại phu, lưu lại cung đình giúp Hoàng đế trong việc ứng đối và cố vấn giải quyết vấn đề liên quan đến Hung Nô. Những người còn lại cũng được ban thưởng.
Để tưởng thưởng cho tinh thần yêu nước kiên định của Tô Vũ, Hán Chiêu Đế đã ban tặng lễ vật hậu ái và cấp đất phong cho ông. Tuy vậy, Tô Vũ vẫn sống giản dị và đem phần lớn tài sản của mình cho người khác. Ông mang bệnh và qua đời ở tuổi 83 (năm 60 TCN).
Trong thời gian ở Hung Nô, Tô Vũ có thể lựa chọn vinh hoa phú quý, đầu hàng Hung Nô, nhưng ông mãi ôm lòng trung với giang sơn Đại Hán, cho dù phải chịu mọi gian khổ cũng cam tâm tình nguyện. Vì đại nghĩa của dân tộc, ông đã không ngần ngại dành tuổi đời thanh xuân trai tráng để chăn dê trong vùng hoang dã. Nhưng chính điều này đã khiến ông lưu danh vạn đời, vĩnh viễn được mọi người kính trọng.
Nguồn tư liệu: “Hán thư. Tô Vũ truyện”
Thái Bình chỉnh lý
Tường Vân biên dịch / Theo: epochtimesviet
No comments:
Post a Comment