Sunday, May 26, 2024

9 MÓN NGON CHÍNH GỐC CỦA HOA KỲ THƯỜNG BỊ HIỂU SAI THÀNH MÓN ĂN CỦA NƯỚC KHÁC

Ở Hoa Kỳ, có nhiều món ăn phổ biến thường bị hiểu sai thành các món ăn của nước ngoài. Trên thực tế, những món ăn này là chính gốc ở Hoa Kỳ.

Có rất nhiều món ăn phổ biến ở Hoa Kỳ thường bị hiểu sai thành các món ăn có xuất xứ từ nước ngoài. Trên thực tế, các món này là món ăn chính gốc của Hoa Kỳ. Ví dụ như món bánh pizza xúc xích Ý không phải do người Ý phát minh. (Ảnh: Shutterstock)

Quả thật văn hóa ẩm thực đa dạng của Hoa Kỳ được dung hợp từ những món ăn truyền thống của các dân tộc khác nhau do người dân nhập cư mang đến. Tuy nhiên có rất nhiều món ăn trông giống như món ăn của nước khác, nhưng thực tế lại là món ăn do chính người Mỹ tự sáng tạo ra. Ví dụ như món mỳ Spaghetti và thịt viên (Spaghetti and Meatballs) nổi tiếng.

Còn có một số món ăn được sáng tạo dựa trên việc lấy cảm hứng từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc khác. Chẳng hạn như món thịt xay cay (Chili Con Carne), đa số mọi người đều cho rằng đây là món ăn Mexico, thực tế không phải vậy. Các đầu bếp Mexico khi hầm thịt thường kết hợp với ớt, nhưng Mexico không có món thịt xay cay.

Ngoài ra, trong tên gọi của một số món ăn có kèm theo tên gọi của một số quốc gia, nhưng không hề liên quan gì đến quốc gia đó. Ví dụ như món English Muffin, nhưng món này không xuất xứ từ Anh quốc, món German Chocolate Cake cũng không dính dáng gì đến nước Đức.

Hình ảnh bánh English Muffin, hoàn toàn khác với món bánh nướng xốp kiểu truyền thống của Anh. (Ảnh: Shutterstock)

1. Món bánh English Muffin

Món bánh English Muffin thực ra là một món ngon được thợ làm bánh người Anh có tên là Samuel Bath Thomas phát minh ra sau khi di cư đến New York vào năm 1894. Bánh English Muffin ban đầu được gọi là bánh nướng xốp Toaster Crumpet. Thực tế, bánh English Muffin với bánh nướng xốp của Anh (Crumpet) là hai loại bánh khác nhau. Bề mặt bánh nướng xốp của Anh có rất nhiều lỗ nhỏ, còn các lỗ nhỏ của bánh English Muffin nằm bên trong bánh. Hơn nữa, bánh Crumpet ăn nguyên cái, còn bánh English Muffin có thể cắt đôi ra đặt trên lò nướng để dùng.

Ông Thomas đã phát triển loại bánh English Muffin với các lỗ xuất hiện bên trong chứ không phải trên bề mặt bánh. Như vậy, bánh có thể nướng dễ dàng hơn. Hơn nữa, những lỗ nhỏ lồi lõm này rất thích hợp để phết mứt trái cây hoặc bơ, đồng thời cũng có thể cho lên đó một lớp trứng Benedict. Lớp vỏ của bánh English Muffin đặc và chắc, khi thưởng thức có độ đàn hồi và tỏa ra mùi thơm.

Trên mặt bánh nướng xốp truyền thống của Anh quốc có rất nhiều lỗ nhỏ. (Ảnh: Shutterstock)

2. Món thập cẩm Chop Suey

Chop Suey không phải là một câu chửi mắng, mà đó là một món ăn của người Mỹ gốc Hoa. Có nhiều ý kiến ​​​​khác nhau về nguồn gốc của món Chop Suey này. Ở vùng Quảng Đông của Trung Quốc thực sự có một món ăn địa phương được gọi là Chop Suey (Tsap Seui hoặc Shap Suì), thường được làm từ nội tạng động vật. Tuy nhiên, món Chop Suey của Mỹ được làm từ thịt gà, thịt bò hoặc thịt heo băm nhỏ, xào chung với giá đậu, cần tây và các loại rau khác.

Món thập cẩm Chop Suey của Mỹ là dùng thịt gà, thịt bò hoặc thịt heo băm nhỏ, xào chung với giá đậu, cần tây và các loại rau khác. (Ảnh: Shutterstock)

Đa số mọi người cho rằng món Chop Suey của Mỹ chắc chắn không phải xuất xứ từ Trung Quốc. Rất có thể vào cuối thế kỷ 19, một số đầu bếp người Mỹ gốc Hoa (ở San Francisco) đã nấu ra món này trong các bữa ăn để cung cấp cho các công nhân làm việc trên đường xe lửa hoặc thợ mỏ người Mỹ gốc Quảng Đông. Đây là một món ăn vừa rẻ vừa có thể no bụng. Tuy nhiên, một số học giả cho rằng, khu vực Đài Sơn ở vùng phía nam Quảng Đông có một món ăn truyền thống rất giống với món Chop Suey của Mỹ. Một số người gọi món ăn này là “món thập cẩm Lý Hồng Chương”. Các chuyên gia phán đoán rằng, có thể vào thời đó, đã có người muốn mượn danh tiếng của Lý Hồng Chương để thu hút người Mỹ, bởi vì Lý Hồng Chương từng du lịch đến Hoa Kỳ vào năm 1896.

Món German Chocolate Cake hoàn toàn không liên quan đến nước Đức. (Ảnh: Shutterstock)

3. Bánh ngọt German Chocolate

Bánh ngọt Chocolate này kết hợp với lớp đường áo làm từ hạt hồ đào Mỹ và dừa. Vừa mới nhìn qua còn cho rằng German Chocolate là một loại bánh chocolate có xuất xứ từ nước Đức. Thực tế thì loại bánh này hoàn toàn không liên quan gì đến nước Đức. Năm 1957, một người phụ nữ ở Dallas, Hoa Kỳ đã cung cấp công thức làm bánh này. Bà đã sử dụng chocolate nướng do thợ làm bánh người Mỹ Samuel German sáng chế làm nguyên liệu chính. Vì vậy bà đã lấy tên họ của German để đặt tên cho bánh.

Nguyên liệu chocolate nướng mà bà sử dụng là sản phẩm do ông German nghiên cứu cho Công ty Baker’s Chocolate. Nếu quý vị muốn làm một chiếc bánh chocolate có hương vị giống như công thức, thì nên sử dụng “Baker’s German’s Sweet Chocolate” do Công ty Baker sản xuất. Hiện nay nguyên liệu này đã có bán trên thị trường.

Hình ảnh món sushi cuộn cá ngừ cay. Món sushi cuộn cơm được bọc trong lá rong biển là một sáng tạo của người Mỹ. (Ảnh: Shutterstock)

4. Món Sushi cuộn

Quý vị sẽ không bao giờ tìm thấy món Sushi cuộn California ở Osaka, Nhật Bản. Sushi có nguồn gốc từ Nhật Bản, nhưng những cuộn sushi đầy sáng tạo và đầy màu sắc được bán trong các nhà hàng sushi ở Hoa Kỳ mới là món ăn chính thống của nước này. Vào năm 1966, sushi của Nhật Bản lần đầu tiên được du nhập vào Hoa Kỳ. Nhưng phải đến những năm 1970, các đầu bếp sushi Mỹ mới bắt đầu thử kết hợp cơm và cá sống để làm món sushi cuộn nhằm thu hút vị giác của người Mỹ. Thế nên, món Sushi cuộn California và Sushi cuộn cá ngừ cay đã ra đời.

Sushi cuộn California lúc đầu xuất hiện tại Los Angeles vào những năm 1960. Món này dùng quả bơ bản xứ kết hợp với thịt cua, sau đó lại dùng lá rong biển bọc bên ngoài cơm. Vài năm sau, một đầu bếp khác đã làm ngược lại, bọc cơm bên ngoài lá rong biển. Trong khi đó, Sushi cuộn cá ngừ cay xuất hiện vào những năm 1980. Các đầu bếp sushi ở Los Angeles muốn giảm thiểu lãng phí, đã nghiền nhuyễn phần cá ngừ sống còn dư, kết hợp với sốt mù tạt (Mayonnaise-chili Sauce) làm thành Sushi cuộn. Sốt mù tạt vừa có thể giúp át đi mùi tanh của cá, vừa có thể hòa quyện với vị ngọt của cá ngừ.

Người Italia chẳng bao giờ nấu mì Spaghetti cùng với thịt viên, hai món này được tách riêng ra thành hai món khác nhau. (Ảnh: Shutterstock)

5. Món mỳ Spaghetti thịt viên kinh điển

Ở Italia có món mì Spaghetti và thịt viên. Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 19 khi người Italia di cư sang Hoa Kỳ, thì họ chưa bao giờ nấu mì Spaghetti và thịt viên cùng nhau, mà họ ăn riêng từng món này. Món thịt viên truyền thống của Italia thông thường dùng nguyên liệu thịt từ cá, gà tây, rất ít sử dụng thịt bò. Bởi vì sản lượng thịt bò ở Italia không dồi dào như ở Hoa Kỳ. Hơn nữa, thịt viên của Ý chủ yếu được dùng làm món chính hoặc nấu súp, chứ không cho chung vào với món mì ống Spaghetti.

Khi người Italia di cư đến Hoa Kỳ, tất nhiên họ cũng mang theo văn hóa ẩm thực của mình, trong đó có cả công thức làm món thịt viên Italia. Tuy nhiên, nguồn thịt ở Hoa Kỳ rất dồi dào, giá cả tương đối rẻ. Thế nên, người Italia nhập cư đến môi trường mới đã điều chỉnh công thức món thịt viên Italia phù hợp với điều kiện địa phương. Vì vậy, họ bắt đầu sử dụng thịt bò xay làm nguyên liệu, hơn nữa viên thịt cũng to hơn. Đồng thời, mì sợi và cà chua đóng hộp được bán rộng rãi khắp nơi, giá lại rẻ. Vì vậy vào khoảng giữa năm 1880 đến 1920, món mì Spaghetti thịt viên kinh điển hợp thời thế ra đời.

Bà Monica Flynn người Mỹ, đã vô tình làm rơi chiếc bánh burrito vào một chảo dầu nóng, bà đã bật thốt lên một câu bằng tiếng Tây Ban Nha là “chimichanga”, vì vậy món Chimichanga được ra đời. (Ảnh: Shutterstock)

6. Món Chimichangas

Chimichangas là một loại burrito của Mexico chiên giòn, bên trong có nhân gồm thịt, hạt đậu, cơm và các nguyên liệu khác. Đây là món ngon đặc sắc của vùng Tây Nam Hoa Kỳ. Nguồn gốc xuất xứ của món này còn nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sử học đều đồng ý rằng bánh Chimichangas có nguồn gốc ở Tucson, Arizona, Hoa Kỳ.

Theo thời báo “Los Angeles Times”, vào những năm 1940 hoặc 1950, bà Monica Flynn, chủ nhà hàng El Charro ở Tucson, đã vô tình làm rơi chiếc bánh burrito vào một chảo dầu nóng. Bà đã thốt lên một câu bằng tiếng Tây Ban Nha là “chimichanga”, từ đó món Chimichangas ra đời.

Món Chimichangas ngon nhất là được làm từ bánh bắp thủ công kiểu Sonoran. Loại bánh bắp này được ép mỏng và rất dai, sau khi chiên cảm giác rất giòn, hơn nữa còn có thể truyền nhiệt độ nóng của dầu vào bên trong cuộn bánh rất tốt.

Món thịt hầm cay (Chili Con Carne) có thể được tạo ra vào giữa thế kỷ 19 bởi các chàng cowboy ở Texas trong quá trình chăn bò. (Ảnh: Shutterstock)

7. Món thịt hầm cay (Chili Con Carne)

Mặc dù thịt hầm là một món ăn khá phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, nhưng món thịt hầm cay Chili Con Carne lại có một hương vị độc đáo riêng biệt, được nhiều người yêu thích. Hiện nay, nguồn gốc của món này vẫn còn gây tranh cãi. Có người nói rằng thịt hầm cay ban đầu là thức ăn được nhà bếp của nhà tù tiểu bang nấu cung cấp cho tù nhân, số lượng vừa nhiều, giá lại rẻ.

Song, đa số mọi người đều đồng ý rằng, món thịt hầm cay có thể đã được tạo ra vào giữa thế kỷ 19 bởi các chàng cowboy ở Texas trong quá trình chăn bò. Món thịt hầm cay này có mặt khắp nơi ở tiểu bang Texas, trong khi ở Mexico không phổ biến. Năm 1893, tại Hội chợ triển lãm Thế giới Chicago, tiểu bang Texas đã thiết lập gian hàng bán món thịt hầm cay San Antonio. Từ đó danh tiếng của món thịt hầm cay Chili Con Carne ngày càng lan xa.

Xúc xích đỏ Italia (Pepperoni) không phải là món ăn của Italia, nhưng được phát triển bởi những người Italia nhập cư ở New York vào đầu thế kỷ 20. Từ đó, nó trở thành nguyên liệu phối trên mặt bánh pizza được yêu thích nhất tại Hoa Kỳ. (Ảnh: Shutterstock)

8. Xúc xích đỏ Italia (Pepperoni)

Nếu quý vị du lịch đến Italia và muốn gọi một cái bánh pizza pepperoni Ý, có thể quý vị sẽ nhận được một cái bánh pizza có lớp phủ là ớt chuông thay vì xúc xích pepperoni Ý. Bởi vì “ớt chuông” trong tiếng Italia là “peperone,” còn “pepperoni” không phải là tiếng Italia.

Pepperoni Ý được làm từ thịt heo hoặc thịt bò băm nhỏ, hoặc kết hợp cả hai, ướp với muối, thêm gia vị và ớt bột, tiêu cho vừa vị rồi đem phơi khô. Món này không phải là một món ăn của người Italia, mà là một sáng tạo của người Italia sau khi di cư đến sống tại New York vào đầu thế kỷ 20. Sau này, nó trở thành một trong những nguyên liệu phối trên mặt bánh pizza được yêu thích nhất tại Hoa Kỳ.

Häagen-Dazs trong tiếng Đan Mạch không có ý nghĩa gì, chỉ là khi đọc lên nghe giống như tiếng Đan Mạch mà thôi. (Ảnh: Shutterstock)

9. Kem Häagen-Dazs

Vào những năm 1920 tại quận Brooklyn, New York, một người Do Thái gốc Ba Lan có tên là Reuben Mattus, cùng với người chú của mình bắt đầu bán kem Italia. Khi đó Reuben vẫn còn là một cậu bé nhỏ tuổi.

Về sau, vào những năm 1960, khi Reuben trở thành người đứng đầu doanh nghiệp gia đình, anh đã quyết định sản xuất hàng loạt loại kem cốc chất lượng cao cấp, và lấy các chữ phát âm theo tiếng Đan Mạch để đặt tên cho sản phẩm. Có thể là do người dân Đan Mạch yêu thích kem cốc, cũng có thể là để tưởng nhớ các anh hùng của tổ chức đấu tranh của Đan Mạch. Những anh hùng này đã cứu sống vô số người dân Do Thái ở Đan Mạch trong Đệ nhị Thế chiến.

Có thông tin cho rằng, anh Reube đã thử đặt rất nhiều cái tên giống tiếng Đan Mạch vào thời điểm trước khi quyết định chọn cái tên Häagen-Dazs. Häagen-Dazs không có nghĩa gì trong tiếng Đan Mạch, nó chỉ nghe có vẻ giống tiếng Đan Mạch mà thôi.

Tạ Thi Ân thực hiện
Lam Yên biên dịch / Theo: epochtimes



No comments: