ỨC MAI - NGUYỄN HÀM NINH
Lâm đường tạc dạ sóc phong xuy,
Tiểu các thanh hàn độc toạ trì.
Địch lí quan san sầu cựu khúc,
Thuỷ biên li lạc nhận tiền kì.
Hương nam tuyết bắc vô hương tấn,
Nguyệt địa vân giai hữu mộng tư.
Dục hả tân từ viễn tương tặng,
Mỹ nhân uyển tại thuỷ chi mi.
Nhớ Mai (người dịch: Mai Văn Hoan)
Đêm qua, gió bấc thì thào
Một mình gác nhỏ lạnh vào thấu xương
Vẳng nghe tiếng sáo mà thương
Bờ sông, thuở ấy vẫn thường bên nhau
Hương nam, tuyết bắc còn đâu
Trăng sân, mây biếc… mộng sầu biệt ly
Xa xôi muốn gởi thơ đi
Bên hồ người ngọc tức thì hiện ra!
Nhà thơ Lương An cho biết: bài thơ này được Nguyễn Hàm Ninh sáng tác khi công chúa Mai Am - người mà ông thầm yêu trộm nhớ đã lấy Thân Trọng Dị - một vị quan to trong triều. Trở lại Phủ Tùng Thiện Vương, không còn bóng dáng người đẹp, ông cảm thấy vô cùng trống trải. Xuyên suốt bài thơ là nỗi thương nhớ công chúa Mai Am. Ngay cái tiêu đề Ức mai cũng nói lên điều đó. Bài thơ này đã được công chúa Mai Am trân trọng đưa vào Diệu Liên thi tập của mình. Dám làm thơ “ghẹo” cả công chúa, hơn nữa chồng công chúa lại là một vị quan to trong triều. Thiết nghĩ từ xưa đến nay ít ai bạo gan như Nguyễn Hàm Ninh.
Sơ lược tiểu sử tác giả:
Nguyễn Hàm Ninh (阮咸寧, 1808-1867) tự là Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai và Nhâm Sơn; là một danh sĩ trong lịch sử Văn học Việt Nam thời nhà Nguyễn.
Nguyễn Hàm Ninh là người làng Phù Ninh, sau dời sang làng Trung Ái, phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (nay là làng Trung Thuần, xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được người cô không con nuôi cho ăn học.
Năm Kỷ Sửu (1829), ông đỗ tú tài. Năm Tân Mão (1831), thì ông đỗ thủ khoa (giải nguyên) kỳ thi Hương lúc 23 tuổi.
Ban đầu, ông được bổ dạy học tại Quốc tử giám. Năm Quý Tỵ (1833), ông làm tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Gặp lúc thân phụ qua đời, ông về cư tang cho đến năm Bính Thân (1836) thì được vời ra giữ chức Quốc học độc thư và dạy học cho thái tử Nguyễn Phúc Miên Tông.
Năm Mậu Tuất (1838), ông được chuyển giữ chức Tôn nhân phủ Chủ sự, nhưng vì phạm lỗi, bị vua Minh Mạng cho bãi chức.
Về quê được ít lâu, năm Tân Sửu (1841), học trò ông là Nguyễn Phúc Miên Tông lên nối ngôi (tức vua Thiệu Trị), ông lại được vời ra giữ chức hành tẩu ở Nội các, rồi viên ngoại lang bộ Hình.
Năm Bính Ngọ (1846), chuyển ông sang làm lang trung bộ Lễ, rồi đổi làm Án sát tỉnh Khánh Hòa. Ở đây, ông bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc, đến lúc về nước, bị triều đình cách chức đày vào Đà Nẵng sung quân.
Ít lâu sau, ông mới được cho về làm Trước tác ở Viện Hàn Lâm. Lại bị khiển trách, và lần này thì ông bị cách chức luôn.
Ngày 15 tháng 12 năm Đinh Mão (1867), Nguyễn Hàm Ninh qua đời, lúc thọ 59 tuổi.
Mộ Nguyễn Hàm Ninh hiện ở xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Nguồn: Thi Viện
No comments:
Post a Comment