Tương truyền, xưa có một người đàn ông lên núi tu hành, xa lánh thế gian, bụi đời song lòng vẫn còn chưa rũ sạch bụi trần, nên chiều chiều ngóng vọng về phương xa, nhớ nhà, nhớ vợ, sau đó chết đi. Người ta cho rặng vị sư kia đã hóa đá, thành “Hòn Vọng Thê” trên một ngọn núi nằm lẻ loi giữa tứ giác Long Xuyên.
Trên núi Ba Thê
Tui đọc và cũng tin sái cổ luôn - thậm chí trích lại trong bài viết của mình nữa. Thế nhưng bài viết của tui không có ảnh minh họa, bởi vì khi lên núi Ba Thê tui nhìn quanh nhìn quất chả thấy cục đá nào giống hình người đàn ông đang ngóng vợ cả!
Nghĩ rằng mình chưa tìm ra, nên lần này trở lại núi Ba Thê tui quyết tâm nhìn cho ra hòn vọng thê. Hic, mấy trang mạng nó nói rằng vị sư trọc đầu nên biến thành hòn đá có dạng tròn tròn. Bố khỉ, đá trên núi thiếu cha gì cục tròn tròn, vậy cục nào cũng là hòn vọng thê hết à?
Núi non trùng điệp, chả thấy đâu là hòn vọng thê cả!
Bí quá, tui hỏi anh bạn cùng đi (quê An Giang) rằng Hòn Vọng Thê ở đâu? Ảnh nói: Tui chưa nghe bao giờ! Làm gì có? Chưa chịu thua, tui hỏi sư trụ trì chùa Sơn Tiên là ngôi chùa cổ trên đỉnh núi Ba Thê, nhờ chỉ dùm tui Hòn Vọng Thê ở nơi nao. Sư lắc đầu nói: Tui tu ở đây bao lâu rồi mà có nghe nói gì về hòn vọng thê đâu? Anh nghe ai nói vậy?
Hic, vậy là mấy cha làm du lịch xạo bà cố rồi! Và cái vụ xạo bà cố này được sao chép từ trang web này qua trang web nọ, khiến nó trở nên y như thiệt!
Chùa Sơn Tiên trên núi Ba Thê
Nguyên nhân của chuyện dóc tổ này là cái tên xã nơi núi Ba Thê tọa lạc: xã Vọng Thê! Mấy cha nói dóc lấy chữ vọng thê này, thêm vô phía trước chữ hòn cho giống hòn vọng phu, rồi bịa chuyện ông sư nhớ vợ, chớ thật ra trên núi làm gì có cái hòn vọng thê nào!
Điều cà chớn không chỉ là trên núi không có cái hòn nào ra vẻ người đàn ông ngóng trông, mà chữ thê trong tên xã Vọng Thê cũng không phải là vợ!
Thê trong tên xã Vọng Thê chắc chắn là cùng nghĩa với thê trong tên núi Ba Thê. Mà chữ thê trong tên Ba Thê được hai vị lão làng về văn hóa Nam bộ giải thích như sau:
Nhà văn Sơn Nam cho rằng Ba Thê xuất phát từ chữ Khmer là bát-xam-xê.
Cụ Vương Hồng Sển giải thích: Thê là cái thang, vì ngày trước vào thời đàng cựu nơi đây có bắc thang cao để trông hành động của phe Thổ...
Không biết vị nào đúng (có thể cả hai đều đúng), nhưng chắc chắn thê ở đây không hề có nghĩa là vợ!
Còn chữ vọng e rằng cũng không phải là mong ngóng, mà là một từ địa phương nào đó. Ngay kế bên xã Vọng Thê là xã Vọng Đông, nếu vọng thê là ngóng vợ thì vọng đông là gì?
Đành rằng du lịch phải gắn với giai thoại, truyền thuyết cho thêm màu sắc hấp dẫn và hầu hết các giai thoại đều chứa không nhiều sự thật, nhưng ít ra cũng phải có một cơ sở hợp lý nào đó, chớ bịa chuyện kiểu hòn vọng thê này thì thiệt là thô thiển và... cà chớn quá!
Tui ngẫm nghĩ một hồi rồi quyết định cử một người trong nhóm của mình ở lại làm tượng hòn vọng thê để mấy tay bịa chuyện du lịch có cái mà chỉ cho du khách. Một số mẫu được chọn như sau:
Kết quả: Không có mẫu nào đạt, và quan trọng là mẫu không chịu ở lại làm hòn vọng thê! Vì vậy, cho đến giờ trên núi Ba Thê vẫn không có hòn vọng thê! Các bạn có lên đó xin chớ mất công tìm làm chi cho mệt nghen!
Phạm Hoài Nhân