Wednesday, January 13, 2021

BÀI HỌC KINH DOANH ĐÁNG HỌC HỎI TỪ CÔ GÁI BÁN MÌ XÀO

Suzana tốt nghiệp ngành ngân hàng. Sau khi ra trường, cô được nhận vào làm tại một ngân hàng địa phương. Vì đồng lương ít ỏi không tương xứng với khối lượng công việc, cô đã nghỉ việc. Cô quen với một khách hàng cũ tại ngân hàng, người đang bán hàng thức ăn tại khu chợ đêm. Suzana rất ấn tượng với người phụ nữ đó khi bà ấy có thể tiết kiệm tiền, mua ô tô riêng và có hàng nghìn RM tiết kiệm hàng tháng. Họ rất hợp nhau và thường xuyên liên lạc, ngay cả khi Suzana nghỉ việc. Và bà đã nhờ Suzana phụ bán hàng tại chợ đêm trong thời gian cô chờ xin việc mới.


Suzana rất thích không khí náo nhiệt ở chợ đêm và thích cả việc phục vụ món mì xào. Cô rất bất ngờ khi phát hiện ra rằng trong một buổi tối, họ bán được 120 hộp mee rebus (mỳ xào cay), 80 hộp soto (mì sốt súp gà) và 140 hộp laksa Johor (mỳ sốt cá cay) đồng nghĩa với việc kiếm được từ 700 đến 800 RM mỗi tối.

Bên cạnh quầy hàng của bà, có một cậu học sinh trung học bán lạc giá 1,3RM/gói. Cậu nói rằng cậu có thể bán 80 gói lạc một tối và lợi nhuận từ việc bán đồ ăn là hơn 100%. Có nghĩa là người phụ nữ bán mì lãi được 200 RM và cậu học sinh kiếm được 40 RM tiền lãi mỗi tối.

Buổi tối hôm đó đã gây ấn tượng mạnh với Suzana và mở ra một trang mới cho cuộc đời cô. Từ “e ngại” không bao giờ còn nằm trong từ điển của cô nữa. Cô yêu thích công việc bán hàng này đến mức quyết định xin làm lâu dài với người phụ nữ nọ.

Không lâu sau đó, Suzana đã thuê địa điểm ở chợ và bán 5 tối/tuần. Cô bán mỳ xào và kue teow chiên. Cô cũng thuê thêm ngƣời phụ bán hàng với sự giúp đỡ ban đầu của người đã đưa cô đến với công việc kinh doanh chợ đêm.

Với tính cách dễ chịu và tài nấu ăn, gian hàng của Suzana rất đông khách và ai cũng thích những món ăn hấp dẫn của cô. Cô có thể dễ dàng bán được từ 100 đến 150 hộp mỳ xào mỗi tối. Tuần đầu tiên, cô thấm mệt có thể do chưa quen với guồng công việc nhưng đến tuần thứ 2, cô rất vui khi số lượng hàng bán ngày càng tăng.

Gia đình cô không hề biết chuyện này. Một người hàng xóm đã nhìn thấy cô bán hàng ở chợ vào một buổi tối nọ và tin tức đã đến tai mẹ cô. Mẹ cô vô cùng kinh ngạc khi biết tin. Bà khóc lóc đề nghị cô dừng ngay công việc này vì không thể chấp nhận việc cho con ăn học để rồi làm công việc bán hàng ở chợ đêm.

“Thật không thể chịu được. Ai sẽ muốn lấy con nữa đây. Hãy nhớ rằng con vẫn chưa lập gia đình”, mẹ cô van nài.


Cô vẫn giữ nguyên quyết định của mình. Cô thích công việc mới của mình, và quyết tâm đi theo con đường đã chọn. Mẹ cô cũng kiên quyết ngăn cản, thậm chí, bà còn quyết từ mặt và đuổi cô ra khỏi nhà nếu cô khăng khăng làm theo mong muốn của mình.

Suzana vẫn bền bỉ tiếp tục công việc trong 3 tháng sau đó, trong khi vẫn tiếp tục thuyết phục mẹ. Cuối cùng, cô cũng thuyết phục được họ. Ngoài ra, cô còn cho họ thấy mình đã tiết kiệm được 12.000RM chỉ trong khoảng thời gian ngắn – số tiền mà nếu tiếp tục làm nhân viên ngân hàng, có thể cô phải mất đến hàng chục năm để tích lũy được! Thật ấn tượng! Đến cả Suzana cũng cảm thấy bất ngờ với những gì cô đạt được. Cũng như cô, cậu học sinh bán lạc cũng đã tiết kiệm được 5.000 RM trong ngân hàng.

Tôi cũng đã từng gặp nhiều trường hợp như thế, các học viên đến học lớp quản lý nhà hàng khi đến thời gian đi thực tập tại nhà hàng ở nhiều vị trí khác nhau (thu ngân, quản lý, nhân viên phục vụ, phụ bếp…) một vài người trong số đó đã bỏ về. Tôi đặc biệt chú ý với trường hợp một học viên nữ cùng gia đình của cô ấy cảm thấy rất mất mặt khi phải làm nhân viên phục vụ trong nhà hàng. Sự e dè và sĩ diện đang cản bước đường đi của cô gái đó.

Bạn không được phép để sự ngại ngùng cản trở thành công của bản thân. Lao động chân chính thì nghề nào cũng cao quý. Để làm trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, hay quản lý nhà hàng nếu không bắt đầu từ những việc nhỏ nhất thì sẽ không kiểm soát nổi chính nhà hàng của mình. Và cơ hội không đến nhiều lần, nếu bạn không nắm bắt và theo đuổi đến cùng thì thật khó để hưởng “trái ngọt”.

Suzana chính là một ví dụ sáng, yêu thích công việc mình lựa chọn và gạt bỏ mọi lời dèm pha để tiếp tục theo đuổi nó. Cô ấy đã thành công bước đầu với số tiền kiếm được chỉ trong thời gian ngắn. Thực ra, chỉ những người không dám thử sức kinh doanh mới là người đáng xấu hổ.

Vài năm sau đó, Suzana đã trở thành một Triệu phú thầm lặng. Cô gái trẻ ấy đã xác định được mục đích sống của đời mình. Nếu là một người bi quan hay thiếu tầm nhìn, hẳn cô đã không thể thuyết phục được gia đình bằng chính những thành quả thực tế.


Cô chia sẻ rằng sắp tới cô dự định mở một nhà máy nhỏ để sản xuất mì và những người trong gia đình cô đã hiểu rõ công việc và lợi nhuận mà nó mang lại nên không còn phản đối nữa. Các thành viên trong gia đình Suzana cũng tham gia bán mì cùng cô.

Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta đang làm ăn chân chính và kiếm tiền bằng chính sức lao động của mình. Vì vậy, không có điều gì đáng xấu hổ cả. Tuy nhiên, không phải người thân hoặc bạn bè đều ủng hộ chúng ta. Có lúc, những rào cản ngăn chúng ta đạt đến mục tiêu của mình lại chính là những người gần gũi nhất như bố, mẹ, anh chị và toàn thể gia đình. Cách duy nhất để vượt qua được những điều này là chứng minh cho họ thấy thành công của bạn.

Những lúc như vậy, hãy tránh gặp họ, bởi tranh luận không ngừng với những người không quan tâm đến kinh doanh sẽ không đi đến đâu cả. Họ quan sát chúng ta và công việc chúng ta đang làm dưới một góc nhìn hoàn toàn khác, do vậy hãy “chờ thời cơ” thích hợp. Mọi lời chỉ trích và hoài nghi sẽ biến mất khi họ nhìn thấy chúng ta kiếm được tiền, thậm chí là mua nhà, mua xe.

Đúc kết từ câu chuyện của Suzana, có thể rút ra những bài học sau cho những người muốn dấn thân vào con đường kinh doanh nhà hàng:
  1. Thực sự yêu thích công việc của mình
  2. Kiên định với sự lựa chọn
  3. Bắt đầu từ những vị trí thấp nhất để đúc rút kinh nghiệm.
  4. Bỏ qua cái tôi và sĩ diện cá nhân.
  5. Nỗ lực và nỗ lực không ngừng.

Theo: SmartGoal