Hành trình săn chuột "quý tộc"
Đỉnh Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum nằm ở độ cao 2.600 m so với mực nước biển, quanh năm sương mù bao phủ, gió cuồn cuộn thổi.
Đặc biệt về đêm, gió thông thốc, mang theo luồng không khí lạnh buốt giá tô điểm thêm tiết trời khắc nghiệt có một không hai nơi cao nguyên lộng gió.
Thế nhưng, ở nơi xa xôi, hẻo lánh, đồi núi quanh co này lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng loại cây Sâm Ngọc Linh. Sâm Ngọc Linh là loại cây quý hiếm, có giá đắt đỏ trên thị trường không phải ai muốn cũng sở hữu được.
Cũng chính vì vậy, nhiều người ấp ủ, muốn một lần được đặt chân đến đỉnh Ngọc Linh để một lần "mục sở thị" loại cây này.
Tuy nhiên, để đến được đỉnh Ngọc Linh là chuyện không phải dễ dàng, bởi vô số "thiên la địa võng" được bày ra như một ma trận.
Ngoài con đường rừng núi độc đạo, cao chót vót do tạo hóa, thì còn vô số hiểm nguy rập rình từ các loại chông và bẫy mà dân địa phương giăng khắp mọi nơi.
Những chú “chuột quý tộc” sống ở đỉnh Ngọc Linh.
Ấy vậy mà, nơi đây như một lãnh địa riêng, vùng đất trú ngụ của những con chuột núi đặc sản nức tiếng, gắn liền với địa danh núi Ngọc Linh.
Gọi là đặc sản cũng đúng thôi, bởi thịt của chúng thơm ngon, nhiều dinh dưỡng là vì chúng hấp thụ, phát triển nhờ ăn hạt của những cây Ngọc Linh quý.
Loại cây này, lại đơm hoa kết trái nhờ hấp thụ linh khí đất trời vô cùng quý hiếm. Chính vì vậy mà không chỉ người dân bản địa, và những du khách tứ phương cũng mong một lần được trải nghiệm món ăn chuột "quý tộc".
Những ngày cuối năm 2019, khác hẳn với các nơi khác, đỉnh Ngọc Linh gió cuồn cuộn thổi mang theo cái lạnh tê người. Đây là thời điểm những chú chuột "quý tộc" phát triển mạnh mẽ.
Người dân bản địa đua nhau lên núi săn loài chuột quý hiếm này về chiêu đãi những thượng khách ở miền xuôi lên dịp ngày đầu năm mới.
Có mặt tại nơi đây, trong cái lạnh buốt giá về đêm, PV có dịp theo chân người dân bản địa là đồng bào Xê Đăng đi săn chuột "quý tộc".
Thịt chuột núi Ngọc Linh món ăn đặc sản có một không hai.
Từ xã Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) PV theo chân những thanh niên trong làng vào vùng lõi sâm Ngọc Linh.
Dù đã khoác trên người chiếc áo bông dày cộm, tay đeo găng nhưng thỉnh thoáng gió rít lên PV vẫn phải rùng mình vì lạnh tê tái, buốt giá.
Sau khi “cuốc bộ” hơn nửa chặng đường, mọi người đã dần thấm mệt. Lúc này, ngước nhìn lên, ánh trăng đang treo lơ lửng trên những ngọn cây cổ thụ, nhìn sang bên là vực sâu hun hút.
Sau hơn 1 tiếng băng rừng, vườn sâm đầu tiên hiện ra trước mắt. Lưới B40 được quây kín, lối vào án ngữ 1 chốt canh được làm bằng tôn có người gác, xa xa, xuất hiện ánh đèn le lói trên mấy cái chòi canh.
A Nhoai (thành viên trong nhóm) căn dặn: "Mọi người phải đi sát phía sau anh, không được tự ý tách ra khỏi đoàn. “Nguy hiểm nhất của người đi rừng nói chung và đi săn ở vùng núi Ngọc Linh này là bẫy chông.
Tất cả các vườn sâm ở đây đều được đào hào, chôn chông, đặt bẫy phía dưới rất khó phát hiện. Chỉ cần sảy chân vào hố là khó bảo toàn tính mạng. Mới đây, có mấy người nơi khác đến đi săn thú đã bị sập bẫy chông may mà chỉ bị thương".
Chủ nhà chế biến đặc sản thịt chuột chiêu đãi PV.
Vừa nói dứt lời, A Nhoai nhìn thấy chú “chuột quý tộc” liền lia đèn pin về phía đó. Chú chuột nhỏ có thân hình như con sóc đang đu trên cây sâm để ăn hạt. A Nhoai khẽ tạo ra tiếng động, chú chuột bò ra khỏi luống sâm.
Nhanh như cắt, A Nhoai cầm gậy đánh một phát, chú chuột nằm lăn ra đất. Chiến lợi phẩm đầu tiên đã được thu về. Chú “chuột quý tộc” vừa bị bắt có lông vàng, đôi chân phía trước rất rắn rỏi.
Tiếp tục đi sâu vào rừng, mọi người bỗng nghe thấy tiếng động rào rào dưới đất. Nhìn theo ánh đèn pin, PV thấy một con chuột lớn đang di chuyển.
Khác hẳn với con chuột trước đó, chú này lông màu đen, người to gần bằng bắp tay. Chỉ trong tích tắc, một thanh niên trong nhóm lấy chiếc nỏ giơ lên, ngắm một lúc rồi bắn.
Chú chuột chưa kịp chạy đã dính tên, nằm lăn đùng dưới gốc cây sâm. Cảnh săn chuột chỉ diễn ra trong chớp nhoáng.
Trời về khuya, thay vì đi săn, nhóm của A Nhoai đi một vòng xung quanh vườn sâm để kiểm tra, tiện thể xem chú chuột nào dính bẫy. Sau gần hơn 3 tiếng đồng hồ, cả nhóm thu được 16 con “chuột quý tộc”.
Những chú chuột sâm được đánh lông và gác bếp, dành khi có khách quý và lễ Tết.
Đặc sản có một không hai
Ngồi dừng chân nghỉ tại lán canh sâm, anh A Nhoai trò chuyện: “Ngoài kiểu đánh bắt thủ công dùng gậy đánh, người dân nơi đây còn dùng bẫy. Như tại vườn sâm này dùng bẫy đá và bẫy kẹp để bắt chuột.
Bẫy đá mình phải bỏ mồi, trái cây hoặc bắp, chuột vào ăn sẽ khiến hòn đá sập xuống. Còn bẫy kẹp là mình đặt vào các lối mòn chuột hay đi, khi đi qua, bẫy sập xuống là chết.
Tuy nhiên, loại chuột này rất tinh khôn, nhiều con bị mắc bẫy, những con khác nhìn thấy chúng sẽ biết nơi có nguy hiểm lần sau né tránh không đến.
Do vậy, ngoài việc đặt bẫy, nhiều thanh niên địa phương chế tạo súng bắn chuột, cung tên, nỏ để săn loài chuột này”.
Khi thắc mắc vì sao không đi săn chuột vào ban ngày, Anh A Nhoai giải thích: “Loài chuột ăn sâm thường sống ẩn nấp trên cây cổ thụ rất khó phát hiện, buổi tối là thời điểm chuột đi kiếm ăn, cho nên người dân muốn bắt chỉ có vào rừng trong đêm.
Còn ban ngày chỉ đi đặt bẫy và thu chiến lợi phẩm. Chuột có thể bắt quanh năm. Tuy nhiên, không phải lúc nào đi săn cũng mang được chuột về, có những đêm thanh niên trai làng đi đến sáng mà không bắt được con nào”.
Nhiều trẻ em trong làng lên núi săn chuột.
Lúc này đã nửa đêm, sương muối giăng khắp khu rừng, nhóm thanh niên được chia về các chòi để làm nhiệm vụ canh vườn sâm, chuyến săn chuột kết thúc. Mọi người hẹn nhau, chiều mai tụ tập để “xử” chiến lợi phẩm vừa thu được.
Như đã hẹn, nhóm thanh niên trai làng sẽ tụ tập về nhà chị Y Hlạng để thưởng thức món “chuột quý tộc” thu được lúc tối.
Thịt chuột được hun khói, sau đó làm sạch. Sau khi mất nhiều thời gian cho việc làm thịt và chế biến, món “chuột quý tộc” được bày ra giữa căn nhà sàn.
Thấy đĩa chuột chiên giòn thơm lừng mùi sả, tiêu rừng, không ai có thể cưỡng được vị giác tiết nước bọt. Nhai con chuột thịt béo ngậy, phần nào cảm nhận được vị ngọt, thơm mát của sâm.
Thứ linh khí trời đất ở chốn núi rừng ngấm vào máu chuột, đọng lại trong từng thớ thịt, tạo ra một món ăn tuyệt vời, vui trong từng câu chuyện, sự hài hước của chủ nhà.
Khi ngày mới đã điểm cũng là lúc mọi người đã chuếnh choáng, chìm vào giấc ngủ. Khi mặt trời vừa ló rạng, PV khăn gói về xuôi chia tay chủ nhà, mãi nhớ về một kỷ niệm thật khó quên.
Chuột hấp thu tinh túy đất trời
Chị Y Hlạng, chủ nhà cho biết: “Chuột sống ở trên cây cổ thụ, môi trường rất sạch, lại ăn toàn sâm quý nên thịt rất thơm và bổ dưỡng. Đây là món khoái khẩu từ lâu đời của đồng bào Xê Đăng. Khách nào quý lắm, chủ nhà mới tiếp bằng món chuột hong khô trên gác bếp. Do là chuột quý nên người dân không bán. Bắt được về họ làm thịt rồi hong trên gác bếp để dành, những dịp đặc biệt mới đem ra dùng”.
Hồ Nam
Theo: Người Đưa Tin
No comments:
Post a Comment