Núi Tản Viên
Quê hương và thời niên thiếu của Sơn Tinh
Theo các thần tích vùng Sơn Tây, Vĩnh Phú thì Tản Viên Sơn Thánh là người ở động Lăng Xương (Thanh Thủy – Phú Thọ ngày nay), tên là Nguyễn Tuấn (Nguyễn Tùng), con ông Nguyễn Cao Hạnh (Hành) và bà Đinh Thị Điêng (Đen). Khi lớn lên nhận bà Ma Thị Cao Sơn ở núi Ngọc Tản làm mẹ nuôi.
Đền Lăng Xương, nơi sinh ra Thánh Tản
Động Lăng Xương có thể là Lang Xương, trong đó Lang là Vua. Động Lăng Xương như vậy có nghĩa là nơi quê gốc của Vua. Vua ở đây chính là thần Tản Viên.
Mẹ đẻ của Nguyễn Tuấn là bà Đinh Thị Điêng hay Đen, còn gọi là Thái Vĩ. Đinh là hướng Tây. Đen là tên của sông Đà xưa. Đinh Thị Đen có nghĩa chỉ Thái bà (Thái Vĩ hay Thái Thủy) là người ở Tả ngạn sông Đà (dòng sông Đà ở quãng chân núi Ba Vì đổi hướng chảy lên phía Bắc, nên tả ngạn sông nằm ở phía Tây).
Bà mẹ nuôi Ma Thị Cao Sơn có lẽ cũng chỉ có nghĩa là Mẫu Thượng Ngàn vì: Ma = Má = Mẫu, Cao Sơn = Thượng Ngàn. Bà Ma Thị Cao Sơn ở Ba Vì được thờ như Mẫu thượng ngàn, là người cai quản núi Ba Vì trước khi “di chúc” lại cho Thánh Tản.
Long mạch Tản Viên
Tản Viên Sơn Thánh đã đi khắp nơi, dựng nhiều hành cung trên đất Việt. Hiện tại hệ thống các hành cung của Tản Viên còn lại gồm:
– Thượng cung thần điện là đền Thượng, nằm trên đỉnh Tản của Ba Vì.
– Tây Cung gồm đền Trung trên núi Chàng Rể và đền Hạ ở bờ hữu sông Đà, đối diện với quê Lăng Xương.
– Nam Cung là đền Ao Vua.
– Đông Cung là đền Và ở cạnh thị xã Sơn Tây, cạnh sông Hồng. Hội đền Và khi tổ chức còn có sự tham gia của làng Duy Bình, nơi có đền Dội ở đối diện bên kia bờ sông Hồng, tương truyền là nơi Thánh Tản đã lấy nước tắm bên sông.
– Bắc Cung là đền Thính ở Tam Hồng – Yên Lạc – Vĩnh Phúc. Thính là đọc tránh âm của Thánh. Bắc Cung Thượng là đền Tranh ở Trung Nguyên – Yên Lạc – Vĩnh Phúc. Yên Lạc cũng là nơi có di chỉ khảo cổ Đồng Đậu, với tầng văn hóa từ thời Phùng Nguyên.
Theo thần tích đền Và thì cung Trung và cung Hạ (Tây Cung) là nơi cầu đảo, tế lễ. Đông Cung là nơi “nghe tâu bày các việc”. Bắc Cung là nơi nghỉ ngơi.
Tuy gọi là Đông – Tây – Nam – Bắc cung nhưng nếu nhìn trên bản đồ thì các cung này nằm gần như trên cùng một đường thẳng chạy theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, cắt vuông góc với sông Hồng ở gần Sơn Tây. Đây là cũng là hướng “tọa Cấn hướng Khôn”, hướng của đền Thượng như ghi trong thần tích đền Và.
Lĩnh Nam chích quái cho biết Sơn Tinh đã “làm một con đường thẳng như sợi dây từ Bạch Phiên Tân lên thẳng phía Nam núi Tản Viên tới động An Uyên”. Có thể thấy con đường này chính là từ bến thuyền trên sông Hồng cạnh Sơn Tây (nay là phà Mông Phụ – Vĩnh Thịnh), chạy thẳng lên đền Thượng theo hướng Đông Bắc – Tây Nam (hướng Cấn – Khôn).
Liệu việc bố trí “ngũ hành cung” theo một đường thẳng, với phương vị nhất định như vậy có phải chính là long mạch của núi Tản? Có phải đây chính là cây gậy thần của Sơn Tinh chặn ngang dòng sông Hồng để trị thủy? Trước các đền thờ Tản Viên người ta đều xây giả sơn và thờ ngũ hổ (ngũ hành). Sơn Tinh có thể là ông tổ của môn phong thủy địa lý học phương Đông.
Đế xuất hồ Chấn
Đông Cung Tản Viên nay là đền Và, ở làng Vân Già, cạnh thị xã Sơn Tây. Tương truyền khi Tản Viên đi qua đây thấy có đám mây che phủ, cho là điềm lành, nên dựng hành cung ở đây, gọi là Vân Già. Thực ra Vân Già chỉ là tên phiên thiết âm Nôm của từ Và mà thôi.
Đông Cung là nơi có cung điện chính, được chép là nơi Tản Viên “nghe tâu bày các việc”. Đền tới nay được dựng với hệ thống tượng như một triều đình. Như vậy thì rõ ràng Tản Viên đã lên ngôi vua. Đền Và = Vua = Vũ.
Nam Cung Tản Viên đóng tại Ao Vua. Thần Tản Viên được người Mường gọi là Bua Thơ hay Bua Ba Vì. Bua = Vua. Rõ ràng Tản Viên không phải chỉ dừng lại là con rể của Hùng Vương cuối cùng (thứ 18) mà chính là một vị vua Hùng, có tên là Vua=Vũ. Quê Tản Viên ở Lăng Xương hay Lang Xương cũng khẳng định thêm điều này. Vua Vũ Tản Viên đã dựng hành cung khắp nơi. Nếu Tản Viên chỉ là con rể vua Hùng thì đã không thể dựng nhiều hành cung như vậy.
Hoành phi ở đền Và:
“Xuất hồ Chấn”
Và đôi câu đối ở nghi môn:
Đề vu Tây, hỗ trấn nguy nguy thiên bính thọ?
Xuất hồ Chấn, cố cung hách hách nhật đồng quang.
Những câu này lấy ý trong thuyết quái truyện của Kinh Dịch: “Đế xuất hồ Chấn”. Chấn là quẻ của phương Đông. “Xuất hồ Chấn” ý nói đế vương tại Đông Cung (đền Và). Thông tin này một lần nữa khẳng định Tản Viên đã là bậc đế vương, là một vị vua Hùng. Tản Viên chính là vua Vũ, là Đại Vũ trị thủy trong Hoa sử.
Tiên trượng ước thư
Theo thần tích đền Và, phép thuật của Tản Viên bắt đầu từ việc đi chặt cây trên núi Tản gặp Thái Bạch Thần Tinh, được truyền cho cây gậy thần đầu sinh đầu tử. Từ đó Nguyễn Tuấn xưng là Thần Sư, bắt đầu đi cứu dân độ thế. Bảo bối thứ hai của Thánh Tản bắt đầu từ việc cứu được con rắn thần, là con trai Long Vương ở Động Đình. Sau khi xuống thăm Long cung Tản Viên đã được tặng quyển sách ước. Tản Viên từ đó dùng gậy thần và sách ước đi khắp nơi, lấy được công chúa Ngọc Hoa, chiến thắng Thủy Tinh, đánh quân Thục,…
Hiện nay ở các cung điện cũ của thần Tản Viên đều có nhắc đến 2 bảo vật gậy thần sách ước trên. Câu đối ở đền Và (Đông Cung) ở thôn Vân Già, Sơn Tây:
Tiên trượng ước thư truyền dật sử
Đông cung Tây trấn ngật linh từ.
Dịch:
Gậy thần sách ước dã sử truyền
Cung Đông trấn Tây đền linh tỏ.
Hay câu đối khác cùng một ý tại đền Và:
Thần vi chi linh, địa vi chi linh, diệc nhân sùng vi chi linh, ngật nhĩ Đông cung Tây trấn
Sơn đắc kỳ thuật, thủy đắc kỳ thuật, túc kim dục đắc kỳ thuật, diêu hô tiên trượng ước thư.
Dịch:
Thần linh thiêng, đất linh thiêng, vĩ nhân linh thiêng, Cung Đông trấn Tây cao ngất
Núi thành thuật, sông thành thuật, đạo đức thành thuật, gậy thần sách ước diệu kỳ.
Tây Tản di truyền, trúc trượng anh linh phù quốc thịnh
Bắc cung hiển thuật, sách ước thiểm? pháp độ dân an.
(? là những chữ Nho không đọc được)
So sánh với chuyện vua Vũ trong thần thoại Trung Hoa:
“… Vũ đang đứng trên bờ quan sát sức mạnh của dòng nước thì thấy một ông già mặt trắng trẻo, mình cá, nhảy lên từ dòng sông … Ông già tự xưng là Hà Bá. Vị thần này cho Vũ một phiến đá to màu xanh… Đó chính là Hà Đồ”.
Rồi tiếp theo còn có chuyện Vũ gặp một con rắn thần ở trong hang, rắn dẫn Vũ tới gặp Phục Hy và Phục Hy trao cho Vũ một thanh Ngọc giản, có thể đo đạc được trời đất.
Có thể thấy chuyện Sơn Tinh được gậy thần sách ước và chuyện Đại Vũ được Hà đồ, Ngọc giản chỉ là một. “Ông già mặt trắng” có thể chính là Thái Bạch Thần Tinh. Thái Bạch = Thái Hạo (Hạo là sáng, bạch), cũng là tên khác của Phục Hy trong truyền thuyết. Phục Hy tương truyền có mình rắn. Phục Hy là người tìm ra Bát quái nên hoàn toàn có thể Phục Hy chính là Thái Bạch Tử Vi thần tướng. Phục Hy là vị thần chấn Đông nên cũng có thể là Long Vương Động Đình.
Theo truyện Dịch thì Phục Hy là người đã chép Hà đồ từ lưng con Long Mã (= con rồng, rắn thần). Còn vua Vũ vẽ Lạc Thư từ lưng con Thần Qui. Có thuyết khác lại cho rằng cả Hà đồ lẫn Lạc thư đều do Đại Vũ nghĩ ra. Dù thế nào thì rõ ràng phép thần của Tản Viên Sơn Thánh chính là Hà Lạc, được tiếp thụ từ tiền nhân và sáng tạo thêm trong quá trình trị thủy.
Sơn Tinh – Thủy Tinh
Trong các câu đối đã nêu tại Đông Cung có nói tới “Tây Trấn”, “đề vu Tây” (ở tại phương Tây). Tại sao lại là Tây? Lý do rất rõ: Tản Viên (Nguyễn Tuấn, Nguyễn Tùng) là Tốn Vương, Tốn là quẻ chỉ hướng Tây. Tản Viên Nguyễn Tuấn chính là vị Tuấn Lang (Hùng Việt) trong Hùng triều ngọc phả.
Thủy Tinh là con trai Long Vương Động Đình, điều này cho thấy Động Đình chính là biển Đông ngày nay, chứ không phải đầm Vân Mộng ở Vân Nam. Hơn nữa cơn đại hồng thủy thời Sơn Tinh là một cơn đại hồng thủy biển, chứ không phải lũ lụt sông thông thường. Lĩnh Nam chích quái còn chép hướng tiến công của Thủy Tinh là “mở một dải sông Tiểu Hoàng Giang từ Lý Nhân ra Hát Giang, vào sông Đà Giang để đánh ập sau lưng núi Tản Viên” (Lý Nhân có thể là Nhân Lý, một làng ở gần thị xã Sơn Tây). Với hướng đi thế này thì cơn hồng thủy phải là đến từ biển Đông. Nước từ biển Đông dâng sang Sơn Tây của Tản Viên.
Sơn Tinh đánh Thủy Tinh tương ứng với Đại Vũ trị thủy. Theo thần thoại Trung Hoa thì Đại Vũ khi trị thủy đã đánh nhau với thần nước Cộng Công. Như vậy Cộng Công chính là Thủy Tinh trong truyền thuyết Việt.
“Cộng Công quyết một phen sống mái với Vũ nên đã dâng nước lên cao, cao đến tận đất Không Tang”.
Không Tang phiên thiết cho từ Khang. Đất Không Tang chính là vùng Khang ấp của vua Vũ. Khang cũng là tính chất của phương Tây. Nói cách khác, Không Tang là vùng Sơn Tây, nơi xảy ra cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Khang Ấp chính là Tây Trấn – Sơn Tây, nơi có Đông Cung của vua Vũ (Và).
Nghi môn đền Và
Người lạ dùng ảo thuật ở Gia Ninh
Lĩnh Nam chích quái, truyện núi Tản Viên: “đại vương Sơn Tinh họ Nguyễn, cùng vui với các loài thủy tộc ở đất Gia Ninh, huyện Phong Châu”.
Việt sử lược về sự thành lập của nước Văn Lang: “Đến thời Trang Vương nhà Chu ở bộ Gia Ninh có người lạ, dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, hiệu là nước Văn Lang, phong tục thuần hậu chất phác, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời đều gọi là Hùng Vương.”
Tới đây ta hiểu, “người lạ dùng ảo thuật ở bộ Gia Ninh” đã áp phục các bộ lạc chính là Tản Viên Sơn Thánh, người đã tập hợp nhân dân Việt trong cuộc đấu tranh chống nạn hồng thủy. Phép “ảo thuật” ở đây không gì khác là Hà đồ và Lạc thư, là Dịch học của người họ Hùng. Quốc tổ họ Hùng không phải là một thầy phù thủy, mà là một nhà khoa học vào thủa bình minh của dân tộc.
Tản Viên Sơn Thánh là người đã dựng nghiệp họ Hùng của dân Việt từ việc trị thủy an dân thắng lợi, là Hùng Việt Tuấn Lang trong Hùng triều ngọc phả, là Đại Vũ, người lập nên nhà Hạ, mở đầu thời kỳ lịch sử của người Hoa Việt trên 4000 năm trước.
Theo: Bách Việt 18