Trên đỉnh Ba Thê…
Bạn ngại leo núi nhưng lại thích khám phá những bí ẩn của thiên nhiên, những truyền thuyết dân gian và muốn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của núi rừng, hãy đưa ngay núi Ba Thê (Thoại Sơn, An Giang) vào lịch trình. Không cao như núi Cấm, không có nhiều công trình được đầu tư quy mô nhưng núi Ba Thê sẽ khiến những “tín đồ” xê dịch thích thú với vẻ hoang sơ hùng vĩ với những câu chuyện huyền bí, đôi khi vẫn còn là ẩn số với người dân nơi đây!
Cách trung tâm TP. Long Xuyên khoảng 40km, núi Ba Thê hiện ra xanh ngút ngàn, nằm vững chãi, chứng kiến biết bao thăng trầm của thời gian. Đây là một trái núi trong cụm núi Ba Thê gồm 5 núi cũng thuộc huyện Thoại Sơn, đó là: Ba Thê, núi Nhỏ, núi Tượng, núi Trọi và núi Chóc.
Núi Ba Thê lớn nhất với độ cao 221m, chu vi khoảng 4.220m2, nằm lẻ loi giữa cánh đồng Tứ giác Long Xuyên, thuộc thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn). Năm 2002, đường lên núi Ba Thê được tu sửa để phục vụ du lịch. Đường dài chừng 2km, tráng xi-măng phục vụ nhu cầu du lịch và đi lại của người dân địa phương.
Núi Ba Thê lớn nhất với độ cao 221m, chu vi khoảng 4.220m2, nằm lẻ loi giữa cánh đồng Tứ giác Long Xuyên, thuộc thị trấn Óc Eo (Thoại Sơn). Năm 2002, đường lên núi Ba Thê được tu sửa để phục vụ du lịch. Đường dài chừng 2km, tráng xi-măng phục vụ nhu cầu du lịch và đi lại của người dân địa phương.
Để lên núi có thể đi xe gắn máy hoặc đi bộ. Tôi chọn cho mình cách thứ nhất là đi xe lên để có thể tham quan trọn vẹn những địa điểm tâm linh, thu hút khá đông khách hành hương vào những ngày lễ, Tết.
Rất may, tôi được anh Quang Chính - người địa phương khá am tường về đường đi, nước bước trên núi Ba Thê là “hướng dẫn viên du lịch” nên rất hào hứng. Vậy, cái đẹp trên đỉnh núi Ba Thê là gì, câu chuyện ly kỳ, huyền bí từ đâu…?
Đường lên núi Ba Thê
Theo người đồng hành cùng tôi thì, núi Ba Thê có 2 đỉnh, dân gian thường gọi là: chót ông Tà và chót Sơn Tiên. Mất độ 10 phút để đi xe đến 2 điểm tham quan ấy. Như đã giới thiệu, đoạn đường khá dễ đi, dốc không quá cao, đôi khi chỉ là những khúc cua nối tiếp nhau như “thử” tay lái của "tài xế".
Càng lên cao, chúng tôi cảm nhận rất rõ sự trong lành, ưu ái của thiên nhiên dành cho núi Ba Thê. Khí hậu mát mẻ với cây cối xanh um nối nhau chạy tít tắp lên đến đỉnh núi. Xen lẫn là những khối đá với nhiều hình thù, to nhỏ khác nhau như tô điểm thêm sự huyền bí của núi rừng.
Lên được giữa núi, tai chúng tôi bị ù rất nhiều, ai không quen leo núi có lẽ sẽ hơi giật mình, lo sợ. Nhưng đó là hiện tượng rất bình thường và sẽ hết khi chúng ta lên đến đỉnh núi.
Dấu tích của bàn chân Tiên
Điểm đầu tiên chúng tôi ghé chiêm ngưỡng là Sơn Tiên tự (chùa Sơn Tiên). Một ngôi chùa nhỏ, khá khiêm tốn, cao chót vót trên đỉnh núi. 4 mặt chùa thoáng đãng, giáp với không gian rộng lớn, mênh mông của đất trời, dù đứng ở sân chùa nhưng gió cứ tăm tắp vào mặt, một cảm giác thật thích thú với những ai muốn tìm về thiên nhiên.
Trước sân chùa có tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cao chừng 8m. Cũng ở sân chùa, có vết tích một bàn chân Tiên trên 1 phiến đá cao. Dân gian tương truyền, đây là bàn chân Tiên, cụ thể là bàn chân trái, nhìn kỹ có thể nhận ra cả các ngón chân.
Còn bàn chân Tiên bên phải thì nằm cách đó khá xa, trên đỉnh núi Sập (Thoại Sơn). Sự kỳ diệu, thú vị về dấu tích 2 bàn chân Tiên ở 2 ngọn núi của Thoại Sơn cũng là câu chuyện rất dài, thu hút không ít du khách tham quan, chiêm ngắm.
Phóng tầm mắt xa xuống chân núi là những mái nhà nhỏ xinh, xen lẫn màu xanh mạ non của những thửa ruộng bạt ngàn, một phong cảnh thật hùng vĩ. Đã có nhiều đoàn khách tìm đến đây rồi yêu mến cảnh đẹp nơi này mà nghỉ lại qua đêm để tìm về chính mình trong cái tịnh của thiên nhiên.
Tượng Phật Quan Âm uy nghiêm ở Sơn Tiên tự
Chia tay Sơn Tiên tự, tôi được dẫn đi chiêm ngắm những địa điểm khác cũng khá thú vị. Phía Bắc của núi là các danh thắng khác như: hang Ông Hổ, Linh Sơn tự, Thạch Đại Đao (một phiến đá giống cây đao lớn), chót Ông Tà hay hang Chơn Thiện.
Ngược xuống núi, cách Sơn Tiên tự không xa chính là hang Ông Hổ. Người dân ở đây truyền rằng, xưa kia, trong hang ấy có 1 con hổ vằn 3 chân sinh sống. Thỉnh thoảng, có người gặp nó xuất hiện nhưng rất hiền lành, chưa bao giờ làm hại ai. Lâu sau đó, người ta không gặp lại con hổ ấy nữa, cũng không ai biết hổ đã đi đâu nên lập 1 bàn thờ, khắc tượng hổ ngay tại hang trước kia nó ở.
Hang Ông Hổ
Rẽ sang hướng khác, chạy chừng vài trăm mét, Thạch Đại Đao là nơi chúng tôi dừng chân. Cũng lại là câu chuyện ly kỳ xoay quanh cây Thạch Đại Đao ấy. Cách đây không lâu, giữa 1 đêm mưa gió, sấm sét dữ dội, 1 một phiến đá giống cây đao lớn xuất hiện. Nhưng đến sáng, người dân mới phát hiện, sự hiếu kỳ đã thu hút rất nhiều người đến xem. Rồi phiến đá ấy được kéo lên, đặt trang nghiêm ở trên cao để thờ phượng. Cái tên Thạch Đại Đao cũng là từ đó.
Thạch Đại Đao
Sách Gia Định thành thông chí của danh thần Trịnh Hoài Đức có chép: “Ba Thê sơn, cao 30 trượng, chu vi 13 dặm, cách phía tây bến Thoại Hà 18 dặm rưỡi, 3 ngọn vươn xanh chập chùng cổ thụ tươi mát, cấm dân không được chặt.
Mặt trước giáp với bưng biền, cỏ rậm bùn lầy. Thoại Ngọc Hầu nhân đó đào cho thông ra, rộng 20 tầm để cho thuyền bè đi lại. Người Cao Miên ở theo triền núi và đường rừng, họ vừa sống bằng nghề săn bắn ở núi, lại còn câu cá ở ao chằm, thu được 2 mối lợi”.
Để nói hết vẻ đẹp của núi Ba Thê có lẽ sẽ còn rất nhiều. Tôi xin dừng bút tại đây để các bạn tự mình khám phá những thú vị ấy trong hành trình của riêng mình!
Phương Lan / Nguồn: Angiang Online