Một tạp chí đã thực hiện cuộc khảo sát đối với những người trên 60 tuổi với câu hỏi: Bạn hối tiếc nhất điều gì?
Kết quả là:
92% người hối tiếc rằng khi còn trẻ đã không nỗ lực khiến cho bản thân không đạt được thành tựu gì.
73% người hối hận vì khi còn trẻ đã chọn sai nghề.
62% người hối hận vì giáo dục con cái không đúng cách.
Trong cuộc đời của một người, sẽ luôn có những điều hối tiếc này khác. Mỗi khi nghĩ lại, có thể chúng ta lại ước "giá như có thể uống được liều thuốc chống hối hận".
Thực ra, cổ nhân từ lâu đã bào chế ra thuốc "chữa bệnh hối hận" cho chúng ta. Danh tướng thời Bắc Tống là Khấu Chuẩn đã để lại cho hậu thế một bài viết đặc biệt, nguyên văn chỉ vỏn vẹn 6 câu, 42 ký tự, được rất nhiều người xem như kinh điển.
Khi làm quan mượn công tham tư, đến lúc mất chức mới hối hận
Nguyên văn: "Quan hành tư khúc, thất thời hối".
Bất hạnh lớn nhất trong cuộc đời là không nhận ra chính mình. Có người nắm cương vị quản lý quan trọng, có quyền hành cao, mọi quyết sách của họ đều ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người nên họ dễ dàng phóng túng, lợi dụng quyền lực mưu lợi cho cá nhân.
Nhưng không ngờ rằng, khi họ nắm quyền lực, thứ mà người khác sùng bái chỉ là quyền lực trong tay họ, mà không phải bản thân họ. Sau khi rời khỏi chức vị, họ rốt cuộc chẳng là gì.
Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:
Trong miếu có một con lừa, nó làm việc chăm chỉ mỗi ngày ở cối xay.
Lần nọ, một nhà sư dắt con lừa xuống núi để chở tượng Phật. Trên đường trở về miếu, khi người đi đường nhìn thấy con lừa, họ quỳ xuống hai bên cung kính và lễ bái.
Con lừa không kìm nổi hãnh diện, nghĩ rằng "hóa ra người ta tôn sùng mình đến vậy". Trở lại miếu, con lừa cho rằng mình cao quý, sống chết cũng không muốn quay cối xay. Nhà sư không còn cách nào khác đành phải thả nó xuống núi.
Con lừa cho rằng mình cao quý, sống chết cũng không muốn quay cối xay. (Ảnh: Pexels)
Lừa vừa xuống núi, thấy đoàn người đánh trống khua chiêng, nó nghĩ thầm, người ta đến đón mình nên đứng nghênh ngang giữa đường.
Mọi người bị lừa chặn đường, bèn tức giận và thay nhau dùng gậy đánh nó.
Con lừa bỏ chạy trở lại miếu và hỏi nhà sư một cách khó hiểu: “Tại sao lần trước khi xuống núi người ta quỳ bái tôi, nhưng hôm nay lại ra tay tàn độc với tôi như thế?".
Nhà sư thở dài nói: "Đúng là con lừa ngu ngốc. Hôm đó người ta cúi đầu lễ bái là vì tượng Phật ngươi chở trên lưng chứ không phải bái ngươi!".
Vậy mới thấy rằng, chỉ khi nhận rõ được vị trí của chính mình, mới có thể kiềm chế được tư tâm, và không đi chệch hướng.
Khi phú quý không biết tiết kiệm, tới lúc bần cùng mới hối hận
Nguyên văn: "Phú bất kiệm dụng, bần thời hối".
Từ đạm bạc trở nên xa xỉ thì dễ, chuyển từ xa hoa sang tiết kiệm lại khó. Một khi đã quen với cuộc sống sung túc, thì lúc lâm vào cảnh khó khăn, sẽ không chỉ cảm thấy thiếu thốn về vật chất, mà về mặt tâm lý cũng khó chấp nhận nổi. Đây chính là hậu quả của việc khi phú quý không biết tiết chế, cần kiệm.
Vật cực tất phản, phồn hoa nhất cũng chính là bắt đầu của suy thoái, tới đỉnh cao nhất cũng chính là tín hiệu suy tàn.
Trong lịch sử đã có vô số ví dụ về việc do xa xỉ vô độ dẫn tới diệt vong. Trụ Vương nhà Thương với hồ rượu rừng thịt, Lưỡng Tấn xa xỉ thi đấu sự giàu có, Tùy Đế Dương hám việc lớn công to, thời mãn Đường hưởng thụ xa hoa, quân Bát Kỳ cuối nhà Thanh xa hoa hủ hóa... là những điển cố rõ ràng trước mắt. Phàm là kẻ phô trương, khoe mẽ, kiêu căng, phung phí sẽ sớm lâm vào cảnh túng thiếu, nghèo khó.
Vì vậy, bất kể khi nào và ở đâu, mọi người nên có suy tính dự phòng, sống trong thời bình nghĩ tới thời lâm nguy.
Trong “Giới tử thư”, Gia Cát Lượng đã nói: “Tĩnh là để tu thân, kiệm là để dưỡng đức”. Chỉ dựa vào nội tâm an tĩnh mới có thể tu dưỡng thân tâm, cũng chỉ dựa vào phong cách thanh đạm mới có thể bồi dưỡng phẩm đức.
“Một bữa cháo, một bữa ăn, nên nghĩ rằng có được không dễ; từng chút một, nên nghĩ rằng là của cải và sức lao động vất vả mới có được”. Đừng để tới lúc lâm vào khốn cùng mới than trời rơi lệ.
“Tĩnh là để tu thân, kiệm là để dưỡng đức”.
Lúc còn trẻ không học hỏi, khi về già mới hối tiếc
Nguyên văn: "Nghệ bất thiếu học, quá thời hối"
Thời gian là tài sản quý giá nhất, là thành phẩm đắt giá nhất và là sự cho đi công bằng nhất.
Nếu bạn muốn sống hết mình và làm điều gì đó trong đời để cuộc sống của bạn có ý nghĩa hơn thì bạn không được lãng phí thời gian. Tự cổ chí kim, tất cả những người có thành tựu lớn, họ đều trân quý thời gian như vàng.
Một người bình thường, để tiết kiệm tiền, sẽ tự mình làm mọi việc cho dù mất nhiều thời gian, và nghĩ “dù sao thời gian của mình cũng không đáng là bao”. Tuy nhiên, nếu không tiết kiệm thời gian để đầu tư vào bản thân và cải thiện bản thân, thời gian sẽ chỉ ngày càng không đáng giá, và bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của cuộc sống rẻ tiền.
Vào cuối thời Đông Hán, có một người tên là Đổng Ngộ, là một trí thức rất nổi tiếng thời bấy giờ .
Có người hỏi Đổng Ngộ: "Ông đọc sách như thế nào?"
Đổng Ngộ trả lời: "Khi đọc một cuốn sách mà tôi không hiểu, tôi sẽ đọc đi đọc lại".
Người kia hỏi lại: "Làm sao có nhiều thời gian để đọc đi đọc lại một cuốn sách?"
Đổng Ngộ: "Vậy thì hãy sử dụng khoảng thời gian ‘tam dư’".
Người kia tò mò hỏi: "Thời gian ‘tam dư’ là gì?"
Đổng Ngộ trả lời: "Mùa đông là thời gian dư nhàn trong năm, đêm là thời gian dư nhàn trong này, trời mưa là thời gian dư nhàn của thời giờ".
Những người xuất sắc từ lâu đã hiểu được bí quyết thành công, biết rằng thời gian là biến số lớn nhất trong cuộc đời, chứa đựng nguồn năng lượng khổng lồ và khả năng thay đổi tương lai vô hạn.
“Chớ chần chừ, đầu bạc trắng, tiếc thương vô ích”, nếu quý trọng thời gian như vàng, bạn sẽ có một tương lai tươi sáng.
Những người xuất sắc từ lâu đã hiểu được bí quyết thành công, biết rằng thời gian là biến số lớn nhất trong cuộc đời. (Ảnh: Epoch Times)
Thấy việc không học, tới lúc dùng thì hối hận
Nguyên văn: Kiến sự bất học, dụng thời hối
Người xưa có câu, "sống đến già học đến già". Nhưng sống tới già thì dễ, còn học tới già thì thực sự là khó.
Nếu một người không cập nhật kiến thức kịp thời sẽ sớm “lỗi thời” và bị đào thải, vì vậy cần liên tục học hỏi.
Nhưng việc học ở đây còn là quá trình tổng kết và suy ngẫm liên tục. Trong khi tổng kết mà cải thiện bản thân, trong suy ngẫm mà thúc đẩy sự tiến bộ.
Khổng Tử nói: "Nhìn thấy người hiền năng thì nên suy nghĩ học tập họ, để có thể trở nên hiền năng như họ. Nhìn thấy người không hiền năng thì nên tự xem xét lại bản thân mình có khuyết điểm lầm lỗi giống họ không, từ đó mà sửa đổi, trừ bỏ". (Nguyên văn: "Kiến hiền tư tề yên, kiến bất hiền nhi nội tự tỉnh")
Thời gian của đời người là rất hữu hạn. Có nhiều kinh nghiệm và những chuyện mà bản thân không thể tự mình trải nghiệm được. Chỉ bằng cách quan sát nhiều, cảm ngộ và đúc kết kinh nghiệm từ người khác, chúng ta mới có thể nâng cao kinh nghiệm và trí huệ của mình một cách hiệu quả.
Rượu say cuồng ngôn, lúc tỉnh hối hận
Nguyên văn: Túy phát cuồng ngôn, tỉnh thời hối
Phật giáo coi việc kiêng uống rượu bia là một trong những giới luật căn bản đối với người tu luyện. Kỳ thực, điều này có một đạo lý rất sâu sắc. Rất nhiều kinh điển trong Phật giáo đều nói về sự nguy hại của rượu. Ví dụ như trong “Trường A Hàm Kinh” có nói: “Uống rượu có 6 cái mất: Một, mất tiền. Hai, sinh bệnh. Ba, rắc rối. Bốn, tai tiếng. Năm, giận dữ sinh bạo lực. Sáu, tổn hại trí huệ".
Có một câu cổ ngữ rằng "tửu phẩm khán nhân phẩm", ý rằng muốn biết nhân phẩm của một người, hãy nhìn vào cách mà họ uống rượu.
Có nhiều người khi rượu say có vẻ mạnh mẽ, có vẻ như rất hào sảng, liền bắt đầu không giữ mồm, cái gì cũng dám nói, tới khi tỉnh mới ôm đầu hối hận rằng mình uống nhiều quá, say rượu nên lỡ lời, nói sai.
Khỏe chẳng nghỉ ngơi, bệnh thì hối hận
Nguyên văn: An bất tương tức, bệnh thời hối
Cuộc sống bình thường của con người đều là mỗi ngày tiêu hao đi, lão hóa đi, dần tới lúc suy kiệt rồi chết đi. Huống hồ là một người buông thả?
Một cuộc sống không biết tiết chế sẽ đẩy nhanh quá trình tiêu hao và lão hóa, đồng thời đẩy nhanh thời gian suy kiệt.
Con người ta thường không trân trọng những gì mình đang có, đến khi mất đi mới càng tiếc nuối hơn.
Trong cuộc sống có nhiều người khi sinh bệnh mới nghĩ lại, hối hận vì đã không sinh hoạt và nghỉ ngơi đúng giờ, chỉ mong bệnh tình mau khỏi nhưng một khi hồi phục thì đâu lại vào đấy, vẫn giữ thói quen cũ.
Công danh lợi lộc, lao lực tính toán; tửu sắc túng dục, không biết tiết chế; sớm chiều điên đảo, không nghỉ ngơi, đợi đến khi thân thể không chịu nổi, lại phát bệnh, rồi mới sinh ra hối hận.
Giữ gìn sức khỏe cũng là một loại trách nhiệm, thế nhưng ít người hiểu được điều này. Sức khỏe không thuộc về một người, nó thuộc về đại gia đình bao gồm cha mẹ, con cái, anh chị em... Nếu một người thậm chí không quan tâm đến bản thân và không đối xử tốt với chính mình, thì làm sao có thể đối xử tốt với người khác, coi trọng người khác?
Minh An
Theo aboluowang
Link tham khảo: