Ông mời tôi đến nhà ông, nhân tiện cho mượn vài quyển sách quý và cũng để “khoe” vợ ông. Căn nhà sạch sẽ và gọn gàng vô cùng dù không thuê người giúp việc. Trên bức tường trắng tinh là một tấm tranh thêu trên nền lụa trắng với dòng chữ “tương kính như tân” màu gụ đỏ.
Ông nói về vợ như một người bạn quý và bảo rằng tất cả những gì ông có được hôm nay đều là do vợ ông vun vén, dù ai cũng biết rằng ông là một người có tài năng thực sự.
Làm thế nào để con người ta có thể yêu quý nhau, “tương kính như tân” từ khi tóc xanh cho đến ngày tóc bạc như thế?! Đó không phải là điều đơn giản!_ Đi với nhau gần trọn một đời... vẫn cần nhau như cần không khí để thở, vẫn biết ơn nhau như một ân nhân lớn trong cuộc đời... như thế đã là quá đủ. Cuộc sống thiên hình vạn trạng và có biết bao điều phải học. Từ lúc chào đời cho đến lúc nói chia tay với cuộc đời, con người ta phải học mọi thứ, kể cả học cách yêu thương và đón nhận yêu thương...
Chợt nhớ đến câu chuyện mà tôi biết cách đây nhiều năm... Một người chồng được tặng con lươn rất ngon, vào cái thời kỳ khan hiếm thực phẩm thì con lươn ấy là một món ngon quý giá vô cùng. Hôm ấy có người bạn thân đã lâu không gặp đến chơi nên người chồng bảo vợ bắt con lươn chế biến để đãi bạn và cả nhà cùng thưởng thức.
Thế nhưng người vợ lỡ tay làm vuột con lươn, nó nhanh chóng chui tọt xuống lỗ thoát nước gần đó. Người vợ lo sợ vì nghĩ rằng thể nào cũng bị chồng mắng và xấu hổ với bạn của chồng. Khi ấy chị đã chuẩn bị sẵn sàng để bị chồng trách móc và thậm chí nổi giận. Thế nhưng người chồng chỉ mỉm cười bảo vợ “Không sao, em xem nhà mình còn món gì thì chế biến để cả nhà ăn cũng được”. Người chồng ấy hiểu rằng tình nghĩa vợ chồng chẳng lẽ không bằng một con lươn. Hơn nữa, nếu mắng vợ thì con lươn cũng không quay lại. Và, la mắng vợ trước mặt bạn để vợ mình mất mặt với bạn thì càng tệ hơn.
Một người bạn của tôi bị mẹ chồng phê phán là không biết dạy con, dù tôi hiểu với tính cách của bạn thì sẽ không làm hư con cái được. Bạn tinh tế và kỷ luật nhưng biết cương nhu đúng lúc cũng như có sự linh động trong từng tình huống cụ thể.
Bạn kể, con gái bạn vô ý làm mất chiếc đồng hồ đeo tay trị giá cả triệu đồng mà cô nó mua tặng, bà nội bảo phải đánh cho nó một trận. Bạn không đồng ý, bạn bảo bản thân đứa trẻ khi làm mất một món đồ mà nó yêu thích, nó đã trải qua cảm giác sợ hãi và buồn rồi, nếu bị đánh đòn thì nó sẽ mất mát thêm nữa.
Nếu đánh mà món đồ bị mất trở về thì cũng không nên, huống chi là không thể. Để con ghi nhớ và không làm mất đồ nữa, cách tốt nhất là giáo dục bằng nhận thức chứ không phải bằng roi vọt.
Chồng bạn, khi nghe con gái “thú tội”, cũng chỉ nói một câu nhẹ tênh: “Mất rồi thì thôi, con nên cẩn thận hơn để không bị mất đồ nữa nhé”. Hơn ai hết, anh hiểu rõ cảm giác tổn thương khi không nhận được sự tôn trọng từ người lớn, vì bản thân anh cũng trải qua một “tuổi thơ dữ dội” vì có ông bố, bà mẹ dữ đòn.
Anh từng bị đánh một trận thừa sống thiếu chết cũng vì làm mất một chiếc đồng hồ, năm ấy anh 18 tuổi. Anh quan niệm cần có sự “tương kính như tân” trong mọi mối quan hệ, nhất là giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái... Thế nhưng mẹ chồng bạn vẫn giận, bảo rằng chẳng hiểu nổi cái triết lý “tôn trọng lẫn nhau” của vợ chồng bạn.
Có lần, tôi được một người bạn là giám đốc một công ty tư vấn luật và hôn nhân gia đình cho phép ngồi cùng với bạn ở vị trí lắng nghe và ghi nhận... Một nét văn hóa thật đẹp vì không thể phân biệt được đâu là những chuyên viên tư vấn, đâu là khách hàng. Không có cảnh lớn tiếng kể tội “người vắng mặt” hay thái độ giận dữ.
Trong mắt họ, chúng tôi đọc được nỗi đau khổ, uất ức, thậm chí có những câu chuyện hết sức ngang trái và khiến người trong cuộc phẫn uất... nhưng thái độ thì hết sức nhẹ nhàng, và điều đáng quý là họ vẫn giữ được sự bình tĩnh. Có thể nói, khi đủ bản lĩnh giữ được sự bình tâm, kiên nhẫn để tìm đến những người sáng suốt hơn mình (ít nhất là trong lúc ấy), quả thật họ rất đáng kính phục.
Cuộc đời là một quán trọ để dừng chân, nơi chúng ta sẽ đi qua và biến mất. Đó là nơi lưu dấu cái tên chúng ta trong lòng người khác hay sẽ mất đi vào cái thời khắc chúng ta đi qua "quán trọ" ấy, điều đó còn tùy thuộc vào cách sống của chúng ta. Một câu danh ngôn nói rằng "Hãy sống sao để khi ta ra đời ta khóc và mọi người cười, còn khi ta qua đời ta cười còn mọi người thì khóc".
Một cách mặc nhiên, mỗi người chúng ta sẽ lưu dấu lại “quán trọ” ấy bằng một cách khác nhau và trước khi lưu dấu trong lòng những người xa hơn, hãy để lại dấu ấn trong lòng những người gần với chúng ta nhất, như cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em... bởi đó chính là những người chúng ta nên “tương kính như tân” nhiều nhất.
Phạm Thư / Theo: Thanh Niên