Friday, January 1, 2021

NHỮNG MÓN ĂN ĐÓN NĂM MỚI CỰC LẠ MIỆNG TRÊN THẾ GIỚI


Những món ăn truyền thống vào dịp năm mới của các quốc gia luôn luôn khác nhau, nhưng tất cả đều có chung ước vọng về may mắn và hạnh phúc. Dưới đây là những món ăn truyền thống luôn xuất hiện vào khoảnh khắc chuyển giao sang năm mới.

MỸ

Hoppin' John là món ăn năm mới có truyền thống lâu đời và đặc biệt phổ biến tại miền Nam nước Mỹ. Món ăn này gồm có các loại đậu, rau được nấu cùng thịt lợn và gạo, ăn với bánh ngô. Món ăn này mang ý nghĩ về sự giàu có và mùa màng bội thu, với các loại đậu tượng trưng cho tiền xu, các loại rau mang sắc xanh của đồng đô la và bánh ngô mang màu vàng. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, món ăn là sự kết hợp của ẩm thực châu Phi và Tây Ấn, đã phổ biến tại Mỹ từ thế kỷ XVI. Công thức cho món ăn này xuất hiện sớm nhất là vào năm 1847 trong cuốn sách dạy nấu ăn nổi tiếng ở Mỹ là The Carolina Housewife của Sarah Rutledge. 

Ý

Tại Ý, truyền thống ăn đậu lăng trong dịp năm mới được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người dân đất nước hình chiếc ủng xem loại thực phẩm này tượng trưng cho tiền bạc, vận may vì chúng có hình dạng như đồng xu. Đậu lăng thường được hầm lên, nêm nếm gia vị theo công thức riêng của mỗi gia đình, ăn kèm với xúc xích cotechino. Đây là loại xúc xích béo ngậy, làm từ thịt lợn cùng các loại gia vị mùa đông như đinh hương, nhục đậu khấu, quế... Ngoài cotechino, chân giò nhồi zampone cũng là lựa chọn phổ biến khác cho món đậu lăng.

TÂY BAN NHA

Người Tây Ban Nha có một truyền thống đón năm mới khá thú vị, đó là họ sẽ ăn 12 quả nho trong 12 tiếng chuông ngân vang đầu tiên của năm mới. Khi giao thừa đã điểm, nhà thờ sẽ rung lần lượt 12 tiếng chuông và mọi người, từ già, trẻ, lớn, bé sẽ cùng nhau quây quần, ăn mỗi quả nho sau mỗi tiếng chuông ngân. Phong tục truyền thống này bắt đầu từ thế kỷ XX, khi sản lượng nho thu hoạch được quá lớn và người ta cần tìm ra cách tiêu thụ hết. Từ đó đến nay, phong tục này vẫn được duy trì và lan rộng đến nhiều quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha tại Nam Mỹ. 12 quả nho cũng tượng trưng cho hy vọng về 12 tháng ngọt ngào trong năm.

MEXICO

Đất nước Trung Mỹ Mexico nổi tiếng với những món ăn độc đáo từ ngô và tamales cũng là một trong số đó. Thoạt trông như các món bánh gói lá của Việt Nam, nhưng tamales là món ngô "từ trong ra ngoài", khi bánh là bột ngô cùng thịt, mỡ, rau, phô mai được gói trong chính lớp lá ngô, rồi được hấp kỹ trong 2 giờ đồng hồ.

Tamales xuất hiện trong đời sống người dân Mexico từ rất sớm và được cho là có nguồn gốc từ thời đại của các bộ lạc Aztec, Maya và Inca. Món bánh này xuất hiện trong hầu hết các dịp lễ đặc biệt tại Mexico và thời điểm năm mới cũng không là ngoại lệ. Vào thời điểm giao thừa, người dân nơi đây thường có truyền thống cả gia đình cùng nhau tụ họp và làm Tamales cho bữa tiệc mừng năm mới.

HÀ LAN

Người Hà Lan đón năm mới bằng những chiếc bánh rán phủ đường nhỏ, có tên là Oliebollen. Oliebollen mang ý nghĩa là "Old and New" - "cũ và mới", tượng trưng cho những điều đã qua trong năm cũ và hướng đến những điều mới mẻ của năm sau. Oliebollen có hương vị gần giống bánh donut, gồm bột mì nhào với nho khô, táo, được rán vàng giòn và lăn qua bột đường đầy ngọt ngào và hấp dẫn.

NHẬT BẢN

Khác với những quốc gia châu Á thường ăn Tết âm lịch, Nhật Bản lại đón chào năm mới dựa trên dương lịch như các nước phương Tây. Tuy nhiên, những nét văn hóa truyền thống của xứ sở hoa anh đào vẫn được giữ nguyên vẹn. Một trong số đó là món ăn truyền thống toshikoshi soba, hay mì soba kiều mạch, thường được các gia đình Nhật Bản ăn vào nửa đêm giao thừa để chia tay năm cũ và chào đón năm mới. Truyền thống này bắt nguồn từ thế kỷ XVII, và sợi mì dài tượng trưng cho sự trường thọ, thịnh vượng.


Ngoài ra, Tết của người Nhật Bản còn có truyền thống giã bánh gạo, gọi là mochitsuki, được thực hiện bởi mọi thành viên trong gia đình. Gạo nếp và đường được ngâm, hấp chín và giã thành khối mịn trong những chiếc cối đá và chày gỗ truyền thống. Sau đó, bánh sẽ được mọi thành viên gia đình thay phiên nhau véo từng miếng nhỏ và ăn sau bữa chính.

BA LAN VÀ CÁC QUỐC GIA SCANDINAVIA

Cá trích là món ăn năm mới phổ biến nhất tại Ba Lan và các quốc gia Scandinavia như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển. Cá trích có màu bạc, chính vì vậy chúng được ăn vào lúc nửa đêm để ước vọng về một năm mới thịnh vượng. Món cá trích phổ biến ở Ba Lan là Sledzie Marynowane - cá trích ngâm muối, hành, hạt tiêu và giấm trắng trong 24 giờ. Người Scandinavia thường ăn cá trích cùng dưa chua, hành tây, pate, thịt viên và sốt kem trong một đĩa lớn.

ĐAN MẠCH VÀ NA UY

Ngoài cá trích, người Đan Mạch và Na Uy cũng ăn một món bánh ngọt khá đẹp mắt trong đêm giao thừa, có tên là kransekage, nghĩa là "bánh vòng hoa". Đó là một chiếc bánh cao, hình nón với nhiều bánh tròn nhỏ xếp chồng lên nhau, tạo thành một tháp bánh xinh xắn. Bánh được làm bằng bột mì, hạnh nhân và thường được trang trí với những lá cờ nhỏ.

THỔ NHĨ KỲ

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng quả lựu mang sắc đỏ là tượng trưng cho may mắn. Theo truyền thống, mọi người sẽ đập những quả lựu đỏ mọng này vào cửa ra vào, và quả càng vỡ to thì sẽ càng nhiều may mắn đến với bạn trong năm mới. Người dân Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ uống nước ép lựu trong những bữa ăn dịp năm mới của mình.

HY LẠP

Bánh vasilopita là một loại bánh ngọt truyền thống của Hy Lạp, được ăn vào những dịp đặc biệt cũng như đầu năm mới. Món bánh này cũng phổ biến ở một số nước Đông Âu với tên gọi là "bánh thánh Basil" hoặc "bánh vua". Chiếc bánh này chỉ đơn thuần là bánh ngọt bơ bình thường, song điều khiến chúng trở nên đặc biệt đó chính là có một đồng xu nhỏ, và ai may mắn bắt được đồng xu này trong phần bánh của mình sẽ được coi là người may mắn và hạnh phúc nhất trong năm. Vasilopita thường được ăn vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, và sẽ được cắt bánh tuần tự từ người đứng đầu gia đình đến các thành viên nhỏ nhất.

PHÁP

Pháp cũng đón năm mới với món "bánh vua" nhưng không hoàn toàn giống Hy Lạp. Hấp dẫn với màu vàng rộm, mát ngọt vì lớp kem hạnh nhân và giòn tan trong miệng, bánh vua của Pháp còn quyến rũ người ăn vì bức tượng nhỏ hình em bé, tượng trưng cho Chúa hài đồng, được giấu bên trong lớp nhân. Quan niệm dân gian cho rằng ai có bức tượng đó trong phần bánh của mình sẽ được đội vương miện vàng (bằng giấy) và gặp may cả năm.

Tại miền Bắc nước Pháp và Quebec, bánh được gọi là galette des rois (hình tròn hoặc hình chữ nhật) bao gồm các lát bánh mỏng cùng nhân frangipane (làm từ bột hạnh nhân, đường, bơ, trứng), thường uống kèm rượu vang trắng hoặc champagne. Tại miền Nam nước Pháp, bánh được gọi là gâteau des rois, bao gồm bánh mỳ hoa cúc được uốn lại thành hình vành khăn, hình dáng và màu sắc đều mô phỏng vương miện, đậm vị ngọt của kẹo hoa quả và đường, rất thích hợp khi uống với rượu muscat. Loại bánh này cũng khá phổ biến tại Tây Ban Nha và có nhiều nét tương đồng với bánh vua xứ New Orleans.

Hương Thảo /Nguồn: CNN

No comments: