Rất lâu về trước đã từng có người thỉnh giáo một vị cao tăng: “Thưa ngài người không hiểu biết thì không có tội đúng không?”
Vị cao tăng không trực tiếp trả lời ngay câu hỏi này mà đưa ra một ẩn dụ: “Bây giờ ta có một chiếc kẹp gắp đang được nung trong lò lửa nhưng con lại không biết rằng nó nóng. Giả sử con là người cầm chiếc kẹp gắp này, con nghĩ thử xem biết nó nóng sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn, hay là không biết nó nóng sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn?”
Người kia bèn trả lời: “Thưa ngài, không biết nó nóng sẽ bị bỏng nghiêm trọng hơn. Bởi vì không biết nên mới không có tâm lý chuẩn bị trước, lúc bị bỏng sẽ không kịp trở tay xử lý.”
Vị cao tăng nói: “Không phải người không hiểu biết thì không có tội, mà là người không hiểu biết sẽ chịu tổn hại nặng nề hơn, gánh chịu tội nghiệp và khổ nạn nghiêm trọng hơn. Bởi vì nhân loại không hiểu rõ chân lý cho nên mới trầm luân trong bể khổ.”
Nói đến việc “Người không hiểu biết thì có tội chăng?”, trong Thần thoại Hy Lạp có một câu chuyện nổi tiếng về vua Oedipus xứ Thebes.
Oedipus là con trai của vua Laius và hoàng hậu Jocasta thành Thebes. Từ trước khi chàng ra đời, đã có một lời Thần dụ từ ngôi đền Delphi rằng bất cứ người con trai nào do hoàng hậu sinh ra sẽ là người sẽ giết vua cha và cưới mẹ làm vợ.
Lo sợ trước lời sấm, khi Oedipus ra đời, Laius đã bàn với hoàng hậu là phải giết Oedipus đi. Tuy nhiên do không nỡ tự tay giết chết Oedipus, nhà vua đã làm gãy chân con rồi giao cho một người chăn cừu bỏ đói đứa bé trên núi. Tuy nhiên người chăn cừu lại không nỡ giết hại đứa trẻ, mà trao nó cho một người chăn cừu khác. Cứ trao qua tay như vậy, cuối cùng Oedipus được trao cho vua xứ Corinth là Polybus và được hoàng hậu Merope nuôi dưỡng do bà không có con.
Khi Oedipus lớn lên, một kẻ say rượu đã vô tình tiết lộ cho chàng biết chàng chỉ là con nuôi của vua Polybus. Vì vua Polybus và hoàng hậu Merope phủ nhận việc này, nên Oedipus đã tới đền Delphi để nghe lời Thần dụ. Tại đây, chàng một lần nữa nhận được lời phán bảo rằng chàng sẽ giết chết cha và lấy mẹ làm vợ. Thế là Oedipus quyết định rời khỏi Corinth và chọn Thebes làm điểm đến.
Bấy giờ xứ Thebes gặp một tai họa lớn, có một con nhân sư đã chặn một trong những con đường đến Thebes và đưa ra những câu đố oái oăm, ai không trả lời được thì bị nó xé xác. Được tin, vua Laius đích thân tìm đến để đối mặt với con nhân sư. Không ngờ rằng trên đường đi, cỗ xe của nhà vua và của Oedipus gặp nhau. Oedipus vốn đang vô cùng buồn bã và rối bời về việc phải dời bỏ Corinth. Còn vua Laius thì cũng đang rất lo lắng và nôn nóng về mối họa nhân sư. Cả hai cỗ xe không ai chịu nhường ai, cuối cùng dẫn đến việc Oedipus nổi cơn thịnh nộ và giết chết vua Laius. Một nô lệ vô tình chứng kiến việc này đã mang tin về Thebes.
Tiếp tục đi tới Thebes, Oedipus gặp con nhân sư, và bị hỏi: “Con gì sáng đi bằng 4 chân, trưa đi bằng 2 chân, tối đi bằng 3 chân”. Oedipus liền nói: “Đó là con người. Con người khi nhỏ thì bò, khi trưởng thành thì đi lại trên đôi chân, khi già thì chống gậy”. Con nhân sư biết mình đã thua nên rời đi. Kể từ đó Thebes không còn chịu họa nhân sư nữa.
Trong lúc đó tại Thebes, được tin vua Laius qua đời, anh của nhà vua là Creon tuyên bố: “Bất kỳ ai giúp Thebes trừ họa nhân sư sẽ có được ngai vàng và được cưới hoàng hậu Merope làm vợ.” Vậy là khi Oedipus về Thebes và nói rằng mình đã hóa giải câu đố của con nhân sư, thì Oedipus đã được trao cho vương vị. Hoàng hậu Jocasta nhờ mang chiếc vòng thanh xuân nên vẫn giữ lại được sự trẻ trung và nhan sắc của mình, nên đã cưới Oedipus.
Nhiều năm sau, thảm họa đột nhiên ập đến Thebes. Dịch hạch và mất mùa khiến người Thebes bị giày vò khủng khiếp. Lời Thần dụ từ đền Delphi phán bảo rằng người dân Thebes phải đưa kẻ giết vua Laius ra công lý. Tuy nhiên danh tính của kẻ đó thì không ai biết rõ.
Vua Oedipus đã cử chú Creon tới xin chỉ dẫn của nhà tiên tri mù Tiresias. Nhưng Tiresias khuyên vua Oedipus không nên tìm kiếm kẻ giết người. Trong quá trình tranh luận với Creon, Tiresias dù không muốn, nhưng đã để lộ ra rằng Oedipus chính là kẻ giết vua Laius. Creon mang tin về và một cuộc tranh cãi xảy ra trong hoàng cung.
Bấy giờ một sứ giả từ Corinth mang tin tới, nói rằng vua Polybus đã qua đời, và dù hoàng hậu Merope còn sống thì Oedipus vẫn có thể về chịu tang vua nếu lo sợ lời sấm ứng nghiệm, bởi vì Oedipus thực chất không phải là con đẻ của vua và hoàng hậu. Lúc này hoàng hậu Jocasta nhận ra Oedipus là con trai của mình, bà hoảng sợ lui về rồi treo cổ tự vẫn.
Trong khi đó, vua Oedipus tìm kiếm nguồn gốc của mình thông qua những người chăn cừu, và cuối cùng nhận ra rằng mình chính là con để của vua Laius và hoàng hậu Jocasta. Khi ông tìm đến hoàng hậu thì bà đã tự tử. Đau khổ trước việc giết cha, mất mẹ, gây ra dịch hạch cho Thebes, Oedipus lấy cái trâm trên đầu hoàng hậu để tự chọc mù mắt mình rồi rời khỏi hoàng cung. Con gái của ông là công chúa Antigone đã tình nguyện theo cha rời đi, trở thành người dẫn đường cho cha. Cuối cùng, vua Oedipus qua đời trong đau khổ khi đang phiêu bạt tha hương.
Trong hội họa phương Tây có khá nhiều bức vẽ về đề tài này, chẳng hạn bức “Oedipe et Antigone s’exilant de Thèbes” (Oedipus và Antigone lưu vong từ thành Thebes) của họa sĩ Eugene-Ernest Hillemacher vẽ năm 1843.
Bức “Oedipe et Antigone s’exilant de Thèbes” (Oedipus và Antigone lưu vong từ thành Thebes) của họa sĩ Eugene-Ernest Hillemacher vẽ năm 1843. (Ảnh: VladoubidoOo / Wikipedia, CC BY-SA 3.0)
Bối cảnh của bức tranh là thành phố Thebes, nơi dịch hạch đang hoành hành và những người đang nằm trên mặt đất vật lộn trên bờ vực giữa sự sống và cái chết. Oedipus và con gái chiếm vị trí chính ở trung tâm, với trang phục sáng màu và bắt mắt. Họa sĩ đã dùng ngòi bút đầy bi kịch miêu tả Oedipus: Ông cao lớn, uy nghi, dáng vẻ tôn quý, nhưng khuôn mặt dính máu, cho thấy sự thay đổi lớn trong số phận của ông cách đây không lâu, mất đi đôi mắt và cũng mất ngai vàng. Cánh tay ông dường như đang mò mẫm tìm kiếm một tương lai vô định.
Họa sĩ cũng không quên thể hiện đức tính trung thành, tốt bụng và dũng cảm của công chúa Antigone, con gái Oedipus. Cô đã từ bỏ sự tôn quý của một nàng công chúa, ở bên dìu cha bước đi, cùng cha gánh chịu nỗi khổ lưu vong. Sau khi sự thật được phơi bày, mọi người đều biết rằng Oedipus đã phạm tội giết người, giết cha, và cưới mẹ ruột, và là nguyên nhân gây ra trận dịch hạch. Họ không hề đồng cảm với vị vua tự làm mù đôi mắt của mình và tự đi lưu đày, thay vào đó là thái độ ghê tởm, khinh bỉ hoặc chỉ chích. Antigone và Oedipus im lặng gánh chịu những lời buộc tội của người dân. Đồng thời, Antigone cẩn thận bảo vệ cha mình. Tình cha con bền chặt nương tựa vào nhau đối lập với sự đau khổ và thù địch xung quanh, đã trở nên vô cùng trân quý.
Mặc dù Oedipus nhận được sự đồng cảm của họa sĩ, nhưng họa sĩ cũng phơi bày hiện thực không thể trốn tránh là những kẻ phạm tội đều bị trừng phạt, dẫu họ từng là một vị vua cao quý hay một người anh hùng dũng cảm. Điều rõ ràng ở đây là người Hy Lạp tin rằng định mệnh của con người không thể thoát khỏi sự kiểm soát của Thần và tội lỗi ngay cả khi phạm phải trong vô tri, cũng sẽ bị Trời phạt.
Vậy thì phải chẳng điều trách phạt này là vô lý? Kỳ thực Oedipus đã phạm rất nhiều tội ác nên cuối cùng mới ứng nghiệm lời Thần dụ. Ít nhất ông tự mình phạm phải ba trọng tội: không thể kiểm soát bản thân mà giết người, tự giữ kín việc mình đã giết người, hơn nữa thân biết mình mang tội mà vẫn còn muốn nhận lấy ngai vàng. Bởi vì phạm phải ba điều này nên cuối cùng lời sấm truyền mới ứng nghiệm trên người Oedipus, từ đó mới có thảm họa dịch hạch tại Thebes. Do vậy không thể nói là Oedipus hoàn toàn vô tri mà phạm tội.
Một bức tranh khác cũng nói về chủ đề này là “The Plague of Thebes: Oedipus and Antigone” (Dịch hạch tại Thebes: Oedipus và Antigone) do họa sĩ Charles Jalabert vẽ năm 1842.
Bức “The Plague of Thebes: Oedipus and Antigone” (Dịch hạch tại Thebes: Oedipus và Antigone) do họa sĩ Charles Jalabert vẽ năm 1842. (Ảnh: Ravenous/Wikipedia, Public Domain)
Cấu tứ tương đồng, nhưng bi kịch ở đây có phần giảm sút so với bức tranh trước, hình tượng Oedipus tầm thường hơn, Antigone thì tỏ ra sợ hãi và cảnh giác.
Cổ nhân cho rằng trời đất tạo hóa vạn vật, đồng thời cũng ban cho vạn vật khả năng sinh sôi nảy nở. Bên trong chủng loại sinh sôi nảy nở này chứa đựng một lực lượng mang đến cho vạn vật sinh cơ. Lão Tử từng nói: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”, người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên. Câu nói này đã miêu tả rõ ràng mối quan hệ giữa con người và vũ trụ, chỉ ra vạn sự vạn vật trong vũ trụ đều phải tuân theo đặc tính và quy luật vận hành sinh sôi không ngừng nghỉ này. Quy luật này được gọi là Đạo, cũng được gọi là Pháp.
Bởi vậy “Người không hiểu biết thì có tội chăng?” Người không biết Đạo thì dễ đi ngược lại với Đạo, từ đó mà phạm tội. Kỳ thực cũng không phải là người ta “không biết Đạo”, giá trị đạo đức phổ quát vẫn lưu truyền trong nền văn hóa truyền thống của mọi dân tộc. Giống như vua Oedipus kia, không phải là ông ta không biết mình đã phạm tội, không phải là ông ta hoàn toàn vô tri, ông đã giết người, đã giữ kín việc mình giết người, đã nhận ngôi báu khi biết mình mang tội, đây chính là “lừa mình dối người”. Con người có biết Đạo, chỉ là họ có tin vào, có hành xử thuận theo Đạo, có tự tìm lý do để bào chữa cho mình, “tự lừa mình dối người” hay không mà thôi.
Từ xưa tới nay, con người đều kính sợ trước sức mạnh vô song, không thể lường trước của thiên nhiên. Đặc biệt là khi đối mặt với một thảm họa lớn, không thể vượt thoát, không hẹn mà gặp, con người đều hướng ánh mắt lên trời xanh cầu xin sự cứu giúp, đều vô tình buột miệng thốt ra: “Trời ơi!”. Bởi dù có công nhận hay không, trong bản nguyên sâu xa của một người thì đều hiểu rằng thiên tai nhân họa là do Trời dẫn động, là do người trái Đạo mà tạo nên.
Hành vi của nhân loại phải tuân theo thiên đạo, cần phải “quan thiên chi đạo, chấp thiên chi hành” (quan sát đạo của trời để làm theo) thì mới có thể tồn tại hòa hợp với trời, đất và tự nhiên. Như vậy thiên hạ mới có thể thái bình và trường cửu.
Lý Mai biên tập
No comments:
Post a Comment