Bánh hỏi mặt võng thịt kim tiền
Bánh hỏi mặt võng độc đáo từ khâu làm bánh cho đến hương vị khó quên- Ảnh: Internet
Sau khi dạo hết những vườn trái cây, thăm thú khắp nơi, bụng cồn cào đói du khách có thể ghé ấp Nhơn Bình A, xã Nhơn Ái để thưởng thức miếng bánh hỏi mặt võng còn ấm với thịt kim tiền nóng hổi vừa mới nướng xong và khó ai có thể cưỡng lại được món ăn ngon này.
Bánh hỏi mặt võng là món ăn độc quyền của nhà vườn du lịch Út Dzách. bánh hỏi mặt võng là nghề truyền thống lâu đời của hộ gia đình này và đã có cách nay hơn 50 năm. Bánh hỏi mặt võng khác hẳn với bánh hỏi khác do có vị ngọt, mặn, miếng bánh trong, dai và không dùng chất phụ gia. Bánh có hoa văn mặt võng, nhìn rất bắt mắt do sự khéo tay của người làm ra chúng.
Chủ nhân của món ăn này cho biết, hàng chục năm trước món bánh này được làm làm ra với mục đích phục vụ trong gia đình và giúp đỡ hàng xóm khi có giỗ, tiệc chứ không để kinh doanh. Đến sau này, khi bánh hỏi mặt võng trở thành một món ăn quen thuộc, được đông đảo người dân ưa thích gia đình mới gia công bánh để bán. Và dần dần gia đình phát triển thành điểm du lịch thu hút khách. Để có được những mẻ bánh hỏi mặt võng, người làm phải qua làm qua nhiều công đoạn công phu. Nhất là công đoạn khuấy bột trên bếp lửa trong nhiều giờ liền.Ngoài món bánh hỏi mặt võng ăn cùng với thịt kim tiền và các loại rau sống. Thịt kim tiền là thịt heo bằm nhỏ, trộn cùng các loại gia vị vừa ăn và được nặn thành từng viên nhỏ, xiên vào que để nướng. Khi thịt vừa chín, dậy mùi thơm là có thể dọn ra ăn cùng bánh hỏi. Đây là món ăn được rất nhiều du khách đánh giá cao khi ghé đến Phong Điền.
Gà hấp củ lùn
Gà hấp củ lùn sẽ khiến du khách gắp hết miếng này đến miếng khác- Ảnh: Hoàng Việt
Đây là món ăn trứ danh của Khu du lịch sinh thái Lung Cột Cầu ở xã Nhơn Nghĩa. Củ lùn hay còn được gọi là củ năn tàu, cây mọc thành bụi cao chừng 1 mét, lá xanh dài như lá cây nghệ. Củ lùn có dạng tròn, kết thành từng chùm, vỏ màu vàng có rể con mọc tua tủa. Đây là món ăn chơi của người dân miền Tây. Nhưng khi kết hợp với gà vườn, sẽ ra đời một món ăn khó quên.
Gà vườn chọn con vừa ăn, để nguyên con rồi ướp sơ gia vị. Củ lùn gọt vỏ, bổ đôi cho vào nồi hấp. Khi gà chín, dùng tay xé nhỏ thịt gà vừa ăn. Lúc này, vị thịt gà và củ lùn quyện vào nhau, ăn cảm nhận vị bùi bùi của củ lùn, vị thơm ngon của thịt gà.
Lẩu bần
Vị chua thanh nhẹ của trái bần được dùng nấu lẩu hoặc canh sẽ là món ăn không thể thiếu trong bàn tiệc của du khách khi đến với H.Phong Điền, TP.Cần Thơ - Ảnh: Hoàng Việt
Cây bần là loại cây phổ biến và rất quen thuộc với người miền Tây. Loại cây này thường được trồng bên bờ sông, góp phần chống sạt lở. Chính từ sự quen thuộc đó, cây bần ngoài tác dụng chữa một số bệnh, từ lâu cũng đã đi vào ẩm thực của vùng đất này. Trái bần thường dùng để nấu canh chua hoặc nấu lẩu cùng với các loại cá da trơn. Cách nấu cũng khá đơn giản, miễn sao làm bật lên vị chua nhẹ, thanh dịu của trái bần.
Khi nấu, đầu bếp lựa trái bần chín luộc trong nước sôi đến chín rồi dằm nhuyễn ra lấy nước cốt. Chính nước cốt này là hương vị chủ đạo cho món lẩu. Lưu ý, trái bần dùng nấu lẩu hay canh chua phải là trái bần chín, nếu chọn trái bần sống, nước sẽ có vị chát. Sau khi có nước cốt bần, đầu bếp sẽ nấu cùng các loại rau đặc trưng và cá da trơn như những loại lẩu, canh thông thường.
Gà um dâu hạ châu
Gà um dâu hạ châu, món ăn mới nhưng dễ dàng thuyết phục được những vị khách khó tính - Ảnh: Internet
Dâu hạ châu là loại trái cây đã mang lại thương hiệu cho du lịch H.Phong Điền với vị chua chua, ngọt ngọt khiến du khách không thể chỉ ăn vài trái cho biết. Ngoài cách ăn trực tiếp, dâu hạ châu còn dùng để chế biến món ăn, một trong những món ăn nổi tiếng là món gà um dâu hạ châu.
Đây là món ăn được một chủ quán ăn ở thị trấn Phong Điền sáng tạo mà thành. Để chế biến món ăn này, gà sau khi được làm sạch, ướp gia vị sẽ được chiên trong chảo dầu cho đến chín. Sau đó, gà sẽ được xé nhỏ, hoặc chặt từng miếng vừa ăn. Dâu hạ châu bỏ vỏ lấy phần thịt bên trong rồi sên với nước đường để tạo màu. Khi phần sốt dâu sền sệt thì trộn với thịt gà rồi bắc lên bếp rim trên lửa nhỏ cho thấm gia vị. Ăn miếng thịt gà thấm nước sốt dâu hạ châu, chua chua, hăng hăng là một trải nghiệm mà du khách nên thử.
Bánh ít trần nhân vịt xiêm
Đến với H.Phong Điền, du khách nên tìm ăn thử món bánh ít trần nhân vịt xiêm này - Ảnh: Internet
Nếu không muốn no bụng với những món ăn chính, du khách có thể tìm đến một số món ăn vặt. Một trong số đó là bánh ít trần nhân vịt xiêm của Vườn trái cây Chín Hồng ở ấp Mỹ Nhơn, xã Mỹ Khánh. Món ăn này cũng từng dành được thứ hạng cao trong các cuộc thi bánh dân gian được tổ chức ở Cần Thơ.
Bánh ít trần được làm từ bột nếp, chữ “trần” là chỉ loại bánh không gói trong lá chuối, lá gai như thường thấy. Không như những loại nhân bánh thông thường được làm bằng tôm, thịt hay đậu xanh, bánh ít trần nhân vịt xiêm có hương vị độc đáo riêng. Và khi ăn không thể thiếu nước cốt dừa cùng các loại rau sống, nước mắm chua ngọt.
Tại vườn trái cây Chín Hồng, du khách còn có thể thưởng thức nhiều loại bánh dân gian khác như bánh xèo, bánh bò, bánh đúc…
Thanh Nguyên
Theo: Một Thế Giới
No comments:
Post a Comment