Sunday, August 9, 2020

CON GÁI RƯỢU LÀ GÌ? TẠI SAO LẠI GỌI LÀ CON GÁI RƯỢU?

Con gái rượu chính là biến thể của nữ nhi tửu (女儿酒). Sách Nam Phương thảo mộc trạng (南方草木状) do Kê Hàm (嵇含) viết vào năm 304 có chép lại rằng "nữ nhi tửu là loại rượu phải có ở những nhà giàu có sinh con gái, hoặc gả con gái"(1).

  
Tập tục này bắt nguồn từ một câu chuyện được truyền miệng như sau: Ở vùng Thiệu Hưng (Trung Quốc) xưa kia có một vị viên ngoại(2) hiếm muộn, rất mong mỏi có con nối dõi. Sau nhiều nỗ lực chạy chữa khắp nơi, cuối cùng vị viên ngoại cũng toại nguyện khi vợ có thai. Ông vui mừng thông báo khắp nơi đồng thời ủ trước hơn 20 vò rượu, đợi sau này khi em bé ra đời tròn 1 tháng tuổi sẽ thết đãi bà con, bè bạn. Rồi vợ của vị viên ngoại cũng hạ sinh một bé gái kháu khỉnh. Sau bữa tiệc xuống tóc chiêu đãi khách theo tập tục của địa phương khi em bé tròn 1 tháng tuổi (một kiểu cúng đầy tháng ở Việt Nam - Atabook), vị viên ngoại đã đếm lại những vò rượu chưa mở nắp, bỏ đi thì tiếc nên ông cho chôn dưới cây hoa mộc.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô con gái càng lớn càng thông minh, xinh đẹp. 18 năm sau, khi cô con gái tới tuổi cập kê, vị viên ngoại đã gả con gái cho con của một vị ân nhân. Vào ngày cưới của con gái, đang lúc chủ khách uống rượu vui vẻ, rượu đã dần cạn mà vẫn chưa thỏa, vị viên ngoại sực nhớ đến những vò rượu đã chôn dưới gốc cây hoa mộc năm xưa. Ông bèn cho đào lên đãi khách. Thật kỳ diệu là những vò rượu này tỏa ra hương thơm ngào ngạt, màu sắc óng ánh, vị nồng, uống rất ngon khiến ai nấy đều tranh nhau thưởng thức. Trên bàn tiệc, một vị thi sĩ xuất khẩu thành thi: "Địa mai Nữ nhi hồng, khuê các xuất tiên đồng" (地埋女儿红,闺阁出仙童) khiến tất cả những ai có mặt đều vỗ tay tán thưởng khen hay. Thế là mọi người đều gọi rượu này là rượu nữ nhi hồng (女儿红) hay nữ nhi tửu (女儿酒).


Vốn là vùng sản xuất rượu nổi tiếng, người dân Thiệu Hưng từ đó về sau bắt đầu học theo cách của vị viên ngoại nọ, lúc sinh con gái thì ủ rượu chôn dưới đất, khi gả con thì đào lên đãi khách, dần dà trở thành tập tục "sinh nữ tất nhưỡng nữ nhi tửu, giá nữ tất ẩm nữ nhi hồng" (生女必酿女儿酒,嫁女必饮女儿红 - tạm dịch sinh con gái thì ủ nữ nhi tửu, gả con gái thì uống nữ nhi hồng).

Sau này, không giới hạn ở rượu nữ nhi hồng (khi sinh con gái), nếu gia đình sinh con trai, người ta cũng ủ và chôn rượu xuống đất, đợi đến lúc con đỗ trạng nguyên sẽ đào lên uống mừng, gọi là trạng nguyên hồng (状元红). Cả hai loại rượu này hiện nay đều là rượu quý nổi tiếng của Thiệu Hưng, được cất giữ lâu năm, uống rất thơm ngon nên chủ yếu dùng làm quà quý để biếu tặng.

Hiện nay, trong những gia đình có cô con gái duy nhất, các ông bố thường gọi con gái cưng của mình là "con gái rượu" chính là xuất phát từ tập tục trên.

Chú thích

(1) Trong cuốn Lịch sử Việt Nam tập 1 (Tác giả: Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh - NXB Đại Học và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội 1983) có ghi lại nội dung của Nam Phương Thảo Mộc Trạng chép về tập tục này như sau (nguyên văn): "người Nam có con gái lớn vài tuổi đã bắt đầu nấu lọc rượu, đựng trong bình hủ kín, đem chôn ở bờ ao. Khi con gái sắp lấy chồng, người ta mới đào ao lấy rượu lên đãi khách, gọi là rượu con gái (tức nữ tửu), vị rất đằm và ngon".

Tuy nhiên, chúng tôi (Atabook) đồ rằng các nhà sử học Việt Nam đã thêm thắt vào câu nguyên văn của Kê Hàm - tác giả của Nam Phương Thảo Mộc Trạng. Vì trong cuốn sách trên, Kê Hàm chỉ viết đơn giản: "女儿酒为旧时富家生女、嫁女必备之物" như chúng tôi đã dịch ý ở trên. Nói ra điều này, chúng tôi chỉ có ý rằng liệu các nhà sử học có nên cân nhắc khi kết luận chính Nam Phương Thảo Mộc Trạng (viết vào thế kỷ thứ 4) đã đề cập đến tập tục chôn rượu này là của "người Nam"? Hay tác giả (Kê Hàm) chỉ đề cập đến một tập tục xuất xứ từ Thượng Ngu (上虞市) - một thị xã cấp huyện thuộc vùng sản xuất rượu nổi tiếng Thiệu Hưng thuộc tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) và ghi lại trong Nam Phương Thảo Mộc Trạng mà thôi? Là người Việt, ai cũng có niềm tự hào dân tộc nhưng lịch sử cần có tính phản biện và tìm ra đúng sự thật. Đó cũng là sứ mệnh của Atabook.

(2) Viên ngoại (員外) là tên gọi dành cho nhà giàu, phú hào ngày xưa. Ngoài ra, đây cũng là tên một chức quan thời xưa, tức viên ngoại lang (員外郎).

Theo: Atabook

No comments: