Yuval Noah Harari trong cuốn "Lược sử loài người" có viết: "Loài người, muốn không bị đào thải, chỉ có một đường: không ngừng học tập, không ngừng thay đổi, không ngừng tạo nên một phiên bản mới của mình. Sự thay đổi này không chỉ là ở tri thức, mà còn là ở nhận thức bản thân và tính cách."
Cuộc sống là một cuộc thám hiểm mà trọng tâm là chính mình, khám phá những điều chưa biết và tìm kiếm bản thân. Tuy nhiên, luôn tồn tại một số người có xu hướng rơi vào vòng tròn "tự cho mình là trung tâm", từ đó trở nên bướng bỉnh, cố chấp hoặc thậm chí thụt lùi. Chỉ khi phá vỡ được vòng tròn không tích cực này, chúng ta mới có thể có được kiến thức thực sự và cải thiện được bản thân.
Càng vô tri, càng bảo thủ, cố chấp
Con ếch ở trong giếng thì không thể bàn luận chuyện liên quan tới biển cả, bởi lẽ tầm nhìn của chúng bị hạn chế và giới hạn bởi miệng giếng. Những loài chỉ có vòng đời trong mùa hè thì không thể bàn chuyện liên quan tới băng tuyết, bởi lẽ tầm nhìn của chúng bị mùa vụ hạn chế.
Kẻ địch lớn nhất của một người không phải là vô năng, mà là vô trí, tức thiếu hiểu biết, ngu dốt. Càng là người vô tri, càng cố chấp, càng thích viện lý do cho mình.
Khi nhà Tần, Trung Quốc chưa bị diệt, Hạng Vũ vì muốn diệt Tần mà giương cờ khởi nghĩa, ông tự xưng là Tây Sở bá vương, vang danh thiên hạ. Nhưng cuối cùng, Hạng Vũ lại bại trong tay một Lưu Bang có thực lực yếu hơn mình, điều này có liên quan rất nhiều tới sự vô tri. Vì sao nói vậy, vì Hạng Vũ trước giờ luôn coi thường Lưu Bang, không cho rằng Lưu Bang là mối lo, vì vậy mà ở Hồng môn Yến đã thả Lưu Bang đi.
Có người nói, người vô tri thường thiếu đi khả năng phản xạ, nhưng thực tế là họ thiếu đi năng lực nhận thức nhất thời.
Sau khi Hạng Vũ chiếm được Hàm Dương, trong khi cấp dưới khuyên ông nên tập trung vào việc kháng chiến với Lưu Bang, thì Hạng Vũ lại nhanh nhanh chóng chóng muốn trở về quê hưởng thụ, "phú quý bất quy cố hướng, như y cẩm dạ hành, thùy tri chi giả", ý muốn nói, có được vàng bạc rồi mà không mang về quê thì khác gì mặc quần áo đắt tiền và sang trọng nhưng lại ra đường vào buổi đêm, thế thì ai mà biết?
Cho dù sau này thất bại thảm hại, nhưng Hạng Vũ vẫn có cơ hội quay về Giang Đông, Sơn Đồng rồi lại bắt đầu lại, nhưng lúc này, Hạng Vũ lại cho rằng mình "không còn mặt mũi để quay về quê hương", rồi lựa chọn rút kiếm tự sát.
Trước khi kết liễu cuộc đời, Hạng Vũ nói với người bên cạnh rằng: "Thử thiên chi máng ngộ, phi chiến chi tội dã." (là ông trời muốn diệt ta, không phải do ta bất tài).
Ngay cả cho tới cuối cùng, Hạng Vũ cũng không biết tìm nguyên nhân từ chính mình, mà vẫn luôn cố chấp rằng mọi thứ là "ông trời muốn diệt ta". Thật đáng thương!
Tác giả Samuel Butler từng nói: "Đặc điểm của vô tri chính là: phù phiếm và cao ngạo."
Con người một khi vô tri, tầm nhìn sẽ hẹp lại, thiên hạ trong mắt họ cũng sẽ nhỏ lại. Vô tri là sự cố chấp với bản thân, nó giống như một chất độc kinh niên, từ từ làm tê liệt thần kinh của con người, nhấn chìm trí tuệ của họ, và cuối cùng để họ tự rơi xuống vực thẳm.
Trong bộ phim điện ảnh "The Grandmaster", có một đoạn lời thoại như sau: "Một người nên nhìn ra xa, nhìn qua được ngọn núi, tầm nhìn cũng sẽ rộng mở."
Mở rộng tầm mắt là một sự trưởng thành, mà cái gốc của trưởng thành nằm ở việc nâng cao nhận thức của bản thân. Vừa phải đâm đầu kéo xe, vừa phải ngẩng đầu nhìn đường, đây là bài học trưởng thành mà bất cứ ai cũng cần phải học.
Hơn 1300 năm trước, một nhà sư mỏng manh ôm trong mình giấc mơ vĩ đại muốn bắt đầu chuyến đi về Tây thiên. Ông, chính là Trần Huyền Trang hay còn gọi là Đường Tam Tạng.
Ngay từ thời kì Nam Bắc Triều của Trung Quốc, giới học thuật Phật giáo đã có những tranh luận xung quanh nghĩa lý của Phật giáo. Tới thời Đường, tranh luận ngày trở nên gay gắt hơn, thậm chí còn xảy ra những sự công kích không đáng có. Vì lẽ này, Trần Huyền Trang nuôi ý chí quyết tâm đi giải đáp ý nghĩa và nội dung thực sự của Phật giáo, thống nhất sự phân tranh hiện có trong giới Phật giáo, và ý tưởng đi tới Ấn Độ để cầu pháp xuất hiện trong đầu ông.
Ông tập hợp những người có cùng chí hướng thỉnh cầu lên Triều đình về chuyến đi Tây thiên, nhưng triều đình không phê chuẩn. Những người khác đã từ bỏ ý định, chỉ còn mình Trần Huyền Trang vẫn một mực kiên trì. Ông vừa học tiếng Phạn, vừa rèn luyện ý chí, cuối cùng hạ quyết tâm đi Tây thiên thỉnh kinh.
Công nguyên năm 627, Trần Huyền Trang khi đó 25 tuổi đã âm thầm rời Trường An, bắt đầu hành trình một mình lên đường sang Ấn Độ cầu kinh. Trải qua vô vàn khó khăn, thậm chí có lúc còn thập tử nhất sinh, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới việc quay lại hay từ bỏ. Đó là bởi trong lòng Trần Huyền Trang chỉ có một ý niệm, đó là cầu chân kinh. Đến Ấn Độ, dù rất được yêu mến ở nơi đây, nhưng ông chưa bao giờ quên đi sứ mệnh của mình, nỗ lực nghiên cứu Phật kinh, cho tới khi hấp thụ được toàn bộ tinh hoa.
Công nguyên năm 641, đền Nalanda tổ chức một cuộc tranh luận quy mô lớn, kéo dài trong 18 ngày, cuối cùng Trần Huyền Trang đã giành chiến thắng, lúc này, quần chúng tung hô, dành tặng cho ông danh hiệu Pháp sư Huyền Trang. Thành quả không phụ người có lòng.
Sau 17 năm, Trần Huyền Trang đem theo Chân Kinh quay trở về đại Đường, được Đường Thái Tông nghênh đón theo hình thức cấp cấp quốc gia, mở ra một trang mới cho Phật giáo trung thổ.
Một người thực sự có nhận thức, không chỉ tầm nhìn xa rộng, ý chí mạnh mẽ, mà ngay cả khi gặp phải khó khăn hay cản trở, họ vẫn kiên định niềm tin của mình, tuyệt đối không có chuyện quay đầu hay từ bỏ.
Có câu: "Đức tùy lượng tiến, lượng do thức trưởng." Ý muốn nói, trình độ đạo đức sẽ gia tăng theo độ rộng lượng, còn độ rộng lượng lại phụ thuộc vào sự nhận thức của mỗi người. Vì vậy, muốn nên được thành công, muốn có thành tựu, bạn bắt buộc phải nâng cao nhận thức của bản thân.
Vấn đề, bản thân nó không phải là vấn đề, nhận thức của bạn về vấn đề, đó mới là mấu chốt. Nhận thức là độ rộng của lòng khoan dung, và cũng là thứ quyết định độ cao của đời người.
Người tự nhận thức được mình là người thông minh. Còn nhược điểm lớn nhất của những người mắc lỗi đó là không biết những luôn tỏ ra mình biết hết. Kẻ tự phụ sẽ chỉ ngày càng đóng khung bản thân, bạn chỉ có thể tiến bộ khi bạn "biết mình".
Thống tướng Lục quân Hoa Kỳ, đồng thời là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34, Dwight David Eisenhower khi vẫn còn là một người lính, có một hôm, có một vị sĩ quan tới kiểm tra tình hình, bất ngờ trông thấy Eisenhower đang đội một chiếc mũ quá lớn, che cả mắt của ông.
Thấy vây, sĩ quan liền hỏi: "Sao chiếc mũ của cậu lại lớn như vậy?"
Eisenhower trả lời: "Không phải mũ của lớn mà là vì đầu tôi quá nhỏ."
Sĩ quan lại hỏi: "Đầu quá nhỏ không phải vì mũ quá lớn ư?"
Eisenhower đáp: "Mẹ từng dạy tôi rằng bất luận có gặp phải chuyện gì, cũng nên tìm nguyên nhân từ mình trước, chứ không phải viện cớ vào cái khác."
Vị sĩ quan sau khi nghe xong trầm trồ tán dương, và cũng chính tư duy này đã góp phần biến một người lính bình thường thành thống tướng Lục quân Hoa Kỳ, và sau đó là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 34.
Người "biết mình" sẽ luôn chủ động suy xét và tìm nguyên nhân từ chính mình trước, đồng thời sẵn sàng chấp nhận mình chưa hoàn hảo, đây là một thái độ sóng vô cùng tuyệt vời.
Trong "Luận ngữ - Tử Hãn" có viết: "Tử tuyệt tứ: vô ý, vô bất, vô cố, vô ngã." Ý muốn nói, Khổng Tử luôn quyết liệt phản đối 4 căn bệnh này: Không ước đoán chủ quan, không tuyệt đối, không cố chấp bảo thủ, không tự cho mình là nhất. Đây chính là thái độ cần có của một người "biết mình".
Người Hi Lạp cổ đã khắc dòng chữ "biết mình" trên các cột đá trong đền thờ Apollo. Triết gia người Hy Lạp cổ đại, Sokrates cũng từng nói: "Việc quan trọng nhất của đời người đó là biết mình. Chỉ khi tự nhận thức được bản thân một cách rõ ràng thì mới không mất đi phương hướng trong cuộc sống."
Biết mình, nhận thức được bản thân chính là thẳng thắn đối mặt với khuyết điểm của mình rồi từ đó thay đổi, sửa chữa, có như vậy, bạn mới có thể sống với con người thật của chính mình.
Lời kết:
Aristotle từng nói: "Giá trị cốt lõi của đời người, nằm ở khả năng thức tỉnh và năng lực tư duy, chứ không chỉ nằm ở sinh tồn."
Tư duy, suy nghĩ, là phương thức dễ dàng và thuận tiện nhất giúp chúng ta hiểu được thế giới và gần gũi hơn với chính mình.
Chúng ta luôn cho rằng đời người là khó đoán, thậm chí còn quy mọi thành bại về cho số trời. Thực ra, thành bại đời người được quyết định bởi chính nhận thức của chúng ta.
Tạm biệt sự vô tri, cắt đứt duyên nợ với sự xuẩn ngốc. Nâng cao nhận thức, để tầm nhìn thành toàn nên ước mơ. Biết mình, để tâm hồn luôn được tỉnh táo. Nên biết rằng, không phải cuộc đời lựa chọn bạn, mà là bạn lựa chọn cuộc đời.
Theo Báo Dân Sinh