Vương Thái sinh vào tháng 12 năm 1827 tại Trung Quốc. Ông là một thương gia giàu có và thế lực, từng giữ chức bang trưởng bang Quảng Đông Theo tư liệu ngân sách do chính phủ Pháp ở Sài Gòn in năm 1876, ông có ba căn nhà cho chính quyền Pháp mướn: một căn nhà ba tầng ngay cảng thương mại Sài Gòn, một căn nhà ở phố Triệu Quang Phục, Chợ Lớn làm văn phòng điện tín và một ở Bình Tây, Chợ Lớn làm bót cảnh sát. Các xưởng gạch của ông sản xuất gạch tốt, phục vụ cho nhu cầu của người dân ở Sài Gòn và ở nhiều nơi trong khu vực Nam Kỳ. Trong cuộc triển lãm công nghiệp và nông nghiệp năm 1880, sản phẩm gạch của ông đã giành được huy chương bạc. Ông cũng tham dự triển lãm quốc tế năm 1878 ở Paris với các sản phẩm đồ gốm được sản xuất ở Chợ Lớn. Ngoài cơ sở sản xuất gạch, đồ gốm, Vương Thái còn có những thửa ruộng lớn được khai hoang ở Phước Lộc để trồng lúa. Bên cạnh đó,Vương Thái còn là một trong những chức sắc người Hoa được kính trọng nhất ở Sài Gòn vì những cống hiến lớn lao cho cộng đồng và chính quyền Pháp.
Trương Bội Lâm (Wang-Tai, hay Vương Thái) mất năm 1900, thọ 73 tuổi. Các con trai và cháu nội ông ở Chợ Lớn mang quan tài ông về quê hương, làng Ya-kang, huyện Hoàng Sơn ở Quảng Đông để chôn cất. Rất nhiều người Hoa, Pháp, Việt và quan chức, chức sắc trong chính quyền ra bến tàu để tiễn ông. Sau đó có một con đường ở Chợ Lớn (cité Wangtai) được mang tên ông. Cạnh toà biệt thự của ông là dinh cơ của một người Hoa giàu có ở Sài Gòn trước thời Pháp thuộc. Người này có các tiệm vải, may đồ, hàng thủ công, sửa giày, sửa đồng hồ và hàng nhập ngoại mà ngay cả người Pháp cũng thường đến mua, vào ban đêm, các ngôi nhà đằng sau biệt thự ông Vương Thái lại trở thành các sòng bạc. Cửa hàng của người Hoa ở đường Catinat, đường Rigault de Genouilly dọc kinh chợ Vải, đường nối đến đường rue d’Adran ( Hồ Tùng Mậu) thời xưa đều mở đến 9 giờ tối. Đường rue d’Adran vốn là khu buôn bán tấp nập với nhiều cửa hàng của người Hoa, người Ấn, nằm kế Chợ Sài Gòn cũ. Khu chợ này nằm dọc kinh chợ Vải, nay gọi là Chợ Cũ. Ông Anatole Petiton sau khi đến thăm Sài Gòn, đã viết về đời sống, sinh hoạt của thành phố trong sách “La Cochinchine française: la vie à Saïgon, notes de voyage” xuất bản năm 1883 như sau:
“Khi đi tàu đến cảng Sài Gòn, du khách có thể thấy hai nhà nổi bật là nhà Rồng (messageries maritime) và nhà của ông Vương Thái, xây hầu như ở giữa góc điểm của rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn. Tất cả dân Sài Gòn đều biết ông Vương Thái. Nhà của ông rất lớn với cột cửa vòng cong và mái hiên (portique), có thể nói nhà ông được coi như là trung tâm Sài Gòn. Nhà có ba tầng với sân mái hiên. Đây cũng là toà đô chánh đầu tiên của thành phố Sài Gòn và là nơi ở của ông thị trưởng ( Nay là Cục Hải Quan ).
Nguyen Duc Hiep