Đất nước Nhật Bản nổi tiếng với việc coi trọng nét đẹp truyền thống. Một ví dụ điển hình là những cây nến họ dùng để thắp sáng trên bàn thờ không phải là nến phương Tây, mà là một loại nến truyền thống, có từ lâu đời và được làm hoàn toàn từ thực vật.
Nến warosoku được trang trí hoa văn. (Ảnh: aichi-now.jp)
Có rất nhiều loại nến sẵn có ở Nhật Bản, nhưng những loại mang đậm tính truyền thống và được sử dụng trong các đền thờ Phật giáo hay trên các bàn thờ tại gia thì lại thực sự khác với nến phương Tây ở nhiều khía cạnh, từ chất liệu sáp cho đến cách làm.Về mặt thuật ngữ, nến trong từ gốc tiếng Nhật là “rosoku”. Tuy nhiên, khi người ta muốn phân biệt nến truyền thống và nến của phương Tây, thì họ đã thêm tiền tố “wa” hoặc “yo” để nói lên nguồn gốc của loại nến. Vì vậy, ta sẽ có warosoku là nến truyền thống Nhật Bản, còn yorosoku là nến của phương Tây. Để tìm hiểu thêm về sự khác nhau của 2 loại nến này, tôi đã đến thăm Tanji Renshodo, cửa hàng chuyên bán vật dụng cho các đền thờ Phật giáo ở Kyoto.
Kiyoshi Tanji là chủ một gia đình làm nến truyền thống đã 500 tuổi, ông cho biết, nhiều người nhầm tưởng nến Nhật Bản khác nến phương Tây chủ yếu ở kiểu dáng bên ngoài. Ông vừa đưa cho tôi một ngọn nến khá nặng với cái đế rộng, mỏng và nói, “Nến dạng này, được gọi là ikari-gata, là dạng mà hầu hết mọi người đều biết là một cây nến Nhật Bản. Nhưng cũng có một kiểu thẳng từ trên xuống dưới được gọi là kigake, có hình dạng giống với nến phương Tây”.
(Ảnh: Ombrato)
Điều khác biệt lớn nhất về nguyên liệu đó là:
“Nến Nhật Bản được làm hoàn toàn từ thực vật và không chứa bất kỳ sản phẩm động vật nào”, Tanji giải thích. “Sự khác biệt này rất quan trọng đối với loại nến sẽ được sử dụng trong điện thờ Phật giáo hay trên bàn thờ, bởi vì trong Phật giáo cấm sát sinh bao gồm các loài động vật”.
Ở phương Tây, nến được làm từ sáp ong hoặc mỡ động vật để làm cho ngọn nến vững vàng hơn. Sau đó, khoảng năm 1850, việc làm nến lại phụ thuộc chủ yếu vào sáp cá nhà táng, hoặc chất béo động vật được tinh chế gọi là stearin. Ngày nay hầu hết các loại nến thị trường đều được làm bằng sáp parafin là sản phẩm từ các mỏ dầu.
Mặt khác, nến Nhật Bản lại luôn làm bằng chất béo tự nhiên chiết xuất từ thực vật, được gọi là mokuro tức là “sáp cây”, loại sáp này thường được gia công bằng tay trong những cái khuôn nhỏ. Qua nhiều thế kỷ, các nguồn nguyên liệu thực vật khác nhau đã được sử dụng, bao gồm cả cám gạo, nhưng mokuro có giá trị nhất được làm từ nhựa của cây bụi lớn tên là sơn ta (Toxicodendron succedaneum).
Tanji dẫn tôi đến không gian làm việc nhỏ bé của ông, chỉ vào những chùm sáp sơn ta khác nhau đến từ khắp nơi trên đất nước và giải thích sự khác biệt của chúng: “Sơn ta cần sống ở nơi ấm áp, vì vậy chúng thường được trồng ở những nơi như Kyushu, Shikoku và Wakayama, nhưng thành thực mà nói, không còn có nhiều người trồng nữa”. Ngày nay, sơn ta trồng được đều dùng cho nến truyền thống hoặc làm bintsuke, loại sáp thơm dùng để bôi lên tóc của các võ sỹ Sumo.
(Ảnh: rousokuya.com)
Một cách dễ dàng phân biệt nến phương Tây và Nhật Bản đó là nhìn vào sợi bấc của nến. Trong khi nến của phương Tây là một sợi dây cotton thì bấc của nến Nhật Bản có dạng hình dày và cứng hơn. Mỗi bấc đèn thường phải được gia công bằng cách cuộn từng tờ washi (giấy Nhật Bản) vào, sau đó được bọc cẩn thận với những sợi từ cỏ igusa, một loại cỏ được dùng để làm thảm Tatami của người Nhật. Cuối cùng là bọc bên ngoài bấc nến bằng sợi bông.
Phần còn lại của nến cũng rất kỳ công. Tanji đã cho xem cách ông làm, đầu tiên ông chỉ cho tôi cách rửa những que bấc cứng, rồi bôi đều sáp ấm lên bấc cho đến khi nó đạt được kích thước phù hợp. Sau đó, ông dùng dao để định hình cây nến và gọt cho nó trở nên mịn màng. Phải mất nhiều năm để có thể nắm vững được nhiều kỹ thuật làm nến, và cũng có rất ít người theo học nghề này. “Trước kia có hơn 80 nhà làm nến truyền thống ở Kyoto, nhưng bây giờ chỉ còn có bốn người”, Tanji nhớ lại.
Một số người tiêu dùng sẵn sàng trả giá cao hơn cho một cây nến được làm bằng tay và hoàn toàn từ tự nhiên. Wakako, một người bạn của tôi, được biết đến là người thích nói say sưa về chủ đề này chia sẻ: “Nến của người Nhật tạo ra ít bồ hóng hơn và ít bị chảy giọt hơn. Ngọn lửa lớn hơn và sáng hơn. Nó cháy lâu hơn và có thể chống chịu trước gió lớn”.
Video cách làm nến của người Nhật
Các cửa hàng chuyên về nến ở Nhật Bản rất ít, nhưng warōsoku được bán trực tuyến và nhiều nhà cung cấp sẽ giao hàng đi nước ngoài. Bạn thường có thể tìm thấy chúng trong các cửa hàng cung cấp đồ đạc cho Phật giáo và nhiều cửa hàng quà tặng, đặc biệt là ở các điểm đến du lịch, đó là những ngọn nến được sơn hoa văn rất đẹp.
Tuy nhiên nếu bạn ở Kyoto, hãy ghé qua cửa hàng của Tanji, cách ga JR Kyoto, phía Bắc đường Shichijo ở Karasuma Nishi-iru 5 phút đi bộ. Nếu bạn may mắn, anh ta sẽ làm nến khi bạn đến; du khách sẽ được chào đón để xem quy trình làm nến.
Tác giả: Alice Gordenker
Hoàng An biên dịch
No comments:
Post a Comment