Văn hóa của các nước đều có cái đặc sắc riêng nhất là âm nhạc thì không có biên giới. Bài hát Nga này tôi nghe cũng nhiều lần nhưng hôm nay mới biết nguồn gốc xuất xứ của nó.(LKH)
ÍT AI BIẾT BÀI HÁT NỔI TIẾNG KACHIUSA TỪNG BỊ "BỎ XÓ" SAU 2 CÂU ĐẦU
VIẾT 2 CÂU RỒI BỎ NGANG CHỪNG
Trong lúc cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô diễn ra đã có một ca khúc trở nên nổi tiếng toàn quốc và thành giai điệu bất hủ đến tận ngày nay, đó chính là bài hát Kachiusa. Nổi tiếng là vậy nhưng con đường đi đến hoàn thành và trở thành tuyệt phẩm của Kachiusa thì lại vô cùng gian nan vì cha đẻ của bài hát này đã bỏ xó nó khi mới chỉ viết được 2 câu.
Mikhail Vasilyevich Isakovsky là nhà thơ tài năng của Xô Viết, bắt đầu sự nghiệp sáng tác của mình khi còn trẻ ở vùng Smolensk, quê hương của ông. Sau đó ông làm việc ở Moscow trong 7 năm và đạt được nhiều thành tựu. Các bài hát được phổ nhạc từ các bài thơ của ông với chủ đề đa phần là về làng quê ngay lập tức đã nổi tiếng trên toàn quốc và được hát bởi những ca sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư trên khắp cả nước.
Chân dung cha đẻ của bài hát Kachiusa, ông Mikhail Isakovsky. Ảnh: tostpost.com
Mikhail Isakovsky luôn sáng tác các bài thơ của mình một cách rất có trách nhiệm nhưng cũng không kém phần cảm tính; do đó, tiến trình làm việc của ông rất chậm rãi.
Tuy nhiên, với bài thơ Kachiusa, linh cảm đã đến với ông một cách đầy ngẫu hứng vào khoảng tháng 1 năm 1938. Nhà thơ đã sáng tác rất nhanh hai câu thơ về một cô gái tên là Katyusha (đọc là ca-chiu-sa) đang đi bên bờ sông và cất tiếng hát về người yêu của cô ấy. Nhưng cái gì đến nhanh thì đi cũng nhanh, một giây ngay sau đó bài thơ bị chững lại, vì Mikhail Isakovsky bỗng... tụt hứng, không còn một chút cảm hứng nào để thêm da đắp thịt cho bài thơ này.
Như đã nói ở trên, Mikhail Isakovsky luôn có trách nhiệm với tác phẩm của mình, nhà thơ không hề dập máy, mà chỉ trì hoãn bài thơ cho đến thời điểm tốt hơn, khi ông bỗng chợt có một nguồn cảm hứng đặc biệt để viết tiếp bài thơ còn dang dở này.
Và nguồn cảm hứng đặc biệt ấy đã đến vào tháng 4/1938, tại một cuộc họp báo cho bài hát sắp ra mắt, nhà thơ Mikhail Isakovsky đã gặp nhà soạn nhạc Matvey Blanter, người không chỉ là giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc Jazz Nhà nước Liên Xô mà còn tự khẳng định mình là nhà sản xuất âm nhạc của các bài hát nổi tiếng.
KACHIUSA LẠI ĐI VÀO LÃNG QUÊN
Nhà soạn nhạc Matvey Blanter. Ảnh: melody.su
Trong cuộc trò chuyện, nhà soạn nhạc đã ngỏ ý muốn phổ nhạc cho những bài thơ của Mikhail Isakovsky. Lúc đó Mikhail Isakovsky nhớ lại bài thơ mới viết được hai câu của mình về một cô gái tên Kachiusa. Ông bộc bạch với Matvey Blanter rằng bài thơ ấy chưa hoàn chỉnh, và nếu nhà soạn nhạc vẫn muốn thì ông ấy có thể viết thêm ngay bây giờ.
Dưới sự nhiệt tình đồng ý của Matvey Blanter, Mikhail Isakovsky đã viết thêm sáu dòng thơ nữa cộng với hai dòng thơ đã có sẵn từ trước lên một mảnh giấy và giao nó cho Matvey Blanter. Ngay sau khi đọc các câu thơ, nhà soạn nhạc lập tức cảm nhận được một giai điệu du dương đến lạ thường xuất hiện.
Một tháng sau, khi hai người gặp lại, Matvey Blanter đã báo cho nhà thơ rằng thơ của ông đã được phổ nhạc, và nó là một giai điệu rất hay, nhưng vẫn còn vấn đề cần giải quyết, đó là bài thơ bắt buộc phải thêm lời để khiến cho bố cục thêm phần hoàn chỉnh.
Mikhail Isakovsky hứa sẽ hoàn thành việc sáng tác trong thời gian sớm nhất có thể nhưng ông lại một lần nữa bỏ quên tuyệt phẩm ấy.
Trong thời gian một tháng hè, ông đã đi nghỉ dưỡng ở Yalta tại Crimea và hoàn toàn không nhớ gì về việc hoàn thành sáng tác của mình. Matvey Blanter biết rằng bạn mình đã quên chuyện phải hoàn thành tác phẩm và ông đã đến tìm Mikhail Isakovsky một lần nữa.
Lần này ông đến hẳn Yalta và nói với nhà thơ rằng bài hát Kachiusa đã được chọn để đưa vào chương trình buổi hòa nhạc đầu tiên của Dàn nhạc Jazz nhà nước và cần được hoàn thành ngay lập tức.
Bài hát Kachiusa. Ảnh: blog.norma40.ru
Có thể nói đây là khoảng thời gian khó khăn với Mikhail Isakovsky, vì ông là một người không thích bị áp lực và thúc giục trong công việc của mình mà thời hạn để hoàn thành bài hát chỉ có hai ngày.
Nhưng dưới sự thúc giục của Matvey Blanter, sau hai ngày, ông đã cung cấp 6 phiên bản khác nhau cho phần kết của Kachiusa để nhà soạn nhạc có thể lựa chọn.
Tại buổi hòa nhạc của Dàn nhạc Jazz Nhà nước bài hát Kachiusa đã được biểu diễn và có được sự đón nhận nồng hậu từ người dân trên khắp cả nước. Có thể nói, giờ phút ấy bài hát chính thức thoát khỏi số phận hẩm hiu bị lãng quên bởi chính cha đẻ để lên hương trở thành trường ca bất hủ của Liên Xô.
Hữu Hiền / Theo: Soha
No comments:
Post a Comment