Tuesday, February 15, 2022

KHÁC BIỆT PHÍA SAU CHỮ "BINH" VÀ "DŨNG" TRÊN ÁO LÍNH THỜI NHÀ THANH: SỰ THẬT QUÁ BẤT NGỜ

Sự khác biệt này thể hiện rõ tính chất chuyên quyền, 'thiên vị' của triều đình nhà Thanh. Cụ thể đó là gì?


Với những khán giả yêu thích dòng phim cổ trang, đặc biệt là trong bối cảnh nhà Thanh, Trung Quốc chắc hẳn sẽ có ấn tượng nhất định với đội ngũ binh lính xuất hiện trong phim. Phục trang của những binh lính nhà Thanh, nhìn qua có vẻ như không có gì quá khác biệt. Nhưng nếu quan sát kĩ, chúng ta sẽ thấy trong đội binh thực chất có 2 loại trang phục chính: loại có in chữ "binh", và loại in chữ "dũng".

Vậy điểm khác biệt giữa 2 loại trang phục này là gì? Đó chính là lính mang áo chữ "binh" (兵) là người Mãn, còn lính mặc áo chữ "dũng" (勇) là người Hán. Không chỉ vậy, địa vị giữa 2 nhóm binh lính này cũng có nhiều điểm cách biệt cực kì lớn.

SAU TẤM ÁO CHỮ "BINH": LÍNH CÓ QUYỀN LỚN

Những binh lính được mặc chiếc áo có chữ "binh" thuộc hàng lính của Bát kỳ Mãn Châu (1 tổ chức quân sự của người Mãn Châu và cũng là một trong những đội quân hùng mạnh trong lịch sử Trung Hoa). Địa vị của những người này cao hơn hẳn những binh lính mặc áo có chữ "dũng". Từ khi lập quốc, người Mãn luôn mang trong mình ý thức nhất định về việc phòng bị người Hán. Do đó trong triều đình nhà Thanh, không chỉ là quan viên, mà với binh lính, quyền hạn và số lượng người Mãn đều áp đảo.

Những binh lính mặc áo chữ Binh được hưởng quyền lợi lớn hơn vì xuất thân là người Mãn. (Ảnh: Baidu)

Như vậy, người Hán sẽ có ít tiếng nói, bị kiểm soát bởi người Mãn. Tổ tiên người Mãn Châu – những người lập nên nhà Thanh luôn cho đó là cách tốt nhất để uy hiếp người Hán. Chỉ có như vậy, triều đình nhà Thanh mới có thể ‘an toàn’.

Mặc dù từ khi chiếm được Trung Nguyên, hoàng tộc Thanh triều luôn đề cao quan niệm "Mãn Hán 1 nhà, thiên hạ thống nhất". Nhưng trên thực tế, những quyền lợi mà người Mãn có được lại vượt trội hẳn so với người Hán. Không chỉ trong xã hội, sự phân cấp này càng thể hiện rõ trong triều đình.

ÁO LÍNH CHỮ "DŨNG": KHÁC BIỆT RÕ RÀNG

Những binh lính người Hán mặc trên mình bộ quần áo có chữ "dũng", họ đều là những tổ chức vũ trang thuộc cấp địa phương. Họ cũng là đội ngũ binh quyền duy nhất thuộc sở hữu của người Hán. Địa vị của họ cũng thấp hơn những binh lính người Mãn rất nhiều.

Khác với lính người Mãn được huấn luyện quân sự bài bản, họ thậm chí còn không được đào tạo qua bất cứ hình thức nào. Những binh lính này đều xuất thân từ nhân dân và vốn sinh sống dựa vào những nghề thủ công nghiệp.

Vì xuất thân là người Hán, binh lính mặc áo chữ Dũng không được trọng dụng. (Ảnh: Baidu)

Nhiệm vụ của những binh lính mặc áo chữ "dũng" này cũng không quá to lớn, hay nói cách khác là không được triều đình trọng dụng. Thường ngày, nhiệm vụ của họ là tuần đường phố, trị an trong khu vực. Hoặc khi đất nước có xảy ra chiến tranh, triều đình thật sự thiếu người mới triệu tập đến họ.

Dù trên danh nghĩa, lính áo chữ "binh" và lính áo chữ "dũng" đều là quân đội quốc gia, đều vì triều đình phục vụ nhưng tính chất và thực quyền lại cách xa nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu những binh lính người Hán có thành tích chiến đấu xuất sắc, năng lực kiệt xuất thì họ sẽ có cơ hội được gia nhập vào đội quân Bát kỳ Mãn Châu. Và nếu may mắn, họ thậm chí còn có thể 1 bước lên mây, thăng quan tiến chức.

Nhưng, tỉ lệ xảy ra ‘may mắn’ ấy của binh lính người Hán lại cực kì hiếm. Bởi, quan viên người Mãn luôn đề phòng, tìm cách đàn áp tộc người Hán vì lo sợ người Hán nắm giữ quá nhiều binh quyền. Do đó, trong các triều đại lịch sử của vương triều nhà Thanh, cuộc chiến ngầm giữa quan viên 2 tộc Mãn – Hán luôn diễn ra rất căng thẳng, chưa từng dừng lại.

Cuộc chiến đấu ngầm giữa quan viên 2 tộc Mãn - Hán diễn ra căng thẳng trong nội bộ triều đình nhà Thanh. (Ảnh: Baidu)

Dù tranh đấu đến đâu thì người Hán vẫn luôn bị xếp phía sau, vì tổ tiên lập nên nhà Thanh chính là người Mãn. Và trong con mắt của những kẻ thống trị, những binh lính mặc áo chữ "binh" luôn dễ dàng được thăng tiến. Còn những binh lính mặc áo chữ "dũng" mãi mãi chỉ có những tác dụng như 1 bia đỡ đạn mỗi khi xảy ra binh biến mà thôi.

Bài viết tham khảo từ trang tin Baidu và Sohu của Trung Quốc.

Quỳnh Mai / Theo: Soha

No comments: