Friday, February 18, 2022

CÚNG SAO GIẢI HẠN CÓ PHẢI "MÊ TÍN", LÀM SAO ĐỂ THẬT SỰ THAY ĐỔI VẬN MỆNH?

Vào những dịp đầu năm mới, nhiều người Việt thường cùng nhau lên chùa lễ Phật, trước là để cầu xin sức khỏe và tài lộc, sau là tìm các “cô, cậu, thầy, bà” để xem đoán họa phúc trong năm mới, sau nữa thì cúng sao giải hạn để gỡ bỏ xui xẻo và tiếp nhận may mắn…

Vào những dịp đầu năm mới, nhiều người Việt thường cùng nhau lên chùa lễ Phật. (Ảnh qua Danviet)

Về vấn đề gieo quẻ đầu năm, dâng sao giải hạn, mọi người đều có các cách nghĩ khác nhau, có người ủng hộ, có người phản đối, có người trung lập, có người không ý kiến,… Nhiều người rất tin tưởng vào “sao hạn”, có những quan chức hoặc đại gia bỏ hẳn ra hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, chỉ để mong các “thầy” giúp mình tiêu tai trừ nạn.

Còn những người phản đối thường cho rằng đầy đều là hủ tục của “phong kiến mê tín”, bị các phần tử lừa đảo lợi dụng để trục lợi, cần phải bài trừ những điều này thì đất nước mới phát triển được. Cũng có người nửa tin nửa không, thấy người khác đi chùa thì mình cũng đi chùa, thấy người khác đòi bác bỏ thì mình cũng không làm nữa,…

Việc xem thiên tượng của cổ nhân không phải là mê tín

Việc xem bói và cúng sao giải hạn bắt nguồn từ các phương pháp bói toán dựa trên quan sát thiên văn trong văn hóa truyền thống phương Đông, đa số do các vị Đạo sĩ hoặc những người tu Đạo truyền ra dựa trên các học thuyết của Đạo gia. Trong lịch sử đã có ghi chép lại rất nhiều người có tài năng quan sát thiên văn, xem lá số tử vi, gieo quẻ và đưa ra lời tiên đoán chính xác.

Trong sử Việt cũng có nhiều câu chuyện về các bậc kỳ tài như vậy. Khi quân Mông Cổ tiến đánh Đại Việt, trước thế giặc lớn mạnh, vua quan nhà Trần đều lo lắng không biết nên hòa hay chiến, lúc bấy giờ Huệ Túc phu nhân (vợ vua Trần Thái Tông) dựa vào tử vi đoán được khí số của nhà Trần rất tốt, nên đã khuyên nhà vua quyết chiến với giặc.

Đến lúc chọn người cầm quân, mọi người đều biết Trần Quốc Tuấn là thiên tài quân sự, nhưng cha ông và vua Trần trước đây có hiềm khích nên nhà vua không dám để ông nắm giữ binh quyền, vì lo ông sẽ mưu phản. Lúc bấy giờ cũng chính Huệ Túc phu nhân dựa trên tử vi mà đoán định rằng Trần Quốc Tuấn là người thông tuệ, có lòng dạ sáng ngời như nhật nguyệt, sau này ắt sẽ là anh hùng dân tộc lưu danh vạn thế, nên bà hết lòng tiến cử ông với nhà vua. Về sau Trần Quốc Tuấn thật sự đã đánh tan xâm lược, Ngài chính là Hưng Đạo Đại Vương lưu danh sử sách.

Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là một vị tướng quân sự nghìn năm có một của Việt Nam. (Ảnh minh họa tổng hợp)

Ngoài ra Huệ Túc phu nhân cũng từng thông qua tử vi mà đoán định được số mệnh của rất nhiều người, như thái sư Trần Thủ Độ, viên quan Đoàn Nhữ Hài,… trong sử sách đời Trần đều có ghi chép lại những việc này.

Cuối đời Trần cũng có một người giỏi việc xem tử vi và đoán mệnh, đó là quan tư đồ Trần Nguyên Đán. Ông đã sớm đoán được việc Hồ Quý Ly sẽ cướp ngôi nhà Trần, nên hết lời nhắc nhở Trần Nghệ Tông phải đề phòng “con quạ già” (ám chỉ Hồ Quý Ly), nhưng Nghệ Tông không nghe. Biết mệnh nhà Trần đã hết, không còn cách nào khác, Trần Nguyên Đán buộc phải kết thông gia với Hồ Quý Ly để bảo đảm an toàn cho gia đình mình. Về sau Hồ Quý Ly quả nhiên cướp ngôi lập nên nhà Hồ, tông thất nhà Trần đều gặp nạn, chỉ có gia đình Trần Nguyên Đán nhờ quan hệ thông gia nên không bị Hồ Quý Ly làm hại.

Trần Nguyên Đán có người cháu ngoại rất tài giỏi, ông xem tử vi biết sau này cháu ngoại mình sẽ trở thành khai quốc công thần của triều đại mới và là anh hùng dân tộc, nhưng cuối cùng sẽ chịu cái họa tru di tam tộc. Người cháu đó chính là Nguyễn Trãi. Lời tiên đoán của Trần Nguyên Đán không sai chút nào, Nguyễn Trãi tuy đã giúp Lê Lợi đánh tan quân Minh ra khỏi bờ cõi và lập nên nhà Hậu Lê, trở thành anh hùng dân tộc, nhưng khi về già lại mang họa sát thân, liên lụy đến cả ba họ.

Những điều trên cho thấy rằng thuyết vận mệnh và việc xem thiên văn, tử vi của cổ nhân để đoán cát hung họa phúc không phải là mê tín, ngược lại nó là một loại học vấn rất uyên thâm, tuy nhiên tới nay hầu như đã thất truyền, người hiện đại không còn biết được những điều tinh túy bên trong.

Vận mệnh có thể thay đổi không?

Tuy nhiên, dù vận mệnh và bói toán là có thật, thì liệu việc thay đổi vận mệnh có thể làm được hay không? Có lẽ là rất khó! Vì mệnh là do Trời định, muốn cải biến lòng Trời nào phải chuyện dễ dàng? Chúng ta thấy rằng những bậc kỳ nhân trong lịch sử tuy có thể tiên đoán được sự việc, nhưng không thay đổi được nó.

Huệ Túc phu nhân khuyên vua Trần quyết chiến với quân Mông Cổ là vì bà biết được nhà Trần sẽ thắng, ra sức tiến cử Trần Quốc Tuấn là vì bà hiểu ông một dạ trung thành quyết không phản trắc. Người ta cũng bởi vì thuận theo lòng Trời nên mới có thể thành công. Trần Nguyên Đán tuy biết nhà Trần sắp mất về tay Hồ Quý Ly nhưng không cách gì thay đổi được, tuy biết cháu ngoại mình tương lai có đại nạn nhưng cũng không làm sao cứu giúp. Đây là sức người không thể làm trái ý Trời.

Người người đều nói Khương Tử Nha làm nên cơ nghiệp nhà Chu, Trương Lương làm nên cơ nghiệp nhà Hán, Lưu Bá Ôn làm nên cơ nghiệp nhà Minh, đều là bậc nhân tài xuất chúng. Nhưng nếu Khương Tử Nha không phò tá Chu Vũ Vương, Trương Lương không phò tá Lưu Bang hay Lưu Bá Ôn không phò tá Chu Nguyên Chương, mà lại đi phò tá những người khác thì họ cũng tất yếu sẽ thất bại, vì những người đó vốn không có số làm Thiên tử. Họ thành công là vì họ đã thuận theo Thiên ý mà phò tá đúng chân mệnh đế vương.

Cũng có người làm trái ý Trời và đã thất bại, điển hình là Gia Cát Lượng. Mặc dù biết khí số nhà Hán đã tận, nhưng vì chữ Nghĩa ông đã giúp Lưu Bị, tới sau cùng cũng không thay đổi được điều mà số phận đã an bài.

Tiểu thuyết “Tam Quốc Diễn Nghĩa” thuật lại rằng Gia Cát Lượng cũng đã từng “cúng sao” để xin Trời kéo dài thọ mệnh cho mình (có lẽ không giống hình thức cúng sao của con người ngày nay), nhưng đã không thành công, ông đành mang theo nỗi tiếc nuối vì nghiệp lớn không thành mà rời khỏi thế gian.

Gia Cát Lượng “cúng sao” không thành, đành ôm nuối tiếc mà rời khỏi thế gian. (Ảnh qua Tansinh)

Từ đó có thể thấy rằng vận mệnh là không dễ dàng gì thay đổi được, ngay cả với các bậc kỳ tài thì cũng chỉ có thể thuận theo mệnh Trời mà làm, nếu trái với Thiên ý thì sẽ ôm lấy thất bại cay đắng, huống chi là người thường!

Ngày nay có rất nhiều “cô, cậu, thầy, bà” thường xưng rằng mình có thể thay đổi vận mệnh của người khác, có thể giúp người này làm quan, giúp người kia phát tài, giúp người nọ có tình duyên như ý,… kỳ thực điều đó không chỉ đang đặt chuyện gạt người kiếm tiền mà còn là cuồng vọng tự đại, coi thường Thiên mệnh, khinh khi ý Trời, báng bổ Thần linh, nhưng tự họ không thể nhận ra tội nghiệp to lớn của mình.

Trước hết, việc bói toán và dâng sao của cổ nhân đến nay gần như đã thất truyền, những điều tinh túy đều đã mất qua các cuộc biến động về văn hóa và tín ngưỡng trong lịch sử, còn những gì kế thừa chỉ là lý luận suông ở bề mặt. Hơn nữa dẫu nó có thật, thì điều này cũng thuộc phạm trù học thuyết của Đạo gia, hoàn toàn khác với Phật gia.

Đạo gia và Phật gia tuy đều là tu luyện chính Pháp, nhưng thuộc về hai phương pháp khác nhau, không thể trộn lẫn vào nhau được, do đó nhà chùa của Phật giáo (thuộc về Phật gia) mà thực hiện những việc như xem quẻ, cúng sao (thuộc về Đạo gia) trên diện rộng là đang phá hoại pháp môn của mình, những người chân chính tu hành sẽ không dám làm điều đó, trừ khi họ giả tu và chỉ muốn trục lợi từ người thường. Thật ra nếu không phải là người tu hành hoặc tu hành chưa đến cảnh giới cao thâm, thì làm sao đủ pháp lực thần thông để làm pháp sự?

Và điều quan trọng nhất chính là, người tu hành dù theo Phật hay theo Đạo, hay theo một pháp môn Chính pháp nào khác, nếu đã là chân tu thì sẽ không làm trái ý Trời, nếu không tất yếu phải chịu báo ứng tương xứng. Mà việc tùy tiện thay đổi vận mệnh của con người chính là làm trái ý Trời.

Trong Phật giáo giảng rằng các vị Phật Như Lai nhiều như số cát trên sông Hằng. Nhiều Thần Phật như vậy, tại sao các Ngài ấy không tiêu tai giải nạn cho con người, giúp con người hạnh phúc? Nếu các Ngài làm chẳng phải sẽ tốt hơn nhiều so với để những “cô, cậu, thầy, bà” kia làm hay sao? Nhưng điều đó là không thể.

Nhà Phật thuyết giảng nhân quả báo ứng, tức là mọi tai ương và phúc phận của con người đều có liên quan đến những việc Thiện ác họ đã làm trong cuộc đời, hoặc trong tiền kiếp, cũng có liên quan đến những việc tốt xấu mà cha mẹ và tổ tiên trong kiếp này của họ đã từng làm. Như vậy thì tạo nghiệp phải hoàn trả, làm điều xấu phải chịu quả báo, đây chính là Thiên lý.

Tùy tiện cải biến vận mệnh của một người chính là đang can thiệp vào quy luật nhân quả báo ứng của vũ trụ, ví như họ từng làm chuyện xấu nên mới gặp khổ nạn, nếu hóa giải khổ nạn kia của họ thì chẳng khác gì đang tiếp tay cho họ tiếp tục làm chuyện xấu mà không cần chịu trách nhiệm. Điều này sao có thể xảy ra? Ngay cả Thần Phật cũng không thể tùy tiện làm, huống hồ chỉ là một người thường tự xưng “cô, cậu, thầy, bà”!

Những người tự xưng “cô, cậu, thầy, bà” đa số đều muốn dối đời trộm danh, trục lợi cho bản thân.

Những người dối đời trộm danh ấy vì muốn thỏa mãn ham muốn lợi ích của bản thân nên thường tự tâng bốc mình là vị nào đó, được Thần nào đó “dựa”, có thể tiêu tai giải nạn cho quần chúng, đa phần đều là gạt người. Cao nhân chân chính có bản lĩnh họ sẽ không khoe khoang như vậy, và cũng không tùy tiện can thiệp vào vận mệnh người khác.

Nhưng có người cảm thấy dường như các “cô, cậu, thầy, bà” cũng có lúc “phán” đúng lắm, chẳng hạn năm đó “thầy” nói: “Thí chủ là sao La Hầu, nếu không cúng đủ lễ thì sẽ có tai ương như thế như thế”, người ta không cúng nhưng trong lòng thấp thỏm lo âu, về sau quả nhiên gặp phải tai ương đó thật.

Điều này có khi là do tâm của họ mà ra. Nhà Phật nói: “Vạn vật đều có linh”, lại nói: “Tướng do tâm sinh”, khi người ta cứ mãi lo nghĩ về tai nạn hoặc bệnh tật, thì cũng đồng dạng như đang cầu mong cho tai nạn bệnh tật ấy tới với mình, bởi cái nạn hay cái bệnh ấy theo cách nhìn nhận của cổ nhân thì nó cũng có sinh mệnh, nên khi biết có người mong cầu mình thì nó liền đến, và có khi sẽ khiến họ thật sự gặp nạn hoặc mắc bệnh. Nên tạo thành kết quả là người ta cảm thấy “thầy” nói không sai chút nào.

Ngẫm lại, con người muốn có được hạnh phúc bình an, giải trừ tai kiếp, gặp nhiều thuận lợi và thành công, thì không gì hơn việc thành tâm sám hối, sửa chữa những sai lầm đã phạm trong quá khứ, từ nay ra sức làm điều tốt cho người khác, hướng Thiện tu tâm, đó mới là “pháp bảo” thật sự có thể giúp người ta “giải hạn”. Nếu tâm bất thiện thì dù cúng bái mâm cao cỗ đầy cũng không có tác dụng gì.

Khi người ta đi xem bói, một số “thầy” nói tới nói lui rồi cũng hay kết luận một câu: “Đức năng thắng số”. Cổ nhân cũng giảng điều này, nhưng so với cách hiểu của người hiện đại thì quả là khác biệt rất nhiều.

Cổ nhân chính là khuyến nghị hậu thế muốn hóa giải tai ương, thay đổi vận mệnh thì cần hành thiện tích đức, đức nhỏ thì phúc mỏng, đức lớn thì phúc dày, chỉ có chịu khổ tu tâm mà làm việc Thiện mới tích được đại đức cho nửa đời sau của mình, có vậy mới mong cải biến được vận mệnh.

Nhưng nhiều người lý giải rằng “đức” kia biểu hiện bằng các loại lễ vật dâng lên Thần Phật và “cô, cậu, thầy, bà”, bỏ càng nhiều tiền làm “công đức” thì kiếp nạn càng mau qua, bệnh tật càng nhanh khỏi. Điều này thuần túy là đã hiểu sai lời dạy của cổ nhân rồi, rốt cuộc chỉ khiến người ta đã hao tốn tài vật mà còn tạo thêm tội nghiệp sâu dày hơn cho chính mình.

Thuyết vận mệnh và thuật xem thiên văn của người xưa vốn không phải là mê tín, nhưng ngày nay đã bị lòng tham và sự hồ đồ của con người làm biến tướng trở thành những điều dung tục, thậm chí rất bất hảo, từ đó càng khiến cho người hiện đại mê mờ, người hồ đồ càng hồ đồ hơn, còn người tin vào khoa học thì liên tục chối bỏ truyền thống, phủ định sự tồn tại của Thần Phật, điều này thật đáng buồn thay!

Thế Di / Theo: Tinh Hoa

No comments: