Bức tranh "Tây Vương Mẫu và Đông Phương Sóc" do họa sĩ Masanobu Kano vẽ.
Dâng thư tự tiến cử
Đông Phương Sóc (154 TCN-93 TCN), tự là Mạn Thiến, sinh ra tại Yếm Thứ, huyện Bình Nguyên (nay là quận LinhThành, thành phố Đức Châu, tỉnh Sơn Đông). Ông rất tài hoa và là một nhà văn thời Tây Hán. Tản văn thể phú của ông "Đáp khách nan" đã khai mở lĩnh vực mới cho văn học thể phú. Ông còn là nhà thuật số có ảnh hưởng lớn đến hậu thế,
Sau khi lên ngôi, Hán Vũ Đế vừa nâng cao sự tôn kính với Nho giáo, vừa liên tục tìm kiếm nhân tài. Ông không quan tâm tới xuất thân của một người, đã công bố cáo bảng khắp nơi chiêu nạp hiền sĩ, và cho phép những người tài năng tự tiến cử mình.
Đông Phương Sóc cũng đã viết thư tự tiến cử gửi Hán Vũ Đế. Bức thư của ông phải cần tới 2 lực sĩ mới có thể khiêng được và phải mất 3.000 chiếc thẻ tre. Hoàng đế đích thân đọc bức thư tới 2 tháng mới xong.
Đông Phương Sóc đã tự giới thiệu mình với hoàng đế như thế này:
"Thần Đông Phương Sóc mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ và được anh trai và chị dâu nuôi dưỡng. Biết đọc từ năm 13 tuổi, học kiếm năm 15 tuổi và năm 16 tuổi đọc ‘Thi Kinh’, ‘Thượng Thư’, thuộc được 220.000 chữ. Năm 19 tuổi học binh pháp Tôn Ngô ( tên gọi chung của Binh pháp Tôn Tử và Binh pháp Ngô Tử) biết bài binh bố trận. Tổng cộng, thần đã ghi nhớ 440.000 chữ. Thần ngưỡng mộ những lời hào hùng của Tử Lộ".
"Thần năm nay 22 tuổi, cao khoảng 1,8m, mắt đen láy, răng chắc như vỏ sò, dũng mãnh, nhanh nhẹn, liêm khiết và có tín nghĩa. Thần nghĩ mình chắc chắn có thể trở thành đại thần của Thiên tử... ''
Hán Vũ Đế chưa đầy 20 tuổi đã khao khát chiêu mộ hiền tài. Ông cho rằng Đông Phương Sóc không phải là người tầm thường, bèn phong làm Đãi chiếu Công xa thự.
Chân dung Đông Phương Sóc. (Miền công cộng)
Lương quan của Đông Phương Sóc khá ít và hiếm khi được hoàng đế triệu kiến. Thế là, ông tìm tới vài người lùn nuôi ngựa cho hoàng đế, và dọa họ: "Ngày chết của các người đến rồi! Các người không làm ruộng, chiến đấu và mà cũng không thể trị quốc an bang. Hoàng đế có ý định giết các ngươi!"
Mấy người lùn sợ hãi quá, vội vã tìm Vũ Đế khóc than. Hoàng đế nghe vậy đã triệu tập Đông Phương Sóc, hỏi cho cho ra nhẽ vì sao lại muốn dọa những người lùn.
Đông Phương Sóc bèn tâu: "Bệ hạ, thần cao gấp ba lần người lùn, nhưng khẩu phần và tiền lương cũng ngang như bọn họ. Đây chẳng phải là muốn giết kẻ thấp bé rồi bỏ đói đại nhân sao? Nếu bệ hạ cho rằng thần là nhân tài thì hãy trọng dụng thần. Nếu không phải nhân tài, xin bệ hạ bãi chức thần, không để thần lãng phí lương thực, chỉ lấy tiền mà không làm gì! "
Vũ Đế bị chọc cười, thấy Đông Phương Sóc nói cũng có lý, không lâu sau phong cho ông làm Thị lang, luôn ở bên cạnh Hoàng đế.
Trực ngôn, trung thành can gián
Hán Vũ Đế thường đi săn bắn nên muốn xây dựng lâm uyển (một khu rừng chuyên cho vua chúa đi săn). Các quan đại thần hầu hết đều đón ý Hoàng đế để chiều theo.
Đông Phương Sóc đã viết một bức thư nói rằng Trời ban phước lành cho những người khiêm tốn, cẩn thận và nhân hậu, và giáng thảm họa đối với những người kiêu ngạo, phóng túng và xa xỉ. Ông nêu ra một số lý do tại sao không nên xây lâm uyển và các tấm gương trong lịch sử về việc các đế vương xây dựng công trình lớn dẫn đến thất bại và loạn lạc. Ông khuyên Hán Vũ Đế nên thương xót bách tính. Cuối cùng, ông cũng tặng Hoàng đế một cuốn sách chiêm tinh, hy vọng Vũ Đế có thể quan sát biến hóa của thiên tượng, tự suy ngẫm và kiềm chế bản thân. Sau khi đọc sớ tâu của Đông Phương Sóc, Vũ Đế cảm thấy lời khuyên can rất chân thành và thiết thực, vì vậy đã giao cho ông chức Thái trung Đại phu Cấp sự trung và thưởng 100 cân vàng.
Bức tranh "Hán Vũ Đế vào rừng đi săn" (Miền công cộng)
Con trai của chị gái Vũ Đế là Chiêu Bình Quân kiêu ngạo và hống hách. Trước khi chị gái mất, ông đã hứa với chị rằng nếu cháu trai có tội, ông sẽ dùng khoản tiền lớn chuộc tội chết cho cháu. Sau đó, người cháu này say rượu và giết người, sau khi cân đo đong đếm, Vũ đế lấy quốc pháp làm trọng, vẫn hạ lệnh giết cháu. Nhưng vì làm trái với lời hứa với chị gái, Vũ đế vẫn cảm thấy buồn đau.
Lúc đó, các quan đại thần cũng vì điều này mà đau thương. Đông Phương Sóc chẳng những không có biểu hiện buồn bã mà còn chúc rượu Vũ đế: "Không thiên vị, không bè đảng, vương đạo lớn lao; thưởng không kiêng thù, sát không kiêng thân. Bệ hạ đã làm được điều mà Tam Hoàng khó mà làm được, đó là phúc khí cho bách tính thiên hạ! Thần xin dâng chén rượu chúc hoàng thượng vạn tuế!”. Vũ Đế không nói câu nào, đứng dậy trở về nội cung
Buổi tối, Vũ Đế triệu Đông Phương Sóc tới, trách ông không biết chọn thời điểm để nói. Đông Phương Sóc lập tức cởi mũ nhận tội: "Thần nghe nói khoái lạc quá sẽ khiến dương tràn, sầu muộn quá sẽ làm tổn âm. Âm dương thay đổi dễ dẫn đến rối loạn, tâm thần rối loạn, tinh thần sẽ mất tập trung. Tinh thần bị phân tán thì tà khí sẽ xâm nhập, mà tiêu trừ phiền muộn tốt nhất là rượu! Vì vậy thần đã chúc rượu hoàng thượng. Trước tiên, là tán tụng bệ hạ là người ngay thẳng, đồng thời dùng rượu để hoàng đế hết thương tiếc. Thần không biết kiêng kỵ nên phạm tội chết”. Vũ Đế nghe và cảm thấy Đông Phương Sóc nói có lý nên ban thưởng cho ông 100 súc vải.
Vũ Đế muốn tổ chức yến tiệc chiêu đãi Đậu Thái Chủ ở Tuyên Thất Điện, và cử người đưa Đổng Yển (được Đậu Thái Hậu sủng ái) vào cung. Vào thời điểm đó, Đông Phương Sóc đang canh gác dưới cung điện, ông đã tiến tới và nói với Vũ Đế: “Đổng Yển đã phạm ba tội đáng bị chém đầu, làm sao có thể được phép tiến cung?” Ông cho rằng những không thể cho phép phạm nhân như vậy vào đại điện.
Vũ Đế trầm mặc, một lúc sau mới nói: “Ta đã chuẩn bị yến tiệc rồi, sau này sẽ thay đổi sau”. Đông Phương Sóc nói: “Không thể. Tuyên Thất Điện là chính điện của tiên đế, không phải việc chính sự thì không được phép vào, bởi vì sẽ dần trở nên dâm loạn, phát triển thành một tai họa soán ngôi".
Vũ Đế vốn là người rất biết tiếp thu can gián, đã ban chiếu ngừng tổ chức tiệc tại Tuyên Thất Điện, và yến tiệc được đổi sang Bắc Cung. Sự sủng ái đối với Đổng Yển cũng giảm dần kể từ đó. Sau đó, Vũ Đế cũng thưởng cho Đông Phương Sóc rất nhiều vàng.
Trong lịch sử ghi chép lại, Đông Phương Sóc đã trực tiếp khuyên nhủ Hoàng Đế bảy lần, mạnh mẽ thẳng thắn có và dí dỏm, khéo léo có. Cho đến trước khi lâm chung, Đông Phương Sóc vẫn viết thư cho Vũ Đế: “Mong bệ hạ tránh xa nịnh thần, trừ sạch những lời gièm pha”.
Tranh vẽ Đông Phương Sóc của Kano Masanobu, được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Boston, Mỹ
Giành uống rượu của hoàng đế
Vũ Đế đặc biệt thích tu Đạo và tin vào sự tồn tại của các vị Thần Tiên. Một lần, Vũ Đế muốn tới chốn Bồng Lai cầu Tiên. Đông Phương Sóc nói: "Thần Tiên tới lui tự nhiên, không phải cứ cầu là sẽ được gặp. Những người có tố chất tu hành không phải lo lắng về việc không nhìn thấy Thần Tiên. Những người không ở trong Đạo, ngay cả khi họ nhìn thấy Tiên nhân chốn Bồng Lai, thì cũng chẳng làm gì được?”. Vũ Đế nghe vậy nghĩ thấy có lý, liền không đi nữa.
Trong một dịp khác, có người dâng lên Vũ Đế một loại rượu trường sinh. Vũ Đế đưa nó cho Đông Phương Sóc, nhưng ông không ngờ Đông Phương Sóc đã chộp lấy nó và uống hết sạch. Hoàng Đế vô cùng tức giận và nói rằng sẽ chém đầu Đông Phương Sóc.
Đông Phương Sóc cũng không hoảng sợ, nói: "Bệ hạ, nếu uống rượu này thật sự là trường sinh bất tử, nếu như thần bị giết chết, thì rượu trường sinh này là giả!"
Vũ Đế nghe vậy chợt hiểu ra, cười ha hả và tha Đông Phương Sóc.
Tính toán như Thần
Trong hoàng cung rất phổ biến một trò chơi đoán vật tương tự như trò bói toán được gọi là "Xạ phúc", người đặt câu hỏi úp một khí cụ trên bàn và đặt một vật trong đó, và người đoán câu đố sử dụng phương pháp bói toán để đoán. Vũ Đế đã từng cho một con thằn lằn vào khí cụ, nhưng các quần thần không đoán được.
Đông Phương Sóc lấy cây cỏ thi và tính theo quẻ tượng. Một lúc sau, ông nói: "Đó là một con rồng không sừng, nhưng một con rắn có chân. Nó lắc lư và quan sát, và leo tường giỏi. Nếu không phải là thạch sùng, thì là thằn lằn". Vũ Đế rất vui mừng và thưởng cho Đông Phương Sóc.
Một ngày nọ, một con quái vật trông giống như một con nai sừng tấm đi ra từ Cung điện Kiến Chương. Không ai biết nó là gì. Đông Phương Sóc nói: "Vật này tên là sô nha. Răng của nó đều như đội kỵ binh sô kỵ, nên gọi là sô nha. Sự xuất hiện của vật này dự báo sắp tới sẽ có ngoại tộc quy hàng Đại Hán".
Một năm sau, vua Hồn Tà Vương của dân tộc Hung Nô dẫn 100.000 người quy hàng Hán Vũ Đế. Hán Vũ Đế ngay lập tức ban thưởng cho Đông Phương Sóc.
Một người ẩn cư trong triều đình
Một hôm trời rất nóng, Vũ Đế nói hãy ban thịt cho các quần thần, đợi rất lâu không thấy quan chia thịt tới. Đông Phương Sóc nói với các quan: “Trời quá nóng và thịt rất dễ thối, vì vậy tôi xin nhận phần thưởng của bệ hạ trước”. Sau đó, ông vung kiếm cắt thịt, gói lại, và đi về nhà.
Ngày hôm sau, Hán Vũ Đế trách vấn Đông Phương Sóc, ông liền cúi đầu nói: "Đông Phương Sóc à, Đông Phương Sóc, ngươi thật vô lễ khi không đợi quan tới chia thịt, rút kiếm ra cắt thịt cũng coi như là hùng tráng; ngươi không lấy quá nhiều thịt, cũng coi như là liêm khiết; ngươi đem thịt cho vợ có thể coi là nhân ái".
Hán Vũ Đế ôm bụng cười và thưởng cho Đông Phương Sóc một thạch rượu và 100 cân thịt mang về cho gia đình.
Triều thần đều ghét Đông Phương Sóc và cho rằng ông không nghiêm túc, Hán Vũ Đế nói: "Nếu ông ta mà nghiêm túc, thì không ai trong các quan có thể sánh được".
Tranh Đông Phương Sóc của Bảo Khải thời nhà Thanh, lưu giữ tại bảo tàng nghệ thuật Walters, Mỹ
Cả đời Đông Phương Sóc, chức vị cao nhất của ông chỉ là đại phu Thái Trung. Ông vui tính và hóm hỉnh, ngôn từ sắc bén trí huệ, đồng hành cùng Hán Vũ Đế như một thuộc hạ thân cận. Theo cách riêng của mình, ông đã có một số ảnh hưởng tích cực đối với Hán Vũ Đế.
Ông thường cảnh báo thế hệ sau rằng làm quan nhỏ trong triều thì không cần phải trồng trọt, ăn no bụng và lấy đi bộ làm xe là được rồi. Thể hiện tài năng, tìm cầu danh tiếng, lập bè kết phái vì lợi ích cá nhân hoặc tự mãn đều không được. Thánh nhân nên giống như long xà, lúc ẩn lúc hiện, là thần ẩn chứ không phải hình ẩn. Ông còn nói: "Những người như ta thời cổ đại ẩn cư trong núi sâu, nhưng ta lại ẩn cư trong cung đình".
Mộc tinh hạ phàm
Sinh thời Đông Phương Sóc từng nói: “Không ai trên thế gian này biết ta, chỉ có Thái Vương Công mới biết ta”.
Sau khi Đông Phương Sóc chết, Hán Vũ Đế triệu tập Thái Vương Công và hỏi: “Ngươi có biết Đông Phương Sóc không?”.
Thái Vương Công nói: “Thần không biết”.
Hán Vũ Đế hỏi: “Sở trường của khanh là gì?”
Thái Vương Công nói: “Thần nghiên cứu lịch pháp, chiêm tinh”. Hoàng đế hỏi: “Có phải tất cả các vì sao đều trên bầu trời không?”
Thái Vương Công đáp: “Tất cả các vì sao đều có, chỉ có sao Mộc 18 năm qua không thấy, giờ nó đã xuất hiện trở lại".
Vũ Đế thở dài nhìn lên trời: "Đông Phương Sóc đã ở bên cạnh ta 18 năm. Ta lại không biết ông ấy chính là Mộc tinh hạ thế!"
Tranh tơ tằm Đông Phương Sóc dâng đào trường thọ, lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ
Trong "Thần Tiên truyện" kể rằng Hán Vũ Đế trong một lần tìm không gặp được Thần Tiên, và Thần đã gửi một thông điệp cho Vua rằng Trời muốn cảnh báo nhân gian có nạn và chỉ cho ông cách giải trừ tai họa để kéo dài vận mệnh quốc gia. Nhưng thấy xung quanh Hoàng Đế có nhiều cao nhân phò tá nên không cần phải nhắc nhở. Có thể thấy rằng Đông Phương Sóc thực sự có thể là Mộc tinh hạ thế, là Tiên nhân phò tá cho Hán Vũ Đế.
Minh An / Theo: ntdtv
No comments:
Post a Comment