Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi: "Thần Tài là một vị thần trong tín ngưỡng Việt Nam và một số nước phương Đông. Theo truyền thuyết, Thần Tài chính là Triệu Công Minh, người đời nhà Tần. Ông lánh đời đi tu tại núi Chung Nam. Về sau đắc đạo, ông được phong làm Chính Nhất Huyền Đàn Nguyên Soái, coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cúng cầu ông để được phát đạt may mắn. Người ta thường vẽ ông là hình một người mặt đen, râu rậm, tay cầm roi, cưỡi cọp đen. Dân gian còn gọi ông là Tài Bạch Tinh Quân hay Triệu Công Nguyên Soái. Người đời vẽ ông trên một cái đĩa làm bằng kim loại trên bàn thờ để thờ cúng".
Tại Việt Nam, đặc biệt là ở miền Nam, Thần Tài thường được thờ chung với Ông Địa, đặt ở dưới đất trong nhà nhìn ra cửa chính. Tượng Thần Tài là một ông già ngồi trên ngai vàng, tóc trắng râu dài, người mặc áo gấm thắt đai ngọc, một tay cầm gậy, một tay cầm những thỏi vàng. Người dân tin rằng việc thờ Thần Tài sẽ mang lại tiền bạc, lợi lộc, sự giàu có.
Những năm trở lại đây, cứ đến Ngày Vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), người dân nước ta thường đi mua vàng về cúng ông Thần Tài để lấy hên đầu năm. Trong đó, vàng hình linh vật của năm thường được ưa chuộng nhất trong dịp này.
Người dân Việt Nam mua hàng Ngày Vía Thần Tài
Tín ngưỡng thờ Thần Tài cũng rất phổ biến tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có tận hai ngày lễ liên quan đến Thần Tài: Ngày đón Thần Tài (mùng 5 tháng Giêng Âm lịch) và Tết Thần Tài (22/7 Âm lịch); và phong tục cũng rất khác Việt Nam.
Ngày đón Thần Tài
Theo văn hóa dân gian Trung Quốc, mùng 5 tháng Giêng (Âm lịch) là ngày sinh của Thần Tài.
Vào tối hôm trước (mùng 4), mọi hộ gia đình Trung Quốc, đặc biệt là các cửa hàng buôn bán thường tất bật chuẩn bị đồ lễ, bánh, hương, nến và các vật phẩm khác. Đến 22h thì gõ mõ khua chiêng và bắt đầu thắp hương. Trong các loại lễ vật, nhất định phải có đầu cừu và cá chép. Đầu cừu (羊) tượng trưng cho "cát tường" (吉祥), còn cá chép thì đồng âm với từ "dư thừa" trong tiếng Trung, ý là năm nào cũng may mắn, dư dả.
Đầu cừu là một trong những lễ vật không thể thiếu trên mâm cỗ cúng Thần Tài của người Trung Quốc. Ảnh: baidu.com
Theo truyền thống, vào sáng sớm ngày mùng 5, người Trung Quốc thường đốt pháo và ném từ trong nhà ra ngoài đường với ngụ ý là nổ tung mọi điều nghèo khó, hay còn gọi là "đuổi 5 nghèo" (nghèo về tri thức, nghèo về học vấn, nghèo về văn hoá, nghèo về số mệnh, nghèo về giao tiếp).
Các cửa hàng cũng đánh trống khua chiêng, đốt pháo, chuẩn bị mâm ngũ sắc để chiêu đãi khách hàng. Khách hàng đầu tiên bước vào cửa hàng được mệnh danh là "Thần Tài". Dù mua bao nhiêu thứ, người khách đó cũng sẽ được đón tiếp nồng nhiệt và được giảm giá.
Ở vùng Giang Nam (Trung Quốc) có một phong tục đón tiếp 8 vị khách, tục lệ này được gọi là "mời tám vị bất tử".
Nếu một khách hàng mặc quần áo đẹp vào mua nhiều thứ, đó được coi là biểu tượng của việc làm ăn phát đạt quanh năm. Nếu không có khách trong một thời gian dài sau khi mở cửa hàng trong ngày này, chủ cửa hàng sẽ ngay lập tức thắp hương nến và đến miếu Thần Tài cầu khấn.
Tết Thần Tài
Nếu như ngày mùng 5 tháng Giêng (Âm lịch) là ngày sinh của Thần Tài thì ngày 22/7 (Âm lịch) lại là ngày Thần Tài tu hành đắc đạo.
Vào Tết Thần Tài, tất cả các hộ kinh doanh sẽ mở tiệc đãi khách, cảm ơn Thần Tài đã đến, cảm ơn người thân, bạn bè đã ủng hộ giúp đỡ... chúc nhau những điều may mắn, hạnh phúc, vui vẻ. Buổi trưa thường là tiếp đãi bạn bè, khách quý, buổi tối họp mặt gia đình, náo nhiệt suốt cả ngày.
Buổi tối của ngày Tết Thần Tài thương là bữa ăn họp mặt gia đình với món sủi cảo "Nguyên bảo". Ảnh: sohu.com
Khi cúng lễ, người Trung Quốc thường đốt ngọn nến to màu đỏ, dùng bột mỳ nặn thành thỏi vàng và các linh vật, dùng tiền xếp hình rồng, ăn sủi cảo gọi là "Nguyên bảo", có nghĩa là thu hút của cải.
Người làm ăn buôn bán cũng thường chọn thời điểm tốt để đốt một vài quả pháo, cho thấy việc làm ăn phát đạt.
Theo: Doanh Nghiệp & Tiếp Thị
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment