Tinh anh phát tiết ra ngoài,
Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
"Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt,
Còn hơn le lói suốt trăm năm"
Tôi nhớ đến Bùi Kiệm có lẽ ông là tổ nhiều đời của ông PGS-TS này nên lên mạng tìm xem có tích chi để "nêu gương" cho hậu bối của ông (ngài PGS-TS Bùi...Điên) thì quả thật "con nhà tông không giống lông cũng giống cánh". Anh Vũ Đức Sao Biển có một bài mà gần như nó đoán được cho ngày nay cho cháu chắc của nó, thằng PGS-TS họ Bùi sẽ phát tiết như thế nào để muốn thành nổi tiếng dù bị người ta chửi là "thông minh như heo nọc".
Thơ ôi là thơ!
Bùi Kiệm và Trịnh Hâm là hai học trò con nhà giàu có, ăn chơi lười biếng, học hành không tiến bộ chút nào. Ấy vậy mà trong một lần tham gia trại sáng tác do hội văn nghệ tổ chức, Trịnh Bùi phải nghiến răng bỏ ra sáu tiếng đồng hồ, tư duy và thực hiện viết chung một bài thơ để nộp lên cho ban tổ chức.
"Thơ phải bắt nguồn từ thực tiễn cuộc sống, phải mang theo hơi thở cuộc sống" - hai chàng nghĩ vậy. Họ ngồi bàn bạc hướng chọn, tiếp cận và xử lý đề tài thì thấy một con cóc lớn nhảy ra đi kiếm ăn. Họ nhất trí chọn con cóc - hình tượng tiêu biểu và sinh động của nông thôn để làm chủ đề cho thơ. Hai chàng thống nhất nội dung bài thơ phải giải quyết cho được ba vấn đề lớn: "Con cóc ở đâu mà xuất hiện? Nó xuất hiện để làm gì? Tiếp theo đó, nó đi đâu?". Từ hướng xử lý các nội dung trên, hai chàng hợp soạn bài Thơ con cóc, hy vọng để lại cho đời một danh tác thi ca bất hủ:
Con cóc trong hang, con cóc nhảy ra.
Con cóc nhảy ra, con cóc ngồi đó.
Con cóc ngồi đó, con cóc nhảy đi.
Viết bài thơ lên tờ giấy hoa tiên xong, Trịnh Bùi bần thần suy nghĩ rồi đâm ra sợ hãi. Trịnh Hâm nói: "Bùi huynh, tôi nghe người ta nói tinh anh phát tiết sớm thì dễ chết yểu". Bùi Kiệm gật gù: "Ý Trịnh huynh muốn nói là thơ của chúng ta hay quá, sợ chúng ta không sống lâu được, phải không?". Bùi Kiệm vỗ đùi: "Bùi huynh đúng là thiên tài. Hai chúng ta làm thơ quá hay, sợ rằng chúng ta sẽ… chết sớm. Mà chết sớm thì quá uổng bởi đời này còn rất nhiều mỹ nhân như Nguyệt Nga, Kim Liên". Trịnh Hâm: "Tiểu đệ cũng đã nghĩ đến chỗ đó. Nhưng chẳng lẽ tham gia trại sáng tác, anh em ta không có tác phẩm thì coi kỳ quá. Thà chúng ta chết sớm vì có tài hơn là sống đại thượng thọ mà bất tài". Bèn nộp bài thơ lên cho ban tổ chức trại.
Ban tổ chức họp hội đồng nghệ thuật tuyển chọn thơ. Nhiều bài thơ cùng có chung ý hướng phác thảo về một nông thôn mới; đầy đủ những điện, đường, trường, trạm. Nhiều bài thơ với ngôn ngữ lạ lùng, hiện đại, tạo ra một cái nhìn mới về tương lai.
Anh về Giồng Gáo hôm nay,
Ê a tiếng trẻ học bài, quá thương!
Quê ta có một cái trường,
Hôm nay có điện, miệt vườn sáng trưng.
Hỡi các chiến sĩ kiểm lâm,
Các anh là những người phủ trọc đồi xanh (?).
Và:
Thưa anh quản lý thị trường,
Nhìn anh tôi thấy lòng thương dạt dào.
Xăng qua biên giới ào ào,
Chống quân buôn lậu anh nào sá chi…
Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do nhà xuất bản Dân trí phát hành. |
Tinh anh phát tiết ra ngoài,
Ngàn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
Họ mừng vì mình không thuộc loại người phát tiết với phát canh!
Buổi trưa, ông thầy đồ nằm trên võng, thiu thiu định ngủ. Hai học trò Trịnh Hâm, Bùi Kiệm ra ngồi bên bờ rạch hóng mát, thì thào bàn tán chuyện mừng vì làm thơ dở là được sống lâu. Họ nói rất nhỏ nhưng âm thanh vẫn lọt vào tai thầy.
Thầy gọi: "Trịnh Hâm, Bùi Kiệm! Hai trò có chuyện chi mà thì thầm vậy? Đến trình thầy nghe coi". Trịnh Bùi chạy đến khoanh tay. Trịnh Hâm bẩm trước: "Trình thầy, vừa qua hai con tham dự trại sáng tác của hội văn học - nghệ thuật tổ chức. Hai con học hành kém cỏi, làm chung một bài thơ. Ban tổ chức phê bình thơ dở quá. Con quả thật đã phụ lòng thầy". Thầy đồ điềm nhiên: "Thiên tài chỉ là sự cố gắng lâu dài. Các trò không sợ thơ dở. Cái dở nhất là không chịu học hỏi để có thể làm ra bài thơ hay". Bùi Kiệm thưa: "Con biết mình hư thân mất nết, trước nay chỉ làm thơ vịnh đàn bà con gái. Khi cùng Trịnh huynh viết ra bài Thơ con cóc, chúng con tưởng đã có được một tác phẩm văn học để đời. Ngờ đâu ban tổ chức chê, phát cho cái giải thơ dở nhất nước. Thiệt là thà hổng thi còn hơn thi hỏng".
Thầy đồ cười: "Các trò đừng lo chuyện bao đồng. Mọi vật đều đồng nhất với chính nó, con voi là con voi. Tay mù này rờ đúng cái đuôi, bảo voi giống cán chổi. Tay mù kia ôm trúng cái chân, bảo voi giống cột đình. Không chừng mấy vị trong hội đồng nghệ thuật đánh giá thơ theo kiểu bốn anh mù sờ voi. Đâu, thơ hay đoạt giải thế nào, các trò đọc cho thầy nghe".
Trịnh Hâm hắng giọng, đọc thầy nghe bài thơ hay đầu tiên. Nghe bài thơ, thầy cười: "Đúng là hiện thực thô thiển. Chỗ nào hôm nay mà không có trường học, đâu phải chỉ Giồng Gáo mới có? Mà hôm nay mới có điện về thì việc đếch gì mà tự hào? Đáng lẽ phải có điện mấy chục đời tám hoánh rồi chứ?".
Bùi Kiệm đọc bài thứ nhì. Thầy đồ lại cười rung cả người: "Trời hỡi! Trước nay ta chỉ nghe "phủ xanh đồi trọc", nay mới được nghe cụm từ "phủ trọc đồi xanh". Nói kiểm lâm là người "phủ trọc đồi xanh" có nghĩa nhà thơ mắng họ là lâm tặc phá rừng. Ha ha, bài thơ định thổi phồng ngành kiểm lâm hóa ra lại bóp teo họ, mà lại sử chiêu cầm nã Song long thướng châu, bóp với luồng lực đạo quá mạnh!".
Trịnh Hâm đọc bài thứ ba. Thầy đồ nói: "Hóa ra thơ lục bát biến thành bài vè nịnh ngành quản lý thị trường. Thầy bảo đảm với hai trò làm xong bài vè nịnh này, tác giả ít nhất cũng uống một chục lon bia, nhai mất vài đĩa thịt rừng". Trịnh Hâm, Bùi Kiệm ngơ ngác. Thầy nói tiếp: "Bài Thơ con cóc của hai trò dù tình ý ngô nghê, nhưng sử dụng điệp ngữ trong tu từ pháp rất triệt để, xứng đáng là bài thơ khá. Họ chê hai trò làm thơ dở là quyền họ. Thầy còn đọc nhiều bài thơ dở hơn".
Nghe thầy bảo trên đời có thơ dở hơn thơ mình, Trịnh Bùi cả sợ. Trịnh Hâm mà rằng: "Xin thầy đọc cho hai con nghe". Thầy đồ bóp trán: "Lâu quá, thầy cũng quên. Nhưng có một nhà thơ viết đại để như vầy: "Em hãy vén váy lên". Trời ơi! Thi ca cần đến ngôn ngữ nghệ thuật tươi đẹp, đâu có cần "vén váy lên" y như chuyện dâm bôn! Một nhà thơ khác lại viết: "Tay anh tìm lên đỉnh nhũ sơn". Ai không biết nhũ sơn là núm vú? Thơ mà cứ y như kịch bản phim sex".
Bùi Kiệm than: "Thầy ôi! Trước nay, người ta thường phỉ báng Bùi Kiệm có máu dê! Hóa ra hai "nhà thơ" này còn là sư tổ của Kiệm". Thầy đồ cười: "Cho nên các trò đừng buồn. Đời này có nhiều người làm thơ dở hơn các trò nữa. Có người hiếu sự, muốn bầu thơ lục bát làm quốc thơ. Thật là nát bét đến năm bảy tầng. Chỉ có quốc thi chứ làm gì có nửa Nôm nửa Hán quốc thơ? Một thuật ngữ mà dùng chưa chuẩn thì nói gì đến bình bầu với bình chửa? Bài Thơ con cóc của hai trò dùng ngôn ngữ thuần Việt, là một bài thơ hay hơn nhiều bài thơ khác từng được in ra. Ha ha".
Trịnh Hâm, Bùi Kiệm chào thầy mà lui ra. Quả nhiên, sau đó họ chết sớm. Trịnh Hâm chết năm 40 tuổi. Bùi Kiệm chết năm 49 tuổi. Ấy bởi vì bài Thơ con cóc của họ quá hồn nhiên, quá dễ thương đúng với nghĩa tinh hoa phát tiết. Các nhà thơ khác thì thọ lâu dài!
Vũ Đức Sao Biển
No comments:
Post a Comment