Saturday, November 11, 2017

NGẠC NHIÊN CAO HÙNG

Ngạc nhiên Cao Hùng, ngạc nhiên Formosa

Bức tường khắc kinh Phật

Người bạn đồng hành của tôi, Lee Day, đã ngoài sáu mươi nhưng còn rất tráng kiện. Bản thân Lee cũng là điều đáng ngạc nhiên. Anh đã sống ở Los Angeles hơn 30 năm, gia đình vợ con đều định cư ở đó.

Về hưu, Lee quay lại nơi chôn nhau cắt rốn và làm công việc của một hướng dẫn viên du lịch: “Tôi cũng như nhiều người khác sinh trưởng ở Đài Loan, lớn lên có cơ hội ra nước ngoài lập nghiệp, làm ăn nhưng tới tuổi xế chiều thì như chiếc lá muốn rụng về cội vậy. Về đây, rảnh rang, không mấy bận tâm chuyện sinh kế, lại có vốn tiếng Anh tốt nên tìm việc làm cho vui. Làm hướng dẫn viên du lịch, tôi có cơ hội được đi khắp xứ sở mình, kể cho du khách nước ngoài những nét hay nét đẹp của quê hương mình, thích lắm!”.

Quả là với vốn kiến thức giàu có, tiếng Anh sành sõi và sự chu đáo, nhã nhặn, tinh tế của một trí thức sống nhiều năm ở xứ văn minh, Lee Day là một mẫu tour guide mà có lẽ ngành du lịch Việt Nam không có mấy. Anh không nói ra rả những gì vốn có thể tìm thấy dễ dàng trong Google với một chiếc iPad hay iPhone. Những gì anh nói như là tâm sự của một người tha thiết yêu quê nhà của mình, yêu công việc mình đang làm.

Những nơi “không thể không đến” ở Cao Hùng

Với dân số trên 1,5 triệu người, Cao Hùng là thành phố lớn thứ hai ở đảo Đài Loan, sau thủ phủ Đài Bắc. Cao Hùng còn là một thành phố cảng và cũng đáng ngạc nhiên khi cảng Cao Hùng ở trong top 4 những cảng biển lớn nhất thế giới, là trung tâm ngành công nghiệp đóng tàu, trung tâm sản xuất và lọc dầu của lãnh thổ này. Nên Cao Hùng luôn nhộn nhịp với đời sống công nghiệp phát triển.

Nhưng du khách đến với Cao Hùng là bởi những thứ khác: những thắng tích Phật giáo, những đền miếu linh thiêng, những phố cổ, những khu nghệ thuật đương đại tầm cỡ quốc tế..., hay nhiều điểm đến khác mà chỉ với hai ngày ngắn ngủi không thể nào tham quan cho hết, đành bằng lòng với những nơi mà theo Lee Day “không thể không đến”.


Chợ đêm Lục Hợp

Phật Quang Sơn hay ngọn núi có tượng Đức Phật phát sáng là một trong những nơi “không thể không đến”. Phật Quang Sơn thuộc quận Đại Thụ của Cao Hùng, được coi là trung tâm Phật giáo của cả Đài Loan, hơn thế nữa là một trung tâm Phật giáo thế giới bởi quy mô của các công trình xây dựng, các tự viện.

Cách đây đúng 40 năm, đại sư Tinh Vân đã mua hơn 30 ha đất ở quận Đại Thụ khi đó còn là đất hoang để khởi công xây dựng một dự án tôn giáo khổng lồ, gồm nhiều bảo tháp, thiền phòng, nơi tu tập của tăng ni, một bảo tàng Phật giáo, một viện đại học Phật giáo và vô số tượng các vị La hán, Bồ tát và Phật. Theo thời gian, dự án ngày càng mở rộng quy mô, nay đã lên đến 100 ha diện tích.

Bước chân qua khỏi chiếc cổng hoành tráng của Phật Quang Sơn, nhìn thấy ngay bức tượng Phật bằng đồng lớn nhất thế giới, cao 108m sừng sững giữa bầu trời xanh ngắt mùa Hè, hai bên là tám tòa bảo tháp uy nghi, một trong số đó có chứa xá lợi (răng) của Đức Phật. Hai bên hành lang dẫn vào đỉnh núi có tượng Đức Phật là hai mảng tường bằng đá cẩm thạch, trên khắc hàng ngàn bản kinh Phật bằng Hán tự thật tinh xảo và đẹp như một tác phẩm thư pháp.

Chỉ riêng những bức tường thư pháp đó cũng khiến khách phương xa bái phục! Hóa ra, không nhất thiết phải là những di tích có tuổi trăm hay ngàn năm, một công trình vĩ đại được xây dựng mới hoàn toàn nhưng cực kỳ công phu đến từng chi tiết như ở Phật Quang Sơn cũng đủ để trở thành một kỳ quan của nhân loại hôm nay. Thảo nào, trong hơn 20 điểm đến hàng đầu tại Cao Hùng được đánh dấu sao (*) của sách chỉ nam du lịch Michelin, riêng Phật Quang Sơn được chấm 3 sao.

Tượng Phật bằng đồng cao nhất thế giới (108m) ở Phật Quang Sơn, hai bên là những tòa bảo tháp

Nếu Phật Quang Sơn là nơi để chiêm bái, lắng lòng với không gian tâm linh, tìm sự giao hòa với thiên nhiên, thì chợ đêm Lục Hợp là chốn đông vui với dân địa phương và người tứ xứ đổ về dự một sinh hoạt ngoài trời nhiều màu sắc, đặc biệt là thưởng thức ẩm thực đường phố. Chợ đêm nhưng Lục Hợp đã náo nhiệt từ lúc trời còn sáng. Các món ăn đặc trưng của người Đài Loan thu hút khách nhiều nhất.

Lee Day hỏi tôi: “Anh đã ăn đậu hũ thối bao giờ chưa, đó là một đặc sản mà chưa ăn coi như chưa tới Đài Loan”. Được gọi như thế bởi thứ đậu hũ lên men rồi cắt thành sợi rán vàng như kiểu khoai tây chiên ấy có mùi thật kinh khủng, từ xa đã theo gió bay tới. Mấy bà, mấy cô Tây tóc vàng mắt xanh đều bịt mũi khi đi ngang qua hàng đậu hũ bốc mùi khắm khú này. Dù cố gắng, tôi cũng không tài nào nuốt trôi một sợi trong khi Lee Day vừa cười thích thú, vừa ăn ngon lành cả gói!

Biểu tượng của sự phục sinh nền dân chủ

Rời chợ đêm khi trời đã tối hẳn, Lee đưa chúng tôi tới nơi ban sáng anh hứa hẹn sẽ gây ngạc nhiên hơn nữa. Anh cho chúng tôi trải nghiệm tàu điện ngầm Cao Hùng. Nhưng trước hết là xuống lòng đất từ các cổng vào hoành tráng, được xây dựng bằng kính và những ống kim loại cỡ lớn.

Với tên gọi chung là Trạm Đại lộ Formosa, đây là cổng vào trạm tàu điện đẹp nhất Đài Loan, tác giả là kiến trúc sư lừng danh người Nhật Takamatsu Shin, người đã thiết kế hàng loạt công trình hiện đại ở Nhật và nhiều nước khác cùng nhiều công trình trên đảo Đài Loan. Lee Day chỉ tay lên đỉnh của khối kiến trúc ba tầng, cho biết nếu nhìn từ trên cao xuống, Trạm Đại lộ Formosa có dáng dấp như đôi tay chắp lại khấn nguyện. Tại sao vậy? Đó là cả một câu chuyện dài - câu chuyện của sự phục sinh nền dân chủ ở Đài Loan, có máu và nước mắt của những người đã ngã xuống vì cuộc đấu tranh cho dân chủ.


Công trình kiến trúc phần nổi của trạm metro đại lộ Formosa trong đêm

Lee kể rằng, nguyên thủy trạm metro này có tên là Trung Sơn (để tưởng nhớ nhà cách mạng Tôn Trung Sơn), thế nhưng nó được làm mới lại với thiết kế của kiến trúc sư Takamatsu Shin để chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Thế giới 2009, được tổ chức ở Cao Hùng. Xin mở ngoặc: Đại hội Thể thao Thế giới - World Games - khác với Thế vận hội Olympic ở chỗ chỉ thi đấu những môn không có trong Thế vận hội. Và sau khi khánh thành vào năm 2009, nó được đổi tên thành Trạm Đại lộ Formosa, bắt nguồn từ biến động chính trị Formosa. Số là dưới thời tướng Tưởng Giới Thạch cầm quyền, Đài Loan chỉ có độc đảng là Quốc dân đảng và chính quyền cai trị với bàn tay sắt, cấm đoán mọi hoạt động chính trị khác. Thiết quân luật kéo dài suốt hơn 37 năm với hàng ngàn tù nhân chính trị bị giam cầm hay hành hình.

Thế rồi, vào ngày 10.12.1979, một cuộc tuần hành đòi dân chủ được tổ chức tại Cao Hùng, dẫn tới bạo động đẫm máu. Lời kêu gọi cuộc tuần hành dân chủ này là từ tờ tạp chí Formosa, mà người chủ trương là nhà lãnh đạo đối lập kỳ cựu Huang Shin-chieh. Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10.12, ông đã cùng nhiều chính trị gia đối lập khác tổ chức cuộc tuần hành. Dù bị đàn áp khốc liệt, nhiều người bị bắt bớ, giam cầm và sát hại, thế nhưng từ cuộc biến động chính trị đó, các lực lượng đối lập với chính phủ tại Đài Bắc đã thống nhất lại, trở thành một sức mạnh quần chúng mãnh liệt. Có thể nói, sự kiện chính trị Formosa là bước ngoặt quan trọng để dẫn tới nền dân chủ hiện nay tại Đài Loan.

Câu chuyện kể của Lee dẫn dắt chúng tôi xuống tầng hầm của Trạm Đại lộ Formosa để một lần nữa tròn mắt trước một không gian màu sắc biến ảo như chốn thần tiên, ở giữa điểm giao của hai làn tàu điện đỏ và cam. Đây là một công trình kiến trúc - nghệ thuật kỳ vĩ dưới lòng đất Cao Hùng, tác phẩm của nghệ sĩ người Ý Narcissus Quagliata, được đặt tên là “Vòm Ánh sáng” (Dome of Light), mà theo Lee cũng là thứ ánh sáng phục sinh nền dân chủ tại Đài Loan.

Dù ở một nơi được coi là trạm metro nhộn nhịp nhất của Cao Hùng, Vòm Ánh sáng mang đến cảm giác trang nghiêm như trong một giáo đường. Người qua, kẻ lại trong im lặng, không tiếng cười nói ồn ào. Chỉ có du khách tìm những góc đẹp để “tự sướng” hay chụp ảnh cho nhau bên dưới hai chiếc cột khổng lồ rực rỡ, mỗi cột có đường kính 30m, còn mái vòm khổng lồ bên trên hai thân cột là những hình ảnh đa sắc, đa dạng chuyển động không ngừng, được làm bằng 4.500 tấm kính màu ghép lại nên công trình này cũng là tác phẩm kính màu nghệ thuật lớn nhất thế giới. Narcissus Quagliata đã mất đến bốn năm rưỡi để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật này, nhờ đó mà cùng với công trình của kiến trúc sư Takamatsu Shin, Trạm Đại lộ Formosa được vinh danh là một trong những trạm metro đẹp nhất thế giới.


Vòm Ánh sáng, tác phẩm kính màu nghệ thuật lớn nhất thế giới

Sao mà một thành phố chỉ hơn triệu dân có lắm thứ nhất thế giới đến vậy! Sao mà cái tên Formosa ở đây mang ý nghĩa đẹp đẽ đến vậy, trong khi ở xứ mình cũng cái tên này đã nhận bao lời nguyền rủa!

Chỉ một ngày Cao Hùng đã đem lại nhiều bất ngờ thú vị, thế mà chương trình còn thăm Trung tâm nghệ thuật Cầu Tàu 2, còn chuyến du hành tàu thủy trên Ái Hà - con sông tình yêu, còn đến với khu phố cổ ở quận Diêm Trình, còn thành cổ Phượng Sơn và nhiều nơi khác để trải nghiệm, để sẽ nhớ lâu một chuyến lữ hành...

Bài và ảnh Nguyệt Cầm
Nguồn: Người Đô Thị Online



No comments: