Tuesday, November 21, 2017

LÂU RỒI KHÔNG VỀ CHỢ LỚN

Hôm qua lỡ mất một cuộc hẹn, sẵn tiện tấp vào nhà sách Fahasa Tân Định, định bụng xem có sách gì hay không thì tình cờ phát hiện ra cuốn sách viết về ẩm thực Chợ Lớn có cái tên khá ấn tượng “Pà pá, hôm nay kiếm món gì ngon ăn đi.” của tác giả Minh Cúc. Lật sơ vài trang thấy cả một trời kỉ niệm ùa về. Thế là tôi vội vàng cầm cuốn sách ra tính tiền như sợ người ta mua mất rồi về nhà nằm trùm mền đọc một mạch đến trưa hết 2/3 cuốn.


Có khá nhiều cuốn sách viết về người Hoa ở Chợ Lớn được xuất bản trước đây nhưng đều do tác giả nguời Việt viết nên đọc không thấy có cảm xúc vì có một số vấn đề người viết không hiểu về văn hoá nên viết không chính xác, dùng từ sai hoặc đôi khi là tự bịa ra nên đọc rất ức chế. Nhất là có một vài cuốn do tác giả người Bắc trong bang tuyên giáo viết đọc đúng là không chịu nổi, viết về cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn mà cứ như nói về một hành tinh khác, thấy lạ lẫm vô cùng. Cuốn “pà pá” này thì khác, tác giả là người gốc Triều Châu, sống ở Chợ Lớn nên viết rất chân thực. Chỉ cần đọc một vài bài là mến ngay. Thực ra năm 2014, tôi cũng bắt đầu viết một cuốn về người Hoa ở Chợ Lớn nhưng thời gian đi làm đi dạy rồi dọn nhà tới lui hai ba lần nên cảm hứng viết bị đứt đoạn, tới giờ chỉ mới được vài chương, không biết khi nào mới xong.


Tôi vốn có 2/3 máu Hoa trong người: bên nội tôi là người Quảng Đông còn bà ngoại lai Phúc Kiến. Hồi còn nhỏ, tôi chỉ sống với ba lẫn mẹ chắp vá lại cũng chưa đầy 5 năm ở Chợ Lớn. Thời gian đó tuy ngắn ngủi nhưng lại để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất trong đời, thậm chí hơn cả quãng thời gian ở Mỹ đến nỗi sau này, cứ lâu lâu vào một cuối tuần nào đó, tôi lại chở bà xã vòng vòng Chợ Lớn ngắm phố phường, ăn cơm Tàu để ôn lại những kỉ niệm một thời.


Không như Sài Gòn thay đổi hàng ngày, Chợ Lớn xưa nay vẫn thế, hầu như rất ít thay đổi. Chính vì vậy mỗi khi chạy xe lòng vòng trong Chợ Lớn, tôi lại như được trở về thời thơ ấu của hơn 30 năm về trước khi ba tôi chở tôi ngồi phía trước chiếc mobylette cọc cạch chạy từ nhà ngoại tôi trên đường Phan Đình Phùng, Phú Nhuận vào nhà nội trên đường Nguyễn Chí Thanh quận 11 mỗi chiều thứ sáu. Lộ trình sẽ luôn là ghé mấy quán ăn đối diện bệnh viện Nguyễn Tri Phương ăn hủ tíu mì xào hay cơm xào rồi tạt ngang “Tài Xây Cai” (Đại Thế Giới tức Nhà Văn Hoá Quận 5 bây giờ) cho tôi chơi một tí rồi tiếp tục chạy hết đường Trần Hưng Đạo B ra Soái Kình Lâm rồi ghé chợ thuốc bắc Phùng Hưng để ba tôi mua vài thang thuốc bổ về tiềm gà hoặc thịt bò hoặc đôi khi mua vài lạng kim ngân thảo hoặc hạ cô thảo về nấu với mứt bí uống giải nhiệt. Tôi nhỏ lớn dị ứng với các thể loại dầu xức nhưng đặc biệt lại thích mùi Pạc Phá Dầu (dầu bạch hoa) và Wong Lạp Coóng (dầu Huỳnh Lập Quang) của Hongkong được bán ở các tiệm thuốc Bắc đường Phùng Hưng. Dầu bạch hoa thì chuyên trị nhức đầu sổ mũi, dùng cạo gió cũng rất nóng còn dầu Huỳnh Lập Quang chủ yếu là xức vết thương ngoài da và xoa bóp sưng trật rất công hiệu.


Cũng có lúc, ba tôi chở tôi và mẹ đi ăn cháo thập cẩm ngay bùng binh Soái Kình Lâm rồi ghé quán chè gần đó ăn cấy tản chà (hột gà nấu với trà), tành tản (trứng chưng) hoặc hằng dành tàu phù (đậu hũ hạnh nhân). Quán chè không tên, nằm trong một căn nhà cũ đến mức sắp sập chỉ đủ kê cái xe kính bán chè và mấy cái ghế xếp nhưng chè thì rất ngon. Tới bây giờ quán chè vào quán cháo đó vẫn còn và hầu như không có gì thay đổi ngoài việc quán chè để thêm bốn năm cái bàn nhựa ra bên kia đường cho khách ngồi vì tối nào quán cũng đông khách. Dạo sau này đi Chợ Lớn, rất nhiều lần tôi muốn ghé vào quán chè không tên có lịch sử hơn nửa thế kỉ đó để ăn tìm lại hương vị xưa nhưng chưa bao giờ có thể vì quán đông quá, ngồi tràn ra cả lề đường, để xe cũng khó khăn nên đành phải ăn chè ở Hà Ký trên đường Châu Văn Liêm nhưng cảm giác thì không bao giờ được như lúc còn nhỏ.


Dân Chợ Lớn lâu đời không thể nào không biết tới cơm gà Đông Nguyên góc Nguyễn Trãi-Châu Văn Liêm nổi tiếng từ những năm 60 và lẩu đầu cá Dân Ích ở góc đường đối diện, nơi vẫn còn dùng loại lẩu cù lao bỏ than ở giữa mà hầu như các quán lẩu ngày nay chẳng ai còn dùng. Cơm gà Đông Nguyên và lẩu cá Dân Ích thì khá mắc nên hồi nhỏ tôi chỉ được dẫn đi ăn vài lần những lúc ba tôi trúng mánh làm ăn. Còn phần lớn thì ba tôi hay chở tôi đi ăn cơm Tiều bán trong nhà lồng chợ bên hông đường Thuận Kiều mỗi lần đón tôi về nhà nội trong Chợ Lớn. Cơm Tiều rẻ mà ngon với mấy món ruột heo nấu cải chua, giò heo kho đậu hũ và trứng kèm theo mấy miếng huyết heo và canh khổ qua hầm. Món nào cũng ninh thật nhừ chỉ cần đụng đũa vào là gần như rã ra nhưng thơm nứt mũi. Người Tiều thích ăn cháo trắng nấu loãng nên chỗ bán cơm luôn mang thêm cho khách hai tô cháo trắng dù có gọi hay không. Ăn thì tính tiền, không thì thôi. Kí ức của tôi về quán cơm Tiều nhà lồng chợ đó là một chiếc xe cơm inox cũ treo một cây đèn măng xông leo lét và một chiếc máy cassette cũ kĩ lúc nào cũng phát đi phát lại tuồng cải lương Tiêu Anh Phụng trong con hẻm chợ lầy lội mỗi khi mưa xuống. Chén đĩa là chén đĩa bằng sành loại rê tiền vì quán nghèo và thực khách của quán cũng nghèo. Bây giờ cái chợ nhỏ đó hình như đã dẹp, đường cũng đã phóng ra và tráng nhựa nên không còn lầy lội như trước. Xe cơm Tiều cũng không còn. Mỗi lần đi qua con hẻm chợ đó, tôi thường đảo xe mấy vòng để cố xác định lại chiếc xe cơm đó lúc trước nằm ở vị trí nào nhưng đành chịu vì nhà cửa khu đó gần như xây lại hết rồi. Gần ba chục năm rồi còn gì? Giờ đây mỗi lần thèm cơm Tiều, tôi lại ghé quán cơm Tiều trên đường Hồng Bàng quận 6 để ăn. Quán trong nhà, chén đĩa kiểu, cũng những món đó nhưng sao không ngon bằng. Có lẽ thiếu tiếng máy cassette phát tuồng cải lương Tiêu Anh Phụng và ánh đèn măng sông leo lét.


Kí ức về Chợ Lớn trong tôi còn là những bữa ăn “tỉm sấm” (điểm tâm sáng) hoành tránh đúng kiểu người Quảng Đông với hủ tiếu mì, há cảo, xíu mại khô, xíu mại nước, lò mạy phàn (xôi gà bọc lá sen), xá xíu páo (bánh bao nhân xá xíu) và tài páo (bánh bao lớn). Hồi đó các tiệm hủ tiếu mì trong Chợ Lớn thường bán thêm điểm tâm. Vô quán gọi hủ tiếu mì thôi, nhưng phổ ky bưng ra một mâm nhâm to đựng đủ loại há cảo, xíu mại, mỗi món là một xửng riêng, cứ thế mà bày lên mặt bài. Ai ăn món nào tính tiền món đó. Trong số bốn tộc người Hoa ở Chợ Lớn: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến và Khách Gia (người Hẹ), người Quảng Đông nổi tiếng là ăn uống hào sảng nhất và kinh doanh giỏi nhất còn người Triều Cháu là ăn uống tằng tiện tiết kiệm nhất. Bữa sáng của người Quảng Đông sang thì cả bàn điểm tâm vừa ăn vừa uống trà hoặc phé nại (cà phê sữa) vừa bàn chuyện làm ăn, còn xuề xoà lắm cũng phải tô hủ tiếu mì hay cái bánh bao lớn mới chịu. Người Tiều thì ngược lại, ăn sáng quanh năm suốt tháng cũng chỉ có cháo trắng, cà na và củ cải muối, sang hơn chút thì có thêm cặp dầu chá quảy. Hồi đó tôi chơi với anh em nhà người Tiều gần nhà thấy sáng nào cả đại gia đình nhà nó cũng ăn có bao nhiêu đó mặc dù nhà làm xưởng dệt giàu hơn nhà tôi nhiều. Có lần tôi mua cho nó cái bánh bao lớn dụ nó dạy tôi nói tiếng Tiều vì tôi luôn không cam tâm tại sao nó nói được tiếng Quảng Đông của tôi, còn tôi thì không biết tiếng Tiều của nó. Nó ăn xong cái bánh bao lại chạy vô nhà múc tô cháo trắng ra ăn với cà na muối mặn chát vẻ rất ngon lành. Nó bảo: chừng nào mày sáng nào cũng ăn cháo trắng như tao đi, tao dạy mày tiếng Tiều. Gì chứ cháo trắng cà na mỗi ngày thì tôi chịu, không nói được tiếng Tiều thì thôi vậy.


Hơn hai mươi năm không sống ở Chợ Lớn, tôi vẫn không thể bỏ được một số thói quen như chạy xe rong ruổi những nẻo đường quận 5 và 11 để tìm lại những kỉ niệm xưa, vẫn thích xem múa lân dịp tết và thích ăn thịt gà luộc chấm nước tương gừng thêm tí dầu mè thay vì chấm nước mắm ớt. Những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn xuống bếp nấu một số món Quảng Đông cho vợ ăn hoặc cùng nhau đi ăn điểm tâm đủ món. Tôi yêu hủ tiếu mì hoành thánh không kém phở hay bún bò và tôi yêu Chợ Lớn không kém gì tôi yêu Sài Gòn. Đơn giản vì tôi là một người Việt gốc Hoa.

Little Princess
(Sưu tầm trên mạng)

No comments: