Tuesday, November 21, 2017

KHỔNG TỬ: NGƯỜI CAI TRỊ NGAY CHÍNH, THIÊN HẠ SAO DÁM KHÔNG CHÍNH?

Khổng Tử giảng rằng: “Chính giả, chính dã. Tử suất dĩ chính, thục cảm bất chính?” (政者正也子率以正孰敢不正). Ý nói, người cầm quyền, người cai trị thiên hạ phải chính. Lấy chính dẫn dắt người thì thiên hạ ai dám không chính? 


Ông còn giảng rằng: “Quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong, tất yển.” (君子之德風 小人之德草 草上之風必偃) Nghĩa là, đạo đức của người quân tử giống như gió, đạo đức của kẻ tiểu nhân giống như cỏ, gió thổi hướng nào, cỏ rạp theo hướng đó.

Chính hay không là ở người nắm quyền, một người nhân đức, một nước nhân đức, một người không tranh, cả nước không tranh, một kẻ tham lam tàn bạo, một nước rối loạn. Đây gọi là một lời mà hỏng việc, một người mà định quốc.

Những minh quân thời xưa đều biết rõ đại nghĩa trị quốc này nên đều tu dưỡng thiện tính thiên phú của bản thân, tu thành quân tử đại đức xứng với Thiên Địa. Đây được coi là nhiệm vụ chính yếu của người cầm quyền, không dám có chút bê trễ.

Nhưng, Thiên Địa là không lên tiếng, cái đạo của Thiên và cái đức của Địa là nhìn không thấy, sờ không được, cho nên, con người thế gian có ai có thể không mắc lỗi? Hơn nữa đức hạnh người quân tử lại liên quan đến đạo đức của Trời đất, liên quan đến đại sự quốc kế dân sinh. Vậy nên, người quân tử, bậc minh quân xưa khi mắc lỗi, họ đã làm thế nào?



Thứ nhất, Thiên tử tự tra xét lại bản thân mình, chủ động sửa chữa lỗi lầm. Từ xưa đến nay người quân tử và minh quân đều có hành động trên.

Thứ hai, quần thần can gián, quân vương tiếp thu lời can gián và sửa sai. Như Trâu Kỵ châm biếm Tề Vương nghe lời can ngăn, Lý Tư dâng “Gián trục khách thư”, Tần Vương nghe can gián, thu lại lệnh truy bắt khách. Vào thời Đường Thái Tông, Đại thần Ngụy Chinh dâng “Thập Tư sớ”, Thái Tông đặt tại bàn làm việc, lấy sách làm bình phong, phong là châm ngôn… Triều đình còn có các gián quan chuyên trách chỉ ra những sai sót của Quân vương.

Thứ ba, Trời hiển lộ thiên tượng, báo điềm lành, cảnh báo điều ác. Thiên địa không lên tiếng, những hiện tượng kỳ dị đó con người cần phải giải đoán. Cho nên trong quy chế của các Hoàng đế ngày xưa đều có các chức quan như Thái Sử Lệnh hoặc Ti Thiên Giám, Khâm Thiên Giám, phụ trách việc quan sát thiên tượng biến hóa, lý giải thiên mệnh, thiên ý, làm căn cứ cho việc triều chính được mất, cải cách chính sự của các bậc Đế vương.

Thứ tư, những hiện tượng kỳ lạ của Trời Đất mà quân thần bỏ sót, hoặc rà soát thấy mà không sửa, khiến Trời đất phẫn nộ, sẽ dẫn đến thiên tai nhân họa, hoặc núi long đất lở, lũ lụt, hạn hán, hoặc thiên tai tuyết lạnh… Dùng những hình phạt trên Thiên thượng nhằm cảnh cáo hạ giới, khiến các bậc Đế vương thức tỉnh mà tự ăn năn hối lỗi, điều chỉnh lại phương hướng, chính sách cai trị.


Thứ năm, nếu Trời Đất phẫn nộ mà vẫn không thức tỉnh, ăn năn, thậm chí còn khiến con người và thần linh cùng phẫn nộ, Thiên lý bất dung, sẽ xuất hiện lòng dân căm phẫn, tai họa trỗi dậy, thiên hạ đại loạn, không thể trị được, người mất, triều đình đi đến diệt vong.

Các vị minh quân thời xưa cho rằng: Những hiện tượng bất thường như thiên tai nhân họa đều là một hình thức trừng phạt khi con người thế gian rời xa khỏi những quy phạm về hành vi, đạo đức mà Thiên thượng quy định cho con người, lấy đó để cảnh tỉnh con người nên quay trở về Thiên đạo. Việc thiên hạ rời xa chính đạo, thì đầu tiên là tội do các bậc Đế vương.

Thời xưa, người ta tin rằng vua là con của Trời (Thiên tử), được cử xuống thay Trời quản nhân loại. “Suất thiên hạ dĩ đạo” (Lấy đạo thống lĩnh thiên hạ) là chức trách mà Thiên thượng quy cho Thiên tử. Chính là cái gọi là “Quân quyền Thần thụ” (Thần trao quyền cho vua).

Thuở ban sơ, Vua Nghiêu nhường lại ngôi vị cho vua Thuấn đã từng dặn dò Ngu Thuấn rằng: “Hỡi vua Thuấn! Ông đã mang trên mình Thiên mệnh rồi. Ông phải nắm vững đạo trong đó, nếu nhân dân lâm cảnh lầm than, lộc Trời ban của ông sẽ mãi mãi kết thúc.” Về sau, khi Ngu Thuấn nhường ngôi vị cũng nói lại lời này truyền cho Hạ Vũ.

Nói cách khác, Vua là sứ giả của thần linh nơi Thiên thượng. Cho nên Hoàng Đế xưa nay được tôn xưng là “Thiên tử”, là con của Trời. Hoàng đế có vinh diệu lớn nhất trên thế gian, đồng thời cũng phải gánh vách trách nhiệm lịch sử trọng đại nhất. Bảo hộ dân chúng hạ giới tránh khỏi tổn hại là thiên chức của Thiên tử. Nhân dân nghèo khó, lầm than là cái tội của Thiên tử. Cho nên, Thiên tử ắt sẽ bị Trời trừng phạt.


Các vị minh quân đời sau đều nghiêm cẩn tuân theo di huấn của vua Nghiêu vua Thuấn, coi an nguy của dân chúng, của thiên hạ là trách nhiệm của bản thân. Các bậc Đế Vương đầu tiên phải tự kiểm điểm sai sót của mình, công bố cho Thiên thượng và vạn dân thiên hạ rằng: “Vạn phương hữu tội, tại dư nhất nhân. Dư nhất nhân hữu tội, vô dĩ nhĩ vạn phương” (ý nói trăm họ có tội đều do một mình ta. Mình ta có tội, không thể giáng tội cho trăm họ).

Ví như khi Thương Thang cầu Trời mưa lúc hạn hán có khấn với Thiên thượng rằng: “Trẫm cung hữu tội, vô dĩ vạn phương; vạn phương hữu tội, tội tại Trẫm cung”. Nghĩa là, thân Trẫm có tội, không thể giáng cho trăm họ; Trăm họ có tội, tội cũng tại thân Trẫm.

Chu Vũ Vương còn nói rằng: “Bách tính hữu quá, tại dư nhất nhân”. Nghĩa là người trong thiên hạ có tội, tội đều tại mình ta. Mình ta có tội, đừng vì vậy mà liên lụy đến trăm họ trong thiên hạ. Nói cách khác, người trong thiên hạ có tội đều do ta không làm tròn chức trách, cầu xin Thiên thượng giáng tội lên mình ta, đừng làm liên lụy đến muôn dân thiên hạ.

Nguồn: trithucvn

No comments: