Anh Kim Chung, cư dân quận 5 thỉnh thoảng ôn lại ký ức thời ấu thơ của mình. Kỷ niệm không có gì đặc biệt nhưng anh nhớ nhiều nhất là thỉnh thoảng có những chiều được ba anh cho ngồi đằng sau yên xe máy để đến uống trà Vương Lão Cát ở tiệm nước sâm Châu Mẫn Sơ.
Ngồi sau xe, có lần anh được nghe ba kể: xưa vào đời nhà Thanh có hai vợ chồng bần nông, người chồng tên Vương Trạch Bang. Bấy giờ gần nơi họ ở xảy ra dịch bệnh nên vợ chồng ông tìm đường lánh lên núi. Lúc đang trên đường, họ gặp một vị đạo sĩ. Vì có hảo cảm với họ nên vị đạo sĩ này truyền thừa cho một phương thuốc giúp chống dịch. Vợ chồng Vương Trạch Bang y theo lời mà nấu thành một loại thuốc giúp bá tánh thoát khỏi tai ương.
Tin này đến tai vua Hàm Phong, vua liền cho triệu tập Vương Trạch Bang vào cung để nấu thuốc dâng lên cho văn võ bá quan dùng. Vị thuốc mang đến kết quả tốt nên ông được vua tin tưởng và ngợi khen, ra sắc lệnh cho thái y ban thưởng nhiều ngân lượng. Ông vinh quy về quê hương rồi mở tiệm Vương Lão Cát lương trà, bán thứ nước thuốc mà ông học được. Sở dĩ có tên đó vì ông họ Vương, hồi nhỏ có tên A Cát.
Bức tượng “Lưu Hải hí thiềm thừ” (phục chế) trong một góc nhà anh Lưu Kim Chung.
Cái tên quán lương trà đầu tiên xa xưa ấy bên Trung Hoa nay được dùng cho tiệm lương trà mà cha con Kim Chung đang tìm đến. Nói tiệm cho oai, thật ra tiệm nước sâm này chỉ là... một chiếc xe gỗ bán nước sâm dạo đặt bên vỉa hè đường Nguyễn Trãi. Điều đáng nói nhất ở đây là chú bé Kim Chung cho dù háo hức đã không uống được thứ nước sâm gọi là lương trà vì đó là thứ nước đen như mực tàu, đắng không thể tả! Vị đắng chính là bảo chứng cho sự chánh hiệu của thứ nước đó và chính nó khi được uống vào có thể giải nóng nội nhiệt cơ thể.
Nước sâm trong các tiệm lương trà ngày xưa đa phần dùng uống nóng, nước được giữ ấm trên cái bếp than để lửa riu riu. Có thể đó là cách dùng phổ biến nơi cố quốc với khí hậu ôn đới. Đến Chợ Lớn, tuy đa số tiệm vẫn giữ cách đó nhưng cũng có nơi làm khác đi để thích hợp với nhu cầu người dùng nơi khí hậu nhiệt đới. Một xe gỗ bán nước sâm có bảng hiệu Nhơn Ký, đặt ngay giao lộ Nguyễn Tri Phương - Nguyễn Trãi lại chỉ bán nước sâm ướp lạnh. Xe này dễ nhận dạng với hai bình đồng đặt trên xe gỗ nhỏ.
Trong thời gian đi quanh Chợ Lớn tìm hiểu về loại “lương trà” rất đặc trưng của người Hoa này, Kim Chung nhớ nhất một tiệm nước sâm gia truyền nổi tiếng một thời nằm trên đường Thủy Binh Nhai (đường Trần Hưng Đạo B ngày nay), đoạn giao với Quảng Đông Nhai (đường Triệu Quang Phục). Đó là tiệm lương trà Vạn Tế Đường thuộc quận 5 bán nhiều loại nước giải khát truyền thống Trung Hoa.
Tiệm này chuyên bán nước sâm, cao quy linh, rễ tranh, mía lau, bạch cúc hoa, ngũ hoa trà, hạ cô thảo, vương lão cát (tức nước đắng) và các loại thảo dược tươi “sanh thục dược tài” nhập bên núi La Phù Sơn - là một trong tứ đại danh sơn vùng đất Lĩnh Nam thuộc Quảng Đông. Vừa bán lương trà, chủ tiệm Vạn Tế Đường cũng có vô số phương dược, các loại cao dược, thuốc tán... chữa trị nội nhiệt, cảm hàn, ho, sốt, đau đầu và các chứng tạp bệnh khác.
Người Hoa thế hệ 7X trở về trước vẫn tin rằng uống ba bốn chén vào ắt bệnh tiêu trừ. Đặc điểm để nhận dạng tiệm này là có một pho tượng gỗ rất lạ được bày trước bàn cửa tiệm. Tượng trông giống nhân vật Võ Tòng với một chân đá ngang, đầu đội thảo mão, tay vác một cây gậy ngang vai với ba miếng gỗ thòng xuống nối tiếp nhau dạng hình thoi.
Gia đình tiệm Vạn Tế Đường tại căn nhà cũ trước khi dời đi. Ảnh chụp năm 1995
Khi đi tìm dấu vết của Vạn Tế Đường, Kim Chung cho rằng mình thật hữu duyên khi có cơ may gặp được chủ nhân thuộc thế hệ đời thứ hai, là con của chủ tiệm. Một buổi chiều, anh đến đúng ngôi nhà nơi đặt tiệm trước đây và cảm thấy bất ngờ vì diện mạo ngôi nhà không phải lối kiến trúc xưa theo kiểu phương Đông đã từng thấy trong ảnh trên mạng, thay vào đó là một căn cao ốc của chủ tiệm bán quần áo thời trang với cửa kiếng sang trọng. Người chủ hiện tại cho biết chủ cũ đã dời đi vào năm 2006. Rất may là người lái xe ôm gần đó tên A Minh biết chỗ của gia đình họ nên đưa Kim Chung đến nơi cư ngụ hiện tại của chủ nhân tiệm Vạn Tế Đường, ở gần khu Cây Da Sà thuộc quận Bình Tân.
Một phụ nữ thấp nhỏ độ chừng 60 tuổi bước ra tiếp khách. Cô là Tất Quế Chi, vui vẻ ôn lại chuyện gia đình mình. Gia đình cô quê quán ở Quảng Đông, người Hoa Huyện, di cư sang Việt Nam những năm 1920, tổ phụ là ông Tất Tu Hiền và tổ mẫu là bà Bành Thị Vương. Ban đầu họ làm nghề Tiên Hoa Hãng, tức nghề cắm hoa tươi trang trí để mưu sinh và lấy tên tiệm đầu tiên là Di Xuân Viên. Về sau do có làm thêm nghề nấu và bán rượu nên đổi hiệu là Vĩnh Điền Sạn. Ba cô Chi, ông Tất Kiếm Hùng (tự Văn) ban đầu theo nghề phụ gánh hát Hồ Quảng và trang trí cắm hoa phụ cha trên vũ đài nhưng sau một thời gian, ông hồi hương.
Do tổ nghiệp vốn hành nghề đại phu (thầy thuốc bắc) nên sau khi tốt nghiệp cha cô về lại Việt Nam trong thập niên 1950 để lập gia đình, lúc đó ông đã ngoài tứ tuần.Vạn Tế Đường chính thức lập ra vào khoảng năm 1957, cũng từ cơ duyên đó. Trước đó, việc trông coi cửa tiệm có bốn người là các cô Tất Cửu, Tất Lan, Tất Hằng Hạ và Tất Hằng Ngọc. Cha cô là thứ năm. Cha mẹ cô sinh hạ được tám người con, bốn trai bốn gái. Cha cô mong muốn con trai được phát dương rộng lớn về sau nên tên có chữ Dương, còn con gái thì cha cô đặt tên theo các loại thảo dược.
Về nghề gia truyền, cô chia sẻ: khi chế biến nước sâm theo kiểu truyền thống và muốn giữ hương vị đặc trưng, điều cốt yếu là phải đủ lửa, nấu như nấu thuốc, để lửa riu riu thì dần dần vị thuốc mới ra hết. Cách nấu này rất công phu, nhiều lúc kéo dài mấy tiếng đồng hồ. Nước thường được giữ nóng trong ấm để trên lò than nhỏ lửa thì uống mới công hiệu, tốt cho sức khỏe, không phải như bây giờ nấu bằng gas nhanh cấp tốc nhưng thiếu hiệu quả. Một chén sâm ngon khi uống vào phải cảm nhận được đầy đủ các vị hài hòa với nhau nhưng vẫn có thể nhận ra vị của từng loại thảo dược, trong đó có vị ngọt của mía lau, hương thoang thoảng của kim ngân hoa, cúc hoa... chứ không chỉ ngọt và thơm.
Về bức tượng gỗ ngày xưa đặt trước tiệm, cô Quế Chi cho biết chỉ nghe ba cô kể tượng được đem từ quê hương Trung Hoa sang, gọi là Nhị Hoa Diện, dạng vẽ hoa văn hai mặt giống các nhân vật Hồ Quảng, tính cách như Trịnh Ân - một vị quan trung thần bị hãm hại, tay gánh ba miếng lá cao dược đi khắp nơi để cứu thế. Trong tờ quảng cáo thuốc cao đơn hoàn tán của Vạn Tế Đường, cũng yêu cầu khách mua: “xin hãy nhận biết qua nhãn hình Nhị Hoa Diện”.
Một tiệm thuốc ở Chợ Lớn. Ảnh: Tư liệu
Về nhà, Kim Chung cố gắng tìm hiểu nhân vật Trịnh Ân nhưng không có manh mối nào về nhân vật bán thuốc bắc cứu thế này. Phải chăng có nhầm lẫn về tên của ông? Dù sao, pho tượng đó trở thành một linh vật, một nhãn hiệu của tiệm trước đây với gương mặt thật thà ngay thẳng. Có thể đó là tượng “Lưu Hải hí thiềm thừ”, nhân vật đứng trên tượng con cóc ba chân trong văn hóa Trung Hoa. Tương truyền ông là một vị tu sĩ đắc đạo theo ông Lữ Đồng Tân trong bát tiên. Người Phúc Kiến xem ông là thần tài vì ông thường bố thí giúp đỡ người hoạn nạn. Trong tích xưa, có con cóc yêu tinh rất thích ăn tiền gây tai họa cho nhân gian. Lưu Hải nghe tin đã dùng một dây tiền để dụ câu cóc tinh ở một cái giếng. Trong lúc giao đấu, cóc tinh bị gãy một chân. Sau khi được thu phục, cóc tinh ăn năn và đã lấy số tiền lúc trước của dân cùng Lưu Hải ban phát lại cho dân. Tích “Lưu Hải hí kim thiềm” cũng có từ đây. Cóc thiềm thừ đồng âm với kim thiềm tức là vàng bạc nên hình tượng Lưu Hải câu tiền vàng được thế nhân xem là mang đến sự may mắn về tài lộc.
Nghe cô Quế Chi kể hồi xưa từng có nhiều người mua bán hàng rong khi đi ngang qua tiệm thường đến khấn vái trước bức tượng. Vào thập niên 1960 bức tượng từng bị trộm rinh đi, rất may gia đình cô đã đuổi kịp để lấy lại.
Đến nay, trong gia đình Vạn Tế Đường hầu như không còn ai bán nước sâm như cha ông. Nhà cô Quế Chi làm nghề mài kéo để mưu sinh. Kỷ niệm còn lại chỉ là những câu chuyện cô kể cho Kim Chung nghe.
(Tư liệu và hình ảnh trong bài của anh Lưu Kim Chung)
Phạm Công Luận
Theo; Người Đô Thị Online
No comments:
Post a Comment