Riêng trẻ con mới đi tìm những điều huyền hoặc trên bầu trời hay trong tán lá xanh. Thiên nhiên dễ kết nối với trẻ vì trẻ con luôn luôn háo hức khám phá thiên nhiên quanh mình. Trẻ con luôn ngạc nhiên vì sao có các hình thù khác nhau của những chiếc lá từ các loại cây, vì sao lá có nửa mặt màu nâu, mặt kia màu xanh; vì sao lá này quá to và lá kia lại nhỏ li ti, lá này thuôn dài và lá kia có hình tim v.v..
Trẻ con có nhiều trò chơi với cây lá: ngồi lên tàu cau để kéo nhau đi; làm súng bằng bẹ chuối; tách múi trái bã đậu cứng để khắc hình con cá xỏ chỉ đeo trước ngực; chơi đấu cỏ gà...
Trẻ con thấy được những điều huyền hoặc từ cây lá: những bông hoa vú sữa nhỏ li ti có thể kết thành chuỗi màu vàng rất dễ thương; lá bồ đề ngâm nước muối đến rã mục sẽ thành một cái lá đuôi dài trong veo chỉ còn gân lá nhuộm màu rất đẹp; bông phượng có thể tạo hình một con bướm đỏ rực; hoa cây kiến cò trắng giống hệt một con cò tí hon đang đậu trên cành...
Chuyện thường thấy trong mùa hè: khi ngồi trên xe đến một điểm du lịch, lũ trẻ và cả người lớn sật sừ mệt mỏi và cáu kỉnh nhưng khi ra khỏi xe đến một điểm nhiều cây xanh cỏ lá, mọi thứ thay đổi. Họ bắt đầu chạy vòng quanh khám phá, sẵn sàng chạm vào đất cát, bày trò chơi. Đó là sức mạnh phục hồi của thiên nhiên.
Đường Tôn Đức Thắng TP.HCM từng có những hàng cây cổ thụ xanh mát như thế này. Ảnh: TL
Anh bạn tôi, sau mấy năm được trả lại căn biệt thự của gia đình cho thuê, trở về dọn dẹp và tìm thấy một hố đầy cát vàng do người thuê tạo nên, trên khoảnh đất trước kia vợ anh trồng hoa hồng. Anh hiểu ngay những gì đôi vợ chồng người châu Âu từng thuê nhà mong muốn, khi hai con của anh bị cuốn hút bởi cái hố cát. Ở đó, hai con trai anh nhào xuống chơi mỗi ngày, thỉnh thoảng tìm thấy những con giun đất, dế lửa, có khi là con bổ củi. Hai đứa tìm hiểu về bầy côn trùng trong hố và trên những cây mọc dọc tường rào, dùng iPad chụp ảnh côn trùng và vẽ lại. Trong vài tuần chờ đợi cho người khác thuê, hai đứa con anh tận dụng kỳ nghỉ hè quanh quẩn trong sân nhà chơi với cái hố cát mà tìm thấy niềm vui.
Tôi biết nhiều người ở thành phố này, khi nhà có tang cũng thắt khăn tang cho mấy cái cây trong sân. Có người nhắc hoài như nhắc người thân, về một cây táo gai lâu năm ra trái ngọt, một cây khế chua, một cây trứng cá thường rụng trái làm dơ sân. Cây sống lâu với người thành thân thiết, như khi nuôi con mèo con chó.
Hàng cây nói với lề đường
Những khi đổ lá là thường nhớ nhau...
Hai câu thơ gợi cảm trên, được cho là của Nguyễn Tất Nhiên. Một cái cây trước sân nhà cũng chứng kiến một cuộc hẹn hò, hai hàng cây trên đường đủ tạo thành một “con đường tình ta đi”. Nhiều người âm thầm đau lòng khi hàng cây trên đường Tôn Đức Thắng bị chặt bày ra một khoảng đường nắng khó chịu, mất đi dáng vẻ thanh mát của con đường hoa mộng những ngày tháng cũ, những ngày từ tam giác đại học chạy ra hóng gió bến Bạch Đằng rồi lang thang Tự Do, Lê Lợi.
Đọc dăm cuốn sách về cây cỏ ở Sài Gòn, tôi thấy kiến thức mình quá nhỏ bé, không biết gì về những cây cối độc đáo trong thành phố này. Không biết có cây lòng máng lá cò ke rất già lão mọc sát chuồng sư tử Thảo Cầm Viên, được giữ lại từ các cánh rừng đã bị phá gần hết từ ba trăm năm trước. Không biết về cây bao báp xuất xứ từ châu Phi, chỉ có cái tên quen thuộc từ khi đọc truyện Hoàng tử bé, cũng ở Thảo Cầm Viên, có đài ở gốc trông như một con chuột treo lủng lẳng bằng đuôi nên có tên là “cây chuột chết” (dead rat tree)...
Trong những năm đầu thập niên 1990, đi xem văn nghệ ở công viên Bạch Tùng Diệp, mới biết cây đa ở công viên Lý Tự Trọng. Cây này gắn với dấu vết thương mại sơ khai của Sài Gòn vì dưới gốc có một cái chợ sầm uất nổi danh một thời được gọi là “Chợ cây đa còm” mà theo Trương Vĩnh Ký, học trò trường thi Gia Định (nay là Nhà văn hóa Thanh niên), nếu thi đậu thì đến chợ này mua sắm mũ áo. Những cây dầu con rái trồng trên các con đường xưa như Sương Nguyệt Anh, Bùi Thị Xuân, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Thái Bình... được cho là có từ các cánh rừng xưa trước khi người Pháp mở đường.
Và đường Tôn Đức Thắng trở nên quá lạ lẫm với nhiều người dân Sài Gòn sau khi những hàng cây cổ thụ bị đốt hạ cách đây chưa lâu. Ảnh: Kenh14-Tri Thức Trẻ
Cây cối cũng là nhân chứng, là di sản của thành phố này. Cũng giống như nhiều tòa nhà xưa quý giá ở thành phố, chúng không được mấy ai quan tâm về sự tồn tại của chúng, nói gì đến xuất xứ, gốc tích. Sự tồn tại của chúng không phải bất biến, dễ dàng bị tiêu diệt từ một dự án, một tham vọng nhân danh sự phát triển chung.
Ký ức về cây cối quanh tôi khá nhỏ nhoi, nên tôi nhớ nhiều đám cây nhạc ngựa có những trái dài rung lên kêu xào xạc, mọc dại ở một khoảnh đất hoang đầy cỏ khi xưa, nay là công viên Chiến Thắng. Là những hàng phượng vỹ đỏ rực trời mùa hè trên đường Tân Canh. Là những cây lá cách bám đầy bọ rùa, mọc gần nhà và nhiều nhất là những cây ổi, cây mận cung cấp món ăn ngày thơ ấu. Cây cỏ vô tình nhưng tôi nghĩ nhà thơ Ralph Waldo Emerson đã có lý khi cho rằng thiên nhiên và sách chỉ thuộc về những đôi mắt thấy được chúng và lúc hiểu được thiên nhiên, thì lúc đó “cỏ dại cũng là hoa” (lời nhà văn Anh A. A. Milne).
Phạm Công Luận
Theo: Người Đô Thị Online
No comments:
Post a Comment