Năm 1957, nhạc sĩ Phạm Duy bước chân vào cuộc tình đặc biệt với một thiếu nữ, là nguồn cảm hứng để ông sáng tác những bài tình ca nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình. Ngay khi chuyện tình đó bắt đầu, nhạc sĩ đã thấy le lói những khổ đau chắc chắn sẽ đến, nhưng có lẽ chính ông cũng không nghĩ rằng chuyện tình đó kéo dài đến hơn 10 năm.
Bởi vì vậy, chỉ một năm sau khi bắt đầu chuyện tình đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác một bài hát về dự cảm chuyện tình sẽ kết thúc, người yêu sẽ lên xe hoa:
Nếu một mai em sẽ quɑ đời
Hoa phủ đầy người
Xe nhịp đằm khơi xa xôi.
Nếu một mai em đốt pháo vui
Hát theo người
Hương cưới chia phôi, cười mặn tình đời.
Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết trong hồi ký như sau: “Với hoa phủ đầy người, em sẽ lên xe hoa! Xe hoa ở đây là xe tang hay là xe cưới? Chỉ biết rằng em sẽ qua cầu, em phải xa anh”.
“Nếu” là một tình huống giả định trong tương lai, những cái “nếu” rất bi quan ngay trong thời điểm nhạc sĩ đang được đắm chìm trong hạnh phúc cùng người yêu bé nhỏ. “Nếu một mai em đốt pháo vui”, em sẽ bước lên xe hoa, khoác áo lộng lẫy để bước theo chồng, nhưng với chàng trai thì đó chính là ngày cuộc tình theo chiếc xe tang nhịp đằm khơi để về một nơi thật xa.
Tựa bài hát là Nếu Một Mai Em Sẽ Quɑ Đời, nhưng có lẽ đó chỉ là cách ẩn dụ “em” chính là cuộc tình, sẽ có một ngày tình yêu này bị phủ đầy hoa tang trong “ngày cưới chia phôi”. Thực tế, một trong lần những phát hành tờ nhạc ca khúc này, nhạc sĩ để tên bài hát ở lưng chừng: Nếu Một Mai Em Sẽ…
Nếu một mai em bước qua thềm
Mang nặng hồn mềm
Em trở mình trên nhân duyên
Nếu nửa đêm trăng gió đã lên
Bão mưa êm, chăn gối ghi tên
Bia mộ đường quên.
Nếu một mai không còn ai
Ðứng bên kia đời trông vòi vói
Không còn ai! Ðâu còn ai?
Trong ngày mai, có dư hương người
Chỉ là giăng giối mà thôi.
Nếu một mai em bước qua thềm, dù là thềm cưới hay là thềm tang, thì lúc đó nhân duyên của chúng mình đều sẽ kết thúc, em sẽ trở mình để vụt xa khỏi đời anh vĩnh viễn.
Nếu vào một nửa đêm trăng gió đã lên, dù khi đó em ở trong phòng cưới chăn gối ghi tên, hay là em nằm trong bia mộ đường quên, thì cũng đều có nghĩa là anh sẽ mất em vĩnh viễn. Không còn ai, đâu còn ai. Những dư hương của người, dù vẫn còn quẩn quanh hoài ở đây hoài với anh, thì cũng chỉ là như lời trăng trối (giăng giối) của em để lại sau khi đã vĩnh viễn rời xa anh mà thôi.
(Có một số ca sĩ hát: “chỉ là gian dối”, tuy nhiên lời gốc trong các tờ nhạc đều ghi là “giăng giối”, là cách nói mang tính địa phương của chữ “trăng trối”)
Nhạc sĩ Phạm Duy ghi ngắn gọn hoàn cảnh sáng tác ca khúc này trong hồi ký như sau: “Nhưng trong hạnh phúc của cuộc tình đã thấy le lói sự khổ đau. Bởi vì tôi tự biết không giữ được cuộc tình này cũng như không đủ can đảm để đi theo nó”.
Dù đang trong hạnh phúc của cuộc tình vừa mới khơi, nhưng trong những khoảnh khắc suy tư, lo lắng về những viễn cảnh buồn sẽ xảy ra, nhạc sĩ đã nghĩ đến những trường hợp xấu nhất, như là một ngày nào đó người sẽ lên xe hoa, lên xe tang, hoặc là người yêu sẽ phản bội mình, quay gót cuốn mau:
Nếu về sau em có qua cầu, không chẳng vì sầu
Thương chẳng còn đâu, mà nói chuyện quên nhau
Nếu vì sao quay gót cuốn mau
Dấu chân sâu in vết không lâu
Chẳng nợ gì nhau…
Nếu một mai em bước qua cầu, thì đơn giản là vì em sẽ không còn thương (chứ chẳng phải vì sầu), em sẽ quay gót cuốn mau, dấu chân sâu của cuộc tình ngày xưa dù đã từng rất tha thiết nhưng rồi cũng sẽ nhanh chóng chìm vào lãng quên (in dấu không lâu), như vậy thì sẽ chẳng còn nợ gì nhau để người nhẹ lòng rẽ sang lối khác.
Toàn bộ bài hát nằm trong một chữ “Nếu”, là tình huống giả định, là sự tưởng tượng của nhạc sĩ. Giả sử rằng ngày mai em sẽ lên xe tang, hoặc là lên xe hoa (đốt pháo vui), hay là em sẽ phản bội (quay gót cuốn mau)… Dù là bất kỳ tình huống nào đi nữa thì cũng đều mang lại một kết quả chung là phải lìa xa nhau mãi mãi.
Tròn 10 năm sau ngày bài hát này ra đời thì “người yêu bé nhỏ” của nhạc sĩ Phạm Duy mới bước lên xe hoa, ông đã tiễn nàng bằng bài ca Nghìn Trùng Xa Cách:
Nghìn trùng xa cách người đã đi rồi
Còn gì đâu nữa mà khóc với cười
Mời người lên xe về miền quá khứ
Mời người đem theo toàn vẹn thương yêu
Nhạc sĩ Phạm Duy cũng viết trong hồi ký như sau: “Vì vấn đề chênh lệch tuổi tác cũng như vì tôi không muốn làm phiền những người chung quanh một lần nữa, tôi quyết định ngay từ lúc đầu rằng đây chỉ là một mối tình giữa hai tâm hồn mà thôi. Tôi cố gắng tránh mọi đụng chạm về xác thịt và tôi hãnh diện để nói rằng nàng vẫn là một trinh nữ khi rời xa tôi để bước chân lên xe hoa về nhà chồng”.
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn
No comments:
Post a Comment